Xin ý kiến Bộ Chính trị việc quản lý 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an
Theo đề nghị của Ủy ban Tư pháp và nhiều Đại biểu Quốc hội, cần tách 4 trại tạm giam độc lập khỏi cơ quan điều tra của Bộ Công an.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật tạm giữ, tạm giam chiều 14/10.
Đối với 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý là chưa phù hợp.
Theo ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thì cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và cần giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với Cơ quan điều tra, nhằm phòng chống bức cung, dùng nhục hình.
Do đó, thẩm quyền quản lý 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an sẽ được chuyển từ cơ quan điều tra Bộ Công an sang cho Cơ quan quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam (Cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an) và nội dung này đã được chỉnh lý như tại Điều 12 của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự án luật (Bộ Công an) đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý để thuận lợi cho công tác điều tra. Đây là vấn đề đang xin ý kiến của Bộ Chính trị.
Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân. ảnh: TTXVN.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị về cơ bản giữ mô hình quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam như hiện nay nhưng có sự tách bạch tương đối độc lập về mặt tổ chức giữa cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra; cần giao các trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho Cơ quan quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam Bộ Công an (Cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an) quản lý; bảo đảm tính độc lập hơn của nhà tạm giữ, trại tạm giam với Cơ quan điều tra ở tất cả các cấp.
Một số ý kiến khác đề nghị cần tổ chức lại nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, tránh việc Cơ quan điều tra lạm dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình.
Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, qua khảo sát tại một số nhà tạm giữ, trại tạm giam cho thấy, trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp.
Video đang HOT
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giữ mô hình hiện nay, nhà tạm giữ thuộc quản lý của Công an cấp huyện và trại tạm giam thuộc quản lý của Công an cấp tỉnh là phù hợp.
Đối với vấn đề phân loại quản lý tạm giữ, tạm giam, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần duy trì chế độ giam riêng giữa nam và nữ, giữa người chưa thành niên với người đã thành niên, giữa những người trong cùng một vụ án.
Đồng thời cần quy định cơ chế linh hoạt cho phép nhà tạm giữ, trại tạm giam phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để xử lý trong trường hợp đặc biệt, quyết định việc giam giữ chung đối với người trong cùng một vụ án hoặc người đã thành niên với người chưa thành niên trong các tình huống cụ thể mà thực tiễn đã phát sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, qua khảo sát, giám sát về công tác tạm giữ, tạm giam tại một số địa phương thời gian qua cho thấy, hầu hết các nhà tạm giữ của Công an cấp huyện cũng như buồng tạm giữ trong trại tạm giam đều có số lượng phòng hạn chế, trong khi đó một số vụ án có số người bị tạm giữ, tạm giam đông thì việc quy định không tạm giữ, tạm giam chung những người trong cùng một vụ án trong mọi trường hợp là rất khó khả thi.
Bên cạnh đó, người bị tạm giữ, tạm giam là người chưa thành niên khi mới bị tạm giữ, tạm giam thường có biểu hiện tâm lý không ổn định thì nhà tạm giữ, trại tạm giam vẫn cần bố trí một đến hai người đã thành niên chấp hành kỷ luật, nội quy tốt cùng sinh hoạt với họ để kiểm soát hành vi, khuyên răn, tránh việc họ tự sát hoặc tự gây thương tích cho mình.
Tiếp thu ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội, việc phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam đã được chỉnh lý lại tại khoản 2, 3 Điều 18 dự thảo Luật như sau:
- Không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử.
- Trong trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế của nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Đồn Biên phòng phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị phân loại giam giữ riêng những người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên và người khuyết tật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, người từ 70 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi, nhưng theo quy định của pháp luật thì họ vẫn có đầy đủ khả năng nhận thức, năng lực hành vi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự, do đó việc giam giữ riêng đối với họ là không cần thiết, nhất là trong điều kiện giam giữ của Nhà nước ta còn hạn hẹp, khó khăn.
Đối với người khuyết tật nếu giam giữ riêng, có thể dẫn đến họ gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là đối với những việc mà họ không thể tự mình xử lý được, mà cần phải có người hỗ trợ của người khác hoặc của cơ sở giam giữ. Do đó, đề nghị không phân loại để giam giữ riêng đối tượng này.
Ngọc Quang
Theo giaoduc
Thực hiện "quyền im lặng" để giảm tối đa oan, sai
"Nếu bỏ lọt tội phạm là sai một lần thì làm oan là nhân đôi số lần sai vì làm oan người này sẽ là bỏ lọt tội phạm khác. Việc dùng mọi biện pháp, kể cả vũ lực buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan chấn động dư luận vừa qua" - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.
Bà Lê Thị Nga là một trong những đại biểu đầu tiên bấm nút, phát biểu trong phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi tại Quốc hội sáng nay, 17/6.
Đại biểu Lê Thị Nga: "Quyền im lặng" là một phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân. (Ảnh: Việt Hưng)
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp đi thẳng vào vấn đề đang nhận nhiều quan điểm trái chiều nhất hiện nay là đề xuất quy định "quyền im lặng" của người bị bắt, tạm giam, tạm giữ. Không dùng khái niệm "quyền im lặng", bà Nga nhấn mạnh đây là quyền "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".
Bà Nga phân tích, đây là vấn đề xuất phát từ quyền tự nhiên của con người là quyền tự bảo vệ. Theo bà Nga, một người là thủ phạm nhưng có thể có hàng chục người bị tình nghi và bị tình nghi chưa phải là có tội. Luật cần đảm bảo quyền này cho những người bị tình nghi khi bản thân họ tự thấy chưa đủ điều kiện về nhiều mặt như kiến thức pháp luật, về thể chất, tinh thần; họ cần thời gian để bình tĩnh suy nghĩ cân nhắc, cần có người trợ giúp về mặt pháp lý để tránh tình trạng tự đưa mình vào tình thế bất lợi, tự buộc tội chính mình.
Nữ đại biểu chỉ rõ, thực tế cho thấy, lần đầu bị công an triệu tập, nhiều người mất bình tĩnh, thậm chí hoảng loạn, nhất là người ít hiểu biết pháp luật, vị thành niên, người dân tộc thiểu số, có những trường hợp đã tự sát tại nơi lấy lời khai hoặc nơi giam giữ. Bà Nga dẫn ví dụ trường hợp anh Hoàng Văn Ngài, người dân tộc H'Mông, tự sát năm 2013 tại Công an Gia Nghĩa - Đăk Nông sau 02 ngày bị triệu tập lên làm việc.
Quyền tự bảo vệ, theo đó, thực chất là một phần quan trọng của quyền bào chữa. Đây là một phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân dù ở trình độ nhận thức pháp luật thấp nhất trước sự đối diện với cán bộ điều tra được đào tạo bài bản về thủ pháp điều tra, dầy dạn nghiệp vụ thẩm vấn.
Thực hiện quyền này, theo bà Nga, còn giúp giảm tối đa oan, sai.
"Nếu bỏ lọt tội phạm chỉ sai một lần thì làm oan đã nhân đôi số lần sai vì đã bao hàm cả bỏ lọt. Việc dùng mọi biện pháp (kể cả vũ lực) buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa, ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội, rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa - đây là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan chấn động dư luận vừa qua" - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp dẫn chứng với 3 vụ án điển hình là vụ kết tội Huỳnh Văn Nén, vụ Nguyễn Thanh Chấn hay vụ Trần Văn Đỡ (Sóc Trăng).
Bà Nga lập luận, "quyền im lặng" đã được thể hiện trong công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị mà Việt Nam tham gia từ năm 1982, quy định về nội hàm trong Hiến pháp 2013 cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên, những tồn tại trong thực tiễn là do kỹ thuật lập pháp không quy định trực tiếp quyền không trình bày lời khai mà chỉ có thể hiểu gián tiếp nên thực tế những quy định trên không được chấp hành nghiêm.
Cùng với những hạn chế của tố tụng thẩm vấn, "suy đoán có tội" đã trở thành khá phổ biến. Điều tra, truy tố, xét xử sẽ được kết thúc một cách nhanh chóng nếu có được lời nhận tội. Vì vậy, thực tế nhiều trường hợp đã biến từ "quyền trình bày lời khai" thành nghĩa vụ phải khai báo và đã từng xảy ra mớm cung, bức cung, nhục hình. Từ đó, việc không thực hiện quyền trình bày lời khai cũng bị đánh giá là "thiếu thành khẩn", "không hợp tác với cơ quan tố tụng"; nghi can tự bào chữa bị coi là "quanh co, chối tội hòng trốn tránh trách nhiệm". Tất cả những tình tiết này đều bị tòa án dùng làm căn cứ để quyết định mức án nặng hơn.
Nữ đại biểu "phê" thẳng: "Việc lãnh đạo liên ngành tư pháp trung ương vừa qua vẫn kiên trì bảo vệ bản án kết tội Hồ Duy Hải trên cơ sở chủ yếu căn cứ vào lời khai nhận tội của Hải mà bỏ qua hàng loạt vi phạm rất nghiêm trọng về nội dụng và tố tụng theo tôi cũng là một minh chứng rõ ràng của xu hướng suy đoán có tội".
Ủng hộ quy định về "quyền im lặng" thể hiện trong dự thảo Bộ luật sửa đổi lần này, bà Nga nhận định, điều đó sẽ giúp cho bị can, bị cáo thấy rõ quyền của mình, người tiến hành tố tụng thấy rõ nghĩa vụ và giúp Nhà nước chống oan, sai. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để thực hiện nguyên tắc "trách nhiệm chứng minh", "suy đoán vô tội", "đảm bảo quyền bào chữa".
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cung nêu quan điểm ủng hộ đề xuất bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung. Quy định này, theo bà Nga, nhằm đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, ghi nhận khách quan hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư; là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo bức cung, nhục hình và bảo vệ nghi can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật, bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là xui cho bị can chối tội.
Bác bỏ quan điểm cho rằng quy định này thiếu khả thi vì không đủ kinh phí, bà Nga dẫn lại lời Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại phiên chất vấn trong kỳ họp cuối năm 2013 khẳng định Bộ này đang lựa chọn giải pháp và từng bước lắp đặt thiết bị nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động hỏi cung.
Theo đó, trong báo cáo giám sát oan sai vừa qua, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã kiến nghị Chính phủ đầu tư kinh phí cho thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung nhục hình.
Như vậy, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp khái quát, cả Bộ Công an, VKS tối cao, Toà án tối cao, UB Thường vụ Quốc hội và UB Thẩm tra đã cơ bản đồng tình với chủ trương này, sự đồng thuận đã đủ để luật hoá quy định trong lần sửa Bộ luật Tố tụng hình sự này.
P.Thảo
Theo Dantri
Vụ làm oan ông Chấn: 'Không thể chỉ một người chịu trách nhiệm' Bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao đã hứa trước Quốc hội sẽ xử lý nghiêm khắc những người gây ra oan, sai. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một thẩm phán TAND Tối cao xử phúc thẩm làm oan người vô tội đã bị khởi tố. PV đã trao...