Xin sữa mẹ cho con, những điều cần lưu ý
Gần đây, câu chuyện về ông bố trẻ góa vợ lặn lội đi xin sữa mẹ cho con khiến nhiều người cảm động. Theo các bác sĩ, sữa mẹ tốt nhất cho trẻ nhỏ nhưng việc xin – cho sữa cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Trong tháng 5, nhiều người truyền tai nhau câu chuyện về anh Trình Tuấn – có vợ qua đời vì xuất huyết tử cung khi con vừa chào đời được 10 ngày. Từ đó anh Tuấn lặn lội đi nhiều nơi, mang túi xin sữa cho con, bất kể nắng mưa. Dần dần, anh tiếp cận được với nhiều bà mẹ đang có con nhỏ có thể giúp bé gái của mình đủ sữa bú. Con gái anh hiện 18 tháng tuổi, khỏe mạnh, đáng yêu.
Từ thực tế này, anh Tuấn đã sáng lập nên Ngân hàng sữa mẹ, tạo thành một mạng lưới liên kết giữa các bà mẹ. Hiện nay, ngân hàng sữa mẹ đã thu hút hơn 9.000 thành viên, và bắt đầu kết nối với hệ thống ngân hàng sữa mẹ của thế giới.
Thực tế, từ nhiều năm nay, không ít bà mẹ sau khi sinh, vì mất sữa hay có bệnh không thể cho con bú, đã nhờ tới nguồn sữa của những bà mẹ khác để nuôi dưỡng con trong những ngày đầu đời non nớt.
Trường hợp chị Trà (Từ Liêm, Hà Nội) là một điển hình. Bị bệnh về phổi, khi mang thai đã liên tục phải dùng kháng sinh nên sau đẻ, dù sữa về nhiều, chị Trà không dám cho con bú mà phải vắt bỏ sữa. Em bé của chị sinh non, nhẹ cân, dùng sữa non hay sữa công thức vẫn khó đi ngoài nên bà mẹ trẻ quyết định lên mạng đăng thông tin xin sữa từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Mỗi lần có nguồn, người nhà chị lại đi xe máy đến tận nơi lấy về, mang theo tủ đá để bảo quản cho tốt. “Nhờ sự chia sẻ quý giá đó, bé nhà tôi đã lớn dần và phát triển tốt. Khi bé cứng cáp hơn, tôi luyện cho con làm quen dần với sữa công thức rồi duy trì tới khi cháu 10 tháng tuổi thì mới không xin sữa nữa, ăn hoàn toàn sữa ngoài”, chị Trà cho biết.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ. Ảnh minh họa: Thiên Chương.
Video đang HOT
Theo giáo sư Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hành động xin – cho sữa mẹ là một nghĩa cử đẹp và trước đây điều này được coi là “bệnh viện bạn hữu trẻ em”, vì không những cung cấp dưỡng chất cho trẻ, mà còn bảo vệ bé khỏi nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nhờ khả năng miễn dịch từ sữa mẹ.
Theo ông, thực tế trước đây việc xin sữa mẹ cho con, với các bà mẹ ít sữa hay trẻ chẳng may mất mẹ sớm, rất phổ biến. Ngày nay, việc này ngày càng hạn chế, nhất là ở thành phố, vì trẻ có nguồn sữa công thức thay thế, cộng với tâm lý nhiều gia đình lo ngại khả năng trẻ bị lây bệnh khi bú sữa của người khác.
Giáo sư Đức Vy cho rằng, thực tế đúng là sữa mẹ có thể lây truyền một số bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B, bệnh do siêu vi trùng… nếu người cho bú mắc phải. Ngoài ra, các bà mẹ có bệnh ở vùng vú như áp xe vú, vú bị viêm mủ cũng không được cho trẻ bú. Những người này cần kiêng cho con (hay trẻ khác) bú hoàn toàn, vắt sữa ở bên vú bị viêm bỏ đi, chữa khỏi hẳn bệnh thì mới được cho trẻ bú trở lại. Trẻ bú ở bên vú bị viêm nhiễm này có thể bị nhiễm khuẩn gây ỉa chảy.
“Vì thế, khi xin sữa mẹ tốt nhất là của người quen biết, hay biết rõ tình trạng sức khỏe, đảm bảo người đó không nhiễm các bệnh có thể lây cho trẻ qua đường sữa mẹ”, giáo sư Vy nói.
Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, nguyên Chủ tịch Hội nhi khoa Việt Nam cho rằng, sữa của bà mẹ khác cũng là sữa người, chắc chắn tốt hơn sữa bò, khi dùng cho trẻ. Thời phong kiến trước đây, các gia đình giàu có thường thuê vú em về cho con bú để trẻ được bú sữa người.
Hiện nay, có nhiều loại sữa công thức được sản xuất để thay thế sữa mẹ. Sữa công thức là sữa từ bò (hoặc động vật khác). Sữa bò tốt nhất cho bò con. Sữa bò có nhiều thành phần không giống với sữa người. Chẳng hạn, nguồn canxi của sữa người rất thấp so với sữa bò, nhưng lại dễ hấp thu và vừa đủ cho nhu cầu của trẻ nhỏ. Sữa bò có hàm lượng canxi cao, nhưng khó hấp thu hơn và vượt quá nhu cầu của trẻ. Sữa công thức được tạo ra từ sữa bò và gia giảm các thành phần sao cho giống với sữa mẹ nhất. Dù vậy, nó cũng không thể giống hoàn toàn được.
Theo giáo sư Nhạn, nguy cơ người cho bú sữa có thể làm lây các bệnh như HIV, viêm gan B… cho trẻ là có, nhưng có thể loại trừ bằng cách khám sức khỏe. Ngày nay, phụ nữ đi sinh tại các bệnh viện phụ sản đều đã được thực hiện các xét nghiệm trước sinh để tầm soát các bệnh này. Người nhà khi đi xin sữa, tốt nhất cần biết rõ tình trạng sức khỏe của người cho sữa và chắc chắn họ không mắc các bệnh trên.
Vương Linh
Theo VNE
Có phải sữa mẹ loãng nên con chậm tăng cân
Con tôi khi sinh nặng 3,3 kg. Nay cháu 2 tháng, tăng tháng đầu được 8 lạng, tháng sau được 2 lạng.
Tôi cho cháu đi khám bác sĩ nói cháu bị còi xương, thiếu máu, thiếu protein đặc hiệu. Cháu còn bị men gan tăng nữa. Tôi lo lắng quá. Có phải tại sữa của tôi loãng, không tốt, không đủ dinh dưỡng cho con bú nên cháu như vậy không. Tôi ăn nhiều, cố gắng cải thiện bữa ăn để tăng chất lượng sữa nhưng con vẫn vậy. Tôi không biết phải làm sao, nhờ bác sĩ tư vấn. (Quỳnh Trang)
Ảnh minh họa: Maternalgoddess.org.
Trả lời:
Chào bạn,
Con bạn sang tháng thứ 2 chỉ tăng được 200 g là ít. Bé đã đi khám và xác định bệnh lý là còi xương, thiếu máu, thiếu đạm, lại còn men gan tăng nữa. Với các biểu hiện bệnh lý của bé, trước mắt bạn cần tuân thủ cách điều trị của bác sĩ chuyên khoa để bé mau hồi phục.
Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này là cho bé bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. Bạn đừng lo sữa của mình loãng nhé. Sữa mẹ lúc đầu có thể trong nhưng vẫn chứa đủ nước, chất đạm, đường, vitamin và khoáng chất, còn sữa cuối bầu sẽ trắng đục và chứa nhiều chất béo hơn. Nếu bé không bú sữa cuối bầu thì việc lên cân là rất khó khăn.
Vì vậy, mỗi bữa nên cho bé bú từ 20 đến 30 phút, nếu cho bé bú một bên không đủ bạn có thể chuyển cho bé bú bầu thứ hai. Nếu sau khi bé bú, bầu ti của bạn càng kiệt sữa bao nhiêu thì sữa lại càng mau về bấy nhiêu. Khi bú no, bé sẽ tự rời ti mẹ và ngủ.
Bên cạnh đó, hằng ngày bé cần được tắm nắng 15-20 phút vào buổi sáng trước 8h, để nắng chiếu trực tiếp lên da. Hằng ngày bạn cho bé uống vitamin D3 theo chỉ định của bác sĩ. Bạn nhớ cho bé đi khám theo định kỳ để theo dõi sức khỏe của con.
Chúc bé mau khỏi bệnh và phát triển tốt.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội
Theo VNE
Lợi ích tiềm ẩn của đu đủ xanh Nhiều người thường biết đến đu đủ là một loại trái cây tốt cho sức khỏe mà ít ai để ý tới đu đủ xanh. Đu đủ xanh cũng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng rất tốt không thua kém các loại trái cây khác: 1. Hỗ trợ tiêu hóa Các en-zim trong đu đủ xanh có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa...