Xin sữa mẹ cho con, liệu các mẹ có mắc sai lầm?
Sữa mẹ rất tốt, nhưng không phải sữa của bà mẹ nào cũng tốt. Vì vậy khi đi xin sữa mẹ cho con, các mẹ cần thẩm định một số điều cơ bản.
Lợi ích của sữa mẹ
Phải khẳng định khi trẻ sinh ra được bú sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời là rất tốt. Vì sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, bao gồm đường, chất béo, đạm, nước với nồng độ cần thiết cho trẻ. Cơ thể của trẻ tiêu hóa nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ tốt hơn sữa ngoài. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng và kháng thể mà bé cần, sữa mẹ làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường và bệnh bạch cầu ở trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi sự nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tai và một số bệnh dị ứng như hen suyễn, chàm.
Sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của bé bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật… Đối với trẻ sanh thiếu tháng, được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài. Ngoài ra, trẻ nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn.
Chính vì những lợi ích từ sữa mẹ mà các loại sữa ngoài không có nên nhiều bà mẹ dù sau khi sinh không có sữa cho con bú vẫn tìm cách để con mình được hưởng loại sữa diệu kì này. Một trong những cách đó là xin sữa hay mua sữa cho con từ những bà mẹ khác.
Hiện nay cộng đồng mạng xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều về việc xin sữa mẹ cho con uống. Đại đa số cho rằng việc này rất nhân văn và thực sự có ích cho những bà mẹ bị mất sữa sớm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc cho con uống sữa của người mẹ khác là không nên vì không thể biết được người mẹ đó có mắc bệnh gì không? Vậy chuyên gia nói gì về việc này?
Hoạt động bán, cho, chia sẻ sữa mẹ đang rầm rộ trên các diễn đàn. (Ảnh chụp Facebook)
Bác sĩ Phạn Văn Hùng (Bệnh viện Đống Đa) cho biết, khi trẻ sinh ra được bú sữa mẹ là điều rất quan trọng. Việc xin sữa cho con từ các bà mẹ khác để cho con bú cũng rất tốt. Tuy nhiên chúng ta cần tìm hiểu những điều kiện bắt buộc phải biết. Khi xin sữa từ các mẹ khác, người xin cần tìm hiểu rõ thể chất người cho sữa không bị các bệnh truyền nhiễm như HIV, virut gây viêm gan… thì chúng ta mới cho con dùng sữa đó.
Nguồn sữa xin phải sạch tuyệt đối
Video đang HOT
Cùng quan điểm, theo ThS-Bs Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, không thể phủ nhận lợi ích từ sữa mẹ, nhưng việc “xin” sữa cho con từ người khác lại là việc đáng quan tâm và thận trọng. Việc đi xin sữa từ người khác cho con bú là cực kỳ nguy hiểm bởi rất có thể trong sữa có nhiễm mầm bệnh gây hại cho trẻ. Vì khi chúng ta đi xin sữa cũng không biết về thể chất bệnh tật của người cho sữa như thế nào.
Chính vì thế các bà mẹ muốn xin sữa cho con cần tìm hiểu kỹ về thể trạng, sức khoẻ, đặc biệt tình trạng bệnh tật của người cho sữa. Vì trong quá trình nhận sữa, trẻ có thể bị nhiễm nhiều bệnh truyền nhiễm như virus gây viêm gan, HIV, hóa chất độc hại từ một số ma túy, một số loại thuốc hạn chế, cấm dùng cho phụ nữ giai đoạn có sữa nuôi con.
Người cho sữa cần được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng trước khi cho để tránh những bệnh tật.
Đối với những trẻ uống sữa của những sản phụ có máu nóng không vấn đề gì vì đó là do cơ địa của mỗi người sản phụ chứ sữa không có ảnh hưởng gì trẻ.
Một số bà mẹ có nhiều sữa mà cho con bú không hết, sau khi được kiểm tra bệnh tật nếu không có vấn đề gì thì cho những đứa trẻ khác đang thiếu nguồn sữa mẹ uống cũng rất tốt, đỡ lãng phí nguồn sữa mẹ quý giá.
Khâu bảo quản rất quan trọng
Các mẹ cũng nên để ý đến công đoạn bảo quản sữa mẹ để tránh tình trạng bé uống vào bị tiểu chảy. Khi vắt sữa ra các bình chứa hoặc túi để bảo quản chúng ta cần ghi rõ ngày tháng, thời gian bảo quản để khi sử dụng sữa vắt cũ trước, sữa vắt mới sau. Vắt sữa không nên đầy quá sẽ làm bịch sữa bung ra. Mỗi bình chứa sữa chỉ nên đựng vừa phải đủ cho 1 lần ăn của trẻ để tránh lãng phí.
Khi bảo quản sữa nhiệt độ 19-20 độ C, sữa có thể dùng được trong vòng 4 giờ. Với nhiệt độ dưới 4 độ C của ngăn mát tủ lạnh, sữa có thể bảo quản được 3 ngày. Ở nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20 độ C, sữa mẹ có thể bảo quản được 6 tháng.
Không nên để sữa ở cánh cửa tủ lạnh vì ở đây nhiệt độ không ổn định nên để sữa ở sâu bên trong tủ.
Khi chúng ta đi lấy sữa từ chỗ người khác về thì cần mang theo thùng đựng bảo quản tốt để sữa lúc nào bảo quản trong trạng thái lạnh.
Bác sĩ Phương Huệ cho biết thêm, mặc dù sữa mẹ rất tốt, nhưng chúng ta không nên bằng mọi giá phải cho con uống sữa mẹ vì đôi khi điều này gây áp lực lớn tới tinh thần người mẹ. Người mẹ phải có tinh thần thoải mái thì mới làm được nhiều điều tuyệt vời khác cho con. Nếu vì một lý do nào đó mà mẹ không có sữa cho con bú thì sữa công thức cũng là một giải pháp cần lưu tâm.
Theo Trí Thức Trẻ
Mua và sử dụng sữa tươi đúng cách
Nếu sữa tươi là một trong những thứ không thể thiếu trong tủ lạnh của gia đình bạn, hãy tham khảo bài viết dưới đây để dùng sữa đúng cách nhé!
- Hạn sử dụng mà bạn thấy được in trên các nhãn sữa thực chất không hẳn là hạn sử dụng mà là "hạn bán". Hầu hết các loại sữa - nếu được cất giữ tốt - có thể giữ được chất lượng của chúng sau hạn này khoảng 1 tuần.
- Sữa càng tươi thì càng tốt hơn cho bạn, chính vì thế hãy chọn sữa có hạn càng xa càng tốt.
- Bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh và ở chỗ tối nhất có thể. Hương vị của sữa có thể bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trực tiếp.
- Bạn cần đậy thật chặt nắp lọ sữa mỗi khi dùng xong, bởi sữa rất dễ bị nhiễm khuẩn.
- Cấp đông không làm giảm chất lượng của sữa nhưng việc này sẽ ảnh hưởng đến độ sánh của sữa. Sữa sau khi cấp đông sẽ loãng hơn sữa thường.
- Sữa tách béo sẽ có hàm lượng canxi cao hơn sữa nguyên kem. Lượng canxi trong sữa không chứa ở phần bơ mà chính là phần nước. Bởi sữa tách béo không chứa bơ nên hàm lượng canxi trong một đơn vị sữa sẽ cao hơn.
- Sữa đã bắt đầu bị chua sẽ không tốt cho bạn khi uống liền, nhưng vẫn có thể được sử dụng trong các công thức làm bánh.
- Nếu một công thức làm bánh yêu cầu bạn bơ sữa (buttermilk) mà bạn chỉ có sữa tươi trong tủ lạnh, hãy thay thế kem chua bằng cách thêm 1 thìa canh nước chanh hoặc dấm trắng vào 240ml sữa tươi và để trong 10 phút.
- Nếu muốn đun nóng sữa tươi, bạn không nên đun trực tiếp trên bếp mà nên đun cách thủy. Nếu không thể đun cách thủy, bạn nên tráng qua nồi bằng một lượt nước đá trước khi đổ sữa vào đun. Việc này giúp bạn không làm sữa bị đọng ở đáy nồi và cháy khét. Sữa rất dễ bị đọng và cháy khét bởi các protein thường chìm xuống và dính và đáy nồi khi sữa được làm nóng.
- Để sữa không bị trào khi đun sôi, bạn chỉ việc đơn giản là quét một lớp bơ lên viền thành nồi.
- Một khi sữa đã bị cháy khét, bạn không có cách nào để cứu vãn được hương vị của nó.
- Để sữa đã đun nóng không bị một lớp màng trên bề mặt, bạn có thể hoặc là đậy kín sữa sau khi đun, hoặc khuấy nồi sữa để cho bọt nổi lên.
- Sữa sẽ bị vón cục nếu bạn cho chúng vào các đồ ăn có nhiều acid như cà chua, các loại quả họ cam quýt hoặc rượu vang.
Theo Eva