Xin phép để được yêu
Hàng xóm của tôi là bác Tuyên, gần 60 tuổi, con cháu đủ đầy. Ai cũng biết bác thầm yêu một dì ở cuối làng. Nhưng cứ dè dặt mãi, vì con cháu chẳng đứa nào đồng ý.
Vợ bác Tuyên mất từ năm bác khoảng 50 tuổi, gần chục năm nay bác sống cảnh gà trống nuôi con. Những năm khó khăn, ngặt nghèo ấy, cũng có vài người thương thoáng qua, nhưng bác không gắn bó với ai. Vì các con bác chưa thành gia lập thất, đứa học đại học, đứa đi làm, đứa còn nhỏ, bác phải tập trung làm lụng lo cho sấp nhỏ. Người ta có thương bác, cũng chẳng dám ôm thêm 3 đứa con của bác vào lòng.
Được một thời gian, con bác có gia đình, có con nhỏ, bác cũng không còn trẻ nữa. Tụi nhỏ lấy chồng, lấy vợ xong thì ở xa, lâu lâu mới về thăm. Bác ở cùng con gái út, cuộc sống hàng ngày chỉ xoay quanh việc trồng ít rau trái, chăm đàn gà, bầy heo. Có thời gian rảnh, bác đi uống cà phê cùng bạn già. Sáng nào cũng vậy, bác đi ra cuối làng, ở đó có quán nước, là nơi hàn huyên của những người có tuổi.
Rồi dần dần, bác cảm mến dì Nga nhà sát quán nước ấy. Dì cũng trạc tuổi bác, góa chồng, đang sống cùng con gái và con rể. Vì cảm mến, bác hay lui tới đó. Và dường như, dì Nga cũng mến tính tình chân chất, hiền lành của bác.
Ngày biết bác thích dì Nga, các con bác cực lực phản đối – Ảnh minh họa
Tin bác Tuyên thích dì Nga lan đến tai các con ở Sài Gòn. Đám trẻ giãy nảy trở về quê họp gia đình, nói đủ thứ. Con trai lớn của bác nói: “Má mất rồi, ba cũng sống vậy cả hơn chục năm rồi, giờ mắc chi qua lại với dì Nga để hàng xóm người ta chê cười? Hay là ba hồi xuân nên muốn cưới vợ mới? Tụi con nhất quyết chỉ có một má trên đời, còn người đàn bà đó, nếu ba thích thì qua đó mà ở. Đừng mang bà ấy về chỗ thờ phụng má con”.
Video đang HOT
Bác Tuyên nghe mà nghẹn lời. Nói gì được nữa, tụi nhỏ chẳng đứa nào chấp nhận. Cái Huyền, con gái thứ của bác còn nghi ngờ bác mang tiền cho dì Nga. Nó đến tận nhà dì ấy làm khó làm dễ. Tội nghiệp bên kia, dì Nga cũng bị con cháu la rầy. Mấy ngày hôm ấy, người ta chẳng thấy bác Tuyên lui tới quán nước, dì Nga cũng bệnh mệt, chẳng ra mé sau vườn tưới rau. Luống rau đang tươi tốt nay héo rũ.
Buồn quá, bác Tuyên chẳng muốn ăn uống gì. Chẳng phải bác buồn vì không đến được với dì Nga, mà buồn vì lời con cái thì nhiều. Chúng sợ xấu mặt, sợ đồn thổi, sợ bác hết yêu mẹ chúng. Kỳ thực, nghĩa tình đó, dễ gì quên bởi bác đã cùng bà ấy sinh 3 đứa con, cùng chăm chúng ăn học… Bác chỉ thèm cái cảnh tuổi già có người bầu bạn. Bác thương dì Nga cũng đơn chiếc bao nhiêu năm trời. Tình yêu tuổi già là sự san sẻ, tỉ tê nhiều hơn là sự dữ dội, nồng nàn thời trẻ.
Sau vụ ấy, các con ít về thăm bác hơn. Chúng cũng không còn thân thiết với bác như trước. Một bữa, sau khi suy nghĩ kĩ càng, bác gọi các con về, nói có chuyện quan trọng muốn nói. Lần đầu tiên trong đời, bác nói nghiêm túc rằng muốn tiến tới với dì Nga như hai người bạn đời thật sự. Bác và dì Nga không cần đám cưới, chỉ làm một vài mâm cơm nhỏ, cho bà ấy vui lòng. Các con bác nghe xong vẫn cực lực phản đối.
Bác nhẹ nhàng nói với các con rằng ở tuổi này, bác cũng có nhu cầu được yêu thương, được san sẻ. Nói rồi, bác đứng lên thắp nhang cho mẹ tụi nhỏ, nói với bà ấy một lời. Bác còn bảo các con: “Ba có thể tự do làm theo ý của ba, có thể bất chấp đến sống với bà ấy, nhưng ba vẫn muốn hỏi ý tụi con, là để gia đình mình yên ấm, thuận hòa”.
Bác Tuyên hỏi ý các con xong thì lại phải hỏi ý tụi nhỏ nhà bên kia. Từ khi nào tình yêu dành cho tuổi già khó khăn, vướng mắc đến vậy? Chẳng phải chỉ người trẻ mới dễ bị ngăn cấm yêu đương, người già thậm chí còn bị ngăn cấm nhiều hơn. Càng về già, người ta càng sợ con cháu buồn, sợ phải sống hết mình một lần nữa.
Tình yêu tuổi già là sự san sẻ, tỉ tê. Ảnh minh họa
Sau nhiều lần “xin phép yêu”, bác Tuyên và dì Nga cũng đến với nhau. Tất nhiên có nhiều lời bàn tán, chỉ trỏ, trêu ghẹo. Nhưng bác Tuyên vui hơn vì có người bầu bạn. Lũ trẻ khi trở về nhà có người phụ nữ nấu cơm cho ăn, trồng rau cho hái, chăm sóc miếng ăn giấc ngủ. Tự nhiên sau chừng ấy năm trời mất mẹ, tụi trẻ trưởng thành lại được cảm nhận hơi ấm của mẹ lần nữa. Có thêm người là có thêm niềm vui. Ngày lễ tết, gia đình hai bên họp lại, con cháu cũng là con cháu chung, cha mẹ cũng là cha mẹ chung, gia đình thêm thành viên là thêm ấm cúng.
Bữa nay, trong lúc bác Tuyên làm đám giỗ cho má sấp nhỏ, dì Nga bưng món này món kia đặt lên bàn thờ, anh con trai thấy cảnh đó cảm động. Anh nhớ lại cái buổi ba anh ngồi trước mặt từng đứa con hỏi ý rồi mới dám qua lại với dì, anh hối hận. Tuổi già, còn bao nhiêu người phải xin phép con cháu rồi mới được yêu?
Anh Thư
Theo phunuonline.com.vn
"Nếu đang yêu ai đó, xin hãy yêu thật tâm"
Sai lầm lớn nhất của em là yêu anh, cứ bất chấp lao vào anh như một con thiêu thân, bất chấp mọi thứ kể cả cầu xin anh hãy thử yêu em, để rồi nhận về muôn vàn đắng cay, tủi nhục.
Hình ảnh minh họa
Đàn ông một khi đã yêu ai thì sẽ hết sức chiều chuộng, nâng niu, có dời non lấp bể anh ta cũng gắng lòng gắng sức làm cho bằng được. Còn một khi con tim của anh ta không bên bạn, thì mọi nỗ lực, hy sinh, chịu đựng của bạn đều bằng không. Em đã thấm thía câu nói này sau 7 năm yêu anh, bất chấp để được làm vợ anh mà không hề biết đến vị ngọt của tình yêu. Em đã rất thấm, khi nhìn thấy anh yêu cô ấy.
Em biết về mối quan hệ của hai người, đã lâu, nhưng con tim yếu đuối sợ mất anh cứ bắt em phải lặng thinh, coi như không nghe, không biết. Dù cái đêm em ra máu do thai ngoài dạ con đi cấp cứu anh không về là đang bên cô ấy, dù không biết bao lần anh nói anh đi công tác đều là đang đi chơi cùng cô ấy, dù trăm ngàn lần anh tìm cớ thoái thác không về nhà ăn cơm là do đang tận hưởng tình yêu bên người con gái của anh, dù không ít lần đi ăn trưa với em mà anh nhấp nhổm xem đồng hồ vì có hẹn cùng cô ấy, em vẫn gượng cười...
Em tự nhủ lòng, vì yêu mà muốn sao cũng được, chỉ cần em có anh, thì vị trí thứ hai, sau cô ấy, em vẫn cam lòng. Nhưng em có thật sự có anh không?
Chưa bao giờ anh ở bên lúc em cần. Em có một người chồng, là người em yêu hơn chính bản thân mình, nhưng tình yêu ấy chưa bao giờ được đền đáp. Em rất chạnh lòng khi những ngày lễ tết người ta có chồng đưa đón đi chơi, được nâng niu chiều chuộng như một nữ hoàng, họ khoe hoa, khoe quà trên facebook. Còn em, em chưa bao giờ có gì để khoe về người đàn ông của mình cả, bởi đến đưa con về ngoại ngày lễ tết cũng là chỉ có em và con lủi thủi đi về.
Em có thể vì yêu anh mà bạc đãi bản thân mình, nhưng cha mẹ em không tránh khỏi những lúc nhìn con gái của họ mà buốt ruột nuốt nước mắt vào trong. Em đã không để ý đến cảm xúc của những người yêu thương, lo lắng nhất cho mình, em chỉ biết cắm cúi vào thứ tình yêu mộng mị đầy tuyệt vọng.
Mẹ nói với em: "Cha mẹ cho con một hình hài đẹp xinh từ lúc mới lọt lòng và mong con biết yêu thương, chăm sóc nó, cho con tri thức, tâm hồn để biết cân nhắc nghĩ suy. Nếu khổ quá thì buông, yêu thương cần thật tâm, chỉ mình con yêu và tận tâm thôi chưa đủ". Em đã yêu thật tâm, nhưng trao nhầm nó cho một tình yêu không có thật.
Em không trách anh vì sao đón nhận tình yêu ấy mà không thể cho em nổi một ngày hạnh phúc. Nhưng em muốn nhắn nhủ đến anh rằng, mỗi một thời điểm, hãy chỉ lựa chọn yêu thương một người mà thôi, yêu thật tâm, yêu hết lòng, để không ai phải tổn thương, day dứt.
Linh Đan
Theo dantri.com.vn
Lãng mạn trong hôn nhân: Không chỉ là trách nhiệm của chàng Những ngày lễ như 8/3 là dịp để các nàng "đo" độ lãng mạn của chàng. Sau khi kết hôn, đa phần phụ nữ đều than thở rằng chồng mình không còn nồng nàn như thuở mới yêu. Họ không biết rằng để có đời sống hôn nhân lãng mạn thật ra rất đơn giản. Đó chính là bắt đầu thay đổi từ...