Xin nhập pháo hoa
Sau vụ nổ kho pháo hoa tại Nhà máy Z121, Bộ Quốc phòng đã kiến nghị Chính phủ cho phép Nhà máy Z121 được nhập khẩu pháo hoa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết sau khi Bộ Quốc phòng có văn bản kiến nghị cho phép Nhà máy Z121 được nhập khẩu pháo hoa, Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương… để lấy ý kiến.
Chỉ đủ phục vụ 5 thành phố
Nhà máy Z121 được coi là đơn vị độc quyền sản xuất, cung cấp pháo hoa cho các tỉnh, thành trên cả nước vào dịp Tết. Tuy nhiên, vụ nổ kho pháo hoa tại Xí nghiệp 4 – Nhà máy Z121 (đóng trên địa bàn xã Võ Lao và Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) vào tháng 10/2013 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng pháo hoa cho các tỉnh, thành. Mặc dù Nhà máy Z121 đang khôi phục sản xuất nhưng dự kiến khối lượng pháo ra lò chỉ đáp ứng được một số lượng rất nhỏ nhu cầu thực tế.
Một buổi biểu diễn đốt pháo tại Nhà máy Z121 trước đây (Ảnh: Minh Nguyên)
Video đang HOT
Nhà máy Z121 đang cố gắng sản xuất pháo hoa tầm cao phục vụ nhu cầu của 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Do lượng pháo hoa tầm thấp đã bị thiêu rụi gần như hoàn toàn trong vụ nổ vừa qua nên không thể kịp sản xuất để phân phối cho các tỉnh, thành khác. “Điều này buộc chúng tôi phải tính tới phương án xin phép nhập khẩu pháo hoa tầm thấp để đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân các tỉnh, thành trên cả nước” – đại diện Nhà máy Z121 cho biết. Hiện nhà máy này đang làm thủ tục xin cấp đất ở một vị trí khác làm xưởng sản xuất pháo hoa.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7) – Bộ Công an, cho biết quan điểm của cơ quan này là ủng hộ việc cho phép Nhà máy Z121 được nhập khẩu pháo hoa để cung cấp cho các địa phương sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Lãnh đạo Tổng cục 7 cho biết đề xuất xin bán rộng rãi các sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí (pháo không tiếng nổ) của Nhà máy Z121 chưa được xem xét vào thời điểm này.
Không dám mua pháo hoa Trung Quốc
Trung tá Lê Tiến Ngọc, Trưởng Phòng Kinh doanh Nhà máy Z121, cho biết số lượng pháo hoa tầm thấp mà nhà máy đề xuất được nhập khẩu vào khoảng 20.000 thùng từ một đối tác Nhật Bản. “Đó là đơn vị rất có uy tín và đã chuyển giao công nghệ sản xuất pháo hoa cho chúng tôi. Hai bên cũng đã hợp tác với nhau mười mấy năm nay. Trước đây, chúng tôi xuất khẩu pháo hoa cho họ thì lần này do thiếu hụt sản phẩm nên chúng tôi đề xuất nhập sản phẩm của họ. Nhập pháo hoa của Nhật Bản thì rất yên tâm chứ chúng tôi không dám nhập khẩu pháo hoa của Trung Quốc, Hồng Kông hay Đài Loan” – ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, trước đây, mỗi dịp Tết Nguyên đán, các tỉnh, thành trên cả nước đặt mua của Nhà máy Z121 khoảng 30.000 thùng pháo hoa. “Năm nay, chúng tôi chỉ đưa ra số lượng như vậy thôi, vừa để phù hợp với tình hình thực tế vừa để tiết kiệm” – ông Ngọc cho biết.
Theo một nguồn tin khác, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ bày tỏ ý kiến đồng thuận việc cho nhập khẩu pháo hoa tầm thấp. Tuy nhiên, việc nhập khẩu với số lượng bao nhiêu và làm sao để tránh lãng phí cần được tính toán kỹ lưỡng.
Pháo lậu vào mùa
Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị lập phương án ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, kinh doanh pháo lậu dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) – Tổng cục 7, pháo lậu năm nay vẫn chủ yếu “đổ bộ” về từ Trung Quốc qua cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc và khu vực ven biển. Chính vì thế, việc kiểm soát, ngăn chặn sẽ được tập trung ngay tại một số đầu mối, khu vực nổi cộm về buôn bán, sử dụng pháo những năm trước như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Bình… Dự kiến sắp tới, C64 sẽ tổ chức hội nghị với lãnh đạo nhiều địa phương để có cách chặn pháo lậu tuồn vào nội địa. Trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình và yêu cầu chủ tịch UBND 3 tỉnh Hải Dương, Lào Cai và Hà Giang kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo Thế Kha
Người lao động
Khắc phục triệt để môi trường xung quanh vụ nổ kho pháo hoa
Chiều 24/10, ông Vũ Văn Thủy, Giám đốc Sở TN-MT Phú Thọ, cho biết, môi trường xung quanh vụ nổ kho pháo hoa tại Xí nghiệp Z4, Nhà máy hóa chất Z121, nằm trong giới hạn cho phép, không ảnh hưởng đến khu vực người dân sinh sống, nhưng vẫn phải khắc phục triệt để.
Một nhà dân bị cháy sau vụ nổ (Ảnh: TTXVN)
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, ngay sau khi sự cố vụ nổ xảy ra, đơn vị đã tiến hành lấy 2 mẫu đất tại cổng xí nghiệp và 1 mẫu cách khu vực 150m về phía Đông Nam; 2 mẫu nước tại hồ nằm giáp tường rào Xí nghiệp và lấy 4 mẫu khí xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy nổ để đánh giá mức độ ô nhiễm. Kết quả đánh giá lần 1, tại thời điểm từ 10h00 đến 14h00 ngày 12/10, mức độ ô nhiễm môi trường đất đều nằm trong giới hạn cho phép; môi trường không khí có một số thông số vượt giới hạn cho phép sau vụ nổ (bụi lơ lửng, SO2 ...); nước tại hồ nằm sát tường rào Xí nghiệp 4 bị ô nhiễm, một số thông số vượt quy chuẩn như: Nhu cầu ô xy hóa học (COD), chất rắn lơ lửng (TSS), sắt (Fe), kẽm (Zn).
Ở thời điểm lấy mẫu lần 2 lúc 16h00 ngày 13/10, qua phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đất đều nằm trong giới hạn cho phép; môi trường không khí các thông số vượt giới hạn cho phép sau vụ nổ đã suy giảm và nằm trong giới hạn cho phép. Riêng môi trường nước tại hồ nằm sát tường rào Xí nghiệp 4 còn bị ô nhiễm; một số thông số vượt quy chuẩn như: Nhu cầu ô xy hóa học (COD) vượt từ 2,1 - 2,7 lần, chất rắn lơ lửng (TSS) vượt từ 1,56 - 4,02 lần, sắt (Fe) vượt từ 1,19 - 1,46 lần, kẽm (Zn) từ 1,6 - 2.05 lần (giảm rất nhiều so với lần 1).
Trước tình trạng trên, tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường xung quanh hiện trường vụ cháy, nổ để có biện pháp khắc phục triệt để. Trước mắt, phải tập trung rà soát các điểm phát sinh gây ô nhiễm môi trường xung quanh; UBND huyện Thanh Ba và các đơn vị liên quan tổ chức thu dọn, vệ sinh kịp thời các điểm bị ô nhiễm nhằm đảm bảo môi trường trong sạch cho nhân dân.
Bên cạnh việc chỉ đạo khắc phục môi trường, tỉnh Phú Thọ tiếp tục yêu cầu các bệnh viện tập trung cứu chữa những người bị thương; phối hợp chặt chẽ với Nhà máy hóa chất Z121, Quân đội để thực hiện các chính sách đối với người chết và bị thương. Ngoài ra, các ngành liên quan tiếp tục nắm tình hình, đời sống của nhân dân, làm tốt công tác tư tưởng, không để nhân dân hoang mang. Việc đánh giá thiệt hại của nhân dân xung quanh phải đảm bảo khách quan, không để xảy ra lợi dụng, tiêu cực...
Vụ cháy nổ kho pháo hoa tại Xí nghiệp Z4, thuộc Nhà máy hóa chất Z121 (Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng) đóng trên địa bàn xã Võ Lao và Khải Xuân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) ngày 12/10, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo báo cáo của tỉnh Phú Thọ ngày 23/10, vụ cháy nổ đã làm 27 người chết, 65 người bị thương. Vụ nổ cũng đã làm 1.348 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở, vật kiến trúc; nhiều cơ quan, trường học bị sập mái, hỏng hệ thống cửa, nứt tường. Thiệt hại ước tính lên đến cả trăm tỷ đồng.
Tạ Văn Toàn
Theo TTXVN
Hé lộ nguyên nhân vụ nổ ở Phú Thọ Sau khi vụ nổ pháo hoa tại Phú Thọ xảy ra, theo báo cáo của cơ quan chức năng, việc pháo hoa phát nổ được lý giải là do tự bốc cháy với hai khả năng. Thứ nhất các hộp pháo hoa bị rơi đổ, cọ xát va đập dẫn đến cháy nổ. Thứ hai là do thuốc pháo hoa bị phân hủy...