Xin lỗi… em đã trượt đại học
Suốt 18 năm qua chị vất vả nuôi em ăn học. Vậy mà, em lại không thể hoàn thành được nguyện ước của chị!
Vậy là kết thúc kỳ thi đại học được gần hai tháng, kết quả mà em đạt được sau 12 năm đèn sách là: trượt đại học.
Sau hơn một tháng kể từ ngày biết điểm, còn lại trong em vẫn là nỗi sợ, nỗi xấu hổ với tất cả mọi người: bạn bè, thầy cô, chính bản thân em và hơn hết là chị – người đã nuôi dưỡng em suốt 18 năm qua.
Em còn nhớ rất rõ trước ngày thi, em đã từng hứa với chị những gì? Rằng em sẽ cố gắng đậu vào ngôi trường mà em yêu thích bấy lâu và cũng hứa rằng, em sẽ là niềm tự hào của chị!
Nhà mình từ trước tới giờ chưa có ai bước chân vào giảng đường đại học. Em đã từng động viên mình rằng, sẽ cố gắng thật tốt để xứng đáng với lòng tin mà chị dành cho em, vậy mà… em trượt rồi chị ạ!
Sau ngày thi, em nhẩm tính mình được 16-17 điểm gì đó. Em thấy lo lắm vì trường em dự thi năm ngoái lấy 16 điểm, liệu năm nay bằng số điểm đó, em có đậu hay không? Và ngày nào chị cũng hỏi em có điểm chưa, bản thân em lúc đó lo sợ lắm chị à!
Rồi khi có kết quả, em phải khó khăn lắm mới gõ được số báo danh của mình dò kết quả. 17 điểm – số điểm không cao nhưng đó là nỗ lực trong suốt những năm học của em. Ngay sau hôm đó, em cũng đọc được bài báo nói về ngôi trường em dự thi, ban giám hiệu nhà trường phát biểu rằng: “Năm nay điểm tăng ít hơn năm trước”. Lúc ấy trong em tràn trề biết bao hy vọng, em còn thắp nhang cho mẹ, mong mẹ phù hộ mình sẽ đậu vào ngôi trường em mơ ước!
Sau cú ngã ấy, em sẽ trưởng thành hơn rất nhiều (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Thế nhưng cuộc đời giống như một bộ phim quá chị à! Kết quả cuối cùng thì điểm chuẩn của trường tăng khá cao… và em trượt. Lúc đó tự dưng em không thể nào kiềm chế được những giọt nước mắt của mình. Em thấy mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt vậy. Em ước gì mọi chuyện chưa bao giờ xảy ra vào lúc này!
Em chẳng dám nhìn mặt chị nữa. Trong mắt em, dường như chỉ còn lại màu đen tối tăm. Em chẳng dám nhìn ai cả. Em sợ tất cả mọi người, hơn hết là em sợ chính bản thân mình. Từ trước tới nay, em chưa bao giờ vấp một cú ngã đau đến vậy chị à! Em cảm giác như vết thương này sẽ chẳng bao giờ lành nguyên.
Em cảm nhận mọi ánh nhìn mình chỉ là ánh nhìn thương hại, em sợ những ánh nhìn đó lắm! Em cũng nhìn thấy được trong mắt chị một nỗi buồn. Thà chị cứ mắng chửi em như những người khác thì tốt biết bao… nhưng chị không làm vậy. Chị chỉ yên lặng nhìn em, quan tâm, an ủi em, và chính điều đó càng khiến em day dứt hơn.
Hơn ai hết, em biết chị cần được an ủi hơn em. Em trượt có thể em buồn mười phần nhưng chị sẽ buồn trăm phần. Vậy nên em cứ cố an ủi mình rằng: “Sẽ không sao hết” nhưng thật sự khó quá chị ạ!
Khi đang làm bất cứ việc gì, nghĩ đến hoàn cảnh của mình, nước mắt em lại thi nhau chảy. Lúc ấy, em thấy mình sao yếu đuối quá! Thậm chí chỉ cần nhìn chị thôi, nước mắt của em cũng chực trào ra. Tâm trạng của em những ngày ấy tồi tệ lắm chị à!
Em như rơi vào một hố sâu không đáy, rồi cứ thế rơi mãi…. Em chỉ muốn đến một nơi thật xa để trốn tránh tất cả, từ bỏ tất cả nhưng không thể… Em vẫn còn chị, dù mọi người có ngoảnh mặt lại với em sau vấp ngã này thì chị vẫn sẽ ở đó nắm tay em dậy, cho em sức mạnh để tiếp tục bước đi.
Những ngày sau đó, em đã cố gắng tạo cho mình những suy nghĩ tích cực, em sẽ dành một năm ôn luyện lại để có thể bước vào ngôi trường mơ ước. Và khoảng thời gian đó, em sẽ kiếm một công việc làm thêm để phụ giúp chị hay chỉ đơn giản là tự trang trải cho chính bản thân cũng như trau dồi thêm vài kỹ năng cần thiết.
Em cũng đã chia sẻ với chị những dự định của mình, chị không nói gì. Chị dường như không tán thành, em cảm giác được điều ấy qua ánh nhìn của chị. Vài hôm sau chị nói chuyện với em, chị mong em cứ tìm một trường học đại rồi vừa học vừa ôn, chị muốn em có thêm cơ hội cho tương lai sau này. Phải chăng vì quá thương em mà chị không muốn em bươn chải quá sớm, chị cũng nói rằng: “Sợ em không chịu nổi lời dèm pha của những người dưng chẳng có quan hệ gì với em”. Chị biết không, lúc đó em đã nghĩ chị không tin tưởng em. Em còn nghĩ rằng, chị sợ lời nói của mọi người chứ không phải vì lo cho em… nhưng cũng chính lúc đó, em lại muốn tự tát ngay vào mặt mình vì đã có ý nghĩ ấy.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, em đã hiểu hết những gì chị nói. Em hiểu tấm lòng của chị nhưng lúc này đây, em cần lòng tin của chị. Em mong chị tin rằng, em sẽ làm được những gì em đã nói. Quyết định cuối cùng của em là sẽ làm theo ý chị, sẽ đăng ký nguyện vọng 2 vào một ngôi trường khác, không phải em thay đổi chủ ý nhanh quá mà chỉ là em thay đổi suy nghĩ theo kiểu người lớn giống chị.
Có lẽ sau cú ngã ấy, em đã giúp mình trở thành người lớn rồi đấy chị nhỉ? Đến ngày hôm nay, em trúng tuyển vào một trường đại học khác, chỉ là trường dân lập thôi nhưng chị nói chị tự hào vì “có đứa em học đại học”. Đối với riêng em, điều ấy chẳng đáng tự hào chút nào đâu chị! Khi nhìn lại bạn bè đang xúm xít chuẩn bị cho năm học mới, em lại càng xấu hổ, xấu hổ với chị, với chính bản thân mình!
Chấp nhận học ở một trường ngoài công lập sẽ phải chấp nhận mức học phí khá cao mà gia đình mình lại không phải có điều kiện lắm. Giờ đây, em thấy mình như gánh nặng của chị, thật sự em xin lỗi chị rất nhiều! Em không dám hứa trước gì với chị nữa vì có lẽ hành động tốt sẽ hay hơn lời nói. Em chỉ biết mình phải cố gắng hết sức vào thời gian tới, em phải nỗ lực để thay đổi bản thân thật nhiều và phải gặt hái được những thành quả xứng đáng.
Mong chị tin em!
Theo VNE
Nỗi sợ của người già
Cách đây 30 năm, khi bước vào tuổi 50, tôi chân tình hỏi ông bạn vong niên: "Cuộc đời này khi về già ông sợ điều gì nhất?". Tức thì ông bạn trả lời: "Ở tuổi về già, tôi chỉ sợ duy nhất một điều là... chết đói!".
Câu trả lời rất ngắn gọn, nhưng khiến tôi đêm ngày suy nghĩ. Bởi theo cách hiểu giản đơn thì hằng ngày người già ăn uống có tốn kém bao nhiêu?
Năm tháng trôi qua, tôi đã tìm đọc nhiều sách vở và qua nhiều trải nghiệm nên rất tâm đắc lời Phật dạy rằng: "... Con người sống ở trên đời có tám nỗi khổ, thì tuổi già... là một trong những nỗi khổ được coi là khủng khiếp nhất!"
Bởi ngoài xã hội, người có địa vị, chức tước cao, họ càng có nhiều quyền lực. Mỗi lời nói, mỗi bước đi, họ sẽ có nhiều người lắng nghe, có lắm kẻ vâng người dạ. Song với bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình thì ngược lại. Bởi các cụ tuổi đời ngày một cao đâu còn làm ra hạt thóc, củ khoai... Dẫu rằng hằng ngày được con cháu gọi là ông, là bà, là cụ, là cố... nhưng sức khỏe ngày một kém; bệnh tật ngày một nhiều. Do đó tiếng nói và uy tín của các cụ sẽ ngày một tụt dốc và hết phần tác dụng.
Lúc đó, trong không ít gia đình, chân lý và lẽ phải sẽ thuộc vào những thành viên có khả năng kiếm được nhiều tiền.
Thế nên, cái sự ... "chết đói " mà ông bạn vong niên của tôi nói trước đây như đã được chứng minh đâu phải vì người già không có gì ăn. Mà do sự ứng xử nhạt nhẽo, thậm chí hắt hủi tệ bạc của con cháu.
Chúng ta đang sống trong thời đại nền khoa học văn minh đem lại lắm cái được, nhưng cũng làm mất đi không biết bao nhiêu cái hay, cái đẹp mà ông cha ta đã ngàn đời tạo dựng. Khi mà sức mạnh của đồng tiền có khả năng ngự trị trên nhiều lĩnh vực. Nền tảng gia đình đã bị tấn công từ mọi phía.
Cùng chung một mái nhà nhưng vợ chồng con cái đều có một phòng riêng biệt, cửa đóng then cài... Tình cảm của họ chỉ còn là những viên sỏi không hồn, huống hồ thân phận người già!
Phải chăng câu tục ngữ đáng giá ngàn vàng "Trẻ cậy cha, già cậy con" đã không còn tác dụng?
Đó còn là những người ở tuổi về già mà không có lương hưu. Hoặc ít nhiều trợ cấp không đủ sống mươi lăm ngày và hơn thế. Dẫu rằng pháp luật có lời bênh vực "người già được quyền nghỉ ngơi, được quyền hưởng thụ, được quyền chăm sóc" nhưng nếu "sổ đỏ" cách đây ít năm đã trót sang tên cho con, thì các cụ chỉ còn là hai bàn tay trắng với tuổi già mà thôi
Dường như cũng đã lường được tình huống này nên người xưa có dạy: "Sống được tuổi về già dù ở thời đại nào cũng phải quan tâm đến các thế hệ nối tiếp. Nhưng chúng ta cũng chỉ nên "nhìn" bằng một mắt - còn một mắt phải dành "nhìn" cho chính bản thân mình.
Đó không phải là vị kỷ. Bởi người già vốn tự trọng và hay tủi thân. Chớ có dại dột vội vàng đem hết của cải, đem cả đất đai nhà cửa giao cho con, cho cháu rồi ngồi đó mà chờ lòng hiếu thảo, cầu mong sự hảo tâm của chúng, thì thôi rồi... cuộc đời sẽ chìm trong nước mắt".
Hóa ra chuyện con cái ăn ở có hiếu có nghĩa thời nào cũng có, hoặc đối xử tàn nhẫn với cha mẹ già cũng là chuyện có tự ngàn xưa.
Theo Dantri
Anh ở nơi ấy bình yên! Vào ngày ý nghĩa này, em tự cho mình quyền được nói tiếng yêu anh: Em yêu anh! Ngày mồng 8/3, ngày mà một nửa thế giới tự cho mình quyền được chăm sóc, nâng niu. Nhưng em lại muốn biến ngày này thành ngày em được thể hiện tình yêu của mình với anh- tình yêu của em. Mình yêu nhau được...