Xin đừng lãng phí ‘Tuổi thanh xuân’
“Khi còn trẻ người ta nhìn đời qua đầu này ống nhòm, mọi thứ trong tầm với. Đó là tương lai. Khi về già người ta nhìn đời qua đầu kia ống nhòm, mọi thứ quá xa xôi. Đó là quá khứ.”
“Tôi muốn kể lại những khát khao của các ông, khát khao của tôi, những khát khao quá đỗi thuần khiết, những khát khao quá đỗi bất khả, những khát khao trái lẽ thông thường. Nhưng có hề gì khi chính những khát khao ấy giúp chúng ta sống thực sự.”
Ngôi sao điện ảnh trẻ tuổi Jimmy Tree ( Paul Dano) đã thốt lên như vậy với nhà làm phim gạo cội Mick Boyle ( Harvey Keitel) sau chuỗi ngày đằng đẵng anh theo dõi cuộc sống như ngừng lại của những người cao tuổi như Boyle, như nhà soạn nhạc lừng lẫy Fred Ballinger ( Michael Caine), ở khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ nhưng buồn bã giữa núi non trùng điệp và lạnh lẽo của đất nước Thụy Sỹ.
Paolo Sorrentino tiếp tục khai thác chủ đề tuổi xế chiều ở Youth (2015). Phim theo chân hai nhân vật chính: một đạo diễn Hollywood lừng danh, một nhà soạn nhạc được người đời kính nể.
Đó cũng là bối cảnh của Youth (tạm dịch: Tuổi thanh xuân), tác phẩm điện ảnh tiếp theo thuộc chuỗi phim nói về buổi hoàng hôn của đời người do đạo diễn Paolo Sorrentino thực hiện. Trước đó, nhà làm phim người Italy từng gặt hái nhiều giải thưởng danh giá như giải ban giám khảo bình chọn tại Liên hoan phim Cannes với Il Divo (2008), hay giải Oscar tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc cho The Great Beauty (2013).
Bộ đôi nhân vật chính trong Youth, Boyle và Ballinger, sở hữu rất nhiều điểm tương đồng. Hai người bạn thân đều có một sự nghiệp thành công, được người đời kính nể. Bước vào tuổi xế chiều, họ tràn ngập những suy tư, nuối tiếc về quá khứ. Nhưng hai người bạn vong niên ấy hóa ra lại có những nét tính cách đối nghịch.
Youth là câu chuyện về hai người bạn vong niên từng rất thành công trong lĩnh vực nghệ thuật. Giờ họ chỉ còn là cái bóng của chính mình, chống chọi với tuổi già và hoài niệm về quá khứ.
Mang đúng cá tính nồng nhiệt của một đạo diễn Hollywood, Mick Boyle luôn hào hứng tìm kiếm ý tưởng cho các tác phẩm mới, nhiệt thành và tin tưởng những người xung khanh. Khi Ballinger thắc mắc rằng tại sao ông lại luôn tin lời bạn bè đến thế, Boyle chỉ bảo đơn giản rằng: “Nghề của tôi là sáng tạo cốt truyện cho các bộ phim, nên tôi phải tin tưởng ở mọi điều người ta nói ra. Chỉ có thế tôi mới nghĩ ra được chuyện để kể”.
Ở thái cực trái ngược, Fred Ballinger là một “phớt Ăng-lê” đúng nghĩa. Ông luôn luôn nghi ngờ mọi thứ và sẵn sàng gạt phăng cả lời mời trình diễn của Nữ hoàng Anh chỉ đơn giản bởi… không thích.
Xung quanh họ, giữa khu nghỉ dưỡng hẻo lánh nơi thời gian tưởng chừng ngưng lại, người xem còn được làm quen với rất nhiều “nạn nhân” khác của thời gian, của tuổi già, của gánh nặng đến từ quá khứ. Gương mặt đáng nhớ nhất trong số đó có lẽ là ngôi sao bóng đá hết thời Roly Serrano. Sở hữu thân hình béo tròn, những hơi thở gấp gáp phải cần đến sự trợ giúp của máy móc, hình xăm Karl Marx phủ kín cả lưng, cũng như tình yêu không bao giờ cạn với trái bóng tròn, nhân vật mang dáng dấp của “cậu bé vàng” Diego Maradona.
Qua nhân vật của Roly Serrano, người xem có thể trông thấy dáng dấp Diego Maradona và bi kịch của “cậu bé vàng”.
Video đang HOT
Đạo diễn Paolo Sorrentino vốn là một người con xứ Napoli, nơi Maradona mãi mãi là “vị thánh bóng đá” trong tim người dân. Ông có lẽ cũng cảm thấy đau lòng khi phải chứng kiến cảnh thần tượng giờ chỉ còn là cái bóng của những hào quang trong quá khứ và muốn gửi gắm chút tâm tình ấy qua nhân vật Roly Serrano trong Youth.
Bi kịch của Serrano hay Maradona cũng chính là bi kịch của Mick Boyle, của Fred Ballinger, của những người khách ở đất nước Thụy Sỹ thanh bình. Họ vừa phải chiến đấu với bệnh tật, vừa phải chiến đấu với thứ ẩn ức trong tâm hồn, chầu chực bộc phát ở thời điểm mà họ cảm thấy mềm yếu nhất.
Youth chính là câu chuyện kể lại cuộc chiến dai dẳng của những “đấu sĩ” ấy, nơi có người vượt qua, có kẻ phải nằm lại, nhưng tất cả đều chia sẻ khát vọng được trở về tuổi thanh xuân.
Là một đạo diễn yêu thích phong cách hiện thực huyền ảo qua những cảnh quay đậm tính ẩn dụ, Paolo Sorrentino thỏa sức sáng tạo với đề tài mang nhiều tính triết lý của Youth. Mỗi khung hình của bộ phim là một bức tranh tuyệt đẹp theo những cách rất khác nhau. Có thể đó là một bức tranh phong cảnh rực rỡ theo chủ nghĩa tự nhiên về đất nước Thụy Sỹ, hay có khi lại là một bức họa chỉ với hai gam màu đối nghịch của chủ nghĩa tối giản khi ông muốn lột tả không gian lắng đọng bên trong khu nghỉ dưỡng, nơi các vị khách đang trở thành những “cái bóng” mờ dần.
Bộ phim sở hữu những khung hình rất đẹp, đầy chất thơ và mang đậm tính nghệ thuật.
Tất cả biến Youth trở thành một tác phẩm nghệ thuật khơi gợi cảm xúc, có thể khiến người ta xúc động về giá trị cuộc sống chỉ qua hình ảnh và âm nhạc. Nhân vật Fred Ballinger được người ta ghi nhận nhờ bản nhạc đầu tay đầy dung dị, lôi cuốn. Youth cũng vậy, không quá nặng tính nghệ thuật, sở hữu nhịp phim nhịp nhàng với nhiều khoảng lặng cần thiết. Đây có lẽ là tác phẩm dễ tiếp cận nhất của Sorrentino dành cho công chúng từ trước tới nay.
Thành công của Youth có công lớn của dàn diễn viên danh tiếng, bao gồm Michael Caine, Harvey Keitel, Rachel Weisz, Paul Dano… Ngay cả “Jane Hà Nội”, Jane Fonda, cũng để lại ấn tượng sâu sắc qua cung bậc cảm xúc đau xót chỉ trong vài phút ngắn ngủi.
Jane Fonda xuất hiện tuy ngắn ngủi, nhưng bà để lại dấu ấn sâu sắc về quan điểm của bản thân về tuổi già và Hollywood ngày nay.
Michael Caine cho thấy mình là “bậc thầy” diễn xuất khi vào vai “bậc thầy” (maestro) âm nhạc Fred Ballinger. Nhưng Harvey Keitel có lẽ mới là hiện thân của bộ phim. Ông thành công truyền tải bề ngoài mạnh mẽ của một nhà làm phim Hollywood, sự ngây thơ trong tâm hồn người nghệ sĩ, và hơn hết là những góc khuất yếu mềm của một tâm hồn bi kịch.
Youth là một bộ phim đẹp về tuổi già, về những giá trị vững bền của quá khứ và ký ức. Nhưng quan trọng hơn, phim đem tới một thông điệp không bao giờ cũ: hãy biết trân trọng tuổi trẻ. Bởi nó chỉ đến đúng một lần trong đời và đem lại cho ta sức mạnh để sáng tạo, để sống, để yêu.
Zing.vn đánh giá: 4,5/5
Theo Zing
'Người đàm phán': Bức tranh sinh động thời Chiến tranh Lạnh
Đạo diễn Steven Spielberg tạo ra bầu không khí đầy căng thẳng chỉ nhờ lời thoại khi hai cường quốc Mỹ và Liên Xô phải thực hiện cuộc đàm phán trao đổi tù binh không ai mong muốn.
Bridge of Spies lấy bối cảnh cuối thập niên 1950, khi Mỹ và Liên Xô đang trong tình trạng Chiến tranh Lạnh đầy căng thẳng. Tom Hanks sắm vai James B. Donovan, một luật sư bảo hiểm được chính phủ Mỹ yêu cầu bào chữa cho một điệp viên của Liên Xô có tên Rudolf Abel (Mark Rylance), người mới bị lộ danh tính và FBI bắt giữ tại Brooklyn, New York.
Tom Hanks sắm vai chính trong bộ phim lấy đề tài Chiến tranh Lạnh nhưng được kể dưới lăng kính đầy khách quan của đạo diễn Steven Spielberg.
Bất chấp sự phản đối, thậm chí đe dọa từ nhiều phía muốn nhanh chóng kết án tử hình Abel, James B. Donovan nhận lời bào chữa cho "kẻ thù quốc gia" một cách chuyên nghiệp và công bằng. Abel bị tòa án tối cao nước Mỹ kết tội gián điệp và phạt 30 năm tù giam.
Nhưng cùng lúc này, phía Liên Xô và chính quyền Đông Đức lại bắt được viên phi công do thám Francis Gary Powers (Austin Stowell) và một chàng sinh viên người Mỹ du học tại Berlin (Will Rogers) bị tình nghi là gián điệp. Chính phủ Mỹ chỉ định Donovan làm người đàm phán cho cuộc trao đổi tù nhân bí mật không được các bên công khai thừa nhận.
Bridge of Spies được xây dựng dựa trên những sự kiện và nhân vật lịch sử có thật, với nhiều sự kiện lớn diễn ra dàn trải trong suốt thời lượng 140 phút. Bộ phim bắt đầu bằng các chi tiết kịch tính quen thuộc ở một bộ phim mang đề tài gián điệp: FBI tìm cách theo dõi Abel và bắt giữ ông tại một căn phòng khách sạn với những chứng cứ buộc tội gián điệp.
Ngay sau đó, phim đi sâu vào lĩnh vực pháp lý với các hoạt động bào chữa của Donovan dành cho thân chủ Abel. Những âm mưu, mánh khóe tố tụng dần dần được bóc tách mỗi khi có nhân mới xuất hiện. Mỗi người bọn họ đều có toan tính riêng trong vụ án xét xử viên gián điệp của Liên Xô, chỉ ngoại trừ Donovan muốn theo đuổi công lý chính trực.
Luật sư James B. Donovan chấp nhận trở thành "kẻ thù số hai" của nước Mỹ khi quyết định bào chữa cho Abel một cách công bằng, chính trực.
Kịch tính ngày càng gia tăng khi Liên Xô bắt giữ và kết tội viên phi công do thám Powers, muốn dùng anh để trao đổi lại người của mình. Từ chỗ là luật sư bảo hiểm, không hề liên quan gì tới chính quyền, Donovan bất ngờ trở thành người trung gian cho một cuộc đàm phán không được cả hai cường quốc thừa nhận. Đó là trận chiến ngoại giao ảnh hưởng tới sinh mạng của các tù nhân và cả chính bản thân Donovan.
Sử dụng cốt truyện khá quen thuộc trong các bộ phim cũng thuộc đề tài Chiến tranh Lạnh, nhưng đạo diễn Steven Spielberg thành công tạo ra tác phẩm có tư tưởng hoàn toàn khác biệt. Bridge of Spies không miêu tả Liên Xô như những kẻ phản diện dù được đặt dưới lăng kính của nước Mỹ.
Nước Mỹ vốn là quốc gia luôn đề cao dân chủ và nhân quyền. Nhưng trong phim, chính người Mỹ lại bị ám ảnh bởi chiến tranh hạt nhân đến mức sẵn sàng gạt bỏ luật pháp và đạo đức khi xét xử một kẻ bị tình nghi là gián điệp. Gia đình Donovan phản đối việc ông nhận bào chữa cho Abel, bồi thẩm đoàn tìm mọi cách tuyên án tử hình Abel, còn quần chúng thì phẫn nộ đòi đưa Abel lên giá treo cổ... Cuối cùng, khi lâm vào thế bí, chính phủ Mỹ lại cử một người bình dị đi thực hiện nhiệm vụ đàm phán đầy khó khăn thay cho các quan chức.
Bức tranh thu nhỏ của thời kỳ Chiến tranh Lạnh dần hiện ra dưới bàn tay tài ba của Steven Spielberg trong 140 phút của Bridge of Spies.
Phía Liên Xô và Đông Đức cũng có những hành động, toan tính vì lợi ích riêng. Chỉ duy có James B. Donovan là con người chính trực hơn tất thảy. Là người Mỹ, nhưng ông không từ chối bào chữa cho Abel, chấp nhận trở thành "kẻ thù số hai" trong mắt công chúng chỉ sau thân chủ. Ông làm việc với tinh thần thượng tôn pháp luật, không để cảm tính cá nhân ảnh hưởng đến công việc, bởi Donovan tin rằng mọi người đều có quyền được xét xử công bằng.
Bất chấp sự thiếu minh bạch của tòa án, sự đe dọa của quần chúng quá khích, ông đã bảo vệ thân chủ của mình đến cùng, làm trọn vẹn phận sự của người luật sư. Nhờ đó, khán giả, thông qua góc nhìn của Donovan, có cơ hội nhìn nhận và đánh giá Abel khách quan hơn. Còn nhân vật chính, quả đúng như lời khen của thân chủ, là "một người đàn ông đứng thẳng" (standing man), luôn vững tâm, kiên định trước mọi hoàn cảnh.
Nam diễn viên gạo cội Tom Hanks rất thành công khi hóa thân vào vai luật sư Donovan. Ông sở hữu vẻ ngoài bình dị có phần khắc khổ, nhưng vẫn thể hiện được sự bình tĩnh, nhanh trí trước những âm mưu lắt léo của giới tình báo. Nhân vật gián điệp Rudolf Abel của Mark Rylance cũng là một vai diễn ấn tượng. Không có nhiều đất diễn, nhưng với nét biểu cảm tinh tế, lời thoại ngắn gọn đầy thông minh, Rylance đem đến hình ảnh một người chiến sĩ tình báo đầy bản lĩnh, luôn trung thành với lý tưởng của bản thân.
Bridge of Spies là lần hợp tác thứ tư giữa bộ đôi Tom Hanks - Steven Spielberg. Họ đều thực hiện thành công nhiệm vụ của mình.
Qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn Steven Spielberg, Bridge of Spies tái hiện lại bối cảnh thế giới muôn mặt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Người dân Mỹ sống trong hòa bình, hạnh phúc, nhưng bộ máy tuyên truyền của chính phủ luôn ra rả về cuộc chiến hạt nhân có thể diễn ra bất cứ lúc nào, cũng như gieo rắc sự thù ghét dành cho đối thủ mà bản thân họ chưa bao giờ hiểu hết.
Nước Đức hiện lên như miếng bánh để các cường quốc xâu xé, tranh giành quyền lực. Bức tường Berlin được dựng lên chia đôi thủ đô và đất nước. Hai chế độ xung đột khiến nền kinh tế trở nên kiệt quệ, đời sống người dân khó khăn, an ninh bất ổn. Chỉ bằng những chi tiết nhỏ tưởng chừng không liên quan đến cốt truyện chính, Bridge of Spies khắc họa được phần nào hình ảnh những con người dưới các chế độ khác nhau trong thời kỳ hỗn loạn bằng góc nhìn đầy khách quan.
Trailer bộ phim 'Người đàm phán'
Phim không có cảnh hành động cháy nổ, tiết tấu luôn chậm rãi, nhưng vẫn tạo ra được bầu không khí căng thẳng chỉ cần qua những cuộc đối thoại. Tác phẩm càng về cuối càng trở nên dễ đoán. Số lượng nhân vật phụ đông đảo cũng có thể khiến người xem khó nắm bắt. Song, đó chỉ là những điểm trừ nhỏ trong một tác phẩm chất lượng đến từ bậc thầy Steven Spielberg. Bridge of Spies chắc chắn sẽ là một ứng cử viên nặng ký cho mùa giải thưởng điện ảnh 2015 - 2016 trong thời gian tới.
Bridge of Spies (Người đàm phán) khởi chiếu trên toàn quốc từ 23/10.
Zing.vn đánh giá: 4/5
Theo Zing
Warner Bros. đưa 'Max Điên' tới đường đua Oscar Hãng phim bắt đầu tổ chức các chiến dịch quảng bá nhằm giúp "Mad Max: Fury Road" có thể nhận được đề cử tại Oscar 2016. Hồi cuối tuần trước, Warner Bros. mở một website đặc biệt để thu hút sự ủng hộ của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) tại đường đua Oscar năm nay....