Xím Vàng mùa lúa chín
Những ngày này, đến xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, du khách sẽ vô cùng ấn tượng trước những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, uốn lượn bên sườn núi như những dải lụa mềm mại.
Hương thơm lúa chín lan tỏa trong không gian hùng vĩ của núi rừng, tạo khung cảnh thơ mộng, ấm no nơi rẻo cao.
Khu ruộng lúa bậc thang bản Sồng Chống, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên.
Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, xã Xím Vàng cách trung tâm huyện Bắc Yên khoảng 30km, là nơi sinh sống của hơn 570 hộ dân đồng bào dân tộc Mông, cũng là một trong những địa phương có diện tích ruộng bậc thang lớn nhất, đẹp nhất của vùng cao Bắc Yên.
Khác với mọi năm, mùa lúa chín năm nay, ruộng bậc thang của xã Xím Vàng trở nên nhộn nhịp, rực rỡ hơn, bởi nơi đây sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ hội Mùa vàng lần thứ nhất năm 2023, do UBND xã tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/10.
Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động thi gặt lúa, đập lúa nhanh; kéo co; đẩy gậy; giã bánh dày; thêu vải và ném pao, thổi khèn. Thông qua Lễ hội, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của xã Xím Vàng. Đồng thời, kết nối hoạt động, hợp tác phát triển du lịch giữa xã với các hiệp hội, doanh nghiệp, chi hội du lịch, lữ hành, các tour, tuyến du lịch trong, ngoài nước và mời gọi đầu tư sản phẩm du lịch.
Những ruộng lúa bậc thang ở bản Xím Vàng mùa lúa chín.
Cùng chúng tôi thăm khu ruộng bậc thang của xã, ông Giàng A Nênh, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng, chia sẻ: Ruộng bậc thang được đồng bào dân tộc Mông khai phá từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước. Năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khai hoang diện tích; sửa chữa, kiên cố hóa mương nước, thì diện tích ruộng tiếp tục được mở rộng. Đến nay, toàn xã có 321 ha ruộng bậc thang, tập trung chủ yếu ở các bản Sồng Chống, Xím Vàng, Háng Chơ, Trông Tầu.
Những năm gần đây, nhân dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thâm canh cây lúa, đưa các loại giống lúa mới, như nhị ưu 838, lúa lai Bắc Giang, ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; năng suất đạt 50-55 tạ/ha, nhiều thửa cho năng suất gần 60 tạ/ha, đảm bảo an ninh lương thực địa phương.
Bên cạnh đó, mỗi khi mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang lại thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con; đây là một trong những hướng phát triển du lịch gắn với trải nghiệm đang được xã chú trọng.
Khu ruộng lúa bậc thang bản Háng Chơ, xã Xím Vàng.
Tại bản Háng Chơ, gần 70 ha ruộng bậc thang lúa đang chín rộ, đông đảo du khách đến check in, chụp ảnh; bà con trong bản phát cỏ, sửa đường đi, tao thuận lợi cho du khách và chuẩn bị thu hoạch lúa. Chị Hạng Thị Sê, bản Háng Chơ, cho biết: Gia đình tôi có 1,5 ha lúa, năm nay nước tưới đảm bảo và được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên lúa phát triển rất tốt. Năm nay, cũng là năm đầu tiên xã tổ chức Lễ hội, chúng tôi rất vui vì sẽ được tiếp đón nhiều khách du lịch. Gia đình tôi đang chuẩn bị dụng cụ tham gia thi gặt, đập lúa, cho du khách trải nghiệm, góp phần thành công cho Lễ hội.
Đang cùng nhóm bạn “check in”, chụp ảnh trên sóng ruộng bậc thang, anh Nguyễn Thanh Chung, đến từ thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, phấn khởi: Lần đầu tiên chúng tôi lên Sím Vàng, được tận mắt nhìn thấy những ruộng bậc thang mùa lúa chín, tầng tầng, lớp lớp gối nhau trên các sườn núi rất đẹp, mang đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao. Thật cảm phục sức lao động, sáng tạo của con người vùng cao nơi đây, chúng tôi sẽ ở lại tham gia Lễ hội Mùa vàng cùng bà con nơi đây.
Video đang HOT
Khu ruộng lúa bậc thang bản Trông Tầu, xã Xím Vàng.
Mùa lúa chín ở Xím Vàng thường kéo dài 1 tháng, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 hằng năm. Cánh đồng lúa đẹp nhất để du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch lúa cùng bà con là cuối tháng 9 đầu tháng 10. Du khách đến dịp này còn có thể kết hợp tham quan, trải nghiệm khu du lịch Tà Xùa, tham quan Sống lưng khủng long tại xã Háng Đồng.
Chia tay Xím Vàng, ánh hoàng hôn dát sợi vàng lên những “dải lụa” bậc thang; gió thu mang theo hương lúa mới len lỏi từng nếp nhà, ngõ xóm; những bước chân rộn ràng, đong đầy niềm vui của bà con. Thật vui, khi mùa lúa chín nơi rẻo cao Xím Vàng không chỉ mang no ấm cho bà con, mà còn mở ra cơ hội quảng bá, kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với huyện vùng cao Bắc Yên.
5 trải nghiệm leo núi được đề cử 'Top 7 Ấn tượng Việt Nam'
Leo núi là một trong những trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích trong thời gian gần đây. Theo đó, hành trình chinh phục đỉnh Sa Mu ở Sơn La, đỉnh Ngọc Linh ở Kon Tum hay đỉnh Nam Kang Ho Tao ở Lai Châu...
là những trải nghiệm du lịch thú vị, được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị đề cử vào 'Top 7 Ấn tượng Việt Nam'.
Đỉnh Sa Mu, Sơn La
Đỉnh Sa Mu - U Bò, thường gọi là đỉnh Sa Mu có độ cao 2.756 mét so với mực nước biển. Đỉnh núi này trong rừng đặc dụng Tà Xùa, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
"Biển mây" trên đỉnh Sa Mu. Ảnh: Ảnh: Đỗ Văn Tuyên
Ngọn núi này còn khá xa lạ với du khách. Tuy nhiên, nơi đây cuốn hút du khách bởi thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú với thảm thực vật độc đáo. Cung đường trekking đỉnh Sa Mu sẽ đi xuyên qua một khu rừng nguyên sinh mang nét đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới, với đa dạng thực vật như rêu, đỗ quyên, lá phong, rừng trúc và nhiều suối, thác.
Ảnh: Đỗ Văn Tuyên
Từ khoảng tháng 9 đến tháng 11, lá phong đổi màu vàng, đỏ tạo nên khung cảnh thơ mộng. Tháng 3 và 4 là mùa hoa đỗ quyên. Trong rừng còn có nhiều cây cổ thụ to, hình dáng kỳ lạ, rêu phủ quanh năm và rừng trúc xanh bốn mùa.
Đỉnh Ngọc Linh, Kon Tum
Ngọc Linh Liên Sơn là khối núi bao trùm trên bốn tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía Đông Nam.
Ảnh: Huyền Nguyễn
Trong hành trình leo núi Ngọc Linh du khách sẽ có dịp ngắm bạt ngàn ruộng bậc thang đang, những ngôi làng của người dân tộc Xơ - đăng trên những ngọn đồi trông thật thanh bình. Càng lên cao, cảnh vật có sự thay đổi, không còn có ruộng bậc thang, mà thay vào đó là cảnh vật của rừng già cổ thụ với cây cối rậm rạp và ẩm ướt hơn. Sau khoảng năm giờ leo, du khách sẽ đến mốc 2100m để cắm trại.
Ảnh: Huyền Nguyễn
Đường từ chỗ cắm trại lên tới đỉnh mới thật sự thử thách, khi phải vượt qua những đoạn suối dốc với những tảng đá đầy rêu, trơn trượt hay những len lỏi trong những khu rừng rậm, cây cối mọc chắn hết cả lối đi đến những con đường nhỏ hẹp hiểm trở; một bên là rừng, một bên là vực sâu hun hút...
Đỉnh Nam Kang Ho Tao, Lai Châu
Ảnh: Lồ A Phổng
Nam Kang Ho Tao thuộc địa phận bản Thào A, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Có độ cao khoảng 2.880m, đây là ngọn núi hoang sơ, hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. Chinh phục Nam Kang Ho Tao là cả một hành trình gian nan vất vả mà du khách phải vượt qua.
Ảnh: Lồ A Phổng
Nam Kang Ho Tao là vùng núi hoang sơ với địa hình phức tạp, hành trình chinh phục đỉnh núi này đòi hỏi thể lực, sự kiên trì và sức chịu đựng bền bỉ. Những người tìm đến chinh phục Nam Kang Ho Tao phần vì cảnh đẹp, phần vì muốn vượt qua giới hạn của bản thân. Du khách phải vượt qua bao dốc núi trùng điệp, ghềnh đá, vách đá dựng đứng, băng qua các khu rừng nguyên sinh, khu rừng già...
Ảnh: Lồ A Phổng
Nam Kang Ho Tao còn được nhiều du khách ví von là "cung đường hành xác". Bởi lẽ, trên đường khám phá Nam Kang Ho Tao nhiều chỗ nếu không có dây bảo hiểm, du khách phải trườn cả người, bám bằng cả chân và tay để vượt qua.
Đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, Lào Cai
Ảnh: Thu Hương
Ngũ Chỉ Sơn thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm giáp ranh giữa xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ngũ Chỉ Sơn nổi tiếng với 5 đỉnh núi nằm san sát nhau, như bàn tay 5 ngón xòe thẳng lên trời.
Ngũ Chỉ Sơn được đánh giá là ngọn núi hùng vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc, gần đây, ngọn núi này là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách ưa mạo hiểm. Ngọn núi này có độ cao khoảng 2.858m so với mực nước biển.
Ảnh: Thu Hương
So với các đỉnh núi khác, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn có độ thử thách cao nhưng sở hữu cảnh đẹp ấn tượng. Quang cảnh núi rừng Ngũ Chỉ Sơn còn hoang sơ, ít bị tác động bởi con người, đường đi có nhiều rừng trúc, hoa mua, hoa đỗ quyên, rừng cổ thụ đẹp mắt...
Ảnh: Thu Hương
Trên đường khám phá Ngũ Chỉ Sơn, du khách phải vượt qua đoạn đường khó khăn với các cầu thang được bắt tạm, lách mình qua những khe đá hay bám vào cây rừng để men theo những con dốc trơn trượt.
Núi Cấm, An Giang
Ảnh: Dương Việt Anh
Trekking núi Cấm, tỉnh An Giang không đơn thuần là một hoạt động thể thao mà còn là cơ hội để du khách khám phá vẻ đẹp ấn tượng của vùng Bảy Núi. Khi bắt đầu hành trình trekking, du khách sẽ được đắm mình trong không gian của cánh đồng thốt nốt.
Những cây trúc xanh mướt và đồng cỏ tạo nên một hình ảnh thanh bình, yên tĩnh. Tiếp theo là đồi mãng cầu sai quả, tạo nên một khung cảnh sống động và bắt mắt.
Ảnh: Dương Việt Anh
Chinh phục núi Cấm cũng đồng nghĩa với việc du khách sẽ băng qua suối Thanh Long. Dòng nước trong veo chảy qua những viên đá nhỏ, tạo nên khung cảnh ấn tượng, không gian mát lành.
Ảnh: Dương Việt Anh
Khi leo lên đỉnh núi, tầm nhìn của du khách sẽ được mở rộng, nhìn ra bức tranh đồng bằng xanh mướt và sông nước êm đềm của miền Tây Nam bộ. Cảnh quan hùng vĩ và bao la này sẽ làm say đắm lòng người, đánh thức niềm tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương.
Hai ngày băng rừng ngắm 'quỷ núi', săn 'trái tim' Nhìu Cồ San Nhìu Cồ San nằm trên địa phận xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là một trong những ngọn núi cao ở miền Bắc, với địa hình tương đối đa dạng, có suối, thác, rừng rậm rêu phong, đồi cỏ xanh, hoa mua tím và những lối mòn chìm khuất trong màn sương trắng xóa. Độ khó khi chinh...