Xích lô Hà Nội – nét đẹp văn hóa lặng thầm theo dòng lịch sử
Ngắm và thưởng thức cảnh quan phố cổ bằng xích lô là điều mà bất kỳ ai cũng muốn được trải nghiệm một lần khi đi du lịch nơi đất Kinh kỳ.
Ngồi trên xích lô sẽ khiến du khách vừa lạ lẫm, vừa thú vị, nhất là sự thân quen với hơi thở cuộc sống và nét văn hóa Hà Nội.
Xích lô là phương tiện giao thông sử dụng sức người, có ba bánh dùng để vận chuyển khách hoặc hàng hóa, thường có một hoặc hai ghế cho khách và một chỗ cho người lái.
Xuất hiện từ năm 1939, xích lô là phương tiện đi lại phổ biến của người dân Việt Nam xưa. Trong những năm đầu thế kỷ 20 đó, chỉ tầng lớp quý tộc, giàu sang mới đủ điều kiện sử dụng xích lô để di chuyển chủ yếu ở các thành phố lớn thời đó như Sài Gòn, Hà Nội và Huế.
Vào những năm 1990, khi khách du lịch nước ngoài đến ngày một nhiều, xích lô từ phương tiện của người dân Hà Nội cũng được sử dụng phục vụ du lịch. Giá rẻ, thuận tiện và trải nghiệm mới lạ đã giúp loại xe 3 bánh thô sơ này để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
Trong tâm trí của người Hà Nội, từ bao giờ hình ảnh những chiếc xích lô chạy thong dong trên phố đã trở thành một nét đẹp, một thói quen.
Đi liền với sự phát triển của xã hội, những chiếc ôtô, xe máy, xe điện, dần tràn ngập trên đường phố Hà Nội và đã từng có thời điểm xích lô chìm vào trong quên lãng, ít người biết đến.
Video đang HOT
Nhưng ngày nay khi lượng khách du lịch đến với Hà Nội ngày một tăng, các hãng du lịch phát triển làm cho xích lô trở lại với người dân phố cổ. Xích lô có mặt ở khắp mọi nơi, từ những con ngõ nhỏ, cho đến những phố xá đông đúc, ồn ào. Không khó để bắt gặp được những ánh mắt thân thiện của những bác tài xế, những nụ cười hài lòng của khách du lịch.
Thong dong thưởng thức cảnh quanh Hồ Gươm bằng xích lô là điều thú vị mà bất kỳ ai, nhất là du khách nước ngoài mong muốn được trải nghiệm một lần khi tới Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ.
Những chiếc xích lô tạo cho du khách cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thú vị, nhất là sự thân quen với hơi thở cuộc sống và nét văn hoá trước kia của đất Hà Thành.
Chạy xích lô ở khu phố cổ đã gần 20 năm, chú Hùng (quê Nam Định) cho biết: “Mỗi ngày tôi chạy được 3 đến 4 chuyến thu nhập tầm hơn 200 nghìn đồng, khách chủ yều là người nước ngoài muốn tham quan, du lịch trải nghiệm đi xe xích lô một lần khi tới Hà Nội”.
Theo ghi nhận, bên cạnh đài phun nước trung tâm hồ Hoàn Kiếm, khu phố Hàng Ngang, Hàng Đào,… là nơi tập trung đông nhất những xe xích lô của Thủ đô.
Phương tiện thuần tuý cho khách du lịch đi tham quan Hồ Gươm, các tuyến phố cổ bằng xe xích lô.
Xích lô từ bao giờ đã trở thành một phần ký ức trong lòng mỗi người dân Hà Nội, trở thành một nét riêng, nét đặc biệt của Thủ đô. Đi dạo bằng xích lô là một đặc trưng mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có.
Hoàng Hà
Theo phapluatxahoi.vn
Du lịch trải nghiệm Hội An lên ngôi
Du lịch trải nghiệm ở vùng đất Hội An với nhiều mảng màu đã giúp du khách tùy chọn những chuyến đi của riêng mình.
Thời gian gần đây, du lịch trải nghiệm đang trở thành xu hướng mới được nhiều người lựa chọn. Và Hội An (Quảng Nam) trở thành một vùng đất hội đủ những điều thú vị, giúp du khách chọn làm nơi trải nghiệm, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Xách ba lô lên và đi
Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng với tính ham tìm hiểu, khám phá sự mới mẻ, ông Nguyễn Văn Phương, ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn tranh thủ đưa người bạn đời về Hội An để được trải nghiệm không gian du lịch của vùng đất này. Hành trang đơn giản của vợ chồng ông là chiếc ba lô, với vài bộ trang phục, tự mình rong ruỗi nhiều điểm đến. Sau những ngày dạo phố tìm hiểu về quần thể di tích và những giá trị văn hóa độc đáo của khu phố cổ, vợ chồng ông Phương lại tìm đến từng làng quê, từ Trà Quế, Kim Bồng, Gốm Thanh Hà đến Cù Lao Chàm, rồi trở về vùng sông nước, rừng dừa Cẩm Thanh. Trên chiếc thúng chai của một cư dân địa phương, vợ chồng ông có dịp vào bên trong rừng dừa, lắng nghe những câu chuyện về lịch sử cũng như đời sống cư dân vùng sông nước.
Du khách gặt lúa với người dân địa phương
Sau khi kết thúc chuyến đi, vợ chồng ông chọn khu du lịch Tuấn Liên làm nơi nán lại, thưởng thức bữa cơm trưa mang đậm chất dân giã, với những con cá câu trong ao hồ và bát canh cua thơm ngọt, tươi ngon được nấu từ những sản vật có sẵn, đánh bắt ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn. "Tôi thấy ở đây vẫn còn nguyên sơ. Mình được câu cá, câu cua, được chui trong những chòm dừa rất mát mẻ, được nghe lại lịch sử hồi trước, ở đây là vùng chống Mỹ, có những căn cứ quân đội cách mạng nằm trong này. Cái đó vừa là lịch sử văn hóa, lại vừa hưởng sinh thái, vừa có những điểm mình học hỏi, thu thập được".
Chuyến đi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Phương cũng là lựa chọn mang tính cá nhân của rất nhiều du khách trong những năm gần đây. Thay vì du lịch nghỉ dưỡng hoặc mua tour của các hãng lữ hành, đi theo hướng dẫn viên thuyết minh, với lịch trình các điểm đến được kết nối sẵn, thời gian gần đây, nhiều người đã tự chọn cách "xách ba lô lên và đi" để được tận hưởng những không gian riêng, hoặc tìm hiểu những nếp sống, phong tục, tập quán, văn hóa khác nhau, mở lòng đón nhận cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng.
Thiết kế hoạt động trải nghiệm cho du khách
Đến Hội An, ngoài không gian du lịch bao quát, vùng đất này cũng có nhiều địa chỉ trở thành những không gian phù hợp với loại hình du lịch trải nghiệm hấp dẫn. Có thể kể đến như những vườn rau hữu cơ ở Cẩm Thanh, rau Oganic của các bạn trẻ ở Cẩm Hà, làng rau nổi tiếng Trà Quế, những cơ sở sản xuất đèn lồng, nghề mộc, nghề làm gốm... Cùng với đó là những không gian còn khá nguyên sơ của các xã vùng nông thôn, hải đảo như Cẩm Kim, Tân Hiệp, với những trải nghiệm gắn liền với nghề nông, nghề biển. Du khách có thể cùng ở lại nhà dân, làm nghề cùng với gia đình hoặc lênh đênh với ngư dân câu cá trên biển, trên sông. Đến các địa chỉ này, những người có sở thích du lịch trải nghiệm sẽ tự mình tìm hiểu cặn kẽ những giá trị riêng, hoàn toàn khác với những chuyến đi lướt qua theo tour có hướng dẫn viên. Nhiều người say mê du lịch trải nghiệm đã tìm cách ở lại lâu hơn, trực tiếp tham gia sản xuất, trò chuyện với người dân địa phương để hiểu hơn về đời sống sản xuất, lịch sử nghề hoặc ý tưởng làm du lịch độc đáo của người dân Hội An.
Ông Nguyễn Sáu giúp du khách trải nghiệm miễn phí nghệ thuật chuốt gốm
Tại làng Gốm Thanh Hà, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, trong số đó có không ít du khách sẵn sàng "xắn tay áo" nặn chuốt gốm, đạp bàn xoay để hiểu hơn về giá trị lao động cũng như tìm hiểu kỹ về nghề gốm truyền thống của địa phương. Ở điểm đến này, người dân trong làng đều giúp du khách trải nghiệm miễn phí, hướng dẫn tận tình, tạo thiện cảm với du khách.
Ông Nguyễn Sáu, người làm tò he và hỗ trợ khách trải nghiệm tại làng gốm Thanh Hà cho biết du khách đến đây là khu vực trực tiếp họ làm, tức đây là khu vực trải nghiệm, mình mời người ta làm. Theo quy chế của Trung tâm Văn hóa thể thao - Truyền thanh truyền hình thành phố Hội An, cả làng không ai được lấy tiền của khách trải nghiệm. Nghĩa là khách trải nghiệm "Thử tài chuốt gốm" miễn phí hoàn toàn. "Người ta được trò chuyện, hỏi han và làm với mình cả ngày cũng phục vụ. Ví như người ta hỏi đất lấy từ đâu, làm thế nào, có hồi họ hỏi sản phẩm này nhiệt độ bao nhiêu hoặc làm bao nhiêu khâu, rứa đó. Sau khi trải nghiệm, mỗi khách còn được tặng một con tò he tại điểm tặng quà. Khách mua vé tham quan được hưởng nhiều quyền lợi do thành phố thiết kế trải nghiệm như vậy", ông Sáu chia sẻ.
Du khách gặt lúa cùng nông dân Hội An
Nắm bắt được nhu cầu du lịch trải nghiệm, tìm hiểu đời sống và phương thức làm du lịch bản địa của nhiều du khách, chính quyền và cộng đồng cư dân Hội An cũng đã khôi phục, làm "sống" lại những phương thức sản xuất truyền thống, giúp du khách như được trở lại khám phá những điều tưởng như "vang bóng một thời" nhưng lại đầy tính mới mẻ, hiện đại. Việc vận dụng và khai thác một cách sáng tạo, khéo léo các sản phẩm du lịch trải nghiệm khác nhau đã góp nên sự đa dạng trong màu sắc du lịch của Hội An.
Cho biết về sản phẩm du lịch trải nghiệm, ông Trần Ánh, Phó Bí thư Thường trực thành ủy TP Hội AN nói: "Về sản phẩm du lịch thì tiếp tục có chủ trương đa dạng hóa sản phẩm. Hiện nay ngoài dịch vụ lưu trú còn tăng cường phục vụ đáp ứng nhu cầu của khách, thâm chí là dịch vụ trải nghiệm. Những tour trải nghiệm gần đây đã đem lại hiệu quả rất tốt, sự hấp dẫn thích thú đối với du khách."
Có thể nói, du lịch trải nghiệm ở vùng đất Hội An với nhiều mảng màu như vậy đã giúp du khách tùy chọn những chuyến đi của riêng mình. Đó cũng là cách để du khách lấy lại cảm hứng và tái tạo năng lượng sau những chuyến trải nghiệm tại Hội An.
Trí Thiện
Theo nld.com.vn
TP Thanh Hóa đón hơn 1,295 triệu lượt khách du lịch 7 tháng năm 2019, TP Thanh Hóa đón hơn 1,295 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, với tổng doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng. Chiều 31-7, tại TP Sầm Sơn, Hiệp hội du lịch (HHDL) tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối.. Du khách...