Xí muội Trung Quốc có chất cực độc
Cơ quan chức năng của Trung Quốc vừa phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất trái cây sấy khô như đào khô, xí muội, hồng khô… của nước này sử dụng các loại chất phụ gia, hóa chất có thể gây ung thư.
Điều đáng nói là những loại trái cây sấy khô này cũng đang được bày bán tràn lan tại TP.HCM.
Một sạp hàng có bán xí muội Trung Quốc tại TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng
Tân Hoa xã cho biết dựa theo kết quả của Trung tâm kiểm nghiệm phân tích Hóa Lý, thành phố Bắc Kinh, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã nêu đích danh các công ty có sản phẩm chứa chất phụ gia vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Chấn động Trung Quốc
“Trái cây khô chỉ dành để bán cho du khách, dân địa phương không bao giờ dám ăn” Nhật Báo Thanh Niên (Trung Quốc) dẫn lời một công nhân
Theo đó, các sản phẩm đào khô, xí muội, hồng khô, táo tàu và nhiều loại trái cây khác của ba công ty thực phẩm uy tín tại thành phố Hàng Châu là Siêu Đạt, Linh Hâm, Bách Di chứa một lượng lớn các chất phụ gia như chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate; chất tạo màu carmine, amaranth; chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide. Liều lượng chất phụ gia có trong các sản phẩm này cao gấp ba lần quy định của các cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia y tế, chất sodium cyclamate sẽ chuyển hóa thành chất cực độc có thể gây ung thư. Chất sulfur dioxide kết hợp với vitamin B1 lâu ngày sẽ gây thoái hóa não, gan, phổi… Các chất carmine, amaranth, saccharin cũng sẽ gây hại cho cơ thể con người nếu không sử dụng đúng liều lượng cho phép.
Điều đáng nói là những sản phẩm trên xuất hiện nhan nhản ở khắp các cửa hàng bách hóa đáng tin cậy như Wal-Mart, Century Mart, Carrefour, chuỗi cửa hàng Thượng Hải Lai Y Phần.
Khác với những sản phẩm chứa chất phụ gia vượt tiêu chuẩn cho phép của các công ty có tiếng, một loạt cơ sở sản xuất không giấy phép tại tỉnh Sơn Đông lại một lần nữa gây chấn động Trung Quốc. Đoạn phóng sự ngắn “Trái cây được gia công như thế này sao!” được phát sóng trên kênh CCTV2 tối 24-4 đã phơi bày toàn bộ dây chuyền chế biến mất vệ sinh của các nhà máy sản xuất trái cây chui tại thành phố Hàng Châu.
Đoạn ghi hình cho thấy nguyên liệu được đặt trong môi trường hôi hám và bẩn thỉu, số khác lăn lóc trên lề đường. Hơn 250 tấn đào thối được đổ vào một hồ chứa rộng toàn bùn đất và nhiều thứ rác rưởi. Các công nhân tại nhà máy chế biến trái cây tùy hỉ thêm vào các chất phụ gia. Các nhà máy này còn ngụy tạo luôn cả báo cáo kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng. Sản phẩm hết hạn sẽ được gia công lại bằng cách sửa ngày tháng sản xuất.
Tại các cơ sở sản xuất chui ở tỉnh Sơn Đông, đào bẩn sẽ trở nên trắng tinh sau khi được trộn với dung dịch tẩy trắng sodium metabisulfite. Dù đây là chất phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, nhưng theo quy định không được sử dụng quá 0,05g sodium metabisulfite trên 1kg thành phẩm. Sau khi được tẩy trắng và thêm chất tạo màu, tạo ngọt, đào được đem phơi trên mặt đường và đóng vào các bao tải thức ăn gia súc.
Video đang HOT
Xí muội, táo khô, hồng khô có nguồn gốc từ Trung Quốc được bán tại một sạp tạp hóa ở TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng
Đầy rẫy tại TP.HCM
Siêu thị Trung Quốc ngừng bán Hôm 25-4, Công ty Lai Y Phần (Trung Quốc) đã lên tiếng xin lỗi khách hàng và tuyên bố sẽ thu hồi toàn bộ các nhãn hiệu chứa chất bảo quản vượt quá mức cho phép. Siêu thị và các cửa hàng bán lẻ khác tại Trung Quốc đã ngừng bán loạt sản phẩm này. Tổng cục kiểm dịch chất lượng quốc gia cũng đã vào cuộc để điều tra vụ bê bối thực phẩm mới nhất này.
Tại TP.HCM, các mặt hàng như đào khô, táo khô, xí muội… có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán khá phổ biến ở các chợ đầu mối Bình Tây, An Đông… Ghi nhận tại chợ Bình Tây cho thấy, hầu hết các sạp đều có bán các mặt hàng như táo tàu, xí muội, đào khô…
Đây được coi là những mặt hàng chủ đạo của ngành hàng trái cây sấy khô, đặc biệt là xí muội, với đủ cả xí muội có hạt, không hạt. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng trên đều không có bao bì, ghi nhãn đầy đủ. Hàng bán theo ký. Do đó, cả bao khối lượng khoảng 10kg cũng chỉ dán nhãn giấy duy nhất đủ ghi tên mặt hàng và giá bán. Trên nhãn không thể hiện cơ sở sản xuất, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng theo đúng quy định…
Bà Minh, tiểu thương chợ Bình Tây, cho biết hầu hết các loại trái cây sấy khô như xí muội, táo khô… đều là hàng Trung Quốc. “Trong giới buôn bán mặt hàng này, chỉ cần nhìn giá là biết hàng nguồn gốc ở đâu, không cần phải dán nhãn. Phải có đến 70-80% xí muội trên thị trường là hàng Trung Quốc. Hàng trong nước không dễ kiếm ngoài chợ. Đa số các cơ sở sản xuất trong nước đều đóng gói bao bì cẩn thận, phân phối qua kênh cửa hàng bán lẻ chứ ít vào được chợ đầu mối” – bà Minh nói. Lý do chính do giá hàng Trung Quốc thường xuyên rẻ hơn 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại so với hàng trong nước. Chẳng hạn, xí muội Trung Quốc thường bán mức 80.000-100.000 đồng/kg, trong khi xí muội sản xuất trong nước có thời điểm bán 120.000 đồng/kg. “Chúng tôi buôn bán, cái gì lời nhiều hơn thì bán chứ không quan tâm hàng lấy từ đâu về” – bà Minh nói.
Tương tự, tại chợ An Đông (Q.5), chợ Bến Thành (Q.1), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)… các loại trái cây sấy khô, mứt trái cây nói trên được bán tràn ngập và cũng trong tình trạng không nhãn mác, không hạn dùng và không thông tin nhà sản xuất. Tuy vậy, hầu hết các tiểu thương đều xác nhận đa số là hàng nhập từ Trung Quốc. Theo các tiểu thương, hạn sử dụng hầu hết chỉ in trên thùng giấy khi còn nguyên đai nguyên kiện. Tuy nhiên khi bán lẻ, hàng được xé nhỏ ra nên việc có để hạn sử dụng hay không cũng không có ý nghĩa, vì tiểu thương tự ghi thì hoàn toàn có thể gian lận.
Hàng sấy khô “ba không”
Theo bà Thanh – tiểu thương kinh doanh hàng sấy khô ở chợ Bình Tây, hiện nay chỉ cần ngồi tại sạp, khoảng 5-7 ngày lại có xe chở hàng từ các đầu mối nhập khẩu giao đến tận nơi. Khi nhập hàng mới, mỗi loại thường lấy 200-300kg. Bà Thanh nói xí muội và táo tàu là mặt hàng bán chạy nhất. Mỗi ngày chỉ riêng hai mặt hàng này, bà Thanh bán được 120-150kg. Không chỉ mang đi cửa hàng tạp hóa, chợ lẻ ở TP.HCM mà còn được đưa về Long An, Bình Dương… tiêu thụ nên khách hàng đa số là người mua sỉ, lấy số lượng lớn.
Một số đầu mối kinh doanh trái cây sấy khô cho biết hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc không chỉ “ba không”: không bao bì – nhãn mác, không tên tuổi nhà sản xuất, không hạn sử dụng… mà còn không hóa đơn chứng từ và giấy tờ chứng minh chất lượng.
Trong khi đó, theo ông T. – một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trái cây chế biến, mứt trái cây được xếp vào nhóm hàng thực phẩm. Do đó để được lưu hành trên thị trường, mặt hàng này buộc phải có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận đã qua kiểm định và đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào VN. Tuy nhiên, trên thực tế hàng hóa không an toàn vẫn có thể bị lọt lưới. Theo một cán bộ Cục Hải quan TP.HCM, gần như không có các mặt hàng nói trên nhập khẩu về qua cảng ở TP. Do đó, có thể thấy phần lớn hàng vận chuyển vào từ các cửa khẩu khu vực phía Bắc giáp Trung Quốc. Với đường đi này, việc kiểm soát tương đối khó khăn. Đặc biệt, nguồn hàng nhập lậu cũng rất đáng lo ngại vì không được kiểm soát chất lượng.
Xí muội Trung Quốc từng nhiễm độc
Cuối năm 2009, một số quốc gia trên thế giới đã phát hiện và cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng xí muội nguồn gốc Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan vì sản phẩm có chứa hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép. Tại thời điểm đó, thị trường VN tràn ngập xí muội Trung Quốc. Kết quả kiểm nghiệm từ Sở Y tế TP.HCM cũng phát hiện một số mẫu xí muội không hạt cho kết quả dương tính với chì, chất tạo ngọt và chứa chất phụ gia cấm gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Các mẫu xí muội này được lấy từ chợ Bình Tây cũng trong tình trạng không hạn sử dụng.
Theo Tuổi Trẻ
Thực phẩm bị "bỏ độc", xử lý còn bỏ ngõ
Tám tấn giò chả bỏ hàn the có thể chỉ bị xử phạt ở mức 5 triệu đồng. Trong khi đó, tình hình về tội phạm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây hại cho sức khỏe người dân. Mưc phat hanh chinh như vây không đu sưc răn đe.
Ngày 26.4, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước về vân đê VSATTP. Trong đó, "nóng" nhất hiện nay là việc quản lý, xử lý các hành vi "bỏ độc" vô thực phẩm.
Ngang nhiên "bỏ độc" vao thực phẩm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hóa chất, phụ gia thực phẩm đang được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay ở VN chủ yếu được nhập từ nước ngoài (gần 90%), bao gồm cả nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch và nhập lậu.
Thức ăn chăn nuôi được đổ thẳng ra đất trộn với hóa chất trước khi cho heo ăn - Ảnh: Hoài Nam
Trong khi đó, việc sản xuất kinh doanh thực phẩm ở nước ta hiện nay hầu như đều ở quy mô nhỏ lẻ. Đối với các cơ sở buôn bán nhỏ, việc tuân thủ các quy định về bảo đảm VSATTP chưa tốt chiếm đến 50%.
Phụ gia thực phẩm đang được sử dụng rộng rãi ở các loại thực phẩm chế biến, chiếm từ 70-90%. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định còn diễn ra ở hầu hết các địa phương với hai nhóm hành vi chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép (chiếm từ 50-87%) hoặc với hàm lượng vượt quá giới hạn (chiếm từ 22-93%).
Mặt khác, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không có nhãn mác hoặc có nhãn không đúng quy định chiếm khoảng 50%.
Còn theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp va Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngay sau khi có kết quả phân tích về việc thịt heo bị phát hiện có tồn dư chất cấm nhóm Beta agonist, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố kiểm tra lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, nước tiểu cua heo và mẫu thực phẩm chăn nuôi (thịt, gan heo) để kiểm tra chất cấm nhóm Beta agonist.
Heo siêu nạc không đứng dậy được, phải vừa ngồi vừa ăn tại máng ăn tự động - Ảnh: Hoài Nam
Kết quả phân tích cho thấy có 13 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Beta agonist trong 168 mẫu được phân tích (chiếm 7,8%); 8 mẫu thịt, gan heo dương tính trong 119 mẫu được phân tích (chiếm 6,7%) và 7 mẫu nước tiểu có Beta agonist trong 58 mẫu được kiểm tra (chiếm 12,1%).
Riêng tại Đồng Nai, kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ các mẫu dương tính Beta agonist còn khá cao. Cụ thể có 10/29 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Beta agonist (chiếm 34,48%); 6/53 mẫu nước tiểu dương tính (chiếm 11,32%).
Tốn 50 triệu xử lý vi phạm 5 triệu đông
Theo đánh giá của Đại tá Trần Trọng Bình, đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, tình hình về tội phạm vi phạm VSATTP ngày càng diễn biến phức tạp.
Các vụ vi phạm VSATTP là rất nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người dân. Tuy nhiên, mức phạt có thể áp dụng với loại vi phạm này hiện nay là quá thấp và chỉ mới có thể xử phạt vi phạm hành chính.
Đại tá Bình dẫn chứng: C49 đã từng bắt những vụ bỏ hàn the vào giò chả với khối lượng lên đến 8 tấn. Chỉ tính riêng tiền lưu kho, đốt xử lý hang hóa vi phạm đã tốn chi phí hết 50 triệu đông. Trong khi đó, theo quy định, chỉ có thể xử phạt đối tượng vi phạm... 5 triệu đồng.
"Điều này rất bất cập vì mức phạt không gây tổn thất kinh tế, không hề có tính răn đe đối tượng vi phạm", Đại tá Bình nói.
Nhiều trường hợp "bỏ độc" vào thực phẩm đã được C49 ghi nhận trong thời gian qua. Đại tá Bình cho biết, các đối tượng vi phạm bỏ formaldehyde vào bánh phở khai mỗi tuần tiêu thụ khoảng một can 5 lít hóa chất formaldehyde để bỏ vào bánh phở. Hóa chất vô cùng dễ mua, có thể mua tùy thích tại bất kỳ điểm bán hóa chất nào.
Hóa chất, chất phụ gia thực phẩm được bày bán tràn lan, lẫn lộn với hóa chất công nghiệp - Ảnh: Nguyên Mi
Hiện nay, theo luật định, để khởi tố hình sự đối với hành vi sử dụng các chất độc hại trong thực phẩm thì hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt lên đến hàng trăm người. Trong khi đó, những chất tồn dư trong thực phẩm không làm chết người ngay hay gây ngộ độc ngay mà gây tác hại lâu dài, cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe con người và co sưc ảnh hưởng rộng.
"Trong các vụ việc, không có người chết, không có ngộ độc thực phẩm hàng loạt hàng trăm người thì chúng tôi không thể khởi tố hình sự vi phạm VSATTP được", Đại tá Bình nói.
Vì vậy, Đại tá Bình đề nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu, ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm, đồng thời định lượng hàm lượng, mức độ độc hại của các chất, để lực lượng công an có cơ sở vận dụng luật pháp, xử lý hành vi sử dụng các chất này vào tội "kinh doanh chất cấm, buôn bán hàng cấm" để xử lý hình sự.
Cũng theo C49, cả chục năm nay không có vụ việc vi phạm VSATTP nào bị xử lý hình sự.
Kết luận buổi họp, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Y tế sớm ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Đồng thời, Phó thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của UBND TP.HCM về việc ban hành quy định người kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm phải có năng lực chuyên môn về các sản phẩm này mới được cấp phép kinh doanh.
Theo Thanh Niên
VỀ VỤ XẢ THẢI TRÁI PHÉP CỦA SONADEZI: Nước thải có chất cực độc Một số mẫu nước thải qua phân tích đã phát hiện có 2 chất thải nguy hại được xếp loại cực độc là kẽm và kim loại nặng cadmium Ngày 29-8, Cục CSĐT tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49) đã có kết luận điều tra ban đầu về hành vi xả thải trái phép của Công ty CP Dịch...