Xét xử vụ Oceanbank: Hồng Tứ được đề nghị giảm nhẹ hình phạt
Tại phần tranh luận chiều 22/9, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho nhiều bị cáo, trong đó có “bóng hồng” Hoàng Thị Hồng Tứ.
Nguyễn Xuân Sơn chi phối hoạt động vốn của PVN tại Oceanbank
Chiều 22/9, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Oceanbank mở đầu bằng phần đối đáp của đại diện Viện KSND TP Hà Nội với các lý lẽ tranh luận, bào chữa của luật sư.
Theo đại diện VKS, nhiều vấn đề mà các luật sư nêu ra và các bị cáo tự bào chữa có nội dung trùng lặp. VKS chỉ đối đáp ngắn gọn với từng nội dung theo từng tội danh đối với các nhóm bị cáo.
Các bị cáo tại phiên xử chiều 22/9.
Đối với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nhiều luật sư cho rằng số tiền 1.576 tỷ đồng không phải là thiệt hại, nó không phải là hậu quả mà hiệu quả. Đại diện VKS nêu quan điểm, số tiền chi lãi ngoài tiền gửi là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước, trái nguyên tắc về quản lý kinh tế, không có khả năng thu hồi.
Việc chi tiền lãi ngoài tiền gửi trái rất nhiều quy định pháp luật và thông tư. Hậu quả của việc cố ý làm trái không chỉ ảnh hưởng đến vật chất mà còn làm cho tội phạm tham nhũng phát triển, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.
Theo cáo buộc, trong số 1.576 tỷ đồng, số tiền 246 tỷ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng Giám đốc Oceanbank và bị chiếm đoạt. Số tiền thực tế các bị cáo gây hại cho ngân hàng còn hơn 1.200 tỷ đồng.
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội tranh luận tại tòa.
Video đang HOT
Đại diện cơ quan công tố xác định, Nguyễn Xuân Sơn là đại diện vốn góp của PVN tại Oceanbank. Khi chiếm đoạt, dù không còn ở Oceanbank nhưng Sơn đã dùng tác động của cổ đông lớn chi phối hoạt động vốn của PVN tại Oceanbank nhằm chiếm đoạt tiền. Việc cáo buộc hành vi tham ô tài sản là không sai. Số tiền 49 tỷ đồng chủ yếu là từ nguồn huy động của khách hàng, thuộc sở hữu của Oceanbank và các cổ đông.
Cũng theo quan điểm của đại diện VKS, Hà Văn Thắm là đồng phạm giúp sức cho Sơn. Trước tòa, Thắm bác bỏ cáo buộc tham ô tài sản, nhưng VKS căn cứ vào lời khai của các bị cáo, tờ trình của bị cáo tại cơ quan điều tra, xác định, Sơn là người toàn quyền quyết định chi tiền lãi ngoài. Theo lời khai, do PVN gửi tiền quá lớn nên Thắm không có quyền quyết định và làm theo lời của Sơn.
Việc chi lãi suất ngoài tiền gửi, theo đại diện VKS, tất cả các bị cáo đều biết, đều tham gia quá trình này. Các bị cáo cho rằng việc chi lãi ngoài là thực hiện theo hợp đồng tuân thủ lao động, nhưng VKS khẳng định, không có quy định nào yêu cầu cấp dưới tuân thủ cấp trên thực hiện hành vi trái pháp luật.
Nhiều bị cáo được đề nghị giảm nhẹ hình phạt
Đối đáp với lý luận của các luật sư về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, đại diện VKS cho rằng, đủ cơ sở xác định việc Sơn áp đặt Thắm chi tiền. Thắm giữ vai trò đồng phạm.
Đối với hành vi chiếm đoạt tài sản tại Công ty BSC, VKS xác định việc thu phí là trái quy định của pháp luật. Bị cáo Phạm Hoàng Giang là Tổng Giám đốc Cty BSC, điều hành mọi hoạt động của công ty nhưng không gặp gỡ khách hàng. Dù bị cáo khai không biết nguồn tiền dùng vào việc gì nhưng với chức trách được giao, việc ký hơn 721 hợp đồng, bị cáo phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm.
Các luật sư cho rằng, việc vi phạm quy định Thông tư 02, chỉ có Oceanbank bị xử lý hình sự. Theo VKS, không chỉ Oceanbank mà đã có một số tổ chức tín dụng đã bị xử lý hình sự như vụ án Nguyễn Đức Kiên hay vụ án Phạm Công Danh. Trong các tổ chức tín dụng bị xử lý hành chính theo quy định của Thông tư 02, các ngân hàng này bị xử lý khi đã tính các yếu tố khác là quy mô, tính chất và có dấu hiệu tham nhũng hay không.
Về quan điểm của luật sư cho rằng, về một số ngân hàng qua thanh tra không phát hiện chi lãi ngoài, đại diện VKS khẳng định, trách nhiệm này thuộc về người thi hành công vụ của Ngân hàng Nhà nước. Trong phần luận tội, VKS đã kiến nghị xem xét các cá nhân, tổ chức liên quan.
Kết lại phần đối đáp của mình, đại diện VKS đề nghị thay đổi, giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo. Cụ thể, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ – cựu Chủ tịch HĐQT BSC – trước đó bị đề nghị mức án 30-36 tháng tù giam thì nay VKS đề nghị HĐXX cho bị cáo Tứ được hưởng án treo.
Đại diện VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo là cựu Giám đốc chi nhánh; giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Văn Hoàn – cựu Tổng Giám đốc Oceanbank, Phạm Hoàng Giang – cựu TGĐ Cty BSC và một số cựu cán bộ Oceanbank ở chi nhánh và Hội sở.
VKS đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Việt Hà – cựu Giám đốc Chi nhánh Thái Bình, Nguyễn Phan Trung Kiên – cựu Giám đốc Phòng giao dịch Đông Đô, Nguyễn Thị Loan – cựu Giám đốc Phòng giao dịch Trung Yên, Trần Anh Thiết – cựu Giám đốc Chi nhánh Hà Nội; đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho Lê Thị Thu Thủy – cựu Phó TGĐ Oceanbank.
Đối với hành vi vi phạm quy định về cho vay, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm luận tội trước đó. Riêng bị cáo Hứa Thị Phấn, VKS đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ.
Theo Dân Trí
Lời nhắn gửi nghẹn lòng từ 2 bà vợ của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm
Tại phiên Toà, bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn nói, bà sẵn sàng bán nhà để cứu chồng khỏi án tử. Còn vợ Hà Văn Thắm nhắn chồng, "...dù suốt thời gian qua anh chưa được gặp con, nhưng anh vẫn giữ cho mình được sức khỏe và sự điềm đạm như thế này, em rất biết ơn anh..."
Sẵn sàng bán tài sản để chồng thoát khỏi án tử
Được bổ sung ý kiến trước toà, bà Võ Thị Xuân, vợ cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo duy nhất bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình, nói: "Năm 1998, trước khi anh Sơn về ngân hàng, tài sản của vợ chồng tôi tại ngôi nhà ở 31 Xuân Diệu đã được hình thành. Tài sản cổ phiếu do Nguyễn Xuân Thắng đứng tên hình thành năm 2006. Đây là hai tài sản duy nhất sở hữu chung của hai vợ chồng. Qua tham dự phiên tòa, Viện Kiểm sát cáo buộc anh Sơn chiếm đoạt mấy trăm tỷ đồng. Nếu vậy, sau giai đoạn năm 2009-2014, gia đình tôi phải có hàng trăm tỷ đồng tài sản. Nhưng số tài sản hiện có đều hình thành trước ngày anh Sơn về làm ngân hàng".
Bà Võ Thị Xuân, vợ cựu Tổng Giám đốc Oceanbank sẵn sàng bán tài sản để cứu chồng thoát khỏi án tử.
Bà Xuân đặt giả thiết: "Nếu anh Sơn có bị quy buộc tội nào đấy liên quan đến thất thoát tài sản, với tư cách người vợ, tôi xin được sử dụng tối đa tài sản của mình để giúp anh Sơn được hưởng khoan hồng. Hiện căn nhà chúng tôi đang ở là do mẹ đẻ của tôi mua trước khi anh Sơn về ngân hàng. Đây là số tiền của mẹ tôi trả góp mua nhà từ 2004-2006. Mẹ tôi già nên không đứng tên mà để cho vợ chồng tôi đứng thay. Mong HĐXX không kê biên để mẹ già có nơi thờ cúng cho con trai là liệt sĩ".
Cũng tại phiên toà, người đại diện của chị Nga (vợ Hà Văn Thắm) đã chuyển lời nhắn gửi người chồng mình. Người đại diện truyền tải lại với giọng nghẹn ngào: "Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế nào, dù suốt thời gian qua anh chưa được gặp con, nhưng anh vẫn giữ cho mình được sức khỏe và sự điềm đạm như thế này, em rất biết ơn anh, biết ơn cán bộ công an đã giữ cho anh có được sức khỏe như vậy".
Oceanbank đòi lãnh đạo cũ bồi thường hơn 1.200 tỉ đồng
Liên quan đến vụ làm thất thoát hơn 1.500 tỉ đồng, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TNHH một thành viên Đại Dương đòi cựu chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm cùng thuộc cấp bồi thường số tiền 1.275 tỷ đồng.
Oceanbank đòi lãnh đạo cũ phải bồi thường số tiền hơn 1.200 tỉ đồng nếu bị thiệt hại.
Theo trình bày của nguyên đơn dân sự, cổ đông Oceanbank cho rằng nếu xác định 1.576 tỷ là thiệt hại thì phải bồi thường cho cổ đông ngân hàng cũ
Đại diện uỷ quyền Công ty TNHH VNT và đại diện uỷ quyền Công ty cổ phần Tập đoàn đại Dương - cổ đông cùng nắm 20% vốn Oceanbank trước khi bị mua "0" đồng.
Hai đại diện này đều cho rằng PVN sở hữu 20% vốn Oceanbank trước khi bị ngân hàng mua "0" đồng, được triệu tập với người có quyền lợi liên quan nhưng sau đó lại được chuyển thành nguyên đơn dân sự. Vậy đề nghị HĐXX xem xét vì sao PVN được thay đổi tư cách tố tụng, các cổ đông khác của ngân hàng lại không được.
"Khi ngân hàng được mua "0" đồng, chúng tôi mặc nhiên mất vốn góp, chúng tôi đề nghị có sự công bằng" - một trong hai vị đại diện nêu ý kiến.
Theo vị đại diện của Oceanbank, giai đoạn 2010-2014, tổng số tiền Oceanbank cũ chi lãi ngoài cho khách hàng là hơn 1.576 tỷ đồng. Trong đó, tài liệu điều tra tách ra khoản 246 tỷ được Oceanbank cũ chi riêng cho Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank cũ).
Trong giai đoạn trên, các bị cáo, đặc biệt là nhóm lãnh đạo Oceanbank cũ đã đưa ra chủ trương sử dụng 3 nguồn tiền của 3 tài khoản để chi lãi ngoài. Con số chi từ nguồn tạm ứng là 925 tỷ đồng được tài liệu điều tra cho thấy chi cho cá nhân lãnh đạo hội sở, cho các chi nhánh để chi nhánh chi lãi ngoài.
Vị đại diện cho biết, trong tổng số tiền 1.576 tỷ đồng không thể thuộc về Oceanbank cũ hay mới mà là thiệt hại này là của các cổ đông của OceanBank cũ. Nếu bồi thường thì là của cổ đông ngân hàng cũ. Nếu xác định đây là chi phí thì cổ đông không yêu cầu các bị cáo hoàn trả.
Theo Dân Trí
Xét xử đại án Oceanbank: Đối chất nảy lửa chuyện nhận "lộc" Đối chất tại tòa diễn ra gay gắt giữa một bên là các cán bộ Oceanbank nói đã chi lãi ngoài, còn khách hàng khăng khăng không nhận "lộc". Tuần qua, HĐXX phiên tòa xử đại án Oceanbank diễn ra những cuộc đối chất nảy lửa giữa cán bộ ngân hàng và khách hàng của Oceanbank. Cán bộ ngân hàng khai chi tiết...