Xét xử Vũ “nhôm”, Trần Phương Bình: Kết quả kiểm toán chưa tốt?
Theo kết quả điều tra, trước năm 2014, Ngân hàng Thương mại CP Đông Á ( DAB) được kiểm toán bởi hai công ty kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học (từ 2005 – 2007) và Công ty TNHH Emst&Young Việt Nam (từ 2008 – 2014); đồng thời được kiểm tra, thanh tra bởi Cơ quan thanh tra, kiểm tra Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sai phạm dẫn đến thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại DAB lại không bị phát hiện.
Trong buổi xét hỏi đối với Trần Phương Bình – nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại CP Đông Á (DAB) ngày 28.11, Chủ tọa phiên tòa xoay quanh các hành vi và nội dung sai phạm trong thời gian dài của bị cáo Bình, với vai trò là lãnh đạo cấp cao của DAB.
Trong quá trình điều tra cũng như cáo trạng đều xác định: Từ năm 2007 đến 2014, bị cáo Bình chỉ đạo cấp dưới lập hàng loạt phiếu thu khống hơn 1.160 tỷ đồng, mua 74 triệu cổ phần DAB đứng tên bị cáo Bình và người thân. Để có tiền bù âm quỹ, Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc DAB) và cấp dưới xuất quỹ bán vàng, lập hàng loạt hồ sơ cho vay khống… Hành vi này gây thiệt hại cho DAB tổng cộng 2.057 tỷ đồng.
Mặc dù sai phạm của bị cáo Bình cùng với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ DAB diễn ra có hệ thống, trong một thời gian dài, ở hầu hết các khâu của DAB, nhưng trong công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đều không phát hiện sai phạm.
Bị cáo Trần Phương Bình (bên phải) cho rằng kết quả kiểm toán là chưa tốt.
Chủ tọa hỏi bị cáo Bình: “Trước 2014 có khi nào thanh tra, kiểm toán toàn diện quỹ không mà không phát hiện ra việc âm số lượng lớn tiền, vàng?”. Bị cáo Bình khai, để đối phó với kiểm toán độc lập, thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, từ 2008 – 2014, vào dịp giữa năm hoặc cuối năm, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ che giấu âm quỹ nên số liệu sổ sách luôn cân bằng với số liệu thực tế.
Video đang HOT
Cụ thể, Bình chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng, hợp đồng ủy thác đầu tư khống, hạch toán mua bán vàng khống, lập chứng từ điều vốn khống từ Hội sở về các chi nhánh, phòng giao dịch cơ quan thanh tra không thanh tra, kiểm toán. Sau đó, các chi nhánh, phòng giao dịch điều ngược lại sau khi đã kiểm toán hoặc thanh tra kiểm tra xong.
Các luật sư bảo vệ cho các bị cáo tại phiên tòa.
Chủ tọa hỏi kết quả kiểm toán là toàn bộ Ngân hàng DAB hay của riêng Hội sở thì được bị cáo Bình trả lời đó là kết quả toàn ngân hàng. Chủ tọa hỏi tiếp, trên thực tế DAB âm quỹ rất lớn, nhưng kết quả kiểm toán luôn luôn khẳng định DAB không có sai lệch giữa thực tế với sổ sách kế toán; bị cáo Bình thấy trách nhiệm của kiểm toán viên cũng như công ty kiểm toán như thế nào? Bị cáo Bình cho biết, nếu mà kiểm toán trên toàn bộ 220 phòng giao dịch và chi nhánh của DAB thì mất nhiều thời gian và chi phí rất lớn. Còn nói về kết quả kiểm toán thì bị cáo Bình cho biết là kết quả chưa được tốt.
Kết quả điều tra, từ ngày 3.9 – 23.10.2014, Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của DAB. Kết quả phát hiện nhiều sai phạm lớn tại đây, trong đó có việc âm quỹ 2.500 tỷ đồng và hơn 62.000 lượng vàng so với sổ sách. Cơ quan thanh tra đã báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đưa DAB vào diện kiểm soát đặc biệt, đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao thì không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với các công ty kiểm toán tại DAB từ 2005 – 2014; cũng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự trong công tác thanh, kiểm tra tại DAB.
Theo Danviet
Xử vụ Vũ "nhôm", bị cáo Trần Phương Bình: "Bị truy tố là đúng"
Chiều nay (28.11), trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về việc bị cáo thấy bị truy tố về những hành vi vi phạm với các tội danh đã công bố trong cáo trạng có đúng hay không, bị cáo Trần Phương Bình - nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại CP Đông Á (DAB) - thừa nhận là đúng.
Chiều nay, TAND TP.HCM thực hiện thủ tục xét hỏi bị cáo Trần Phương Bình đầu tiên, trong vụ án Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") cùng 24 đồng phạm làm thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại DAB.
Vào đầu phiên xét hỏi, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Bình: "Bị cáo thấy những hành vi vi phạm của mình bị truy tố như cáo trạng đã công bố lúc sáng có đúng không?". Bị cáo Trần Phương Bình khá bình tĩnh, trả lời rõ ràng: "Thưa quý tòa, bị cáo bị truy tố bởi những hành vi vi phạm của mình gây ra là đúng và phù hợp".
Trần Phương Bình (giữa) thừa nhận hành vi phạm tội. Ảnh: Phương Thảo
Tuy nhiên, khi trả lời việc bị cáo đứng tên và nhờ người thân đứng tên mua khống cổ phần của DAB, ông Bình cho rằng hành vi của bị cáo là "có nguyên nhân".
Theo bị cáo Bình trình bày, năm 2008, với khủng hoảng tài chính của DAB, lúc đó chủ trương ngân hàng tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Sau đó, bị cáo Bình cũng làm việc với nhiều cổ đông vận động mua cổ phần nhưng không thể bán được.
Bị cáo Bình suy nghĩ cần phải tăng vốn điều lệ để chứng minh DAB có thể bán cổ phần với giá cao, từ đó tăng uy tín, sự phát triển khả năng tài chính của DAB. Vì vậy, bị cáo đã nhờ người thân, cấp dưới đứng tên. Sau đó tăng vốn điều lệ lên lần 2 là 200 tỷ đồng, sau thời gian thông báo mà không thể bán được cổ phần, bị cáo Bình tiếp tục đứng tên và nhờ người thân đứng tên để mua cổ phần của DAB.
Nói về số tiền hơn 2.000 tỷ đồng chiếm đoạt của DAB, bị cáo Bình cho biết số tiền chiếm đoạt nêu trong cáo trạng là phù hợp. Nhưng thực chất số tiền đó vẫn còn tại DAB do bị cáo và những người thân bị cáo đứng tên chứ chưa mất đi đâu.
Các bị cáo tại phiên xét hỏi chiều 28.11. Ảnh: Phương Thảo
Với những hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật nêu trên, bị cáo Trần Phương Bình bị truy tố 2 tội danh: "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Như vậy, tổng hợp hình phạt cao nhất mà bị cáo Bình có thể bị xử phạt là tù chung thân theo khoản 4 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài các hình phạt tù quy định nêu trên, Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 3.568 tỷ đồng.
Trong phiên xét hỏi chiều nay, bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị cách ly. Cùng bị cách ly với Vũ có bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan - nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Hội sở DAB, bị truy tố tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo Danviet
Vũ 'nhôm' đã 'dắt tay' bao nhiêu cán bộ tại Sài Gòn vào lao lý Thống kê từ tài liệu của Tiền Phong, đến thời điểm hiện nay đã có gần 20 người là quan chức, lãnh đạo, cán bộ ngân hàng 'dính' lao lý liên quan tới Vũ 'nhôm. Danh sách này còn kéo dài vì các vụ án đang và mở rộng điều tra. Tại TPHCM, hiện có ít nhất 5 người đang là bị can...