Xét xử vụ nâng điểm thi: Sự vô lý và những khoảng tối
Để xảy ra các vụ án gian lận thi cử cực kỳ nghiêm trọng tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, làm dư luận mất niềm tin nghiêm trọng vào sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng chưa thấy một vị lãnh đạo nào của các địa phương trên bị khởi tố vê tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuối cùng, những hoài nghi bỏ lọt tội phạm đưa và nhận hối lộ trong vụ nâng điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La của dư luận bước đầu được giải tỏa: Chủ tọa phiên tòa tuyên, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.
Mặt khác, những gì diễn biến ở phiên tòa đang xét xử ở Hà Giang và Sơn La đã cho thấy rõ hơn, những khoảng tối trong vụ án này là rất lớn.
Trước hết, phải nói ngay rằng, những dấu hiệu “mua bán điểm thi” trong 3 vụ án ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là rất rõ. Nhưng ngoài việc Cơ quan điều tra vụ án ở Hòa Bình khởi tố hai đối tượng về tội đưa và nhận hối lộ, còn lại có tới cả trăm đối tượng trong 3 vụ án này có dấu hiệu thoát tội đưa và nhận hối lộ khiến dư luận dậy sóng, băn khoăn.
Cựu Phó giám đốc Sở GD ĐT Hà Giang Phạm Văn Khuông là đối tượng duy nhất nhờ nâng điểm cho con bị khởi tố.
Tại Hà Giang, nhằm làm rõ sự phi lý trong nội dung trả lời của nhân chứng (đối tượng có con là thí sinh được nâng điểm – NV), chủ tọa phiên tòa chỉ cần một câu hỏi đã làm rõ thêm thực tế: “Không chỉ riêng chị mà rất nhiều người nhờ các bị cáo xem điểm nhưng lại thành nâng điểm? Có mâu thuẫn không? Đây là một điều rất vô lý…”.
Vậy mà, “điều rất vô lý” này đã diễn ra hơn cả năm qua, đặc biệt, diễn biến này xảy ra ở cả 3 vụ án này. Do đó, dư luận đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ: Có hay không uẩn khúc của cái điều “rất vô lý” này?
Ở hai vụ án tại Hà Giang và Sơn La trong quá trình điều tra, xét xử chưa có đối tượng nào bị khởi tố về tội đưa, nhận hối lộ dù dấu hiệu rất rõ, nhưng diễn biến ở hai phiên tòa là rất khác nhau. Chủ tọa phiên tòa ở Sơn La đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, còn phiên tòa ở Hà Giang vẫn diễn ra bình thường.
Hà Giang là nơi có số thí sinh, số bài thi được nâng điểm nhiều hơn hẳn so với Sơn La, Hòa Bình, nhưng đây cũng nơi số đối tượng bị khởi tố ít nhất (Hà Giang có 5 bị cáo, trong khi Sơn La là 8 và Hòa Bình là 15).
Trong kết luận điều tra ở 3 vụ án này, Hòa Bình không chỉ là nơi có nhiều đối tượng bị khởi tố nhất, mà cũng là nơi duy nhất có các bị can bị khởi tố về tội đưa và nhận hối lộ. Cũng cần phải lưu ý một điều, vụ án ở Hòa Bình là nơi duy nhất được Cơ quan Điều tra an ninh của Bộ Công an thụ lý.
Đặc biệt, việc nguyên Phó trưởng phòng PA03 Công an Sơn La Nguyễn Minh Khoa không có mặt ở nơi cư trú khi bị yêu cầu dẫn giải đến tòa với tư cách nhân chứng khiến dư luận càng hoài nghi về tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
HĐXX của Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã ra quyết định trả lại hồ sơ vụ án để làm rõ tội Đưa nhận hối lộ, Môi giới hối lộ.
Trong khi đó, nhiều lời khai của các bị cáo, các nhân chứng cho thấy, ông Khoa đã nhờ 2 thuộc cấp và bị cáo Lò Văn Huynh để nâng điểm cho 5 thí sinh và đã hối lộ cho bị cáo Huynh 1 tỷ đồng. Với chứng cứ, lời khai như vậy, lẽ nào cựu sĩ quan Khoa chỉ là nhân chứng?
Dù là với động cơ gì đi nữa, những hành vi “cảm ơn” từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng của các nhân chứng như ông Khoa, lẽ nào vẫn chưa phải là hành vi đưa và nhận hối lộ?
Rất tình cờ, liên quan đến tội đưa và nhận hối lộ, cùng với thời gian xét xử các vụ án gian lận điểm thi, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xử phiên phúc thẩm vụ án mua bán “logo xe vua” có liên quan đến nhiều cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) trên địa bàn liên tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù các bị cáo bị kết tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ khai rõ việc hối lộ cho 79 đối tượng trong lực lượng CSGT, TTGT, nhưng chỉ vì các đối tượng này không thừa nhận, nên tất cả đều thoát tội !?
Thế nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Viện Kiểm sát khẳng định, lời khai của các bị cáo là có căn cứ, các bị cáo xác định được thời gian, không gian đưa hối lộ, các bị cáo cũng nhận diện được một số CSGT, TTGT nhận hối lộ. Do đó, VKS kiến nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND Tối cao điều tra làm rõ những CSGT, TTGT nhận hối lộ trong vụ án này.
Dư luận mong rằng, đó là bài học rất lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án nâng điểm hiện tại: Đừng để lọt người, lọt tội, đặc biệt trong đó có tội đưa và nhận hối lộ.
Cuối cùng, câu hỏi rất lớn khiến dư luận vẫn băn khoăn: Trong số các vị phụ huynh có con được nâng điểm thi, không ít các vị là lãnh đạo tỉnh, ngoài nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh, qua xét xử lộ thêm danh tính một số vị như bà Chúng Thị Chiên – Phó chủ tịch HĐND, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đều nhắn tin nhờ “xem điểm” để được “nâng điểm”…
Thậm chí, ông Trần Đức Quý đã nhắn tin “Ok” khi bị cáo Huynh nhắn tin cầu cứu trước nguy cơ bị lộ.
Đó là chưa kể đến khá nhiều vị lãnh đạo các sở, ban ngành của 3 tỉnh này cũng có liên quan ít nhiều. Vậy nhưng, các vị này vẫn “bình chân như vại”. Không thể hiểu nổi sự vô lý này (?)
Điều đáng nói nữa là, để xảy ra các vụ án cực kỳ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh trật tự, làm mất niềm tin nghiêm trọng vào sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng không hiểu sao, chưa thấy vị lãnh đạo nào của các địa phương trên trên bị khởi tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Theo danviet
Bị cáo Triệu Thị Chính : 'Thề không làm gì vi phạm pháp luật'
Đối đáp với VKS, bị cáo Triệu Thị Chính "thề không làm gì vi phạm pháp luật", thậm chí còn cho rằng các anh chị em ruột của mình có tên Cần - Kiệm - Liêm - Chính là có lý do.
"Tôi có thể ngẩng cao đầu nói với toàn thể nhân dân Việt Nam là tôi không nâng điểm mà tôi là người chống tiêu cực. Chính vì thế nên Bộ GD&ĐT mới có được những file điểm gốc để chấm thẩm định", bị cáo Triệu Thị Chính ,cựu Phó Giám đốc (PGĐ) Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nói.
Có đủ căn cứ kết tội bị cáo Triệu Thị Chính
Đối đáp với các luật sư của bị cáo Triệu Thị Chính, đại diện VKS tỉnh Hà Giang - bà Vũ Thị Thanh Nga - bảo lưu quan điểm buộc tội đối với bị cáo Chính.
Trong phần đối đáp của mình, VKS đưa ra 5 chứng cứ và cho rằng đã đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Triệu Thị Chính, trong đó có những chứng cứ dựa trên tin nhắn được gửi đến số điện thoại của bà Chính nhờ nâng điểm và tin nhắn trả lời của bà Chính. Những tin nhắn này được doanh nghiệp viễn thông lớn gửi công văn cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra theo yêu cầu của cơ quan này.
Bên cạnh đó, VKS cũng dựa trên lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài về việc bà Chính đưa cho Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) tờ giấy in thông tin 13 thí sinh nhờ nâng điểm môn Ngữ văn cho các thí sinh, trong đó có ghi rõ về số điểm cần nâng.
13 thí sinh có tên trong tờ giấy này có thí sinh Triệu Ngọc M. (con gái Bí thư Triệu Tài Vinh) và thí sinh Lưu Thủy T. (con gái Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Chúng Thị Chiên). Tuy nhiên, bà Chính một lần nữa khẳng định không nhờ Hoài "nâng điểm" mà chỉ nhờ "xem điểm".
Bà Chính nói rằng trong số 13 thí sinh này không cần xem điểm cho con gái bà Chiên vì cháu Lưu Thủy T. là học sinh giỏi đạt giải Quốc gia.
Đại diện VKS đối đáp với các luật sư.
Liên quan đến biên bản làm việc ngày 18/7/2018 sau khi vụ việc bị phát lộ nhưng chưa khởi tố, Nguyễn Thanh Hoài xác nhận việc được Triệu Thị Chính nhờ nâng điểm. VKS cho rằng thời gian đó Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Công an xem xét và chưa khởi tố vụ án, cả Hoài và Chính đều không thừa nhận việc nâng điểm. Thời điểm đó mới đang trong giai đoạn viết bản tường trình nên việc các bị cáo tự bảo vệ mình cũng không có gì khó hiểu nên khác với những lời khai tại tòa.
Tại biên bản đó, Hoài khẳng định việc Chính đưa tờ giấy nhưng không nhắc đến việc nâng điểm. Tuy nhiên, tại tòa, Hoài khai bà Chính thống nhất việc nâng điểm môn Ngữ văn và đọc số điểm cần nâng cho từng thí sinh.
"Hoài khai Chính nhờ nâng điểm chứ không phải nhờ xem điểm là có căn cứ. Do đó, VKS vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng bị cáo Chính có tội. Hành vi phạm tội của bị cáo Hoài còn giúp bị cáo Chính nâng điểm cho 13 thí sinh này", đại diện VKS nói.
Triệu Thị Chính thề không làm sai
Đối đáp với VKS, bị cáo Triệu Thị Chính "thề không làm gì vi phạm pháp luật", thậm chí còn cho rằng các anh chị em ruột của mình có tên Cần - Kiệm - Liêm - Chính là có lý do.
"Tôi tin vào pháp luật, còn những cái na ná tôi không chấp nhận. Tôi thề, tại sao anh chị em nhà tôi có tên là Cần, Kiệm, Liêm, Chính là như vậy".
Bà Chính cho rằng hai cấp dưới của mình là Hoài và Lương có tư thù với mình nên cố tình lôi bà vào cuộc.
Bị cáo Triệu Thị Chính.
"Nếu không hận thù, tại sao anh Hoài phải lôi tôi vào cuộc, tại sao lại kích động hận thù giữa tôi và những người tôi không giúp được? Trong cơn bão quay cuồng, tôi không tránh được bão táp phong ba, nhưng tôi đề nghị HĐXX là cái nào ra cái đó. Nếu chỉ nhờ xem điểm mà phạm tội thì ông Giám đốc và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đều phạm tội. Tôi đề nghị HĐXX có sự so sánh", cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang so sánh với vụ việc tương tự xảy ra tại tỉnh Sơn La.
Đồng thời, bà Chính còn cho rằng nếu Cơ quan An ninh điều tra xem toàn bộ tin nhắn sau ngày xảy ra sự việc, cũng cần xem đến tin nhắn do bà Chính nhắn tin cho Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh để thấy rõ bà trong sạch.
"Tôi có thể ngẩng cao đầu nói với toàn thể nhân dân Việt Nam là tôi không nâng điểm mà tôi là người chống tiêu cực. Chính vì thế nên Bộ GD&ĐT mới có được những file điểm gốc để chấm thẩm định", bà Triệu Thị Chính nói.
Dù không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Vũ Văn Sử cũng xin được trình bày tại tòa và được HĐXX chấp thuận.
Ông Sử nói, sự việc gian lận điểm thi do Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang phát hiện ra từ 19h30' ngày 7/7/2018. Qua rà soát thấy rằng có mức độ vi phạm nghiêm trọng nên Trưởng ban chỉ đạo thi của Hà Giang đã có công văn mời Bộ GD&ĐT lên chấm thẩm định.
"Trong 20 ngày, chúng tôi quên ăn quên ngủ, làm việc cả đêm, ăn cơm ngay tại Sở, có hôm chúng tôi về nhà lúc 4-5h sáng. Nhiều lần tôi nói xem điểm để "làm quà", nhưng thực ra đó chỉ là giải quyết vấn đề tâm lý".
Ông Vũ Văn Sử kể lại câu chuyện nghề của mình: "13 năm là giảng viên, có lần tôi "bẫy" sinh viên bằng cách cố tình không kéo hết khóa cặp, để lộ bài kiểm tra cho sinh viên nhìn thấy. Sinh viên hỏi "bao giờ thầy trả bài", tôi nói "sang tiết hai". Đến sau giờ ra chơi tôi thấy khóa cặp đã được kéo hết, chứng tỏ sinh viên đã xem trộm điểm. Điều đó cho thấy ai cũng mong muốn biết trước điểm, nên việc nhờ xem điểm chỉ là giải quyết tâm lý".
Cựu Giám đốc Sở khẳng định lại việc tiêu cực ở Hà Giang không phải đến khi Bộ GD&ĐT lên mới phát hiện ra mà Sở đã chủ động mời Bộ GD&ĐT lên để làm rõ.
Theo PV (Infonet)
Lộ diện hàng loạt tin nhắn "nhờ vả" nâng điểm, có cả của vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang Tại phiên tòa xét xử, Viên kiêm sat đa công bô nhiêu tin nhăn liên quan đên vu an gian lân thi cư, trong đo co tin nhăn nhờ va cua vơ Chu tich UBND tinh Ha Giang. Sáng nay (18/10), vụ án xét xử gian lận thi cử ở Hà Giang bước sang ngày làm việc thứ 5. Luật sư Hoàng Văn...