Xét xử vụ hỗn chiến kinh hoàng trên sông Yên
Sáng 2.4, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 19 bị cáo liên quan đến vụ hỗn chiến trên sông Yên (thuộc địa bàn giáp ranh xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Vụ hỗn chiến đã làm 3 người chết, 9 người bị thương.
Theo đó, các bị cáo gồm: Nguyễn Văn Tuyển (26 tuổi), Phạm Văn Thành (19 tuổi, đều ngụ tại huyện Quảng Xương) bị truy tố tội “giết người” và “cố ý gây thương tích”.
19 bị cáo tham gia vụ hỗn chiến kinh hoàng trên sông Yên tại phiên tòa
Các bị cáo Nguyễn Văn Đạt (27 tuổi), Phạm Văn Tám (35 tuổi), Đinh Văn Hà (32 tuổi), Trần Văn Quân (28 tuổi), Lê Văn Hòa (52 tuổi), Lê Văn Linh (44 tuổi), Hoàng Văn Quang (23 tuổi), Đinh Văn Dũng (26 tuổi), Trần Quốc Hùng (35 tuổi), Vũ Văn Trung (24 tuổi), Đặng Văn Sinh (26 tuổi), Vũ Văn Trường (26 tuổi), Lê Văn Mạnh (32 tuổi), Ngô Văn Sơn (22 tuổi), Đinh Bá Thịnh (31 tuổi), Tô Văn Thêm (32 tuổi), Vũ Văn Thành (23 tuổi, đều cùng ngụ tại huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia) bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, khu vực lạch Ghép trên sông Yên có bãi ngao tự nhiên, là nơi khai thác nguồn lợi của người dân xã Quảng Nham và xã Hải Châu từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số hộ dân của xã Hải Châu (trong đó có gia đình ông Tô Quốc Dũng và ông Lê Văn Hiệu) tự ý quây, đóng cọc, ngăn sông để nuôi ngao, ảnh hưởng đến luồng giao thông thủy trên sông Yên, đặc biệt đã khiến diện tích bãi ngao tự nhiên bị thu hẹp, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân khai thác ngao tự nhiên.
Tình trạng trên dẫn đến mâu thuẫn âm ỉ giữa người dân xã Quảng Nham với những người nuôi ngao tự phát. Chính quyền địa phương hai bên sông lại không giải quyết dứt điểm được việc này, khiến tình hình trật tự trị an tại địa bàn giáp ranh trở lên bất ổn.
Video đang HOT
Rất nhiều người dân hai xã Hải Châu và Quảng Nham đến theo dõi phiên tòa
Ngày 5.7.2013, tại khu vực này xảy ra sự việc xô xát, ném đá các bè cào ngao, nhưng lần này không gây thiệt hại về tài sản. Tiếp đó, vào ngày 7.7.2013, khi thấy khoảng 30 bè (60 người) của người dân xã Quảng Nham đang cào ngao trên sông Yên, ông Dũng và ông Hiệu đã huy động khoảng 15 người đi trên một thuyền máy 15 CV và hai bè luồng mang theo gạch đá, dao, gậy, tuýp sắt để xua đuổi.
Do đã có sự chuẩn bị trước, người dân xã Quảng Nham đã dùng dao, cào ngao, gạch đá chống trả lại, gây ra vụ hỗn chiến kinh hoàng trên sông Yên. Hậu quả, đã có 3 người, gồm ông Tô Văn Dũng (61 tuổi), ông Lê Văn Hiệu (43 tuổi, cùng ngụ tại xã Hải Châu) và anh Lê Kiên Cường (ngụ tại xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, làm thuê bên xã Hải Châu) bị chết, 9 người dân của 2 xã bị thương.
Trong buổi sáng 2.4, Hội đồng xét xử đã nghe đại diện Viện KSND tỉnh Thanh Hóa công bố bản cáo trạng vụ án, đồng thời tiến hành xét hỏi đối với một số bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyển khai bị phía người dân xã Hải Châu bao vây, đánh, nên mới giật dao để tự vệ. Phía bị hai là Tô Văn Dầu và Tô Văn Mạnh cho rằng họ cùng bố là ông Tô Quốc Dũng bị Tuyển tấn công, làm ông Dũng tử vong.
Sông Yên – nơi xảy ra vụ hỗn chiến kinh hoàng vào ngày 7.7.2013
Riêng bị cáo Phạm Văn Thành khai mình bị ép cung: “Sáng ngày 12.7, bị cáo bị triệu tập và bị công an ép cung. Ngay từ khi vừa bước vào phòng, bị cáo đã bị công an nhảy vào đánh tới tấp”.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 2 ngày.
Theo Thanh Niên
Vung triệu "đô" để "chạy án" cho chồng
Lo lắng về việc chồng và anh chồng sẽ bị án tử hình về hành vi giết người, Đỗ Thị Phương cùng em gái chồng đã bỏ ra hơn 1,1 triệu USD để "chạy án". Oái oăm thay, việc "chạy án" không những không thành, người đàn bà này còn liên tiếp lâm vào cảnh tù tội.
Hôm qua (13-8), TAND TP Hà Nội đã đưa Đỗ Thị Phương (tức Phường, SN 1971, trú ở đường Hữu Nghị, TP Móng Cái, Quang Ninh) ra xét xử theo tội "Đưa hối lộ", theo điểm a, khoản 4, Điều 289-BLHS. Dính líu đến hành vi của vợ Nguyễn Tiến Chung (tức Chung Linh Hột - một trong những "trùm" giang hồ Quảng Ninh đã bị kết án tử hình về tội giết người) còn có: Mạc Văn Nam (SN 1965, ở tổ 42, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị xem xét về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và Phạm Trọng Du (SN 1952, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường) cùng Phạm Anh Tuấn (SN 1974, trú ở khu 2, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, Hải Dương) đều bị cáo buộc theo tội "Môi giới hối lộ".
Đỗ Thị Phương (ngoài cùng, bên phải) cùng các bị cáo liên quan
Liên quan tới vụ án này, ngày 16-8-2011, Đỗ Thị Phương đã bị TAND quận Long Biên xử phạt 8 tháng tù giam về tội "Bắt giữ người trái pháp luật". Nạn nhân bị bắt giữ là Phạm Anh Tuấn, cũng là một trong bốn bị cáo ở phiên tòa diễn ra hôm qua. Nguyên do là sau khi "chạy án" không thành, Phương đã thuê người bắt giữ Tuấn để đòi lại tiền chạy chọt.
Tài liệu truy tố các bị cáo thể hiện, giữa năm 2009, anh em Nguyễn Tiến Chung và Nguyễn Tiến Phương (ở Quảng Ninh) can án vào một vụ án giết người. Quá trình hai "trùm" giang hồ đất mỏ bị điều tra, Đỗ Thị Phương rất lo sợ chồng và anh trai chồng bị áp dụng mức án cao nhất nên đã tìm cách "chạy" để thoát khỏi án tử hình. Với ý đồ đó, tháng 9-2009, Phương cùng em gái chồng tên Nguyễn Thị Hằng (hiện đang bỏ trốn) đã tìm gặp Phạm Trọng Du nhờ "đạo diễn" án từ. Ngoài 1,5 tỷ đồng "lót tay", em chồng Phương sau đó đã 2 lần chuyển thêm cho Du với tổng cộng 600.000 USD nữa để chạy tội. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền từ người thân Chung Linh Hột, Du mới nhận ra đối tượng không thể làm được việc đó. Vì thế mà toàn bộ số tiền nhận "chạy án" sau này đã được Du trả làm nhiều lần cho gia đình Phương, trong đó có cả 1 tỷ đồng ở giai đoạn đối tượng bị điều tra.
Quyết tâm "chạy án" bằng được nên ngay sau khi Du "đầu hàng", Phương tiếp tục tìm đến nhờ cậy Phạm Anh Tuấn. Sở dĩ Tuấn dám nhận "chạy án" cho anh em Chung Linh Hột là do ngay trước đó, đối tượng này đã quen biết Mạc Văn Nam. Trong con mắt Tuấn thời điểm ấy, Nam là một cán bộ công tác trong ngành tư pháp và là một người đầy uy lực vì có những mối quan hệ "khủng khiếp". Thế nhưng sau khi vụ án bị phát giác, Nam hiện nguyên hình là một kẻ lưu manh, bịp bợm đầy chuyên nghiệp. Vì trong thời gian bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh, đối tượng đã gây ra hàng loạt vụ lừa đảo cũng với thủ đoạn "chạy chọt".
Trong quá trình Phương, Tuấn và Nam bàc bạc với nhau, mặc dù không lần nào các đối tượng thống nhất giá "chạy án" là bao nhiêu, song trên thực tế tính đến tháng 12-2009, Phương đã phải xuất ra tổng cộng 500.000 USD. Đó là không kể khoản tiền 500 triệu đồng người đàn bà này cùng em chồng đưa cho Tuấn để lo tìm luật sư và chi phí cho việc ăn, ở đi lại. Trong số hàng trăm nghìn đô la Mỹ của Phương, khi thì Nam trực tiếp nhận, khi thì Tuấn nhận, rồi chuyển cho "đối tác". Vậy nhưng quá trình điều tra, chỉ có đủ cơ sở để quy kết Mặc Văn Nam đã chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng của người thân Chung Linh Hột. Số tiền còn lại, mặc dù Tuấn khai đều chuyển hết cho Nam, nhưng lại không có tài liệu gì để kiểm chứng.
Quá trình xét xử, 3/4 bị cáo bất ngờ phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra với lý do bị hoảng loạn nên "khai bừa", đồng thời cho rằng bản thân không phạm tội như nội dung bản cáo trạng quy kết. Đặc biệt là về các lần giao nhận tiền "chạy án", lời khai giữa các bị cáo có nhiều điểm rất vênh nhau. Ngoài những vấn đề này, HĐXX cũng nhận thấy cần thiết phải củng cố thêm chứng cứ, tài liệu thì mới đủ cơ sở để kết tội Đỗ Thị Phương và các bị cáo liên quan có phạm tội như truy tố hay không. Vì vậy, sau một ngày xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo An ninh thủ đô
Khởi tố 6 đối tượng làm giả 184 bộ hồ sơ để hưởng chế độ chính sách Liên quan đến vụ làm giả hồ sơ, bệnh án tại nhiều bệnh viện cho hàng trăm đối tượng để hưởng chế độ chính sách, mới đây, cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã khởi tố 6 bị can. Các đối tượng gồm: Phạm Xuân Trường (SN 1947, ở xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương), Nguyễn Xuân Hảo...