Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Treo banner quảng cáo để dụ dỗ con bạc
Để lôi kéo con bạc và các đại lý cấp 2, Hùng treo banner quảng cáo và đăng trên trang facebook cá nhân với nội dung “Mua bán tiền Game online, thẻ điện thoại uy tín số 1 Việt Nam – Đại lý cấp 1 RikVip – 23Zdo – Zon”.
14h chiều nay (14/11), phiên tòa xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc gây chấn động dư luận tiếp làm việc trở lại ở phần xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm đối tượng bị truy tố tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.
Công khai treo banner quảng cáo để lôi kéo con bạc và đại lý cấp 2
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Vũ Mạnh Hùng (chủ đại lý cấp 1) cho biết, bị cáo làm đại lý cấp 1 cho hệ thống game bài Rikvip – Tip.Club từ ngày 18/9/2015.
Bị cáo Vũ Mạnh Hùng trả lời trước HĐXX trong phiên tòa chiều nay
Trong thời gian làm đại lý cấp 1, Hùng đã xây dựng được 101 đại lý cấp 2 (trong đó có 90 đại lý cấp 2 đồng thời là đại lý cấp 2 của hệ thống game bài 23Zdo, Zon.Club).
Trong khoảng thời gian từ ngày 19/9/2015 đến 9/8/2017, Hùng có tổng giao dịch mua, bán rik là 1.520.453.111.006 rik, tương đương 1.261.976.082.135 đồng, được hưởng lợi từ đổi thưởng VipPoint và đua tốp sự kiện, doanh thu là 1.161.718.900 rik = 964.226.700 đồng.
Đối với game bài 23Zdo.Club, Hùng có tổng giao dịch mua, bán Zdo là 96.223.608.700 zdo = 79.865.595.200 đồng, được hưởng lợi từ đổi thưởng VipPoint và đua tốp sự kiện, doanh thu (bao gồm cả Zon) là 198.822.500 zdo, zon = 165.022.700 đồng. Tổng số tiền Hùng hưởng lợi từ Rik, Zdo, Zon là 1.129.249.400 đồng.
Với mục đích lôi kéo con bạc và các đại lý cấp 2, Hùng treo banner quảng cáo và đăng trên trang facebook cá nhân với nội dung “Mua bán tiền Game online, thẻ điện thoại uy tín số 1 Việt Nam – Đại lý cấp 1 RikVip – 23Zdo – Zon. Hùng cho biết, banner này được hệ thống thiết kế cho các đại lý.
Cơ quan điều tra đã phong tỏa 20 tài khoản của Hùng tại các hệ thống Ngân hàng khác nhau, có tổng số dư tài khoản đã phong tỏa là 1.300.193.603 đồng.
Về số tiền phong tỏa nêu trên, Hùng có đơn tự nguyện nộp toàn bộ để phục vụ việc điều tra, xử lý vụ án.
Bị cáo Hùng đăng banner quảng cáo công khai
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đa đã khởi tố 04 người chơi bạc với đại lý cấp 1 của Vũ Mạnh Hùng, như sau:
Người chơi bạc Nguyễn Huy Tùng (SN 1990), tham gia đánh bạc và phát sinh giao dịch mua bán rik trên hệ thống game bài Rikvip – Tip.Club từ ngày 7/2016 – 11/2016. Về mua bán rik, Tùng giao dịch với nhiều đại lý khác nhau, nhưng chủ yếu với đại lý cấp 1 của Vũ Mạnh Hùng, với tổng giao dịch mua, bán rik là 2.110.329.000 rik, tương đương 1.751.573.000 đồng.
Video đang HOT
Riêng trong ngày 8/8/2016, Nguyễn Huy Tùng tham gia 48 phiên đánh bạc trực tuyến bằng hình thức chơi Tài – Xỉu, trong đó có phiên chơi bạc đặt cược cao nhất được trả thưởng là 39.600.000 rik, tương đương 32.868.000 đồng.
Người chơi bạc Trần Mạnh Hiệp, SN 1992, tham gia đánh bạc và phát sinh giao dịch mua bán rik trên hệ thống game bài Rikvip – Tip.Club từ ngày 17/3/2016 – 8/8/2017.
Về mua bán rik, Hiệp giao dịch với nhiều đại lý khác nhau, nhưng chủ yếu với các đại lý cấp 2 và cấp 1 của Vũ Mạnh Hùng, với tổng giao dịch mua, bán rik là 7.050.636.700 rik, tương đương 5.852.028.500 đồng.
Trong ngày 8/8/2016, Trần Mạnh Hiệp đã tham gia 83 phiên đánh bạc trực tuyến bằng hình thức chơi Tài – Xỉu, trong đó có phiên chơi bạc đặt cược cao nhất được trả thưởng là 45.000.000 rik, tương đương 37.350.000 đồng.
Người chơi bạc Phùng Ngọc Khánh (SN 1995), tham gia đánh bạc và phát sinh giao dịch mua bán rik trên hệ thống game bài Rikvip – Tip.Club từ ngày 22/7/2016 đến 23/7/2017. Khánh giao dịch mua bán rik với nhiều đại lý khác nhau, nhưng chủ yếu với các đại lý cấp 2 và cấp 1 của Vũ Mạnh Hùng bằng tiền mặt (không sử dụng tài khoản ngân hàng), với tổng giao dịch mua, bán rik là 3.182.888.900 rik, tương đương 2.641.797.800 đồng.
Bị cáo Nguyễn Trường Sơn trả lời trước HĐXX
Trong ngày 8/8/2016, Phùng Ngọc Khánh đã tham gia 84 phiên đánh bạc trực tuyến bằng hình thức chơi Tài – Xỉu, trong đó có 4 phiên đặt cược được trả thưởng từ 60.341.000 rik, tương đương 50.000.000 đồng trở lên; phiên chơi bạc đặt cược cao nhất được trả thưởng là 154.293.883 rik, tương đương 128.063.923 đồng.
Với người chơi bạc Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990), Nhung giao dịch với nhiều đại lý khác nhau, nhưng chủ yếu với đại lý cấp 1 của Vũ Mạnh Hùng, với tổng giao dịch mua, bán Rik là 9.465.156.500 rik, tương đương 7.856.087.400 đồng.
Liên tiếp ngày 8 và 9/8/2016, Nguyễn Thị Hồng Nhung đã tham gia 296 phiên đánh bạc trực tuyến bằng hình thức chơi Tài – Xỉu, trong đó phiên chơi bạc đặt cược cao nhất được trả thưởng là 37.620.000 rik, tương đương 31.224.600 đồng.
Vay ngân hàng 400 triệu đồng nướng vào “sới rik”
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Trường Sơn đứng trước tòa với thái độ thành khẩn và tỏ ra hối hận vì đã tham gia trò chơi cờ bạc này. Sơn cho biết, ban đầu bị cáo chơi bằng tiền lương của mình, sau đó đã phải vay ngân hàng để hy vọng “gỡ” lại khoản tiền đã mất.
Nguyễn Trường Sơn nói: “Bị cáo càng chơi càng thua lỗ nên đã vay 400 triệu đồng tại Ngân hàng BIDV để chơi, đây cũng chính là ngân hàng bị cáo mở tài khoản để mua bán rik. Lúc đó, bị cáo bị cuốn hút vào trò chơi nên không kiểm soát được. Đến giờ bị cáo đã thua sạch và rất hối hận vì những gì mình đã làm”.
Trả lời câu hỏi của luật sư Trần Hồng Phúc, bị cáo Sơn cho hay, khi bị cáo ký hợp đồng tín dụng với BIDV, bị cáo ghi trong hợp đồng là “vay vì công việc cá nhân”. Tuy nhiên, khi giao dịch mua rik với đại lý qua ngân hàng, bị cáo ghi nội dung chuyển tiền là “Mua rik”.
Bị cáo Trần Mạnh Hiệp trả lời các câu hỏi của HĐXX
Một con bạc khác là Trần Mạnh Hiệp cho biết, bị cáo mua thẻ cào điện thoại, nạp vào hệ thống và được quy đổi ra rik. Để chơi bạc, bị cáo truy cập bằng máy tính tại quán game và điện thoại di động của bị cáo.
Bị cáo mua trực tiếp từ đại lý cấp 1 với giá 84 đồng/rik, nếu thắng sẽ bán lại cho đại lý với giá 82 đồng/rik. Để mua bán rik, Trần Mạnh Hiệp cũng sử dụng tài khoản ngân hàng BIDV, nội dung chuyển khoản là “mua rik” kèm tên đăng nhập của bị cáo.
Trong ngày 8/8/2017, ngày cuối cùng trước khi hệ thống bị sập, bị cáo chơi 83 phiên theo hình thức Tài – Xỉu. Phiên bị cáo được hệ thống đặt lệnh nhiều nhất là 45 triệu rik (tương đương khoảng 35 triệu đồng) sau khi bị cáo nạp rik trị giá 23 triệu đồng.
Tuy nhiên, tổng kết lại, bị cáo là người thua cuộc sau quá trình tham gia chơi bạc. Khi được HĐXX hỏi đã thua bao nhiêu, bị cáo khai không nhớ cụ thể số tiền mình đã thua.
Mạnh Hùng
Theo congly
Công khai bản án trên mạng là xâm phạm đời tư cá nhân?
Việc ông Phan Văn Vĩnh - cựu trung tướng công an yêu cầu không công khai bản án trên mạng và được tòa chấp nhận đã gây dư luận trái chiều.
Thạc sĩ - luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An): Ông Vĩnh vẫn có quyền yêu cầu
Mấy ngày nay vấn đề yêu cầu không công khai bản án của ông Phan Văn Vĩnh, một cựu trung tướng công an gây xôn xao dư luận xã hội. Có người đồng tình không nên công khai bản án theo yêu cầu của ông Vĩnh nhưng cũng có người không đồng tình, thậm chí có luật sư còn khẳng định rằng ông Vĩnh là bị can nên ông không có quyền yêu cầu không công khai.
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng việc công khai bản án lên cổng thông tin điện tử là việc làm xâm phạm đến đời tư của cá nhân, điều mà Hiến pháp 2013 qui định và bảo vệ. Tại điều 14 Hiến pháp quy định: "(1) Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật.(2) Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Cụ thể hơn nữa, khoản 2 điều 2 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định các quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Quy định về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử không có quy định trong Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chánh hay Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định trong Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP TANDTC ngày 16/3/2017.
Như vậy, quy định công bố thông tin bản án lên cổng thông tin điện tử của tòa án là quy định hạn chế quyền dân sự của công dân, nên nó phải được "Luật" quy định chứ không thể bằng một nghị quyết của ngành tòa án được.
Mặt khác, một trong những nguyên tắc của việc công bố bản án mà Nghị quyết 03/2017 đề cập là "tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân". Khi ông Vĩnh bị khởi tố, truy tố ra tòa, theo qui định của BLTTHS, ông Vĩnh phải được xem là chưa có tội theo nguyên tắc suy đoán vô tội và có các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền đồng ý hay không đồng ý cho phép công bố bản án liên quan đến mình trên cổng thông tin điện tử hay không.
Cũng vì lý do này mà điều 5 của Nghị quyết 03/2017 HĐTP đã quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ tọa phiên tòa khi phổ biến các quyền và nghĩa vụ, phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về việc bản án của họ được công bố trên cổng thông tin điện tử và quyền của họ về việc yêu cầu không công bố. Như vậy, chủ tọa phiên tòa hỏi ông Vĩnh về việc có công khai bản án hay không là thuộc trách nhiệm của chủ tọa theo đúng quy định của Nghị quyết 03/2017 và việc ông Phan Văn Vĩnh không đồng ý cho công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án là quyền của ông Vĩnh căn cứ vào các quy định viện dẫn trên đây.
Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM): Không công bố nếu rơi vào điều 4 của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP
Căn cứ theo khoản 1 điều 5 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án thì "Tòa án, chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh."
Căn cứ theo khoản 1 điều 3 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP quy định "Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự" thì sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa án.
Căn cứ theo điều 4 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP quy định các bản án, quyết định được liệt kê dưới đây sẽ không công bố trên cổng thông tin điện tử:
1. Bản án, quyết định về vụ việc được tòa án xét xử kín.
2. Bản án, quyết định về vụ việc được tòa án xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;
c) Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư;
d) Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
đ) Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại điều 7 của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP.
3. Bản án, quyết định của tòa án chưa có hiệu lực pháp luật".
Như vậy, chủ tọa phiên tòa có nghĩa vụ phải thông báo cho bị cáo biết quyền của họ về việc yêu cầu tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.
Trong vụ việc của bị cáo Phan Văn Vĩnh thì việc chủ tọa phiên tòa hỏi là phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, vụ án của bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh trong trường hợp bị cáo yêu cầu và cả bản án này không công bố nếu rơi vào điều 4 của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP
LS Huỳnh Công Thư - LS Hà Hải
Theo nld.com.vn
Các bị cáo khai 'có thế lực lớn bảo kê', ông Phan Văn Vĩnh phải vào phòng chăm sóc y tế Sáng 14/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua Internet tiếp tục phần xét hỏi đối với nhóm bị cáo bị truy tố về hành vi Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc. Theo cáo trạng, hệ thống Rikvip/Tipclup, 23Zdo, Zon/Pen của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đã thu hút 25...