Xét xử vụ chạy thận tử vong: Nguyên giám đốc bệnh viện khai gì?
Sáng nay (22/5), HĐXX đã công bố lời khai của ông Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo đó, ông Dương khai có biết việc bị cáo Hoàng Công Lương được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo; không biết Công ty Thiên Sơn bán lại hợp đồng cho Công ty Trâm Anh và nói rõ trách nhiệm của phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế của bệnh viện này.
Hôm nay (22/5), Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên xét xử vụ án chạy thận làm 9 người tử vong xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017 bước sang ngày làm việc thứ 6.
Phiên tòa sáng cùng ngày có nội dung HĐXX công bố lời khai của ông Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Trần Văn Thắng – nguyên Trưởng phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trong suốt 6 ngày xét xử vừa qua, ông Dương và ông Thắng đều không có mặt, nhiều luật sư cho rằng, hai ông này là nhân vật chủ chốt trong việc thực hiện hợp đồng sửa chữa mà vắng mặt sẽ làm ảnh hưởng đến việc xét xử của vụ án nghiêm trọng này.
Ông Trương Quý Dương xin xử vắng mặt.
Tại cơ quan điều tra, ông Dương khai có nắm được việc phân công cho bị cáo Hoàng Công Lương tại Đơn nguyên thận nhân tạo thông qua ông Hoàng Đình Khiếu – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực (khoa này có 2 đơn nguyên: Đơn nguyên thận nhân tạo và Đơn nguyên Hồi sức tích cực).
Cụ thể, Hoàng Công Lương theo quyết định phân công nhiệm vụ nội bộ của Khoa Hồi sức tích cực có nhiệm vụ chính như sau: Điều trị, chăm sóc tích cực tất cả các bệnh nhân tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện và các đơn vị khác chuyển đến; phối hợp với khoa cấp cứu, tham gia cấp cứu ngoài bệnh viện và tại bệnh viện trong tình huống xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm họa; phối hợp với khoa cấp cứu hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa, phòng trong bệnh viện; điều trị lọc máu cấp cứu và lọc máu chu kỳ trong đơn nguyên thận nhân tạo; nghiên cứu khoa học và chỉ đạo cho tuyến dưới; quản lý tài chính của khoa; quản lý nhân lực đến từng vị trí việc làm và quản lý việc thực hiện các nội quy quy định hiện hành của bệnh viện.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khi được mời lên bục khai báo, bị cáo Hoàng Công Lương đã phản đối lời khai của ông Dương và cho rằng, bị cáo chỉ được phân công xuống Đơn nguyên thận nhân tạo làm bác sĩ điều trị.
Trong lời khai của ông Dương, về trách nhiệm của Phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình như sau: Phòng này là đơn vị chức năng trực thuộc Ban Giám đốc của bệnh viện, phòng có 11 cán bộ , nhân viên, Trưởng phòng là ông Trần Văn Thắng.
Bị cáo Hoàng Công Lương (phải) đến tòa sáng nay (22/5).
Phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế sẽ căn cứ kế hoạch chung của bệnh viện để lập dự trù kế hoạch mua sắm, thay thế, sửa chữa, thanh lý tài sản thiết bị y tế của bệnh viện; trình giám đốc duyệt tổ chức thực hiện việc cung ứng đầy đủ thiết bị y tế, vật tư theo kế hoạch được duyệt; xây dựng phương án lắp đặt cải tạo máy theo quy định, theo quy phạm Việt Nam; lập hồ sơ lý lịch cho tất cả các loại máy, xây dựng quy trình vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy; tổ chức kiểm tra định kỳ và đề xuất việc sử dụng, bảo quản thiết bị y tế; kiểm tra công tác bảo hộ và định kỳ báo cáo tình hình sử dụng vật tư.
Phòng vật tư cũng được giao trách nhiệm lựa chọn nhà thầu với các hợp đồng nhỏ, cử cán bộ giám sát trong suốt quá trình thi công và phải thông báo kế hoạch với khoa Hồi sức tích cực để khoa phân công người theo dõi, đồng thời giám sát lấy mẫu xét nghiệm, nếu đạt yêu cầu báo cáo lãnh đạo BV, lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực, lãnh đạo phòng vật tư để nghiệm thu.
Riêng hợp đồng với Công ty Thiên Sơn, ông Dương khẳng định hoàn toàn không biết Thiên Sơn bán lại hợp đồng cho Công ty Trâm Anh.
Nguyễn Dương – Trần Thanh
Theo Dantri
Đại diện Bộ Y tế trả lời tại phiên xử vụ chạy thận 9 người chết
3 đại diện của Bộ Y tế đã được TAND TP.Hòa Bình mời tham dự phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình khiến 9 người thiệt mạng. Đại diện của Bộ Y tế được mời để làm rõ hơn về chức năng quản lý nhà nước liên quan đến y tế.
Phiên tòa chiều 22.5, HĐXX đã mời 3 đại diện của Bộ Y tế tham gia phiên tòa gồm ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh; ông Trịnh Đức Nam - chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế và ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
HĐXX hỏi ông Nguyễn Huy Quang: Liên quan đến quá trình chạy thận, Bộ Y tế có ban hành văn bản quy trình chạy thận nhân tạo hay không?
Ông Quang cho biết: Để đảm bảo an toàn nước cho lọc máu chạy thận nhân tạo, Bộ đang áp dụng tiêu chuẩn của Việt Nam và Bộ KH&CN đã ban hành. Bộ Y tế có ban hành 2 quy trình về lọc máu chu kỳ lọc máu chạy thận nhân tạo. Theo quy trình, triển khai văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế đều có gửi văn bản này tới các giám đốc Sở Y tế. Đơn vị trực thuộc bộ, Bộ Y tế có trách nhiệm tập huấn. Các đơn vị trực thuộc sở có trách nhiệm tập huấn, chuyển giao. Bên cạnh có quy trình do Bộ Y tế quản lý nước RO, hiện nay tuân theo Nghị định 36. Với các nhà sản xuất trang thiết bị y tế, họ phải có trách nhiệm công bố thực hiện đúng chất lượng mà sản phẩm công bố và trang thiết bị này phải phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam.
Trả lời HĐXX về nội dung BVĐK tỉnh Hòa Bình có được phép xã hội hóa việc chạy thận nhân tạo hay không, ông Quang cho biết: Bộ Y tế có cho phép xã hội hóa việc chạy thận nhân tạo. Bộ đã áp dụng trước đây (Nghị định 59, 69), hiện nay là Nghị định 85 và một số văn bản khác. Chủ trương của Chính phủ cho xã hội hóa, Bộ Y tế cũng có Thông tư 15 cho phép liên doanh liên kết. Tuy nhiên, việc liên doanh liên kết này phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đã ban hành.
Tòa hỏi: "BVĐK tỉnh Hòa Bình đã thỏa mãn các điều kiện về liên doanh liên kết hay chưa?". "Việc này Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho phép. Đơn vị này có trách nhiệm thanh, kiểm tra việc BVĐK tỉnh Hòa Bình có đủ điều kiện hay không", ông Quang khẳng định.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Hòa Bình, đại diện 8 gia đình bệnh nhân bị tử vong (hiện đã được chấp nhận là 9 nạn nhân) đã kê khai tiền mai táng phí với tổng số tiền là hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các gia đình nạn nhân còn yêu cầu bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật. Tương tự, các nạn nhân được cấp cứu, điều trị đã phục hồi cũng yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Cáo trạng cũng nêu, các đơn vị, cá nhân cũng đã nộp tiền bồi thường khắc phục hậu quả. Cụ thể, đại diện gia đình bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) đã tự nguyện nộp số tiền 50 triệu đồng; đại diện gia đình bị cáo Trần Văn Sơn đã tự nguyện nộp số tiền 30 triệu đồng; BVĐK tỉnh Hòa Bình đã tự nguyện hỗ trợ số tiền ban đầu cho 8 nạn nhân tử vong là 20 triệu đồng/1 người và 2 triệu đồng/1 người đối với 10 bệnh nhân còn lại.
Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ trong phiên tòa ngày 22.5.
BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn còn nộp số tiền là 660 triệu đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các nạn nhân. Trong đó, Công ty Thiên Sơn nộp 370 triệu đồng. Hiện nay, số tiền 740 triệu đồng đã được chuyển cho Cơ quan thi hành án dân sự.
Theo Danviet
Công ty Thiên Sơn sẽ khởi kiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình "Chúng tôi sẽ xem xét thiệt hại sau vụ việc này, đồng thời xem xét nội dung vụ việc khởi kiện BVĐK tỉnh Hoà Bình ở một vụ án khác, không đề nghị xem xét tại phiên toà hôm nay", đại diện Công ty Thiên Sơn nói tại tòa sáng 22.5. Ngày 22.5, TAND TP.Hoà Bình bước vào ngày thứ 6 phiên tòa...