Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Việc mất vốn 800 tỉ không thuộc trách nhiệm PVN?
Khi đề nghị thoái vốn tại Oceanbank nhưng không được chấp nhận, tại tòa ông Đinh La Thăng cho rằng người ký văn bản ngừng thoái vốn là người phải chịu trách nhiệm cho việc mất vốn.
Ông Đinh La Thăng trả lời câu hỏi của các luật sư trong vụ án. Ảnh TTXVN.
Trong buổi chiều 21.3, các luật sư tiếp tục dành thời gian thẩm vấn các bị cáo xoay quanh việc góp vốn lần 3 với giá trị 100 tỉ đồng trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Nữ luật sư Huyền Trang bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (người ký nghị quyết góp vốn lần 3) đề nghị được thẩm vấn ông Đinh La Thăng về nội dung này.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Xuân Thắng bị cáo buộc là người (theo ủy quyền của ông Thăng) đã ký ban hành nghị quyết số 4266 của HĐTV PVN (ngày 16.5.2011), quyết định góp thêm 100 tỉ đồng vào OceanBank, duy trì tỉ lệ nắm giữ 20% vốn điều lệ của PVN tại ngân hàng này. Nghị quyết này được coi là trái luật, vì Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã có hiệu lực) quy định, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Trả lời luật sư, ông Thăng trình bày, với Nghị quyết 4266 (quyết định góp vốn lần 3 trị giá 100 tỉ vào Oceanbank), thời điểm đó ông đi công tác nên không biết, không biểu quyết và cũng không ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng quyền biểu quyết mà chỉ ủy quyền điều hành hoạt động của HĐTV PVN.
Ông Thăng giải thích, theo quy chế làm việc, người được ủy quyền không có nghĩa vụ, trách nhiệm báo cáo với người ủy quyền. “Bản thân bị cáo không không yêu cầu những người được ủy quyền báo cáo lại bởi ủy quyền là điều hành chung công việc của cả Tập đoàn và tất cả các lần ủy quyền, bị cáo không ủy quyền việc cụ thể nào cả. Do đó, không phải báo cáo”, ông Thăng trình bày.
Video đang HOT
Ông Thăng trả lời tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình tivi.
Về việc bị cáo Nguyễn Xuân Thắng khai có báo cáo lại về việc ban hành Nghị quyết góp vốn lần 3, ông Thăng một lần nữa phủ nhận và nói trước toà, ông tôn trọng lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Thắng nhưng khẳng định mình không được báo cáo về việc này.
Với nhận thức cá nhân, ông Thăng cho rằng việc góp vốn 100 tỉ lần 3 vào Oceanbank là chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó, nhưng qua mấy ngày nay, ông cũng biết việc góp này đã nhận được sự đồng ý của các cơ quan quản lý….
Liên quan đến câu chuyện trách nhiệm, ông Thăng cho rằng ai ký văn bản ngừng thoái vốn thì phải chịu trách nhiệm.
Ông nói, lộ trình thoái vốn của PVN tại OceanBank đã được ông Phùng Đình Thực báo cáo cụ thể. Lộ trình này đã được xây dựng từ năm 2012 và đến tháng 1/2013 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép lộ trình thoái vốn từ 2013 đến 2015.
“Các văn bản nêu trên cho thấy việc thoái vốn đã có chỉ đạo từ tháng 3/2011. Sau đó Chính phủ không đồng ý thoái vốn thì trách nhiệm thuộc người ký văn bản không cho phép thoái vốn của PVN. Bởi vậy việc mất vốn này không thuộc trách nhiệm PVN” – ông Thăng nói.
Cũng trong chiều nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã có mặt tại phiên tòa. Khi được hỏi lý do không cho PVN thoái vốn, vị đại diện này đã không trả lời ngay mà đề nghị được trả lời sau.
CAO NGUYÊN
Theo Laodong
Sắp hầu tòa tiếp, sức khỏe ông Đinh La Thăng hiện ra sao?
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (một trong 5 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng) trong phiên tòa sắp tới cho hay, sức khỏe thân chủ của mình vẫn rất tốt, ông Thăng không có vấn đề hay phàn nàn gì.
Sức khỏe của ông Đinh La Thăng rất tốt.
Theo dự kiến, ngày 19.3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng cùng các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Sáng 16.3, trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (một trong 5 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng tại phiên tòa này) cho biết, hiện nay sức khỏe của ông Đinh La Thăng vẫn rất tốt. Trong quá trình vào trại tạm giam để thăm và trao đổi cùng ông Thăng, luật sư Thiệp cho rằng không có vấn đề hay phàn nàn gì.
Ông Thiệp cho biết thêm, mọi chế độ về giam giữ đối với ông Thăng được thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật và tương đối tốt.
Ngoài ra, theo ông Thiệp, hiện ông Thăng đã chuẩn bị tốt tinh thần để đảm bảo đủ điều kiện tham gia và trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử trong phiên tòa tới đây. "Quá trình gặp, trao đổi với người bào chữa, ông Thăng luôn bày tỏ mong Hội đồng xét xử trong vụ án tới sẽ xem xét khách quan, công bằng, chính xác các vấn đề", luật sư Thiệp nói.
Ông Thăng có bày tỏ là nếu làm sai ở đâu sẽ chịu trách nhiệm. Ông mong Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá sự việc vào đúng thời điểm và áp dụng pháp luật đúng nguyên tắc, ông Thiệp nói thêm.
Theo cáo trạng của VKS, có 7 bị cáo phải hầu tòa trong phiên tòa sắp tới. Ngoài ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN, còn có các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc OceanBank; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức (đều là nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN); Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Họ đều bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng ông Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt là 20 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 22.1.2018, ông Đinh La Thăng đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái trong vụ án này xảy tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam.
CAO NGUYÊN
Theo Laodong
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng không có trách nhiệm thu hồi 800 tỷ đồng Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận mình phải chịu trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn trên cương vị người đứng đầu tập đoàn. Tuy vậy, bị cáo cho rằng khả năng thu hồi 800 tỷ đồng thuộc trách nhiệm thuộc Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN vì khi đó ông Thăng đã chuyển công tác từ năm 2011....