Xét xử nhóm người quá khích đốt nhà, chống công an
Do không đồng ý việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng một nhóm thanh niên quá khích đã tụ tập gây rối, chống lại lực lượng cưỡng chế, đốt nhà của công an và hủy hoại tài sản công ty.
Trong 2 ngày 21 và 22.4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 14 bị cáo về tội “Hủy hoại tài sản” và tội “Gây rối trật tự công cộng”. Các bị cáo là Hoàng Thế Tùng (SN 1989), Lê Văn Thao (SN 1985), Nguyễn Duy Trọng (SN 1984), Nguyễn Tiến Đoán (SN 1990), Bùi Văn Thắng (SN 1991), Nguyễn Văn Tiến (SN 1991), Nguyễn Việt Dũng (SN 1989), Phan Thanh Huân (SN 1991), Ngô Văn Cảnh (SN 1990) và Nguyễn Hữu Văn (SN 1990) các bị cáo đều ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội (các bị cáo này bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản”). Bị cáo Nguyễn Văn Cương (SN 1989), Vũ Văn Thành (SN 1990), Nguyễn Văn Thưởng (SN 1991) và Nguyễn Văn Sơn (SN 1990) các bị cáo này cũng ở cùng địa chỉ xã Tiền Phong bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Sự việc xảy ra cuối năm 2009, liên quan đến việc Nhà nước tiền hành thu hồi đất đai của người dân ở thôn Do Thượng, xã Tiền Phong, giải phóng mặt bằng giao cho Cty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Cty Xuân Kiên).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của TP Hà Nội và kế hoạch của UBND huyện Mê Linh, khoảng 6h30′ ngày 17.12.2009, UBND huyện Mê Linh phối hợp với các ban ngành tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ở thôn Do Thượng, xã Tiền Phong.
Quá trình tiến hành cưỡng chế, do không đồng ý việc đền bù, hỗ trợ của UBND huyện Mê Linh và của Cty Xuân Kiên, một số đối tượng đã chuẩn bị loa, đài, trống, cờ, sử dụng cột điện, cây gỗ chặn đường hô hào mọi người cản trở, chống đối lực lượng cưỡng chế đang làm nhiệm vụ.
Các bị cáo tại tòa.
Đối tượng Bùi Văn Thắng, Nguyễn Văn Tiến, Ngô Văn Cảnh, Nguyễn Hữu Văn, Phan Thanh Huân, Nguyễn Việt Dũng cùng một số đối tượng khác đã thúc đổ tường rào, đốt, đập phá xe ô tô của Cty Xuân Kiên. Bùi Văn Thắng, Nguyễn Văn Tiến, Hoàng Thế Tùng, Nguyễn Duy Trọng, Lê Văn Thao, Nguyễn Tiến Đoán cùng một số đối tượng đã đốt nhà của bà Nguyễn Thị Lâu (bà này là vợ ông Nguyễn Văn Sơn – Phó trưởng Công an huyện Mê Linh, người trực tiếp tham gia chỉ đạo việc cưỡng chế).
Sự việc căng thẳng trên diễn ra trong nhiều ngày, làm mất an ninh trật tự của địa phương. Hậu quả thiệt hại về mặt vật chất do nhóm đối tượng quá khích gây ra đã được cơ quan chức năng thống kê như sau: Phía Cty Xuân Kiên thiệt hại gần 2 tỉ đồng, gia đình bà Lâu ông Sơn thiệt hại hơn 662 triệu đồng. Các lực lượng công an bị thiệt hại hơn 178 triệu đồng.
Xét tính chất hành vi phạm tội của từng đối tượng, cơ quan tiến hành tố tụng đã truy tố 14 bị can theo hai tội danh “Hủy hoại tài sản” và “Gây rối trật tự công cộng”. Đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo vốn tuổi trẻ nông nổi tham gia vụ quá khích trên đều tỏ ra ăn năn, hối hận. Họ không ngờ rằng với hành động bột phát, thiếu hiểu biết pháp luật của mình sẽ phải đối diện với mức án nghiêm khắc. 10 bị cáo phạm tội “Hủy hoại tài sản” bị truy tố theo khoản 4, Điều 143 của Bộ luật hình sự, tội phạm và hình phạt có khung từ 12 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân.
Đối với những tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan tham gia tố tụng tại tòa như đại diện Cty Xuân Kiên, đại diện Công an huyện Mê Linh và bà Nguyễn Thị Lâu đều bày tỏ quan điểm xin HĐXX xem xét giảm bớt trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Bởi lẽ các bị cáo tuổi đời đều còn rất trẻ, sinh ra ở nông thôn, hiểu biết pháp luật kém.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, xét tính chất mức độ phạm tội của từng bị cáo HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thắng 15 năm tù, Tiến 14 năm tù, Dũng 13 năm tù cộng 7 năm của mức án cũ là 20 năm tù. Bị cáo Huân, Cảnh và Văn bị tuyên phạt 13 năm tù. Bị cáo Tùng và Thao bị tuyên 12 năm tù. Bị cáo Trọng và Đoán 8 năm tù tội “Hủy hoại tài sản”. Người bị mức án nhẹ nhất trong vụ án này là bị cáo Sơn với 10 tháng tù treo về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Ngoài ra các bị cáo còn phải bồi thường thiệt vật chất do mình gây ra.
Theo Lao Động