Xét xử đường dây làm giả chứng thư bảo lãnh ngân hàng
Ngày 17.9, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 26 bị cáo nguyên là các giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiệp tư nhân, cán bộ ngân hàng… bị truy tố về một trong các tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, Nguyễn Văn Kha (nguyên vừa là luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Long An, vừa là Giám đốc Công ty Khoa Đăng) được một đối tác nước ngoài hứa sẽ rót vốn nếu xin được giấy phép mở bệnh viện tư. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận cho Công ty Khoa Đăng đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Sao Mai (tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp) với điều kiện phải chứng minh năng lực tài chính. Để có được giấy phép, Kha móc nối với Nguyễn Đắc Hòa, Nguyễn Thị Phi Điệp, Đinh Quốc Việt, Nguyễn Nhật Hoàng Trinh thuê thợ in lụa là Lê Quý Đắc làm giả giấy xác nhận số dư 15 tỉ đồng của Ngân hàng NN-PTNT, chi nhánh Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Tương tự, Lê Nho Diễn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Vạn Gia Phát) thuê Lê Quý Đắc làm giả chứng thư bảo lãnh thanh toán 10 tỉ đồng của Ngân hàng HSBC để ký được hợp đồng mua thép trả chậm trị giá 10 tỉ đồng với Công ty Hà Nam. Đắc còn làm giả chứng thư bảo lãnh 5 tỉ đồng cho Vũ Xuân Nghiệp (Giám đốc Công ty Nghiệp Phát) để ký hợp đồng mua thép trả chậm với Tổng công ty thép Việt Nam – chi nhánh TP.HCM làm giả cho Nguyễn Công Sáu (Giám đốc Công ty quốc tế Trung Nam) chứng thư bảo lãnh thanh toán 30 tỉ đồng để Sáu ký hợp đồng mua xăng dầu của Công ty cổ phần dầu khí Mãnh Hổ làm giả giấy xác nhận số dư 250 tỉ đồng của Ngân hàng NN-PTNT – chi nhánh quận 10, TP.HCM cho Đặng Phúc Gia Bảo Trân (Phó tổng giám đốc Công ty Đông Dương) nhằm dự thầu công trình khai thác trắng cây cao su để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và hợp tác với Nguyễn Văn Kha trong việc thực hiện dự án Bệnh viện Sao Mai.
Trong vụ án này, Trương Công Dũng (nhân viên phòng chuyển tiền – Ngân hàng HSBC) cũng làm giả chứng thư bảo lãnh 12 tỉ đồng của Ngân hàng HSBC để Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Lộc Bình Phú) ký được hợp đồng mua sắt thép xây dựng với Công ty TNHH Ngôi Sao Lam Sơn… Bên cạnh đó, Nguyễn Minh Tuấn còn móc nối với cả Lê Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng Giao dịch Tân Bình – chi nhánh Bạch Đằng, Ngân hàng Gia Định) để làm thư bảo lãnh giả.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Theo TNO
Video đang HOT
Sai phạm tại Vinalines dưới thời Dương Chí Dũng
Trong giai đoạn 2006 - 2008, nhờ sự hưng thịnh của vận tải biển quốc tế, hoạt động của Vinalines khá "thuận buồm, xuôi gió".
Có mặt tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 8/2010, thời điểm cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị cơ quan công an khởi tố, ông Dương Chí Dũng được giao nhiệm vụ làm rõ hơn về quá trình tiếp nhận các đơn vị được chuyển giao khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy tiến hành tái cơ cấu. Trả lời báo giới tại thời điểm đó, cựu Chủ tịch Vinalines từng khẳng định, "chúng tôi sẽ có cách làm bài bản hơn", "chỉ nhận nợ sau khi đã kiểm toán"...
Là người làm việc lâu năm trong ngành hàng hải, ông Dũng khi đó đã phân tích khá thấu đáo những nhược điểm trong việc mua lại và khai thác tàu Hoa Sen của Vinashin như tốn nhiên liệu, không phù hợp để hàng hải tuyến dài, chỉ phù hợp để làm tàu du lịch... Ông hứa: "Vinalines sẽ có cách khai thác phù hợp, hiệu quả hơn".
Dương Chí Dũng ngày còn làm lãnh đạo Vinalines
Tuy vậy gần 2 năm trôi qua, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ được phát đi giữa tháng 4 vừa rồi, tàu Hoa Sen một lần nữa lại được đưa ra làm ví dụ về những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước thiếu hiệu quả tại Vinalines. Theo thanh tra, do việc chậm nộp bảo lãnh 4,15 triệu USD để giải quyết tranh chấp trước đó của Vinashinlines (đơn vị quản lý trực tiếp tàu Hoa Sen, chuyển từ Vinashin sang) nên Tổng công ty Hàng hải để xảy ra liên tiếp 4 vụ bắt tàu. Bản thân tàu Hoa Sen sau đó cũng bị đối tác hủy hợp đồng, không được bồi thường và nằm phơi bãi.
Ông Dương Chí Dũng nhận công tác tại Tổng công ty Hàng hải từ tháng 8/2005 với cương vị Tổng giám đốc. Trong thời gian nêu trên, theo Thanh tra Chính phủ, Vinalines đã mắc nhiều sai phạm, trong đó tập trung vào 4 vấn đề: mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng vội vàng - ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc.
Để phát triển vận tải, trong giai đoạn 2005 - 2010, số liệu thanh tra cho thấy, Vinalines đã mua tổng cộng 73 tàu với giá trị hơn 22.850 tỷ đồng (đồng thời bán đi 55 tàu) nhưng đa phần trong số này là mua của nước ngoài, đã qua sử dụng. Chủng loại tàu (đa phần là tàu hàng khô, trọng tải lớn) cũng được đánh giá là không phù hợp với chiến lược phát triển, chưa chú ý đến các loại tàu chuyên dụng.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Vinalines từng lý giải việc chỉ mua tàu cũ, tàu hàng dời là do năng lực tài chính cũng như khả năng khai thác hàng hóa chuyên dụng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại cho rằng việc doanh nghiệp chỉ "thích" mua tàu cũ chẳng qua vì mập mờ, không có giá rõ ràng như tàu mới.
Vinalines Mighty - một trong những con tàu được coi là lớn và hiện đại nhất của Vinalines
Do khả năng khai thác còn hạn chế, trong thời gian qua, phần lớn trong số đội tàu gần 150 chiếc của Vinalines được cho thuê định hạn. Việc không thể quản lý trực tiếp là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt vụ bắt tàu mà Hoa Sen hay Vinalines Global chỉ là những ví dụ nổi tiếng. Thiệt hại của Vinalines trong những vụ việc này được tính bằng nhiều triệu USD (Vinalines Global phải chi phí, nộp phạt trên 1,8 triệu USD, riêng tiền bảo lãnh cho tàu Hoa Sen là 4,5 triệu USD).
Về xây dựng, trong giai đoạn 2007 - 2010, kết luận thanh tra cho thấy Vinalines đã góp vốn đầu tư vào 3 cơ sở sửa chữa tàu biển (Nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam, Nhà máy Nosco - Vinalines, Nhà máy Đông Đô) nhưng đều không có trong kế hoạch phát triển được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Cá biệt trong số các hạng mục đầu tư vào Nhà máy Vinalines phía Nam, lãnh đạo tổng công ty mà đứng đầu là ông Dương Chí Dũng đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi No83M, vốn được sản xuất tại Nhật từ năm 1965 với giá lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu). Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn. Riêng với trường hợp này, Thanh tra Chính phủ xác định có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật về đầu tư.
Ụ nổi No83M
Ngoài những công trình nêu trên, trong thời gian ông Dũng làm Chủ tịch, Vinalines cũng tiến hành đầu tư lớn vào việc xây dựng 12 cảng biển, một cảng sông và một cảng cạn. Nổi bật trong số này là cảng Vân Phong, Sài Gòn - Hiệp Phước, CMIT, Cái Mép - Thị Vải, Cái Lân... Mặc dù các dự án này đều đúng chủ trương, có trong quy hoạch, nhưng trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp vẫn xuất hiện nhiều sai phạm như chậm tiến độ, phê duyệt không đúng thẩm quyền...
Riêng việc quản lý tài chính, giống như nhiều tập đoàn, tổng công ty khác trong giai đoạn 2007 - 2010, hoạt động đầu tư của Vinalines được đánh giá là khá dàn trải khi góp vốn vào 158 doanh nghiệp và nảy sinh nhiều bất cập. Doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích gần một nửa số tiền 1.000 tỷ đồng vốn trái phiếu được phép phát hành năm 2010, cho vay công ty con mà không tính lãi, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế ở một số đơn vị... Đặc biệt là để nợ đọng khoản tiền khó đòi lên tới hơn 23 tỷ đồng.
Trong hầu hết các hạn chế, sai phạm nêu trên của Vinalines, Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm của Tập thể lãnh đạo Công ty, đứng đầu là ông Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị (nay là Chủ tịch Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc và các lãnh đạo liên quan, lãnh đạo các công ty thành viên... Thanh tra cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông hướng dẫn, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải tiến hành kiểm điểm, tự kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm. Riêng với vụ mua ụ nổi No83M, cơ quan này đã chuyển hồ sơ cho Bộ Công an tiếp tục xem xét xử lý.
Bên cạnh những sai phạm được chỉ ra, thực tế trong giai đoạn 2005 - 2010, Tổng công ty Hàng hải cũng đã có những bước phát triển. Từ con số 3.200 tỷ đồng năm 2005, vốn điều lệ của Vinalines đã tăng lên mức 8.180 tỷ vào năm 2010. Cùng với đó, số lượng tàu cũng như năng lực vận tải của doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó (từ 1,25 triệu tấn năm 2005 lên 2,8 triệu tấn năm 2010). Lợi nhuận báo cáo hàng năm dao động trong khoảng 550 - 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số lợi nhuận nêu trên còn là điều cần xem xét bởi theo báo cáo của Vinalines, trong các năm 2007 - 2010, doanh nghiệp này lãi lần lượt 861, 1.600, 857 và 1.241 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả làm việc của Thanh tra Chính phủ lại cho thấy Vinalines chỉ có lãi trong các năm 2007 và 2008. Đến năm 2009 và 2010, doanh nghiệp này lần lượt lỗ hơn 412 tỷ và gần 1.274 tỷ đồng.Theo ANTD
Kẹt lại ở Malaysia Đã mãn hạn tù tại Malaysia từ ngày 8-11-2011 nhưng đến tận hôm nay, năm hết tết đến, 28 trong tổng số 46 ngư dân Bạc Liêu vẫn chưa được về nước. Ông Cao Hoàng Mãnh, đại diện chủ tàu Lý Văn Liễu, đến nhà thăm hỏi bà Trương Thị Nhỏ có con trai còn ở Malaysia chưa biết ngày về - Ảnh:...