Xét xử đại án tại VNCB: Giám đốc “làm thuê” bật khóc nức nở tại tòa
Sáng nay (22.7), phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về các hành vi gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục với phần xét hỏi.
Các bị cáo được dẫn giải đến toà.
Đến phần đại diện Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (người được xác định cùng tham gia thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh, TP.HCM, rút tiền để Phạm Công Danh sử dụng như đã nêu trên, gây thiệt hại cho VNCB 400 tỷ đồng), bị cáo này không giữ được bình tĩnh nên bật khóc nức nở tại tòa.
Để bị cáo bình tĩnh lại, HĐXX quyết định cho bị cáo này được nghỉ 10 phút, sau đó mới xét hỏi tiếp.
Trong phần trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân cho biết, bị cáo học hết lớp 12 và từng làm nhân viên bán xe tại Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Sau đó, bị cáo Vân được ông Phạm Công Chung (em của Phạm Công Danh) nhờ đứng tên làm Giám đốc Công ty Hương Việt. Bị cáo này cho rằng không làm được, không biết gì thì được ông Chung cho biết chỉ cần đưa giấy chứng minh nhân dân chứ không cần làm gì khác, rồi gọi bị cáo lên ký một số giấy tờ. Mặc dù mang danh là giám đốc, nhưng mức lương của bị cáo Vân cũng chỉ là 7 triệu đồng/tháng như lúc còn làm nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh.
Video đang HOT
Đến tháng 3.2013, bị cáo Vân được bộ phận tài chính – kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh lên ký hồ sơ dày có ghi chữ ủy nhiệm chi. Sau đó, bị cáo được một người tên Trang gọi lên ký hồ sơ nói là ký giùm anh Danh hợp đồng thuê mặt bằng, dù bị cáo không biết mặt bằng này ở đâu, không biết nội dung giấy tờ mình ký như thế nào. Đến khi công an đến làm việc, bị cáo này mới biết mặt bằng đó nằm ở số 816 Sư Vạn Hạnh (TP.HCM).
“Bị cáo không biết gì hết, người ta kêu lên ký thì bị cáo ký thôi. Do bị cáo tin Tập đoàn Thiên Thanh, tin anh Danh nên mới ký. Không nghĩ chỉ vì chữ ký như vậy mà gây hậu quả như vậy”, bị cáo Vân lại bật khóc nức nở.
Cũng theo bị cáo Vân, bị cáo này không giữ giấy tờ, không giữ hồ sơ, con dấu của Công ty Hương Việt. Ngoài việc ký thuê mặt bằng, ký ủy nhiệm chi, bị cáo còn được gọi lên ký biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên đến khi lên quận 1, TP.HCM ký thanh lý hợp đồng thì bị cáo này bỏ về không ký vì lý do chỉ đứng tên giám đốc giùm ông Phạm Công Danh. Vân thừa nhận việc làm của bị cáo là sai pháp luật và mong pháp luật khoan hồng.
Về điều này, đại diện HĐXX nhận định, bị cáo Vân học hết lớp 12, là người tương đối có trình độ. Đáng lý ra khi được người khác đưa hồ sơ cho ký thì phải xem xét kỹ để không vi phạm pháp luật.
Trong thời gian tháng 6 đến tháng 7.2013 và tháng 2 đến tháng 4.2014, Phạm Công Danh chỉ đạo các đồng phạm hợp thức bằng Nghị quyết HĐQT với nội dung ký hợp đồng khống về việc thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành và số 816 Sư Vạn Hạnh – TP.HCM với hai công ty của Phạm Công Danh (Công ty Trung Dung, Công ty Hương Việt). Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo chuyển số tiền 601,6 tỷ đồng từ VNCB trả cho hai công ty đó; Công ty Trung Dung đã hoàn trả 20 tỷ đồng, còn lại 581,6 tỷ đồng được chuyển lòng vòng qua tài khoản cá nhân rồi rút khoản tiền đó để trả lãi cho 06 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, trả tiền chăm sóc cho 21 khách hàng và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh (trả cho Công ty Đầu tư phát triển Hải Tiến), nay không có khả năng thu hồi cho VNCB 581,6 tỷ đồng. Riêng với việc cùng tham gia thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh, rút tiền để Phạm Công Danh sử dụng gây thiệt hại cho VNCB 400 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân phải liên đới chịu trách nhiệm về việc gây thất thoát số tiền này.
Theo Danviet
"Phó tướng" của Phạm Công Danh bị sốc khi về làm lãnh đạo VNCB
Bị cáo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB, người được xem là hỗ trợ tích cực cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội) thừa nhận đã vi phạm về các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Chiều nay (21.7), HĐXX chính thức phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ đại án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Trong phần trả lời HĐXX, bị cáo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB, người được xem là hỗ trợ tích cực cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội) thừa nhận đã vi phạm về các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Bị cáo này khai nhận từng đi học ở nước ngoài về, từng làm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Trong quá trình công tác có quen biết với Phạm Công Danh và giúp bị cáo Danh xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng. Đề án này được bị cáo Mai thực hiện từ năm 2012 và hoàn thành sau 1 năm 2 tháng với chi phí 3,2 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo được Phạm Công Danh mời về Trustbank làm việc từ tháng 2.2013, đến tháng 3.2013 làm Phó Tổng giám đốc thường trực và đầu năm 2014 được làm Tổng giám đốc ngân hàng trên (sau đổi thành VNCB).
Tại phiên tòa, Phan Thành Mai thừa nhận dù đã biết đến tình trạng khó khăn của ngân hàng này nhưng bị cáo vẫn không khỏi bị sốc. Bởi theo số liệu bị cáo tiếp cận được, vào tháng 7.2012 ngân hàng này đã lỗ lũy kế khoảng 6.000 tỷ đồng, vốn sở hữu thực khoảng 2.800 tỷ đồng; tổng dư nợ 11.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay 13.000 tỷ đồng, nhưng 90% trong đó thuộc diện khó đòi. Tình trạng như vậy khiến cho ngân hàng phải bù chênh lệch mỗi năm từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng.
Nhưng điều sốc nhất mà bị cáo này cho biết đó là khoản tiền chăm sóc khách hàng quá lớn. Bị cáo thừa nhận đây là việc làm sai quy định nhưng là luật bất thành văn. Các ngân hàng thời điểm đó đều phải làm vậy, phải cạnh tranh nhau về lãi suất để thu hút khách hàng. Nhưng con số như thế nào thì bị cáo không được rõ, vì không được giao chi phí chăm sóc khách hàng. Chỉ biết rằng việc trả chi phí chăm sóc khách hàng không hề có hóa đơn, chi phí này tùy thuộc vào số tiền gửi. Cũng nhờ cách làm này mà đầu năm 2013, trong một quý số tiền gửi vào ngân hàng trung bình tăng từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy ngân hàng cũng gặp vô cùng khó khăn khiến Phạm Công Danh phải bỏ tiền túi ra để duy trì ngân hàng, đồng thời chỉ đạo phải làm mọi cách để có tiền.
Theo hồ sơ, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương, là những người tích cực tham gia họp bàn, tổ chức triển khai thực hiện, giúp sức cho Phạm Công Danh đối với tất cả các hành vi của Danh để rút tiền cho Danh sử dụng và gây thiệt hại cho VNCB. Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền 7.037 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bị cáo Phan Thành Mai còn tiếp nhận sự chỉ đạo của Phạm Công Danh vào đầu năm 2014 cùng với Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Nguyễn Quốc Viễn và Phan Minh Tùng xây dựng các bộ hồ sơ vay vốn, phương án kinh doanh không có thật; tham gia họp Hội đồng quản trị để VNCB phê duyệt cho vay; thay mặt HĐQT ký các thông báo đồng ý cho vay tổng cộng 4.350 tỷ đồng; đồng ý sử dụng tài sản là các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng và số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng làm tài sản đảm bảo, trong khi các tài sản đó đang thế chấp vay tiền của BIDV và biết rõ đất là của Tập đoàn Thiên Thanh (của Phạm Công Danh).
Theo Danviet
Cường "đô la" liên quan gì tới vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ ở VNCB? Cả ông Nguyễn Quốc Cường (Cường "đô la") và mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan đều được tòa triệu tập vì có liên quan đến 1 giao dịch với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) dưới thời Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát ngân hàng này. Ngày 21.7, TAND TP.HCM tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án...