Xét xử đại án Oceanbank: Nhiều bị cáo nữ khóc nấc giữa tòa
Không được bình tĩnh như các bị cáo nam, sáng nay (27.2) nhiều bị cáo nữ dự phiên xét xử sơ thẩm vụ đại án tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đã khóc nấc khi trả lời các câu hỏi về nhân thân trước tòa.
Sáng nay, trong ngày đầu tiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Oceanbank, Hội đồng xét xử đã tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo tại phiên tòa.
Bị cáo Hà Văn Thắm là người đầu tiên được Hội đồng xét xử kiểm tra thông tin nhân thân. Trước vành móng ngựa, bị cáo Hà Văn Thắm tỏ ra khá bình tĩnh khi trả lời các câu hỏi của chủ tọa phiên tòa.
Không được bình tĩnh như các bị cáo nam, nhiều bị cáo nữ dự phiên xét xử sơ thẩm đã khóc nấc khi trả lời các câu hỏi về nhân thân trước tòa.
Bị cáo nữ đầu tiên trả lời phần kiểm tra căn cước là Nguyễn Thị Minh Thu (SN 1973, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank). Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 26.1.2015 đến nay, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam T16, Bộ Công an.
Bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank.
Bị cáo bị đưa ra xét xử với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi đến phần thông tin gia đình, bị cáo Thu đã khóc nấc và phải tạm dừng phần trả lời.
Tiếp đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba (SN 1973, nguyên Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ Oceanbank) cũng không giữ được bình tĩnh trong phần kiểm tra căn cước. Bị cáo hiện đang tại ngoại, bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cưu trú. Bị cáo Thu Ba phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Video đang HOT
Trong phần kiểm tra căn cước bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên (SN 1976, nguyên Giám đốc Oceanbank Chi nhánh Vũng Tàu), chủ tọa phiên tòa đã phải có phải có lời động viên khi bị cáo khóc, chưa thể trả lời được.
“Đây là ngày đầu tiên xét xử phiên tòa, tòa chưa kết tội bất kỳ bị cáo nào nên bị cáo cần bình tĩnh để trả lời” – chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà nói.
Chủ tọa phiên tòa phải động viên bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên – nguyên Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu – khi trả lời phần kiểm tra căn cước.
Bị cáo Kiều Liên hiện cũng đang được tại ngoại, bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo Liên bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhiều bị cáo nữ khác cũng không giữ được bình tĩnh trong phần kiểm tra căn cước.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, cùng với bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank – còn có 47 bị cáo khác. Bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương – nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank – đã được Hội đồng xét xử tạm đình chỉ xét xử hình sự do đang điều trị bệnh ung thư.
Do số lượng bị cáo tham gia phiên xét xử đông nên sau đó, Hội đồng xét xử đã yêu cầu chuyển micro xuống dưới cho các bị cáo trả lời, không cần phải đứng lên vành móng ngựa.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm dự kiến diễn ra đến ngày 21.3.
Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần lãi suất, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng gây thiệt hại lớn cho ngân hàng và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng. Đối với tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Hà Văn Thắm đã cấu kết với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) – cựu Tổng giám đốc Oceanbank – là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng, đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức thu phí của khách hàng thông qua Công ty BSC trái quy định của Ngân hàng Nhà nước để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank. Hành vi này của các bị can gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền gần 69 tỷ đồng. Hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, với vai trò chủ mưu, Hà Văn Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank. Hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng VND và USD theo từng thời kỳ. Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng. Theo tài liệu tố tụng, trong quá trình điều tra, Hà Văn Thắm đã thành khẩn khai nhận hình vi phạm tội, có ý thức hợp tác với cơ quan công an để làm rõ sự thật vụ án, là những tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị can. Đối với 34 bị can nguyên là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch Occeanbank, đây là những người đứng đầu các chi nhánh, tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài đối với khách hàng gửi tiền từ lãnh đạo Oceanbank, đã thực hiện chi tiền ngoài lãi suất huy động cho khách hàng, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động gây thiệt hại cho Oceanbank. Hành vi của 34 bị can này đã giúp sức cho nhóm bị can nguyên là lãnh đạo của Oceanbank thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng này tổng số tiền là gần 2.000 tỷ đồng.
Theo Danviet
Đại án Oceanbank: Đường đi của "phi vụ" 500 tỷ đồng
Kết luận điều tra thể hiện khoản 500 tỷ đồng trong vụ án ông Thắm, bản chất là Phạm Công Danh vay để trả nợ cho việc mua cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn (nhóm cổ đông Oceanbank) tại Ngân hàng TMCP Đại Tín.
Ông Hà Văn Thắm (trái) và ông Phạm Công Danh
Cái bắt tay của bộ đôi Thắm- Danh
Sau khi Cơ quan điều tra kết luận, chuyển VKS đề nghị truy tố ra tòa ông Hà Văn Thắm cùng 16 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", dư luận đã quan tâm đến mối quan hệ giữa ông Thắm và Phạm Công Danh.
Kết luận điều tra thể hiện khoản 500 tỷ đồng trong vụ án ông Thắm, bản chất là Phạm Công Danh vay để trả nợ cho việc mua cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn (nhóm cổ đông Oceanbank) tại Ngân hàng TMCP Đại Tín.
Tháng 2/2012, bà Phấn ký hợp đồng bán số cổ phần tương đương 84,9% vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín cho ông Hà Văn Thắm với giá hơn 4,4 ngàn tỷ đồng. Ông Thắm cho người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín nhưng không trả tiền.
Khi bà Phấn dọa sẽ lấy lại cổ phần, bán cho người khác, ông Thắm liền môi giới chuyển nhượng lại số cổ phần trên cho ông Phạm Công Danh. Lúc này ông Danh hứa trả cho ông Thắm 800 tỷ đồng tiền môi giới. Nhưng sau khi đổi tên Đại Tín thành Ngân hàng TMCP Xây Dựng, ông Danh không trả tiền cho bà Phấn và 800 tỷ đồng cho ông Thắm như thỏa thuận.
Sau đó cả bà Phấn, ông Thắm và ông Danh thống nhất để Oceanbank không bị NHNN sáp nhập, Oceanbank cho ông Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Ông Danh và ông Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Cty Trung Dũng để thực hiện việc này.
Số tiền này ông Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Đại Tín đồng thời ghi nhận việc ông Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín. Cuối tháng 11/2013, Oceanbank chính thức giải ngân 500 tỷ đồng vào tài khoản của Cty Trung Dũng.
Người cười, kẻ khóc
Kết luận điều tra vụ Oceanbank cho rằng, liên quan số tiền 500 tỷ đồng, ông Phạm Công Danh cùng nhóm nhân viên, mặc dù có những sai phạm trong quá trình lập hồ sơ vay vốn nhưng chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa xét xử "đại án" VNCB diễn ra vào tháng 9, ông Phạm Công Danh luôn "lớn tiếng khoe" rằng mình đã đưa cho ông Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng có giấy tờ nhận.
Riêng số tiền 500 tỷ đồng do đâu mà có thì ông Danh... im bặt! Nay vụ Oceanbank được cơ quan điều tra kết luận mới thấy rõ ông Thắm cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi "cho vay không đảm bảo, số tài sản đảm bảo cho khoản vay không có thật, không có tài sản; không có tính pháp lý, chưa đủ giá trị cho khoản vay và cho vay vượt quá giới hạn quy định" .
Đối chiếu lời khai của ông Danh tại phiên tòa "đại án" VNCB và Kết luận điều tra vụ "đại án" Oceanbank cho thấy, số tiền 500 tỷ đồng là có thật và có liên quan tới ông Thắm và ông Danh. Tuy nhiên, tại phiên tòa VNCB, số tiền 500 tỷ đồng này chỉ là lời khai, HĐXX chỉ xem xét để đánh giá "hành trình phạm tội của ông Danh và các đồng phạm", vì vậy Tòa đã không làm rõ lời khai 500 tỷ đồng của ông Danh.
Cũng tại phiên tòa VNCB, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TPHCM - bảo vệ cho ông Danh) nói rằng, do đầu tư quá nhiều tiền, thực tế ông Danh đã đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng, lại không thể thành lập ngân hàng mới và chỉ có thể tái cơ cấu ngân hàng nên bỏ tiền vào đây rất nhiều. "Đây là nguyên nhân lớn nhất mà ông Danh không thể rút chân ra khỏi Ngân hàng Đại Tín"- ông Hoài trích dẫn lời ông Phạm Công Danh, phát biểu trong bài bảo vệ cho ông Danh tại phiên tòa.
Liên quan tới ông Danh trong vụ ông Thắm tại "đại án" tham nhũng tại Oceanbank, luật sư Hoài nói rằng, ông "Không được thân chủ Phạm Công Danh nói gì về phiên tòa tham nhũng tại Oceanbank sắp tới".
Đối chiếu lời khai của ông Danh tại phiên tòa "đại án" VNCB và Kết luận điều tra vụ "đại án" Oceanbank cho thấy, số tiền 500 tỷ đồng là có thật và có liên quan tới ông Thắm và ông Danh. Tuy nhiên, tại phiên tòa VNCB, số tiền 500 tỷ đồng này chỉ là lời khai, HĐXX chỉ xem xét để đánh giá "hành trình phạm tội của ông Danh và các đồng phạm", vì vậy Tòa đã không làm rõ lời khai 500 tỷ đồng của ông Danh.
Theo Tân Châu (Tiền phong)
Ai là đồng phạm của Hà Văn Thắm trong đại án OceanBank? Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) Hà Văn Thắm cùng 16 đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại lớn về tài sản của ngân hàng và cổ đông. Ông Hà Văn Thắm, bà Nguyễn Minh Thu, Ông Nguyễn Xuân Sơn (từ trái qua phải). Theo nguồn tin từ Cơ quan cảnh sát...