Xét xử các vụ gian lận thi cử: Nén bạc đã đâm toạc nhân cách!
“Nhận và đưa hối lộ” – đó mới là bản chất của những vụ gian lận thi cử mà dư luận mong chờ để xử đúng người, đúng tội.
Tuần qua, hai vụ gian lận điểm thi “đình đám” đã được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Sơn La và Hà Giang nhưng cả hai phiên tòa đã phải hoãn ngay trong ngày đầu tiên vì thiếu nhân chứng. Dư luận đã từng bức xúc vì những kẻ coi thường kỷ cương, phép nước, chà đạp và tước đoạt cơ hội học tập của hàng trăm em học sinh trong mùa thi năm 2018 thì nay lại thêm một lần phẫn nộ vì cách hành xử của những vị từng mang danh “cán bộ”./
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử ở Sơn La ngày 16/9 đã phải hoãn vì thiếu nhân chứng
Không bức xúc sao được khi mỗi phiên tòa được tổ chức đồng nghĩa với sự tốn kém tiền bạc của nhân dân, lãng phí thời gian, công sức của biết bao người. Không phẫn nộ sao được khi vụ án mà dư luận thừa biết là có yếu tố mua bán, trao đổi điểm bằng tiền, bằng bạc nhưng mới chỉ xử ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Và đặc biệt bức xúc hơn khi những người có liên quan trực tiếp đến vụ án, được tòa triệu tập đến phiên xét xử, họ thích thì đến, không thích thì viện đủ mọi lý do vắng mặt. Trong đó, có cả những người trực tiếp “dính dáng” vào phi vụ gian lận nhưng vì thiếu bằng chứng, họ chỉ đến tòa với tư cách nhân chứng.
Nói thẳng ra, phiên tòa nếu có đủ mặt những người từng mang danh “nhà giáo” và các em học sinh mới ở ngưỡng cửa cuộc đời thì đúng là “cái tát” với ngành giáo dục.
Và nói thẳng ra, nếu để địa phương “tự xử” như hiện nay thì những góc tối sẽ khó được làm sáng tỏ. Sẽ còn những nghi vấn, râm ran trong dư luận quần chúng.
Cũng bởi vậy, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, liên quan đến vụ gian lận thi cử 2018 tại Sơn La, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, nếu địa phương “lúng túng không làm được”, Bộ Công an và VKSND Tối cao thống nhất sẽ rút hồ sơ lên Trung ương điều tra khởi tố về tội “Nhận và đưa hối lộ”.
“Nhận và đưa hối lộ” – đó mới là bản chất của những vụ gian lận thi cử mà dư luận mong chờ để xử đúng người, đúng tội. Không có chuyện “gắp điểm bỏ tay người”, càng không thể có chuyện “nhờ” xem hộ điểm thi mà những người trong cuộc lại sốt sắng “nâng điểm”. Càng vòng vo, càng chối tội quanh co, chỉ càng làm cho người dân thêm một lần khinh bỉ những kẻ dám làm mà không dám chịu, những kẻ mà “nén bạc đâm toặc nhân cách”.
Video đang HOT
Thực tế, kết luận của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tuần qua về vụ nâng điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hòa Bình đã cáo buộc ông Đỗ Mạnh Tuấn – nguyên Phó hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Lạc Thủy nhận hơn 1 tỷ đồng trong vụ việc này. Ông Tuấn không chỉ bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà còn bị đề nghị truy cứu thêm về tội “Nhận hối lộ”.
Trong khi đó, tại Sơn La, quá trình điều tra cho thấy, nhiều đối tượng đã khai “nhận tiền để nâng điểm thi”, nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại không xác định được người đưa tiền. Cụ thể, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy khai “đã nhận tiền” của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh và đã nộp lại 2,4 tỷ đồng. Song kết quả điều tra cho thấy, những người liên quan khác đều không thừa nhận có thỏa thuận và đưa tiền cho các bị can Nga, Sọn, Huynh và Thủy. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can về tội Nhận hối lộ.
Dùng tiền để mong có tương lai sáng lạn cho con. Cầm tiền để làm những việc phi pháp, mờ ám khi mang danh “nhà giáo”. Nếu những vụ gian lận thi cử không được phanh phui thì không biết hậu quả gì sẽ mang đến cho xã hội. Chỉ một phi vụ mà các vị đã bỏ túi hàng tỷ đồng và nhiều hơn thế nữa. Nếu không xử nghiêm, không gọi đúng tội danh, không đưa những kẻ vi phạm pháp luật vào tù thì rất khó để thuyết phục người dân tin vào sự nghiêm minh của nền tư pháp.
Trong công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch xã hội, đến cả cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Ủy viên Trung ương, cựu Tướng lĩnh, sĩ quan công an, quân đội cũng phải hầu tòa. Và ngay cả vụ đánh bạc nghìn tỷ phải triệu tập gần 100 bị cáo, 30 luật sư, 87 người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng đã được đưa ra xét xử đúng kế hoạch. Không có lý do gì, 2 phiên tòa cấp tỉnh lại cùng nhau hoãn, giống như sự trêu ngươi, thách thức dư luận.
Không ai dám đảm bảo rằng, phiên tòa được triệu tập lại vào tháng 10 tới, những “nhân chứng quan trọng” sẽ đủ bản lĩnh đến tòa nếu như họ tiếp tục lấy cớ bị “đau, ốm”.
Theo Quôc Phong/VOV.VN
Sáu phụ huynh nhờ nâng điểm cho con "biến mất"
Khi điều tra có sáu phụ huynh thừa nhận "nhờ nâng điểm" nhưng đến khi truy tố thì sáu người này lại chuyển thành "nhờ xem điểm".
Sáng 16-9, TAND tỉnh Sơn La mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi. Vụ án có tám bị cáo là cựu cán bộ ngành giáo dục và công an cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Hoãn xử vì vắng nhiều người
Ngay từ sáng sớm, an ninh tại khu vực trụ sở TAND tỉnh Sơn La được siết chặt, nhiều lớp cảnh sát được bố trí nhằm kiểm soát nghiêm ngặt những người ra vào tòa. Tám bị cáo, trong đó ba người bị tạm giam, lần lượt được áp giải và có mặt tại phòng xử.
Các bị cáo gồm: Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục).
Ngoài ra còn có bị cáo Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) và Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Tuy nhiên, tại phần làm thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết có tới 44/48 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Trong đó, 22 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 22 người vắng mặt không lý do. Tương tự, 31/43 người làm chứng dù được tòa triệu tập nhưng đã không đến, trong đó 15 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 16 người vắng không lý do.
Phát biểu quan điểm trước tòa, một số luật sư cho rằng cần phải triệu tập bằng được các nhân chứng của vụ án, nhất là ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) - một trong 18 người trung gian đưa thông tin về các thí sinh cho các bị cáo. Trong khi đó, đại diện VKS đề nghị hoãn phiên tòa vì sự vắng mặt nhiều người bao gồm cả luật sư, người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau ít phút hội ý, chủ tọa tuyên bố hoãn xử, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 15-10 tới đây.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 16-9. Ảnh: TP
Những câu hỏi chưa được giải đáp
Hồ sơ cho thấy vụ án này có rất nhiều chi tiết vô lý nhưng chưa tìm được câu trả lời thuyết phục. Điển hình là lời khai của các phụ huynh có con em được nâng điểm.
Theo kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La đã triệu tập 42 người là cha mẹ hoặc người thân của các thí sinh được nâng điểm để lấy lời khai. Kết quả cho thấy sáu trường hợp thừa nhận cung cấp thông tin của thí sinh để "nhờ nâng điểm", 21 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin của thí sinh để "nhờ xem điểm" và 15 trường hợp không thừa nhận cung cấp thông tin cho các đối tượng trung gian.
Tuy nhiên, đến cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La, trong số 42 phụ huynh được lấy lời khai thì 27 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh để "nhờ xem điểm", 15 trường hợp còn lại không thừa nhận cung cấp thông tin của thí sinh cho các đối tượng trung gian.
Như vậy, sáu phụ huynh thừa nhận chuyển thông tin của thí sinh để "nhờ nâng điểm" đã "biến mất" và chuyển thành "nhờ xem điểm". Và điều khó hiểu là dù phủ nhận hay chỉ thừa nhận là "nhờ xem điểm", 44 con em của họ đều được nâng điểm.
Một điểm đặc biệt mâu thuẫn khác là lời khai của một số bị cáo liên quan đến việc nhận tiền từ các đối tượng trung gian hoặc trực tiếp từ phụ huynh để can thiệp bài thi, sửa điểm. Cụ thể, bị cáo Nga khai đã nhận của ông Trần Văn Điện (cán bộ thư viện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) 1,040 tỉ đồng. Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của bà Hoàng Thị Thành (chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho thí sinh DHT.
Ngoài ra, Lò Văn Huynh khai nhận của ông Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 1 tỉ đồng, nhận của bà Lò Thị Trường (phụ huynh có con được nâng điểm) 300 triệu đồng...
Tuy các bị cáo đã khai việc nhận tiền và tự nguyện giao nộp cho CQĐT nhưng những người được cho là đưa tiền lại một mực phủ nhận. Dư luận đặt câu hỏi không lẽ các bị cáo tự khai rồi tự bỏ tiền túi để nộp cho cơ quan công an?
Cũng từ đây VKSND tỉnh Sơn La cho rằng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội nhận hối lộ và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Sẽ điều tra tội đưa, nhận hối lộ?
Báo cáo với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong phiên họp ngày 12-9, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, đã nói về vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: "Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trung ương đang định điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung bảy bị can nữa".
Theo ông Trí, vụ án trên thực tế không thuộc án Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng chỉ đạo nhưng để ở dưới địa phương không làm được. Ông Trí nói thêm: "Mới sáng nay, đồng chí Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TAND Tối cao) cũng trăn trở nói với tôi tội đó phải là đưa, nhận hối lộ. Tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ không chính xác vì có yếu tố nhận tiền".
Theo TUYẾN PHAN (Pháp luật TPHCM)
Những điểm "mờ" trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La cần được làm sáng tỏ Người dân Sơn La kỳ vọng qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, những điểm "mờ" trong vụ gian lận thi cử sẽ được làm sáng tỏ. Trả lời tại phiên họp thứ 37 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, về quá trình xử lý vụ án gian lận thi cử 2018 tại Sơn La, mới đây, Viện trưởng VKSND...