Xét nghiệm COVID-19 có thể khiến Trung Quốc tốn 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, khi ngày càng có nhiều thành phố ở Trung Quốc triển khai xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, nước này sẽ chịu tổn thất lên tới 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Người dân địa phương xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Hôm 3/5, chính quyền khu vực đông bắc thành phố Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, thông báo đợt xét nghiệm toàn thành phố sẽ được tiến hành hàng tuần, bắt đầu từ ngày 5/5. Cùng ngày, Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam cũng cho biết họ sẽ thực hiện 3 đợt xét nghiệm hàng loạt tại các khu vực trung tâm thành phố kéo dài đến ngày 6/5.
Sau kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động năm nay, Đại Liên và Trịnh Châu là những thành phố mới gia nhập danh sách các khu vực triển khai xét nghiệm thường xuyên để phát hiện sớm các ca COVID-19 trong cộng đồng. Các độngt hái tương tự đã được triển khai tại thủ đô Bắc Kinh, trung tâm công nghệ Thâm Quyến và phía đông thành phố Hàng Châu.
Ông Tao Chuan, nhà phân tích vĩ mô của Công ty tư vấn tài chính – chứng khoán Soochow, có trụ sở tại Bắc Kinh, dự đoán hoạt động xét nghiệm hàng loạt thường xuyên có thể sẽ được mở rộng trên phạm vi toàn quốc sau kỳ nghỉ lễ 5 ngày kết thúc vào hôm 4/5.
Nếu tất cả thành phố cấp một và cấp hai của Trung Quốc (khoảng 505 triệu dân) tiến hành xét nghiệm hàng loạt trong một năm, chi phí có thể lên tới 1.700 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1,5% GDP, tương đương 8,7% doanh thu tài chính công của đất nước vào năm ngoái.
Video đang HOT
Ông Tao Chuan cảnh báo chi phí này sẽ tạo áp lực cho chính quyền địa phương, vốn đang phải đối mặt với căng thẳng do cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc.
“Chi phí hơn 100 tỉ nhân dân tệ/tháng cho xét nghiệm không phải nhỏ. Ngoài việc để người dân chịu một phần chi phí, phát hành trái phiếu kho bạc cũng là biện pháp khả thi để bù đắp chi phí”, ông Tao nói.
Bắc Kinh vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược “không COIVD” trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng dịch lớn nhất kể từ đợt bùng dịch ở Vũ Hán hồi năm 2020. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đang cản trở mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng của Trung Quốc, khoảng 5,5% vào năm 2022. Cũng trong ngày 3/5, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự đoán ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc sẽ giảm từ 4,8 xuống 4,3%.
Bất chấp mọi hoài nghi, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng nỗ lực ngăn COVID-19 của nước này đã điều chỉnh để “phù hợp với các đặc điểm lây truyền mới của virus”, giúp giảm thiểu tác động của các đợt bùng phát đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Theo chuyên gia Tao, dù chưa phải giải pháp tốt nhất với Trung Quốc, nhưng xét nghiệm thường xuyên vẫn là lựa chọn ít tốn kém hơn phong tỏa. Ông ước tính thiệt hại hàng tháng có thể lên tới 156,8 tỉ nhân dân tệ nếu các thành phố lớn nhất đất nước, như Thượng Hải, đóng cửa trong hai tuần.
Các nhà phân tích tại Founder Securities cũng cho biết xét nghiệm đã bùng nổ theo chính sách “ không COVID-19 linh hoạt” của Trung Quốc, đặc biệt là trong năm nay. Theo đó, xét nghiệm đã trở thành nhu cầu hàng ngày của người dân khi ra ngoài. Theo Uỷ ban Y tế Quốc gia, đến giữa tháng 4, Trung Quốc có khoảng 13.100 cơ sở xét nghiệm và khả năng xét nghiệm đạt mốc 51,56 triệu mẫu/ngày.
Kết quả tài chính tháng trước cho thấy một số công ty xét nghiệm COVID-19 lớn ở Trung Quốc ghi nhận lợi nhuận hàng năm khổng lồ trong quý đầu tiên, tăng từ 58% lên 190%.
Lý do Trung Quốc cấm xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong phòng chống COVID-19
Nhiều nước phương Tây đã bắt đầu phân phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) miễn phí cho người dân.
Tuy nhiên, riêng Trung Quốc vẫn bảo lưu quan điểm PCR là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm tại quốc gia này.
Trung Quốc thường kích hoạt xét nghiệm axit nucleic diện rộng mỗi khi xuất hiện một ổ dịch COVID-19 mới. Ảnh: Tân Hoa xã
Trong bối cảnh Omicron tiếp tục lây lan nhanh trên toàn thế giới, nhu cầu thực hiện xét nghiệm RAT cũng tăng theo. Tháng trước Nhà Trắng ra thông báo sẽ cấp miễn phí RAT cho người dân Mỹ bắt đầu từ ngày 19/1, sau khi chính quyền đã mua đủ một tỉ bộ xét nghiệm dạng này.
Các nước phương Tây có xu hướng dựa vào xét nghiệm nhanh, coi đây là giải pháp thay thế đối với phương pháp PCR vốn lâm vào tình trạng quá tải. Thế nhưng Trung Quốc vẫn là nước dựa tuyệt đối vào xét nghiệm PCR để xác định ca dương tính với SARS-CoV-2. Thông thường, PCR cho kết quả chính xác hơn so với xét nghiệm nhanh, do độ nhạy tốt hơn.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc (NMPA), tính đến thời điểm cuối năm 2021, nước này đã phê chuẩn, cấp phép sử dụng đối với 68 loại mẫu xét nghiệm, trong đó có 34 mẫu xét nghiệm nucleic acid, 31 mẫu xét nghiệm kháng thể và chỉ có ba mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Nhiều mẫu RAT do Trung Quốc sản xuất chưa được cấp phép trong nước. Nhưng có ít nhất 10 mẫu xét nghiệm dạng này được cấp phép sử dụng tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Canada, Hy Lạp. Nhiều chuyên gia nhận định lý do khiến Trung Quốc chưa huy động xét nghiệm RAT trên diện rộng là do Bắc Kinh vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero-Covid (không COVID).
"Việc Trung Quốc giương cao chính sách zero-Covid trong tương lai trung hạn đưa đến luận điểm xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể không hiệu quả ở giai đoạn hiện nay", Xi Chen, giáo sư chuyên ngành kinh tế và chính sách y tế tại Đại học Y khoa Yale, nhận định.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng ý với quan điểm này, bởi RAT không đạt độ nhạy với mẫu có tải lượng virus thấp, trong khi PCR là xét nghiệm được ưa chuộng và phù hợp để xác định mọi ca mắc trong một cộng đồng. Theo Mei-Shang Ho, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Y sinh tại Học viện Sinica (Đài Loan/Trung Quốc), do cần xác định tất cả những người bị nhiễm, kể cả trường hợp nhiễm không triệu chứng, nên việc nhà chức trách Bắc Kinh dựa vào PCR là hoàn toàn phù hợp nhằm đạt mục tiêu zero-Covid.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng đặt ra những thách thức mới đối với độ chính xác của RAT. Theo Chunhuei Chi, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Oregon (Mỹ), một số nghiên cứu gần đây cho thấy tải lượng của Omicron có xu hướng tập trung ở vùng họng và miệng trong giai đoạn đầu ủ bệnh, nên trong cách lấy mẫu từ mũi theo phương pháp RAT, độ nhạy của xét nghiệm có thể giảm xuống. Chưa rõ nguyên nhân thực chất, nhưng rõ ràng RAT kém hiệu quả hơn trong phát hiện ca mắc Omicron.
Giới chuyên gia đồng thuận rằng chừng nào còn theo đuổi Zero-Covid, Trung Quốc ít có khả năng bắt tay sử dụng RAT trên quy mô lớn. Ông Xi Chen nhìn nhận khác với Trung Quốc, các nước chuyển hướng sang sử dụng RAT là do họ đã chuyển đổi biện pháp phòng chống dịch, từ ngăn chặn lây nhiễm sang ngăn chặn những ca bệnh nặng và tử vọng, số ca nhập viện gây quá tải hệ thống y tế. Khi đó, mức độ chính xác của RAT vẫn là một tiêu chí, nhưng không còn là vấn đề cốt yếu nhất.
Cuối cùng, phải kể đến năng lực vượt trội của Trung Quốc trong xét nghiệm PCR. Do PCR vẫn là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá, xác định ca nhiễm COVID-19, nên ít có khả năng RAT được lựa chọn trong bối cảnh năng lực xét nghiệm PCR của Trung Quốc ở mức còn dư.
NPMA mới đây khẳng định Trung Quốc đã đạt năng lực xét nghiệm cho 51,3 triệu dân/ngày, hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm soát đại dịch trên phạm vi toàn quốc. Đơn cử, thành phố cảng Thiên Tân trong tháng 1 vừa qua đã triển khai nhiều vòng xét nghiệm cho toàn bộ 14 triệu dân trong vài ngày sau khi phát hiện ổ dịch Omicron.
Thuốc kháng virus của Pfizer có thể chấm dứt chiến lược 'Không COVID' ở Trung Quốc? Ngày 12/2, Trung Quốc đã phê duyệt có điều kiện thuốc điều trị COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất. Các chuyên gia cho rằng quyết định đầy bất ngờ này cho thấy có thể Bắc Kinh đang lên kế hoạch thoát khỏi chiến lược "Không COVID". Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh. Ảnh: EPA-EFE Theo hãng...