Xét cơ chế đặc thù làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Sáng 9/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp xem xét cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế- xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp xem xét cơ chế đặc thù phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (ảnh: Chinhphu.vn).
Tại cuộc họp, các cơ quan chức năng trình bày các đề xuất phương án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, triển khai đề án hỗ trợ nói trên. Tỉnh Ninh Thuận và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, cấp bách. Trong đó có các dự án như hồ thủy lợi Tân Mỹ, Đầm Nại, cầu Ninh Chữ, một số tuyến đường ven biển,…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cơ quan tiếp tục hoàn thiện Đề án, trong đó chú trọng về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận, làm rõ những tác động, điểm mới khi triển khai Nhà máy điện hạt nhân theo từng giai đoạn tiến độ xây dựng Nhà máy.
Trong các đề xuất cơ chế hỗ trợ, Phó Thủ tướng gợi ý cần chia ra các giai đoạn phù hợp để đảm bảo cân đối nhu cầu với nguồn lực, đưa thêm các dự án hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, y tế,… cho người dân trong vùng.
Video đang HOT
“Quan trọng là phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư trên cơ sở tiến độ phù hợp với 2 dự án điện hạt nhân và đảm bảo lồng ghép hợp lý với các quy hoạch, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia đang và sẽ triển khai trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về nội dung một số kiến nghị đầu tư, dự án cụ thể mà Ninh Thuận dự kiến trình lên để hoàn thiện nội dung đề án trước khi trình lên cấp có thẩm quyền.
Theo báo cáo, đến thời điểm này, dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 & 2 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các Bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Song song với các dự án hạ tầng, chủ đầu tư cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với việc cử 235/325 sinh viên và 24 kỹ sư học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga và Nhật Bản. Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tháng 11/2009, dự án gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên, đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý 4/2008).
P.Thảo
Theo Dantri
Phó Thủ tướng thị sát các công trình kết nối Mekong
Ngày 6/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát một số công trình cầu, đường lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối trục dọc thứ 2 và xóa tình trạng cách trở sông nước giao thông từ TPHCM đi các tỉnh Tây Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo Bộ giao thông vận tải đến thị sát công trình cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh (Ảnh: Nguyễn Hành)
Tại công trường cầu Vàm Cống trên sông Hậu nối Cần Thơ và Đồng Tháp, sau hơn 1/4 tổng thời gian dự kiến, khối lượng thực hiện đã đạt 32%, trong đó hoàn thành cơ bản phần cọc các loại và 16/55 thân, trụ... Cầu Vàm Cống có tổng mức đầu tư của dự án là hơn 271 triệu USD, sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cầu Cao Lãnh trên sông Tiền cũng đang trong giai đoạn thi công, một số hạng mục vượt tiến độ. Cầu có tổng chiều dài 2 km với phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây. Trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực cao 123,4 m. Tổng giá trị hợp đồng xây lắp là 145 triệu USD.
Vướng mắc lớn nhất của 2 dự án là một số điểm giải phóng mặt bằng còn tồn tại, nhất là phía bờ Bắc cầu Cao Lãnh, một số hạng mục ở đường dẫn và tuyến nối.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả tích cực mà chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long thuộc Bộ GTVT) và các nhà thầu đã đạt được trong triển khai các dự án.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là 2 công trình quan trọng trong Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, hình thành trục dọc phía Tây Quốc lộ 1A từ TPHCM đi các tỉnh Tây Nam Bộ sẽ tạo điều kiện giao thương, động lực phát triển mạnh mẽ cho Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Vì vậy, Bộ GTVT đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp, nhà thầu tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, để sớm đưa cầu Vàm Cống vào sử dụng đúng kế hoạch.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương, nhất là Đồng Tháp phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thực hiện Dự án cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.
Theo chương trình công tác, ngày 7/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục thị sát công trường xây dựng cây cầu Cổ Chiên, tỉnh Bến Tre.
Loại trừ nhà thầu không đủ năng lực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải yêu cầu các Bộ ngành liên quan phải tăng cường chỉ đạo các Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nâng cao tinh thần trách nhiệm và phải loại trừ những nhà thầu không đủ năng lực... nhằm đảm bảo thực hiện các công trình, dự án đúng tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Cụ thể, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường chỉ đạo các Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát... nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhằm đảm bảo thực hiện các công trình, dự án đúng tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao nhất; chỉ đạo chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương liên quan trong việc triển khai các công trình, dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách tham gia đầu tư các công trình, dự án giao thông, nhằm giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Nhà thầu, tư vấn; loại trừ những nhà thầu không đủ năng lực tham gia hoạt động xây dựng công trình của ngành Giao thông vận tải nói chung và các công trình, dự án trọng điểm nói riêng; quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành các dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên vào cuối năm 2015... Bộ Xây dựng phải tiếp tục rà soát, cải cách các thủ tục đầu tư xây dựng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả công trình. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì làm việc với Bộ Giao thông vận tải để giải quyết các thủ tục có liên quan nhằm sớm cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP, đảm bảo đúng quy định hiện hành. UBND các tỉnh, thành phố có liên quan, đặc biệt là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án cụ thể đảm bảo đáp ứng tiến độ xây dựng công trình, dự án trọng điểm; không để xảy ra tình trạng cố tình không chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước.
P.Thảo
Theo Dantri
Hà Nội: Sẽ chặt hạ nhiều cây xanh trên đường Trần Duy Hưng Để mở rộng đường Trần Duy Hưng phục vụ dự án nút giao Trung Hòa, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tổ chức chặt hạ và di chuyển 63 cây xanh trên đường Trần Duy Hưng trong mấy ngày tới để phụ vụ thi công Dự án nút giao Trung Hòa - đường Vành đai 3. Theo Ban quản lý Dự án Thăng...