“Xèo xèo” bánh căn Cam Ranh
Đến Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) vào một ngày mưa lất phất đã khiến chúng tôi quyết định chọn món “điểm tâm” vừa no bụng vừa ấm lòng: Bánh căn.
Ghé quán cô Hoa trên đường Phan Đình Phùng, chúng tôi kéo mấy cái ghế nhỏ ngồi quanh lò để… đợi. Vì trời mưa nên đa phần người địa phương ghé quán mua về, chỉ có chúng tôi làm khách.
Nếu bánh căn là một trong những đặc sản của Cam Ranh thì “đợi đến lượt mình” lại là “đặc sản” khi thưởng thức nó, bởi mỗi mâm chỉ có thể nướng khoảng hơn 10 chiếc bánh một lần. Biết khách ai cũng nôn nao, cô chủ quán thoăn thoắt đôi tay, rót bột gạo ra những chiếc khuôn tròn, đậy nắp chờ bột vừa chín phần đáy, lần lượt cho nhân bánh theo yêu cầu rồi chờ bánh chín. Thời gian nướng một mẻ bánh căn khoảng 1-2 phút. Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy “chờ đợi là hạnh phúc” đến vậy!
Những chiếc bánh căn nhỏ bằng nửa lòng bàn tay vừa được lấy ra khỏi khuôn, nghe tiếng xèo xèo, tỏa mùi thơm phức. Ngoài trứng, bánh căn cô Hoa còn dùng thịt bò, tôm, mực làm nhân. Như một lợi thế của người miền biển, hôm nào hàu tươi thì quán lại có thêm nhân hàu hấp dẫn vô cùng.
Video đang HOT
Ăn kèm với bánh căn là xà lách, rau sống, các loại húng, quế… và đặc biệt không thể thiếu xoài bằm. Khi dĩa bánh nóng hổi được dọn lên bàn, chúng tôi trải xà lách, cho vào thêm các loại rau thơm, một chút xoài, đặt miếng bánh căn vào giữa, cuộn lại rồi quyện cùng nước chấm để thưởng thức.
Bạn có thể chọn loại nước chấm theo khẩu vị gồm nước nắm pha, nước mắm cá kho và mắm nêm. Thật đậm đà làm sao khi cái vị giòn thơm bùi bùi của bánh hòa với vị ngọt tôm, mực; vị béo của trứng; vị mằn mặn cay nhẹ của mắm; lại thêm chút chua chua của xoài bằm, thanh mát thơm dịu của rau sống… mà chúng tôi gọi tổng thể là “mùi vị gây nhớ thương”.
Cứ thế, chúng tôi vừa ăn vừa đợi những mẻ bánh mới, nào là nhân trứng thịt bò, nhân tôm mực, rồi lại chuyển sang nhân hàu. Cái thú vừa tán gẫu vừa chờ đợi những miếng bánh nóng hổi được “vớt” ra thật xốn xang khó tả.
Bốn đứa no nê cái bụng mà “hóa đơn” vẫn chưa đến 100.000 đồng. Mưa vẫn nhỏ từng giọt trên tấm bạt che đầu. Chiếc lò của cô Hoa ngày càng… tăng năng suất. Cái quán bình dân chỉ tầm 5-6 bộ bàn ghế con vậy mà đã biết bao năm đỏ lửa, để mỗi khi mưa về, người khách ghé quán hôm nào lại nhớ nhung những chiếc bánh căn hương biển mặn mòi.
Theo NLD
Thương quá sò mồng ơi!
Tôi đã đọc một số bài viết về sò mồng, nhưng có thể khẳng định rằng, "nhìn mặt đặt tên" thì một loại sò nhỏ ở Cam Ranh, Khánh Hòa mới chính hiệu là sò mồng.
Sò mồng ở Cam Ranh
Sò mồng hình dáng bên ngoài giống như anh em, "dòng họ" của sò dương nhưng nhỏ hơn. Đặc biệt, cái lý để người ta đặt tên là sò mồng vì nó có một cái vòi màu đỏ rất đẹp mà khi thò ra ngoài trông như chiếc mồng gà trống.
Ở Khánh Hòa, dân địa phương xếp sò mồng vào hàng ngon nhất trong các loại sò. Phần ngon nhất của giống sò này cũng là cái mồng đỏ chót của nó. Mới đây, khi tôi đến Cam Ranh, ông bạn "nối khố" rủ ra chợ hải sản và cứ chăm chăm vào món sò mồng. Tôi hỏi, sao lại mê món sò mồng, thì ông bạn giải thích: "Mùa này mà có sò mồng là rất hiếm. Hơn nữa, đây là loại sò ngon số zách mà sò lông, sò huyết, sò bung, sò điệp... xách dép chạy không kịp". Ông bạn còn nói, nhiều người tả con sò mồng giống con sò huyết mà vỏ nhẵn là "trật lất rồi". Bởi sò mồng hình dạng vỏ giống sò dương nhất, còn mặt vỏ có hình răng cưa.
Sò mồng vùi thân sâu dưới lớp san hô mục khoảng hơn gang tay người lớn, nhưng người dân có chiêu để bắt. Họ giậm bằng chân hoặc cầm đầu cuốc chọt xuống nền san hô, thấy chỗ nào có nước phun lên là tín hiệu sò mồng báo "lạy ông tôi ở chỗ này" rồi. Cứ thế đào xuống là tóm ngay con sò có cái mồng đỏ chót.
Cũng theo ông bạn, vào dịp tôi đến mà có được sò mồng để lai rai là phải biết "thương con sò mồng" và người khai thác nó. Vì mùa này con sò mồng tưởng đã yên thân ngoài xa bờ biển nhưng cũng bị săn tìm và việc bắt sò mồng cực khổ hơn nhiều. Những ngư dân có kinh nghiệm phải lặn sâu xuống các rạn san hô mới bắt được và số lượng cũng không nhiều. Cũng chính vì thế mà một ký sò mồng hôm ông bạn tôi mua ở chợ đã 250.000 đồng, còn trong quán nhậu tôi thấy họ bán giá gấp đôi.
Cách chế biến sò mồng rất đơn giản. Sò mồng rửa sạch, cho ngâm vào nước mặn để nhả hết bùn đất, sau đó đem hấp sả hoặc nướng là đủ chết điếng những "tâm hồn ăn uống". Nếu hấp thì cho củ sả đập dập vào chung với sò và nhớ đừng đổ nước. Khi nào thấy sò mở hết vỏ và giương cái... mồng lên "khoe" là thưởng thức được rồi. Có thể chấm sò mồng với muối tiêu, muối ớt hoặc nước mắm nhỉ pha chế chanh, đường, tỏi, ớt rồi giã cho keo lại thành thứ nước chấm đặc sệt. Để tăng hương vị thì thêm mấy cọng rau thơm.
Ngồi trong căn nhà bạn tôi nhìn ra bờ sông, đón cái gió biển Cam Ranh mà ăn con sò mồng thì thấy trong lòng "nhảy múa". Cái cảm giác giòn giòn, cái vị ngọt ngào đặc trưng của con sò mồng, quyện cùng mùi thơm của gia vị và chút cay nồng của rượu đế địa phương, cùng với tình bạn... khiến tôi khi rời xa Cam Ranh rồi mà cứ thương quá sò mồng ơi!
Theo Thanhnien
Quán bánh căn vỉa hè hơn 10 năm ở Sài Gòn Bên chiếc lò đúc lúc nào cũng đỏ lửa, chiếc bánh vừa chín tới có màu vàng ruộm, được chấm miếng nước mắm khiến thực khách khó lòng mà không quay trở lại. Bánh căn là một trong những món ăn mà thực khách đến Sài Gòn không nên bỏ qua. Nếu có dịp đến quận 7, bạn hãy thử tìm quán bánh...