Xen canh gối vụ, gia tăng thu nhập, giảm chi phí đầu tư
Việc trồng xen cây chịu bóng trong cây ưa nắng, cây ngắn ngày gối vụ trong cây dài ngày, gia tăng thu nhập gấp bội, giảm chi phí…
Mô hình “2 trong 1″ tận thu mướp cuối vụ
Việc trồng xen cây chịu bóng trong cây ưa nắng, cây ngắn ngày gối vụ trong cây dài ngày chưa khép tán không những tận dụng tối đa được diện tích canh tác mà còn gia tăng thu nhập gấp bội, giảm chi phí đầu tư sản xuất…
Thâm canh “2 trong 1″
Vụ xuân hè mới đây, gia đình anh Trần Văn Lề, thôn Mão Xuyên, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi (Hưng Yên) đã cải tạo đất ruộng trũng để trồng cây ăn quả xen canh với 1 số cây rau màu khác. Kết quả, chỉ riêng 2 sào ruộng vườn trồng cà chua xen canh với cây mướp hương Nhật Bản, chưa đầy 6 tháng, gia đình anh Lề đã thu được lợi nhuận gần 20 triệu đồng.
Anh Lề hồ hởi chia sẻ, cà chua trái vụ và mướp hương dễ bán lắm, ô tô thương lái đến tận đầu làng thu mua. Mướp hương 4.500 đồng/kg. Cà chua 9.000 – 10.000 đồng/kg. Vào kỳ thu hoạch rộ mỗi ngày gia đình anh thu hoạch hơn 1 tạ mướp và cà chua, giá trị trên 3 triệu đồng.
Cũng chân ruộng này những năm trước gia đình anh Lề cấy lúa chỉ thu được hơn 400.000 đồng/sào/vụ, mà còn bấp bênh. Theo kinh nghiệm của anh Lề, để trồng cà chua xen mướp hiệu quả cao cần chọn các giống cà chua lai F1 chịu nhiệt, có khả năng chống chịu tốt với các bệnh thán thư, thối thân, sương mai.
Với cây mướp nên chọn giống mướp hương F1 siêu quả của Nhật Bản. Các giống này đều có bán sẵn trên thị trường. Cà chua trồng cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch. Mướp trồng sau cà chua 10 -15 ngày. Tính toán thời vụ gieo giống để khi cây mướp kín giàn cũng vừa lúc cà cho cho thu quả. Đây là khâu kỹ thuật quan trọng, vì trong vụ hè bóng mát của giàn mướp có tác dụng, làm cho quả cà chua chín cây có sắc tố đỏ tự nhiên và cây lâu tàn, kéo dài thời gian thu quả.
Trồng cà chua 2 hàng/luống, hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 50cm.
Mướp trồng hàng đơn. Gieo 1 – 2 hạt/hốc. Hốc cách hốc 0,9 – 1m. 3 luống cà chua trồng 1 luống mướp hương.
Video đang HOT
Làm giàn mướp ngang cách mặt đất 1,6 – 1,8m. Giàn cà chua cắm chữ nhân, kết hợp làm giá đỡ cho giàn mướp.
Phân bón, ngoài bón cân đối NPK thì không thể thiếu vôi bột 15 – 20kg/sào, bón khi làm đất. Phun bón lá Atonik và phân bón vi lượng (CuSO4 0,1%; ZnSO4 0,1% ; MnSO4 0,1%) 3 lần cách nhau 10 ngày từ sau trồng 1 tháng.
Cần thường xuyên ngắt bỏ các lá già, lá sâu bệnh, cành, nhánh vô hiệu trên cây cà chua và mướp, tạo sự thông sáng trong vườn, giảm thiểu sâu bệnh hại.
Tận thu mướp và cà chua cuối vụ
Chủ động phòng trừ kịp thời một số sâu bệnh hại chính như sâu vẽ bùa, sâu xanh, sâu đục quả và bệnh mốc sương…
“3 trong 1″ tăng lơi nhuân
Ông Bùi Đình Trảng, thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã trồng xen 3 cây: Táo Đài Loan/đậu tương/cây dược liệu địa liền. Sau 12 tháng trên diện tích 1 sào cây trồng xen trên, gia đình ông Trảng thu được 1,2 tấn táo Đài Loan, 80 kg đậu tương và hơn 4 tạ củ địa liền. Tổng lợi nhuận từ các cây trồng xen đạt gần 40 triệu đồng, tương đương hơn 1 tỷ đồng/ha canh tác.
Ông Trảng cho biết, để vườn táo có thể trồng xen được cả 3 loại cây đã nêu, chân ruộng phải cao, tiêu thoát nước tốt, đất cát pha hoặc thịt nhẹ. Cần trồng xen đậu tương ngay sau khi đốn táo (cuối tháng 2 đầu tháng 3).
Khi đậu tương 3 – 4 lá thật tiến hành vun xới cho cây đậu, đồng thời xen canh cây địa liền vào giữa các hàng đậu tương trong vườn. Địa liền là cây chịu bóng sau trồng 1 tháng mới mọc. Khi địa liền có 1 – 2 lá thật mở ra thì cây đậu tương bắt đầu già cỗi.
Thời gian thu hoạch đậu tương tháng 5 – 6, địa liền tháng 11 – 1 năm sau. Thu táo tháng 1 – 2.
Lưu ý, táo Đài Loan là giống quả to, rất sai quả, nên phải làm giàn đỡ cành quả để tránh đổ gẫy, thất thu.
Có thể gieo lạc thay đậu tương, trồng tam thất thay địa liền.
Việc xen canh nhiều cây trên 1 đơn vị diện tích canh tác, ngoài tăng thu gấp bội, còn giữ cho đất luôn ẩm, chống rửa trôi dinh dưỡng, hạn chế cỏ dại phát sinh, giảm đáng kể công lao động chăm sóc.
Còn rất nhiều cây khác có thể trồng xen, trồng gối được như: Trồng gừng trong bao dưới tán cây ăn quả, nghệ xen lạc hoặc đậu tương (nghệ là cây trồng chính, đậu tương, lạc là cây trồng phụ), cà rốt xen trong su hào, địa liền dưới tán cây cam, bưởi…
Theo Th.S. Nguyễn Hải Tiến (Nông Nghiệp Việt Nam)
Độc đáo xen canh keo lai, dưa hấu, mì
Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ "ăn theo" phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.
Xã Bình Tân được đánh giá là địa phương có phong trào trồng rừng mạnh và thành công nhất huyện Tây Sơn (Bình Định). Để tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nông dân nơi đây đã sáng tạo ra phương pháp xen canh độc đáo: Trồng keo lai xen dưa hấu và mì.
Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ "ăn theo" phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.
Mô hình trồng keo xen dưa hấu và mì của ông Đặng Vĩnh Kính thu lợi kép
Thời gian trước đây, những diện tích đất cát xám, bạc màu ở xã Bình Tân hầu hết được nông dân trồng cây mì. Từ năm 2011 trở về trước, giá mì nguyên liệu khá ổn định nên cây mì còn cho hiệu quả. Về sau, giá mì nguyên liệu trở nên bấp bênh, đời sống của người dân cũng long đong theo. Năm 2007, cây keo lai theo Dự án WB3 về đây cho thấy rất phù hợp trên vùng đất xám bạc màu.
"Trồng keo lai chỉ cần đầu tư phân bón 2 năm đầu, sau 5 năm là cho năng suất 100 tấn/ha. Chỉ cần giá bình quân 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau chu kỳ 5 năm, 1ha keo cho thu nhập 100 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu nhập được 20 triệu, hơn hẳn cây mì. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì sang cây keo trên địa bàn phát triển rất mạnh. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Tân đã có trên 1.500ha keo, một nửa trong đó thuộc Dự án WB3 đã cho khai thác", ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân chia sẻ.
Để tăng thu nhập trên cùng diện tích, một số nông dân đã sáng kiến ra phương pháp trồng keo xen dưa hấu và mì cho thấy hiệu quả kép. Là người từng thực hiện mô hình này, ông Đặng Vĩnh Kính kể rành rọt: "Những diện tích keo đến chu kỳ khai thác, thu hoạch keo xong, bà con thuê xe múc với chi phí 5 triệu đồng/ha móc hết gốc keo lên, sau đó cho máy cày đất rồi lên vồng để trồng dưa hấu. Sau khi đất được lên vồng, bà con xuống giống dưa hấu.
Khi dưa hấu đã ra cành ra nhánh, bà con bắt đầu xuống giống keo bên mé ta-luy của vồng đất. Phân bón cho cây dưa hấu, cây keo được ăn theo. Do đó, cây keo sống cạnh dưa hấu chỉ sau 3 tháng đã cao đến gần 1m, bằng cây keo 1 năm tuổi trồng bên ngoài.
Sau khi thu hoạch dưa hấu, bà con tiếp tục móc đất cho hom mì xuống dọc 2 bên hàng keo. Khi cây mì nảy mầm thì cây keo đã cao gần 1,5m, nên cây mì phát triển cỡ nào cũng không thể lấn keo được, do đó cả keo cả mì đều sinh trưởng, phát triển bình thường".
Cũng theo ông Kính, với phương thức trồng xen canh như đã kể trên, nhờ ăn theo phân bón, nước tưới, được đầu tư cho cây dưa hấu nên năng suất cây mì cho khá cao.
"Mì trồng xen với dưa hấu và keo cho củ to lắm, bụi mì phải 2 - 3 người nhổ mới lên. Ngoài 1 củ to tướng đóng thẳng xuống đất, còn có 3 củ khác cũng to không kém đóng ngang, nhổ bụi mì lên thấy mất hồn", ông Kính diễn tả.
Ngoài ra, những diện tích rừng keo trồng xen mì thì không bao giờ bị bò phá. Bởi, nếu bò ăn phải đọt mì là chết ngay. "Nhất là trong mùa nắng nóng, mủ dồn lên đọt mì, con bò to là thế mà chỉ cần ăn chừng 3 đọt mì là ngã ngửa ngay", ông Kính cho biết thêm.
Theo tính toán, trồng xen canh keo, dưa hấu và mì, nông dân có lợi kép. Riêng cây dưa hấu đạt 40 tấn/ha, cây mì dù trồng mật độ thưa nhưng cũng đạt đến 30 tấn/ha. Khoản thu từ dưa hấu và mì thừa sức đầu tư cho cây keo suốt chu kỳ. Đặc biệt, nhờ ăn theo mức đầu tư của cây dưa nên cây keo chỉ cần 4 năm là có thể thu hoạch với năng suất cầm chắc 100 tấn/ha, rút ngắn chu kỳ cây keo được 1 năm.
Nhờ hiệu quả kinh tế cho thấy nhãn tiền, trong những năm qua, mô hình sáng tạo trồng xen keo với dưa hấu và mì ở xã Bình Tân ngày càng được nhân rộng. Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cũng phát triển mô hình trên diện tích 10ha rừng keo.
Theo An Nhân (Nông nghiệp Việt Nam)