Xem xét, xử lý sai phạm về đất đai tại huyện Trảng Bom
Ngày 10/3, một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc UBND huyện Trảng Bom khắc phục những tồn tại, thiếu sót…
Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng giao Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc kiểm điểm các tổ chức cá nhân. Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiểm điểm tổ chức, cá nhân thuộc diện quản lý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ngay trong tháng 3.
Dự án xây dựng gần 500 căn nhà phố và biệt thự liên kề ở Trảng Bom chưa xử lý xong sai phạm.
Trước đó, kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra hàng loạt sai phạm cụ thể trong việc việc quản lý, sử dụng đất tại huyện Trảng Bom. Tại các xã Sông Thao, Quảng Tiến, Sông Trầu, Tây Hòa, Đông Hòa, Hố Nai 3, Bắc Sơn và thị trấn Trảng Bom đều có dấu hiệu phân lô, xây dựng trái phép nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý vi phạm. Việc khắc phục hậu quả sau khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi tự làm đường trên đất nông nghiệp chỉ dừng lại ở mức nộp tiền phạt, không khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Chính quyền các xã đến nay không thực hiện cưỡng chế các công trình sai phạm.
Video đang HOT
Đơn cử như ở xã Hưng Thịnh, dù địa phương phát hiện hơn 10 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích các thửa đất nông nghiệp diện tích từ 10.000m2 đến 50.000m2 để xây dựng nhà xưởng kết cấu tường gạch, lợp mái tôn từ 100 đến 200m2, bên trong đã sản xuất công nghiệp. UBND xã Hưng Thịnh cũng đã kiểm tra, xử phạt và thông báo tháo dỡ từ năm 2019, nhưng đến nay công trình vẫn ngang nhiên tồn tại…
Trong giai đoạn 2018-2021, huyện Trảng Bom đã kiểm tra, phát hiện, xử phạt 696 vụ, trong đó vi phạm về đất đai là 531 vụ, về xây dựng là 92 vụ. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND huyện Trảng Bom hàng năm khi lập kế hoạch sử dụng đất cần phân tích, đánh giá kế hoạch sử dụng đất của năm trước đó. Khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật…
Sai phạm trong việc chuyển đổi đất ở Thừa Thiên Huế
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ký Kết luận thanh tra số 245/KL-UBND về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở trên địa bàn thị xã Hương Thủy.
Theo đó, từ giữa năm 2014 đến hết năm 2019, UBND thị xã Hương Thủy đã ban hành 1.161 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, có 13 trường hợp cho phép chuyển đổi sang đất ở đối với những thửa đất không được quy hoạch là đất ở và không có trong kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017 và 2018 của thị xã.
Một trường hợp ở thị xã Hương Thủy thuê đất Nhà nước nhưng không sử dụng đúng mục đích, vừa tháo dỡ công trình sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Việc chuyển đổi sang đất ở đối với dự án và các khu xen ghép trên địa bàn UBND thị xã Hương Thủy đã xảy ra một số sai sót. Đặc biệt, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Thủy để lại 59 lô đất đã được UBND tỉnh phê duyệt giá đất để đấu giá đưa vào mục đích bố trí tái định cư và làm nhà văn hóa nhưng không báo cáo UBND tỉnh. Tại 5 khu xen ghép được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi cho phép chuyển đổi sang đất ở, tên các khu xen ghép có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của thị xã nhưng không có vị trí thửa đất cụ thể. Ngoài ra, có 24 khu xen ghép đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Thủy tổ chức đấu giá khi chưa có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, không có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm; để người dân lấn chiếm, sử dụng đất trái quy định...
Bên cạnh đó, giai đoạn 2017-2019, UBND thị xã Hương Thủy đã ban hành 804 quyết định chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Qua kiểm tra ngẫu nhiên có 58/285 hồ sơ không kèm trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất, 46/285 hồ sơ không có biên bản xác minh thực địa. Có 40/285 hồ sơ không lưu giấy chứng nhận QSDĐ của người xin chuyển mục đích sử dụng đất...
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân có nhiều trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại sang đất ở để xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm, thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong quản lý... Điển hình trường hợp ông bà Trương Huyên-Lê Thị Dư được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số BT221340 ngày 25/12/2015 đối với thửa đất số 7, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.536,9m2, mục đích sử dụng đất trồng cây hằng năm. Tại hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ, UBND xã Thủy Vân (nay là phường Thủy Vân, TP Huế) đã không lập phiếu lấy ý kiến của khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất. Quá trình đo đạc vào năm 2004, năm 2015 không có tên ông Trương Huyên mà là nhà thờ họ Trương. Qua trình quản lý, sử dụng đất thể hiện qua bản cam kết về việc liên quan đến quyền sở hữu đất của những người thuộc phái họ Trương là do các ông: Trương Hữu Ân, Trương Hữu Tấn, Trương Hữu Dũng trực tiếp sử dụng. Ông Trương Huyên không trực tiếp sử dụng trên thửa đất đó. Tại đơn xin trình bày do bố ông Trương Huyên lập có xác nhận của UBND xã Thủy Vân có nội dung để cho vợ chồng ông Trương Huyên dựng lại nhà tại vườn cũ của cha mẹ ở thôn Công Lương, xã Thủy Vân. Tuy nhiên, đơn này không thể hiện vị trí, họa đồ thửa đất nên không có cơ sở để xác định thửa đất trên chính là thửa đất số 7, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.536,9m2. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông bà Trương Huyên - Lê Thị Dư, người không trực tiếp sử dụng ổn định và liên tục trên thửa đất này là không đúng quy định. Hay tại xã Thủy Bằng (nay thuộc TP Huế), trường hợp ông bà Nguyễn Văn Mộng - Nguyễn Thị Bích Chi và các đồng thừa kế được cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất số 294, tờ bản đồ số 12 diện tích 3.153,8m2 (trong đó, có 400m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm), UBND xã Thủy Bằng không xác định tình trạng tranh chấp và sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất là không đúng quy định tại khoản 2 điều 101 Luật Đất đai năm 2013...
Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu UBND thị xã Hương Thủy tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan; thu hồi 4 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát sự phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh, quy hoạch định hướng dài hạn của Thủ tướng và quy hoạch xây dựng trên địa bàn thị xã để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp; rà soát các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm đất nghĩa địa để thu hồi, điều chỉnh và cấp lại theo đúng quy định...
Yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Thủy chấm dứt việc tham mưu UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh thu hồi đối với các khu xen cư, xen ghép không có trong kế hoạch sử dụng đất; chấm dứt tổ chức đấu giá khi chưa có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, không có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ đối với các lô đất đã được UBND tỉnh giao tổ chức đấu giá để tránh người dân lấn chiếm, sử dụng... Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy phải nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đối với những thiếu sót, sai phạm trong tham mưu chuyển mục đích sử dụng đất.
Đáng quan tâm, Kết luận Thanh tra yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Hương Thủy kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đối với những thiếu sót, sai phạm trong việc kiểm tra hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ; việc xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Đối với UBND các xã, phường có liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra những thiếu sót, sai phạm liên quan đến trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ; công tác thống kê, kiểm kê đất đai; đề nghị phân lô các khu xen ghép không có trong kế hoạch sử dụng đất...
Kết luận thanh tra cũng yêu cầu Sở TN-MT tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra, rà soát sự phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng để tham mưu UBND tỉnh xem xét, có sự điều chỉnh phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước giữa các ngành, lĩnh vực...
Chi khống khen thưởng, cựu Tổng Giám đốc CNS gây thất thoát hàng chục tỷ đồng Trong thời gian điều hành công ty, Tổng Giám đốc CNS Chu Tiến Dũng đã chi khống hơn 17 tỷ đồng để khen thưởng dù không có người nhận, không biết khen thưởng với lý do hay thành tích gì. Ngoài ra, Chu Tiến Dũng còn sai phạm khi thoái vốn gây thiệt hại 4 tỷ đồng. Viện KSND tối cao vừa ban...