Xem xét xả trạm nếu không hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 158/TB-VPCP nêu kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về vướng mắc trong triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, các dự án/trạm thu phí BOT và đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng một số sân bay.
Hàng xe nối đuôi nhau trở lại Thủ đô Hà Nội tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, chiều 4/2/2022. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN
Thông báo nêu rõ, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn đều được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ETC bảo đảm duy trì chỉ 1 làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông; số lượng phương tiện tham gia dán thẻ đầu cuối tăng nhanh, trong thời gian 7 tháng vừa qua đã dán được gần 2 triệu phương tiện, nâng tổng số phương tiện tham gia dịch vụ đạt khoảng 3 triệu (chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc).
Tuy nhiên, về tổng thể, mục tiêu triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng chưa đạt yêu cầu về tiến độ, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý triển khai quá chậm; còn lúng túng trong việc xử lý sự cố kỹ thuật liên quan thu phí điện tử tại dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.
Bên cạnh đó, việc xử lý, giải quyết các vướng mắc bất cập dự án/trạm thu phí BOT tuy đã cố gắng nhưng còn chưa triệt để, cần sự phối hợp của các ngành, các cấp để giảm tối đa ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP.
Video đang HOT
Để sớm hoàn thành các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và sớm xử lý vướng mắc đối với các dự án/trạm thu phí BOT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC khẩn trương lắp đặt các làn thu phí còn lại đảm bảo tại mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp, hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết liệt chỉ đạo VEC hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhận thức rõ đây là trách nhiệm, nghĩa vụ để bảo đảm hoàn thành mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC phải tập trung cao để hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do VEC quản lý. Đến 31/7/2022, nếu không triển khai sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc xem xét việc tạm dừng thu phí (xả trạm).
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các công việc trong quá trình thực hiện của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý các tình huống sự cố; tổ chức tuyên truyền rộng rãi để triển khai thí điểm tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (chỉ phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng); lưu ý không được ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, doanh nghiệp trong trường hợp các trạm thu phí xảy ra sự cố liên quan đến hệ thống thu phí.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tăng cường công tác điều tiết giao thông, xử phạt nghiêm các phương tiện đi vào làn thu phí không dừng khi không đủ điều kiện.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng, nhà đầu tư BOT và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường hơn nữa các giải pháp để tăng tỷ lệ phương tiện ô tô dán thẻ ETC, phấn đấu đến tháng 9/2022 đạt 80% đến 90%, tiến tới thu phí hoàn toàn tự động không dừng ETC trên cả nước.
Về đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng đối với một số sân bay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan sớm khảo sát, đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng đối với Sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và Sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), báo cáo Phó Thủ tướng trong tháng 5 năm 2022.
Chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Bộ Gao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên quan việc triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Việc thí điểm cao tốc chỉ có thu phí ETC phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, không ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Chủ trương triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC trên tuyến cao tốc này phù hợp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 19/2020 của Thủ Thủ tướng về thu phí tự động không dừng.
Thống nhất đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC không dừng trên tuyến cao tốc, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình triển khai, đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, tránh tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện; đồng thời, tuyên truyền cho chủ phương tiện, phối hợp với các cơ quan chức năng phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thí điểm và tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm theo quy định.
Trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thí điểm chỉ có thu phí ETC. Thời gian triển khai thí điểm dự kiến từ 5/5/2022.
Trên cơ sở xem xét 12 tuyến cao tốc đang thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và thống nhất với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC. Đây là tuyến cao tốc do Bộ GTVT quản lý, có tuyến Quốc lộ 5 chạy song hành và cũng do VIDIFI quản lý thu phí.
Qua tìm hiểu, tại Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 19/TTg/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc duy trì mỗi trạm thu phí có 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông; thời điểm chuyển làn hỗn hợp sang thu phí ETC và thực hiện thu phí toàn bộ theo hình thu phí ETC. Căn cứ vào Quyết định này và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC, Bộ GTVT có đủ thẩm quyền quyết định việc chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC trên tuyến cao tốc được lựa chọn.
Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC, chỉ phục vụ phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí ETC. Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền, vận động, yêu cầu phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí ETC để lưu thông qua các trạm thu phí.
Chuẩn bị thí điểm thu phí thuần ETC trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6 Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC), từ ngày 1/6/2022, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ triển khai thí điểm thu phí thuần ETC tại 32/62 làn thu phí thuộc 6/6 trạm thu phí...