Xem xét nhập khẩu xe mô tô 3 bánh hiện đại
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, các cơ quan, địa phương liên quan đánh giá thực trạng sử dụng xe cơ giới 3 bánh theo tinh thần Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xem xét đối với đề nghị của doanh nghiệp về việc nhập khẩu và lưu hành xe mô tô 3 bánh kiểu mới, công nghệ hiện đại so với thực trạng giao thông, yêu cầu an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tác động ảnh hưởng đến chủ trương kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, kinh nghiệm quốc tế…; báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý phù hợp.
Để kiềm chế và giảm tai nạn giao thông, Nghị quyết 05/2008/NQ-CP của Chính phủ quy định không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe cơ giới 3 bánh. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo ngừng kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới 3 bánh.
Do đó, xe mô tô 3 bánh nguyên chiếc nhập khẩu không được thông quan, mặc dù không bị cấm nhập khẩu. Thực hiện Nghị quyết 05/2008/NQ-CP, thực tế hiện nay thì xe cơ giới 3 bánh vẫn được phép sử dụng, nhưng cấm lưu hành trong nội thành, nội thị (trừ xe cho thương binh, người tàn tật). Những loại xe 3 bánh do thương binh sử dụng thực tế vẫn còn nhiều và cũng được dùng để chở thuê vận chuyển hàng hóa.
Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ nước ta đang được mở rộng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, ý thức người dân chưa cao, tình trạng ùn tắc giao thông còn tiếp diễn. Do vậy việc nghiên cứu các loại xe mô tô kiểu mới với công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với hạ tầng giao thông nước ta là rất cần thiết.
Được biết, Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm sản xuất, lắp ráp xe 4 bánh chở hàng có gắn động cơ với kết cấu đơn giản hơn ô tô, giá thành phù hợp.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Nghiên cứu biện pháp quản lý xe điện 4 bánh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng vừa có ý kiến chỉ đạo về quản lý hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 4638/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất về quản lý hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn động cơ.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, ngoài 4 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm, còn có một số địa phương Khánh Hòa, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa Vũng Tàu đã đưa loại hình xe 4 bánh chạy năng lượng điện này vào hoạt động chở khách du lịch theo nhu cầu thực tế của địa phương.
Thực tế tại 10 địa phương trên, hiện có tổng số 30 doanh nghiệp, một số hộ kinh doanh cá thể với 1.086 phương tiện đang hoạt động.
Sau một thời gian triển khai, các Dự án sử dụng phương tiện nêu trên phục vụ nhân dân và du khách đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: cơ bản đảm bảo tuyệt đối an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác, tốc độ di chuyển của phương tiện thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông, chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này gây thương tích cho người và phương tiện khác khi lưu thông.
Đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường; hoạt động của xe 4 bánh chạy năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm; nó đã thể hiện tính ưu việt là giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại.
Nhưng loại phương tiện này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ,… đều gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện.
Đây là hoạt động của phương tiện chở khách (đa số là khách du lịch) có thu tiền nhưng chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, giá cước (do chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ).
Cho nên, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế. Trong Thông tư đã quy định đối với xe chở người 4 bánh có gắn động cơ về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế; điều kiện tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế đối với xe và người điều khiển xe.
Qua đó hướng dẫn việc thực hiện áp dụng quy định tạm thời về tổ chức, quản lý đối với việc sử dụng xe 4 bánh chạy năng lượng điện trong hoạt động chở khách bảo đảm an toàn giao thông về trật tự đô thị.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại một số địa phương và kết quả thực hiện của 4 địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép loại hình phương tiện 4 bánh có gắn động cơ được hoạt động chính thức trong vùng hạn chế tại các tỉnh, thành.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an có quy định và hướng dẫn thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số cho loại phương tiện này.
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của Bộ Công an và các cơ quan liên quan; trong đó lưu ý làm rõ đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ đối với xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2015. Đinh Bách
Theo_VnMedia