Xem xét kỷ luật vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang nhắn tin nhờ giúp cho cháu
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết đang hoàn tất kết luận rà soát cán bộ, đảng viên liên quan vụ gian lận điểm thi đợt 2, trong đó có bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính và là vợ ông Nguyễn Văn Sơn (chủ tịch tỉnh).
Ngày 22/10, nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, đơn vị này đang hoàn tất kết luận rà soát, kiểm tra cán bộ, đảng viên lần 2 liên quan vụ gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Trong số những cán bộ trong diện xem xét đợt 2, có bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính và là vợ ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch tỉnh.
Theo nguồn tin, trước đó trong phiên tòa ngày 18/10, HĐXX công bố hàng loạt tin nhắn của bà Nga nhờ bị cáo Triệu Thị Chính – cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT để nhờ giúp đỡ cho cháu, là thí sinh tham dự kỳ thi.
Cháu bà Nga tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong các tin nhắn nhờ bị cáo Chính, bà Nga có gửi tên, số báo danh, tổ hợp môn thi.
Phiên tòa ngày 18/10.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 18/10, luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính – cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT đặt nghi vấn vì sao bị cáo Chính chỉ nhờ xem điểm cho người thân quen, cấp trên mà bị khởi tố. Trong khi đó, hàng loạt cán bộ thuộc tỉnh như: ông Trần Đức Quý – Phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Chúng Thị Chiên – Phó chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Nga (cán bộ Sở Tài chính và là vợ ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch tỉnh)… không bị kỷ luật.
“Liệu việc điều tra của Cơ quan ANĐT – Công an tỉnh, các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang có bỏ lọt tội phạm”, đại diện luật sư nêu quan điểm trước tòa.
Tại tòa, đại diện VKS đối tụng với luật sư bào chữa và bị cáo Triệu Thị Chính. Qua đó, viện dẫn hàng loạt tin nhắn của bị cáo Chính với hàng lọat cán bộ, đảng viên trao đổi về nội dung nhờ nâng điểm, giúp đỡ cho thí sinh.
VKS đọc công khai nội dung bà Nga trao đổi với bị cáo Chính. Cụ thể, bà Nga nhắn: “Bạn à, mình là Nga bên Sở Tài chính. Mình có đứa cháu thi trong kỳ thi này, bạn xem giúp mình nhé”. Kế tiếp bà Nga gửi tên, số báo danh, phòng thi, môn thi, số MCTND thí sinh. Cùng ngày, bà Nga nhắn tiếp “bạn thông cảm nhé mình biết bạn đang chấm thi căng thẳng nên không dám gọi điện, chỉ dám nhắn tin. Cảm ơn bạn nhiều”.
Bị cáo Chính trả lời: “Hôm nay em mới đọc tin nhắn. Hôm nay vẫn phải làm thi, tối còn ăn cơm với tổ công tác Bộ… Em sẽ cố gắng xem xét môn tự luận. Khó khăn lắm chị ạ, thương các cháu Hà Giang mình nhưng quy chế chặt chẽ lại chấm bằng máy nữa nên không thể làm gì được có gì chị thông cảm cho em nhé”.
Bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT.
Sáng 1/7/2018, bà Nga tiếp tục nhắn, “Chị cảm ơn nhé, em cứ xem xét giúp được đến đâu thì giúp, chị biết mà” thì bà Chính trả lời: “Dạ, vâng ạ. Em sẽ cố gắng trong khả năng”.
VKS khẳng định những tin nhắn này được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông và đã được Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an giám định, thể hiện rõ là “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”.
NGUYỄN HOÀN
Theo tienphong
Bị cáo Triệu Thị Chính : 'Thề không làm gì vi phạm pháp luật'
Đối đáp với VKS, bị cáo Triệu Thị Chính "thề không làm gì vi phạm pháp luật", thậm chí còn cho rằng các anh chị em ruột của mình có tên Cần - Kiệm - Liêm - Chính là có lý do.
"Tôi có thể ngẩng cao đầu nói với toàn thể nhân dân Việt Nam là tôi không nâng điểm mà tôi là người chống tiêu cực. Chính vì thế nên Bộ GD&ĐT mới có được những file điểm gốc để chấm thẩm định", bị cáo Triệu Thị Chính ,cựu Phó Giám đốc (PGĐ) Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nói.
Có đủ căn cứ kết tội bị cáo Triệu Thị Chính
Đối đáp với các luật sư của bị cáo Triệu Thị Chính, đại diện VKS tỉnh Hà Giang - bà Vũ Thị Thanh Nga - bảo lưu quan điểm buộc tội đối với bị cáo Chính.
Trong phần đối đáp của mình, VKS đưa ra 5 chứng cứ và cho rằng đã đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Triệu Thị Chính, trong đó có những chứng cứ dựa trên tin nhắn được gửi đến số điện thoại của bà Chính nhờ nâng điểm và tin nhắn trả lời của bà Chính. Những tin nhắn này được doanh nghiệp viễn thông lớn gửi công văn cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra theo yêu cầu của cơ quan này.
Bên cạnh đó, VKS cũng dựa trên lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài về việc bà Chính đưa cho Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) tờ giấy in thông tin 13 thí sinh nhờ nâng điểm môn Ngữ văn cho các thí sinh, trong đó có ghi rõ về số điểm cần nâng.
13 thí sinh có tên trong tờ giấy này có thí sinh Triệu Ngọc M. (con gái Bí thư Triệu Tài Vinh) và thí sinh Lưu Thủy T. (con gái Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Chúng Thị Chiên). Tuy nhiên, bà Chính một lần nữa khẳng định không nhờ Hoài "nâng điểm" mà chỉ nhờ "xem điểm".
Bà Chính nói rằng trong số 13 thí sinh này không cần xem điểm cho con gái bà Chiên vì cháu Lưu Thủy T. là học sinh giỏi đạt giải Quốc gia.
Đại diện VKS đối đáp với các luật sư.
Liên quan đến biên bản làm việc ngày 18/7/2018 sau khi vụ việc bị phát lộ nhưng chưa khởi tố, Nguyễn Thanh Hoài xác nhận việc được Triệu Thị Chính nhờ nâng điểm. VKS cho rằng thời gian đó Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Công an xem xét và chưa khởi tố vụ án, cả Hoài và Chính đều không thừa nhận việc nâng điểm. Thời điểm đó mới đang trong giai đoạn viết bản tường trình nên việc các bị cáo tự bảo vệ mình cũng không có gì khó hiểu nên khác với những lời khai tại tòa.
Tại biên bản đó, Hoài khẳng định việc Chính đưa tờ giấy nhưng không nhắc đến việc nâng điểm. Tuy nhiên, tại tòa, Hoài khai bà Chính thống nhất việc nâng điểm môn Ngữ văn và đọc số điểm cần nâng cho từng thí sinh.
"Hoài khai Chính nhờ nâng điểm chứ không phải nhờ xem điểm là có căn cứ. Do đó, VKS vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng bị cáo Chính có tội. Hành vi phạm tội của bị cáo Hoài còn giúp bị cáo Chính nâng điểm cho 13 thí sinh này", đại diện VKS nói.
Triệu Thị Chính thề không làm sai
Đối đáp với VKS, bị cáo Triệu Thị Chính "thề không làm gì vi phạm pháp luật", thậm chí còn cho rằng các anh chị em ruột của mình có tên Cần - Kiệm - Liêm - Chính là có lý do.
"Tôi tin vào pháp luật, còn những cái na ná tôi không chấp nhận. Tôi thề, tại sao anh chị em nhà tôi có tên là Cần, Kiệm, Liêm, Chính là như vậy".
Bà Chính cho rằng hai cấp dưới của mình là Hoài và Lương có tư thù với mình nên cố tình lôi bà vào cuộc.
Bị cáo Triệu Thị Chính.
"Nếu không hận thù, tại sao anh Hoài phải lôi tôi vào cuộc, tại sao lại kích động hận thù giữa tôi và những người tôi không giúp được? Trong cơn bão quay cuồng, tôi không tránh được bão táp phong ba, nhưng tôi đề nghị HĐXX là cái nào ra cái đó. Nếu chỉ nhờ xem điểm mà phạm tội thì ông Giám đốc và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đều phạm tội. Tôi đề nghị HĐXX có sự so sánh", cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang so sánh với vụ việc tương tự xảy ra tại tỉnh Sơn La.
Đồng thời, bà Chính còn cho rằng nếu Cơ quan An ninh điều tra xem toàn bộ tin nhắn sau ngày xảy ra sự việc, cũng cần xem đến tin nhắn do bà Chính nhắn tin cho Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh để thấy rõ bà trong sạch.
"Tôi có thể ngẩng cao đầu nói với toàn thể nhân dân Việt Nam là tôi không nâng điểm mà tôi là người chống tiêu cực. Chính vì thế nên Bộ GD&ĐT mới có được những file điểm gốc để chấm thẩm định", bà Triệu Thị Chính nói.
Dù không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Vũ Văn Sử cũng xin được trình bày tại tòa và được HĐXX chấp thuận.
Ông Sử nói, sự việc gian lận điểm thi do Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang phát hiện ra từ 19h30' ngày 7/7/2018. Qua rà soát thấy rằng có mức độ vi phạm nghiêm trọng nên Trưởng ban chỉ đạo thi của Hà Giang đã có công văn mời Bộ GD&ĐT lên chấm thẩm định.
"Trong 20 ngày, chúng tôi quên ăn quên ngủ, làm việc cả đêm, ăn cơm ngay tại Sở, có hôm chúng tôi về nhà lúc 4-5h sáng. Nhiều lần tôi nói xem điểm để "làm quà", nhưng thực ra đó chỉ là giải quyết vấn đề tâm lý".
Ông Vũ Văn Sử kể lại câu chuyện nghề của mình: "13 năm là giảng viên, có lần tôi "bẫy" sinh viên bằng cách cố tình không kéo hết khóa cặp, để lộ bài kiểm tra cho sinh viên nhìn thấy. Sinh viên hỏi "bao giờ thầy trả bài", tôi nói "sang tiết hai". Đến sau giờ ra chơi tôi thấy khóa cặp đã được kéo hết, chứng tỏ sinh viên đã xem trộm điểm. Điều đó cho thấy ai cũng mong muốn biết trước điểm, nên việc nhờ xem điểm chỉ là giải quyết tâm lý".
Cựu Giám đốc Sở khẳng định lại việc tiêu cực ở Hà Giang không phải đến khi Bộ GD&ĐT lên mới phát hiện ra mà Sở đã chủ động mời Bộ GD&ĐT lên để làm rõ.
Theo PV (Infonet)
Nói lời sau cùng, nguyên PGĐ Sở GD&ĐT Hà Giang nhận sai nhưng khẳng định không phạm tội Nói lời sau cùng trước khi nhận bản án vào ngày 25/10, bị cáo Triệu Thị Chính nhận sai khi "nhờ xem điểm" cho 13 thí sinh nhưng cho rằng mình không phạm tội. Video: Cựu Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Giang khóc nức nở khi tự bào chữa Chiều 18/10, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang...