Xem xét khởi tố cán bộ lập “khống” hồ sơ để nhận tiền bồi thường đất đai?
Ngày 16/7, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết , đã nhận được báo cáo của Công an huyện Phù Mỹ liên quan đến sai phạm của hàng loạt cán bộ UBND thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ trong thu hồi đất tại địa phương.
Theo ông Dũng, vụ việc đã được cơ quan thanh tra huyện kết luận có dấu hiệu tội phạm nên đã đề xuất chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Qua đó, UBND huyện cũng đã có văn bản chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra Công an huyện thụ lý.
Sau khi thu thập hồ sơ, số tiền sai phạm lên trên 1 tỷ đồng nên vụ việc được Công an huyện này chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định xử lý theo thẩm quyền.
Lô đất số 01, 02 thuộc tờ bản đồ số 44 bị UBND thị trấn Phù Mỹ làm sai lệch vị trí trong hồ sơ xin giao đất.
Theo kết luận mới đây của Thanh tra huyện Phù Mỹ, trong quá trình sử dụng đất hàng năm, việc đền bù thu hồi đất xây dựng ở khu dân cư năm 2014 và tuyến phía Đông chợ Phù Mỹ, nhiều cán bộ UBND thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) đã bồi thường, quyết toán trái pháp luật, chi trả tiền vượt quy định, gây thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, UBND thị trấn Phù Mỹ còn làm sai lệch hồ sơ xin giao đất.
Các cá nhân liên quan đến sai phạm này, gồm: ông Nguyễn Anh Thu, nguyên chủ tịch; ông Nguyễn Văn Định Hà, chủ tịch; ông Bùi Đức Trọn, cán bộ địa chính; bà Hồ Thị Bích Lệ, nguyên kế toán và bà Trần Thị Nữ, cán bộ thủ quỹ UBND thị trấn Phù Mỹ.
Cụ thể, năm 2014, ông Bùi Đức Trọn – khi đó là công chức địa chính thị trấn Phù Mỹ đã tự lập hồ sơ, giả chữ ký của nhiều người dân địa phương bị thu hồi đất quy hoạch khu dân cư để nhận tiền ngân sách hàng trăm triệu đồng. Nhiều cá nhân khác ở địa phương dù không có đất, không nằm trong diện thu hồi vẫn được UBND thị trấn đưa vào danh sách được bồi thường.
Video đang HOT
Ngoài ra, UBND thị trấn Phù Mỹ còn thực hiện thanh quyết toán khi chưa trả tiền đền bù cho người dân; các hộ dân này chưa nhận tiền bồi thường nhưng UBND thị trấn Phù Mỹ vẫn đưa vào diện đã chi trả tiền để thực hiện thanh quyết toán.
Cụ thể, các trường hợp như bà Nguyễn Thị Nở, ông Nguyễn Văn Sơn, bà Đinh Thị Mao, bà Nguyễn Thị Vân, ông Trần Ngọc Thành, bà Ngô Thị Liên được bồi thường tổng cộng hơn 410 triệu đồng…
Với những sai phạm trên, Thanh tra huyện Phù Mỹ đã kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ thu hồi số tiền hơn 1,07 tỷ đồng nhập ngân sách Nhà nước (trong đó, có 645 triệu đồng bồi thường trái quy định; 416 triệu đồng thực hiện quyết toán trái quy định và chi trả tiền vượt quy định hơn 14 triệu đồng).
Đặc biệt, trong tổng số tiền thu hồi, riêng cá nhân ông Bùi Đức Trọn chịu trách nhiệm trả lại số tiền 435 triệu đồng; bà Trần Thị Nữ chịu trách nhiệm trả lại số tiền 639 triệu đồng.
Như Dân trí đã có thông tin, UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã ký văn bản chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Phù Mỹ tiếp tục điều tra, xử lý về hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ UBND thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) có dấu hiệu của tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Doãn Công
Theo Dantri
Đắk Lắk: Cán bộ địa chính gom đất, nhờ dân nghèo đứng tên nhận đền bù
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án để điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc lập hồ sơ hỗ trợ, bồi thường khu tái định canh định cư tại dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng.
Ngày 5.6, Đại tá Nguyễn Trọng Hà - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra năm 2016- 2017 tại Hợp phần bồi thường điểm tái định cư, tái định canh hồ Krông Pắk thượng (địa bàn xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk).
Khu đất thu hồi để xây dựng điểm tái định canh, định cư cho người dân trong vùng dự án hồ Krông Pắk Thượng.
Trước đó, người dân đã có đơn tố giác Ban đền bù dự án tái định canh, tái định cư dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng có sai phạm trong việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho dân. Đơn cho biết, có 11 hộ dân nhận tiền bồi thường không đúng, có dấu hiệu chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhà nước.
Từ đơn thư tố giác, cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra và nhận thấy có 4 hộ dân đã được nhận các chế độ bồi thường, hỗ trợ không đúng đối tượng, không có căn cứ.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án hồ Krông Pắk Thượng gồm công trình hồ Krông Pắk Thượng (huyện Krông Pắk) và công trình hồ Ea Rớt (huyện Ea Kar- phục vụ cho khu tái định cư, định canh) với tổng kinh phí gần 3.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án được phê duyệt với quy mô 2.294ha, có 663 hộ dân phải di dời nhường đất cho công trình.
Ông Y Thoai Byă (buôn Ea Rớt, xã Cư Elang) thừa nhận với chúng tôi, gia đình ông đã được ông H.T.N (một cán bộ địa chính xã Cư Elang) nhờ đứng tên để nhận giúp hơn 1,1 tỷ đồng tiền bồi thường. "Anh N tự làm hồ sơ, thủ tục rồi đưa cho tôi ký. Khi vợ chồng tôi nhận tiền, anh N đã cho lại chúng tôi 300 triệu đồng" - ông Y Thoai nói.
Bà H'Nĩ Niê (buôn Ea Rớt) thì cho biết, năm 2015, ông H.T.N đã đến mua 1 ha đất của bà (mảnh đất đã được quy hoạch làm khu tái định cư số 1 của dự án hồ Krông Pắk Thượng) với số tiền 40 triệu đồng. Sau đó, ông N đã đến đến nhờ gia đình bà đứng tên để nhận giúp 1,2 tỷ đồng tiền bồi thường mảnh đất trên. Sau khi nhận tiền, bà cũng được ông N cho 185 triệu đồng.
Ngoài ông N, một số người dân cũng phản ánh 2 cán bộ địa chính khác của xã Cư Elang là ông L.T.N và ông L.S (đều là cán bộ tạm tuyển của huyện) cũng có hành vi tương tự ông H.T.N.
Nhiều người dân cho biết họ đã đứng ra nhận tiền bồi thường thay cho cán bộ địa chính xã.
Trong khi đó, ông Y Thiên Ktla (buôn Vân Kiều, xã Cư Elang) xác nhận: "Ông L.T.N biết tôi là hộ nghèo nên đã nhờ đứng tên một lô đất trong khu quy hoạch tái định cư. Sau đó, ông ấy tự làm thủ tục, giấy tờ rồi đưa cho tôi ký tên vào. Sau đó tôi đã nhận thay cho ông L.T.N 1,159 tỷ đồng tiền bồi thường lô đất trên. Ông L.T.N đã cho gia đình tôi tổng cộng 36 triệu đồng".
Ông Đỗ Văn Hưu - Chủ tịch UBND xã Cư Ea lang- cho biết, sau khi nhận phản ánh của người dân, lãnh đạo xã đã mời 3 cán bộ địa chính nói trên làm việc. "Các cán bộ này công nhận mua đất của đồng bào vào thời điểm dự án đã được công bố quy hoạch và các thửa này cũng nằm trong vị trí được đền bù. Chúng tôi đã cung cấp những thông tin này cho cơ quan điều tra" - ông Hưu nói.
Cũng theo ông Hưu, việc nhờ người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo đứng ra nhận tiền hỗ trợ bồi thường sẽ gây thất thoát rất nhiều tiền ngân sách. Bởi đối với các hộ dân này, ngoài việc bồi thường đất thì còn nhiều chính sách hỗ trợ khác nhằm ổn định đời sống nhân dân.
Theo Danviet
Tạm giam cán bộ xã "rút ruột" hàng trăm triệu đồng ngân sách Trong quá trình triển khai dự án, cán bộ địa chính Hồ Văn Tèo (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đã lập khống hồ sơ, chiếm đoạt gần 263 triệu đồng ngân sách. Ngày 11.4, Cơ quan Điều tra Công an huyện Vân Canh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt...