Xem phim có “cảnh nóng”, học sinh hét ầm
Tại LHP 17, khán giả là học sinh đi xem phim rất nhiều. Việc chọn phim dành cho học sinh chưa kỹ nên đến lúc phim có cảnh nóng” của Hồng Ánh và Quốc Thái, các em đã hét ầm lên, có em sợ không dám xem.
Tối qua (15.12), Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 17 đã chính thức khai mạc tại TP. Tuy Hòa, Phú Yên, bắt đầu 3 ngày hội của những người làm điện ảnh. Cho dù Ban tổ chức đã cố gắng hết sức nhưng việc lấy lại niềm tin vào điện ảnh nước nhà cho nghệ sĩ và khán giả sẽ còn nhiều chật vật.
Lấy lại niềm tin?
Mặc dù vừa mới thất thoát nhiều chục tỷ đồng ở Cục Điện ảnh nhưng việc chọn tỉnh Phú Yên – để tổ chức LHP 17 và chấp nhận bỏ tiền tỷ để tu sửa cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, địa điểm, băng rôn, pa nô… cũng đủ chứng minh phần nào sự quyết tâm, cố gắng của Bộ VHTTDL để khơi nguồn tình yêu nghệ thuật thứ 7 trong khán giả.
Các nghệ sĩ biểu diễn trong lễ khai mạc Liên hoan phim 17. Hình ảnh các nghệ sĩ điện ảnh tiền bối được tái hiện trên màn hình lớn.
Ông Phan Đình Phùng- Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên cho biết: “Công tác tuyên truyền về LHP chúng tôi đã chỉ đạo cho các cơ quan truyền thông, trung tâm, đài truyền hình, phát thanh thực hiện từ rất lâu chứ không phải đến cận ngày mới làm. Ngoài truyền tải thông tin thông qua xe lưu động, truyền thanh… và đến trực tiếp các trường đại học, giao lưu gặp gỡ công nhân viên, chiến sĩ…”.
Đạo diễn Phạm Việt Thanh biến 2 đêm khai mạc, bế mạc trở thành “Dòng sông điện ảnh” từ ý tưởng bộ phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông”, như một sự tưởng niệm những gương mặt nghệ sĩ đáng kính xuyên suốt lịch sử, từng thời kỳ điện ảnh của Việt Nam như các đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Hồng Nghi, nghệ sĩ Trịnh Thịnh, Lâm Tới, Song Kim, Thu An… Tuy nhiên ông cũng tỏ ý rất lấy làm tiếc vì do kinh phí không có nhiều nên không thể mời được nhiều nhân vật có tên tuổi đến tham dự LHP.
Hai MC lễ khai mạc đã được chọn là Trương Ngọc Ánh và Bình Minh thế nhưng nữ diễn viên xinh đẹp bị ốm ngay phút chót và Bình Minh vì bận lịch làm việc ở TP. HCM nên không thể đảm nhận được. Đạo diễn Việt Thanh đành “chữa cháy” bằng hai NSND Trà Trang, Thế Anh và cặp Huy Khánh – Giáng My.
Qua những “sự cố” đầu tiên này, có thể thấy dường như giới nghệ sĩ trẻ không mặn mà lắm với LHP, và việc phải rời 2 trung tâm sôi động là Hà Nội và TP.HCM để đến với mảnh đất Phú Yên tham dự sự kiện lớn nhất của ngành cũng chưa thực sự hấp dẫn họ. Và như thế, ngành điện ảnh sẽ còn mất rất nhiều thời gian và công sức để trước tiên là lấy lại niềm tin của chính những người trong nghề chứ chưa nói đến đông đảo khán giả.
Nhận diện khán giả
Ông Đào Văn Lượng -Trưởng rạp Trần Hưng Đạo chia sẻ với báo chí “những ngày đầu tiên chiếu phim, rạp luôn kín chỗ, lối đi không còn vì người dân đến xem rất nhiều”. Theo ông Lương nói tình hình rất khả quan nhưng thực chất ngày 14.12, toàn bộ khán giả đến xem “Tâm hồn mẹ” tại Rạp Hưng Đạo là học sinh THCS ở TP. Tuy Hòa.
Video đang HOT
Hôm nay 16.12, các nghệ sĩ cùng chung tay làm từ thiện tại Trường Trẻ em khuyết tật Niềm Vui, Trung tâm Bảo trợ xã hội và chăm sóc người có công giao lưu với sinh viên Trường ĐH Phú Yên và bà con các dân tộc tại thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, suất phim sáng sẽ do học sinh học buổi chiều xem và thay phiên ngược lại. Tuy nhiên, việc chọn phim dành cho đối tượng này chưa kỹ nên đến lúc phim có cảnh “nóng” của Hồng Ánh và Quốc Thái, các em đã hét ầm lên, có em sợ không dám xem.
Một số hình ảnh khiến các em học sinh hét ầm
Ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia giải thích: “Phim không có cảnh báo cấm trẻ em dưới 16 tuổi nên chúng tôi không làm sai quy chế”. Thế nhưng rõ ràng việc lựa chọn phim cho từng đối tượng cụ thể cần phải được chuẩn bị kỹ hơn, tránh sự không phù hợp.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTTDL – Trưởng ban Tổ chức LHP trong buổi họp báo chiều 14.12 liên tục kêu gọi mọi người “Hãy vì nền điện ảnh nước nhà mà chung tay giúp sức để LHP VN lần thứ 17 thành công tốt đẹp”.
Tuy nhiên từ mong muốn đến hiện thực còn cách nhau một quãng đường dài, cho dù muốn ưu ái điện ảnh đang trong “cơn bĩ cực” nhưng kết quả của LHP được công bố vào ngày 17.12 tới đây mới thực sự chứng tỏ những người tổ chức có thực sự vào cuộc vực dậy ngành điện ảnh hay không.
Theo Bồng Sơn (Dân Việt)
Điện ảnh Việt Nam - Lỡ một chuyến tàu hội nhập
Những cuộc hội thảo và tranh cãi gần đây về chủ đề điện ảnh Việt Nam của những người làm điện ảnh, báo chí, truyền hình đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người hâm mộ, khán giả xem phim,những người luôn mong muốn một sự đổi mới của nền điện ảnh nước nhà.
Các cuộc tranh luận đã đưa ra những nguyên nhân, phân tích khác nhau về tình trạng yếu kém, trì trệ của điện ảnh.Hầu hết đều tập trung vào những nguyên nhân về kinh phí, con người, kịch bản, sự thiếu vắng các diễn viên, đạo diễn tài năng. Nguyên nhân chủ quan có, khách quan có.Những ý kiến nêu lên có khi rất trái ngược nhau, nhưng tất cả đều đưa đến một câu hỏi: Liệu có phải điện ảnh Việt Nam đang đứng trước một sự khủng hoảng hay không?
Chúng ta nên lui lại thời điểm lịch sử một chút để nhìn rõ hơn bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt Nam. Có thể lấy năm 1975 làm vị trí quan sát cho những gì mà điện ảnh VN đã làm được từ trước đến nay, tất nhiên với một cái nhìn có tính khái quát.
Sau khi nước nhà thống nhất điện ảnh hai miền Nam Bắc đã chung tay nhau tiếp tục xây dựng điện ảnh VN trên nền tảng một nền điện ảnh cách mạng mà miền bắc đã khởi đầu từ năm 1959 với bộphim Chung một dòng sông. Trong những năm chiến tranh điện ảnh miền bắc đã khai sinh ra một thế hệ diễn viên tài năng gồm các diễn viên Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Thụy Vân, Như Quỳnh và đã có những thành tựu đáng chú ý như bộ phim Đến hẹn lại lên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã giành được giải thưởng của hội đồng hòa bình thế giới liên hoan phim Moskva. Thời kì sau 1975 cũng để lại dấu ấn qua bộ phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến đoạt huy chương vàng liên hoan phim Moskva, Bao giờ cho đến tháng mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh được báo chí nước ngoài đánh giá là một trong những bộ phim châu Á hay nhất thời đại.
Cảnh trong phim Bao giờ cho đến tháng mười.
Những năm 90 điện ảnh VN cũng cho ra đời bộ phim Đời cát của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng dành được giải thưởng tại liên hoan phim châu Á Thái bình dương. Năm 2000 là thời kì mở đầu của dòng phim đương đại với bộ phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng, sau đó là Những cô gái chân dài của Vũ Ngọc Đãng kéo theo hàng loạt những bộ phim có đề tài đương đại như phim Khi đàn ông có bầu, Đẻ mướn, Hồn Trương Ba da hàng thịt v.v.. với sự tham gia của các diễn viên nghiệp dư gồm ca sĩ, người mẫu tạo ra một bộ mặt mới của điện ảnh VN.
Nhưng có một giai đoạn quan trọng đã xảy ra trong thập niên 1980 mà các nhà làm điện ảnh đã bỏ qua không chú ý tới do tình hình chính trị cũng như những hạn chế do chính sách cấm vận phương Tây áp đặt lên nền kinh tế VN lúc ấy giờ. Những năm 80 là thời kì phát minh ra video, phim video và tình trạng in lậu phim ảnh tràn lan đã đe dọa nền công nghiệp điện ảnh thế giới. Các rạp chiếu phim nhựa bị sút giảm doanh thu ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất phim của các nền điện ảnh lớn như Hollywood. Một chiến dịch nhằm nâng cao chất lượng phim và cải tiến điều kiện vật chất của rạp chiếu, công nghệ phim 3D v.v..để nhằm lôi kéo khán giả trở lại rạp đã diễn ra ở hầu hết các nước có nền điện ảnh đã phát triển.
Nhưng mặt khác ở những nước có nền điện ảnh chưa phát triển như VN thì video lậu đã đem lại sự tiếp cận dễ dàng cho khán giả. Phim ảnh Mỹ, Hong Kong tràn ngập thị trường với đủ các thể loại đã cuốn hút khán giả và đẩy nền điện ảnh VN đi đến một bờ vực thảm họa.
Trong khi các nước trong khu vực nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới nền điện ảnh đã già nua thì điện ảnh VN vẫn tiếp tục bám víu những giá trị xưa cũ,vẫn giữ lối tư duy sáo mòn. Đã có một cuộc hội thảo lớn được tổ chức giữa những năm 80 với chủ đề "Khán giả và điện ảnh" nhằm đánh giá tình hình tại sao khán giả quay lưng với điện ảnh nước nhà. Vẫn là những bài tham luận nhạt nhẽo duy ý chí về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng không mang lại một hiệu quả gì sau cuộc hội thảo rầm rộ này.Vẫn là cách đánh giá chủ quan về một nền điện ảnh cách mạng. Nhưng thật ra một vài thành tựu nhỏ nhoi, vài giải thưởng quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa, châu Á không nói lên được gì nhiều cho một nền điện ảnh.
Điện ảnh của các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc sau hai mươi năm đổi mới đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể như bộ phim King Naresuan của đạo diễn Chatrichalem Yukol Thái Lan là một bộ phim sử thi hoành tráng hiện đại gây tiếng vang lớn, phim Taeguki của Hàn quốc về đề tài chiến tranh Nam Bắc cũng hoành tráng không kém, còn điện ảnh Trung quốc không còn cái thời phim nặng chất kinh kịch như Bạch Mao nữ hay tuyên truyền vụng về như Nam Chinh bắc chiến. Đó là sự trỗi dậy của một nền điện ảnh lớn với những đạo diễn tài năng như Trương Nghệ Mưu mà ai cũng biết qua những bộ phim nổi tiếng như Anh hùng, Thập diện mai phục, Thu Cúc đi kiện v.v.. Hầu hết các nền điện ảnh trong khu vực ngày nay đều du nhập những kĩ thuật hiện đại của nền công nghiệp điện ảnh thế giới và có sự hội nhập giao lưu chặt chẽ với các nhà làm phim nước ngoài để học hỏi, trau đổi kiến thức, kinh nghiệm làm phim.
Taeguki - Cờ bay phấp phới.
Trong khi đó điện ảnh VN chạy theo thị trường với những phim video kinh phí thấp nhằm đáp ứng nhu cầu khán giả, mãi đến những năm 90 mới xuất hiện trở lại vài phim nhựa với kinh phí bao cấp của nhà nước mang nặng mục đích chính trị hơn nghệ thuật như phim Kí ức Điện Biên tiêu tốn một kinh phí khổng lồ (13 tỉ đồng) nhưng khi công chiếu đã không được sự hưởng ứng của khán giả. Hầu hết những phim VN trong thời kì này đều sử dụng công nghệ lạc hậu về quay phim, in tráng, lồng tiếng, dàn dựng...v.v.
Hiện nay nhiều người trong số những người làm điện ảnh kỳ cựu của VN vẫn tồn tại quan niệm bảo thủ về các giá trị của nền điện ảnh cách mạng trong thời kì chiến tranh. Điện ảnh ngày nay đã trở thành một ngành công nghiệp gắn liền với những thành tựu khoa học kĩ thuật, mang lại cho nó một khả năng vô hạn trong việc diễn đạt nghệ thuật bằng hình ảnh. Nó đòi hỏi một sự đồng bộ từ kịch bản, dàn dựng, kĩ thuật quay phim, diễn viên, đạo diễn, âm nhạc v.v... Đó là một quá trình học hỏi, thực tập lâu dài của một nền điện ảnh mới có thể vươn tới những thành quả tốt đẹp. Không có chuyện chỉ cần có kịch bản hay hoặc kinh phí là tạo ra phim hay cũng không thể có chuyện không cần phải tốn kém kinh phí mới tạo ra phim hay. Cũng có vài trường hợp những bộ phim hay với kinh phí thấp nhưng đó là cá biệt không thể định hướng lâu dài cho một nền điện ảnh với tiêu chí đó vì nó sẽ hạn chế sự sáng tạo.
Điện ảnh Hollywood phải mất gần 50 năm mới vươn tới được trình độ hiện đại. Khi bộ phim Jurasic Park (Công viên khủng long) ra đời, thế giới đã sững sờ với những khả năng kì diệu của điện ảnh mà công nghệ đã mang lại. Ngay trong những bộ phim tâm lí xã hội, kĩ thuật dàn dựng hiện đại cũng đóng một vai trò quan trọng nhằm tạo những hiệu quả cho bộ phim (cảnh quay từ trên không trung,dưới nước, các kĩ xảo đồ họa v.v..). Kĩ thuật dàn dựng hiện đại đã giúp các đạo diễn Hollywood dựng lại những bộ phim nổi tiếng một thời như Troy , Three Musketeers, True Grit, Pearl Harbour mà vẫn thu hút khán giả đến rạp, mọi người tò mò đến xem đạo diễn sẽ cho họ thấy có gì mới trong những câu chuyện đã cũ mèm. Khán giả rất thích thú với hình tượng Achiles đã được trần tục hóa trong Troy, với mối tình của hai chàng trai được thêm thắt vào trong Pearl Harbour làm lãng mạn thêm cho sự kiện bi kịch trong cuộc chiến Trân Châu cảng. Chúng ta có thể tưởng tượng kịch bản phim Cánh đồng hoang với câu chuyện rất cảm động đầy tính anh hùng của vợ chồng Ba Đô nếu được dàn dựng lại với công nghệ điện ảnh hiện đại hoàn toàn có thể chinh phục khán giả hiện nay.
Phim Cánh đồng hoang.
Công nghệ hiện đại cũng mở ra nhiều cách nhìn mới của điện ảnh, không đơn giản chỉ là hình ảnh minh họa cho một câu chuyện, các giải thưởng điện ảnh hiện nay đều trao cho những bộ phim có tính khai phá trong cách nhìn của điện ảnh. Đó là một xu thế thời đại, điện ảnh phải phát huy tối đa ngôn ngữ của hình ảnh để diễn đạt nghệ thuật mặc dù nó vẫn cần phải dựa trên nền tảng văn học. Nền tảng văn học không thể thiếu trong nghệ thuật điện ảnh nhưng nó không được lấn át. Các đạo diễn, diễn viên tài ba là người biết biến những chất liệu văn học thành những ngôn ngữ hình ảnh sáng tạo. Điện ảnh VN vẫn còn quá nặng tính văn học, vẫn còn dựa vào những đặc thù của văn hóa, hình ảnh dân gian để tạo ra tính cách riêng, cách làm này dẫn đến sự lặp lại sáo mòn trong các phim Việt, tất nhiên những yếu tố đặc thù của văn hóa là cần thiết nhưng nó phải mang tính hiện đại hội nhập được với điện ảnh thế giới.
Như vậy là chẳng hề có một cuộc khủng hoảng nào của điện ảnh Việt Nam vì nó vẫn dậm chân tại chỗ, là sự trì trệ, chậm chạp trước những thay đổi của thời cuộc. Những vấn đề mà những nhà làm điện ảnh tranh luận, đổ lỗi cho nhau hiện nay chỉ là kết quả tất yếu của một kiểu tư duy cũ kĩ mang nặng tư tưởng bảo thủ.
Phim Dòng máu anh hùng
Năm 2007 bộ phim Dòng máu anh hùng của đạo diễn Charlie Nguyễn ra đời như một sự mở đầu cho sự du nhập các kĩ thuật mới trong dàn dựng điện ảnh đã thu hút rất đông khán giả, kéo theo sự ra đời của những bộ phim khác của các đạo diễn trẻ như phim 1735km, Trai nhảy, Chuông reo là bắn, Đẹp từng centimet, Long ruồi gần đây là Hotboy nổi loạn. Nổi bật hơn cả là Cánh đồng bất tận, bộ phim tuy không dành được giải cao nhất tại Pusan Hàn quốc nhưng nó cho thấy đã xuất hiện những nhân tố mới của điện ảnh Việt Nam, cho thấy có những người yêu nghề, rất nghiêm túc với nghệ thuật.Cách dàn dựng của Cánh đồng bất tận thể hiện sự chuyên nghiệp của những người biết làm điện ảnh, những cảnh sex trong phim không hề gợi lên sự dung tục mà chỉ nhấn mạnh thêm tính nghệ thuật của tác phẩm. Công tác PR, quảng bá hình ảnh được chú trọng từ khi mới khởi quay cho thấy đây là một tập thể rất chuyên nghiệp từ khâu đầu đến khâu cuối cùng của một bộ phim.
Hình ảnh trong Cánh đồng bất tận.
Cũng có những đánh giá không tốt từ những nhà làm phim kì cựu về dòng phim của các đạo diễn trẻ hiện nay là hời hợt, không sâu sắc, chạy theo thị trường nhưng việc kéo điện ảnh Việt Nam ra khỏi vũng lầy mà điện ảnh thời bao cấp để lại, kéo khán giả đến rạp với những bộ phim giải trí nhẹ nhàng, kinh doanh không thua lỗ đã là một việc làm có tính đột phá của điện ảnh Việt trong tình hình hiện nay. Việc làm này có thể khuyến khích nhiều nhà đầu tư kinh doanh vào điện ảnh, tạo ra một sức đẩy, thu hút nhiều người có tài năng vào lĩnh vực điện ảnh .
Điện ảnh Việt Nam như một người đã lỡ chuyến tàu hội nhập với điện ảnh thế giới đang ra sức gây dựng lại hình ảnh của mình. Những bộ phim hiện nay của các đạo diễn trẻ tuy chưa xuất sắc nhưng nó đã cho thấy một hướng đi đúng đắn, một nỗ lực của thế hệ mới tài năng biết tiếp nhận những tinh hoa của điện ảnh thế giới, biết học hỏi, có cái nhìn sáng tạo. Chúng ta có thể tin rằng thế hệ tài năng trẻ này sẽ đem lại sự hồi sinh cho điện ảnh nước nhà.
Theo BĐVN
Khán giả nhí phải xem phim "người lớn" Từ vài ngày qua, các phim tham dự LHP Việt Nam lần thứ 17 đã được công chiếu miễn phí tại các rạp chiếu ở Phú Yên. Có một điều rất đáng nói là nhiều phim có cảnh "người lớn" như sex hay nude lại được chiếu cho các khán giả nhỏ tuổi xem. Nhiều khán giả nhí đã cười ồ khi xem...