Xem Đại Nghĩa để mắng hung tàn
Trong áng văn chương bất hủ “ Bình ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết “Mang đại nghĩa để thắng hung tàn” còn trên sân khấu Sài Gòn mười mấy năm nay, khán giả chỉ thấy hung tàn thắng Đại Nghĩa.
Có thể tin rằng Đại Nghĩa là một diễn viên không hề bẩm sinh. Anh không có chiều cao của Lê Hoàng, không có vẻ đẹp của Bình Minh, không có cơ bắp như Phạm Văn Mách, càng không có hình xăm vằn vện như Năm Sài Gòn trong tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng. Đại Nghĩa chả có gì cả nếu nhìn từ bên ngoài.
Rất ít người được nhìn bên trong Đại Nghĩa và Lê Hoàng có phấn đấu cả đời chắc cũng không có hân hạnh ấy. Nhưng theo lời một số kẻ đã được chiêm ngưỡng kể lại, thì bên trong ấy cũng chả có gì phi thường, cũng giống hệt như bao chàng trai khác.
Thế thì cái gì đã khiến Đại Nghĩa trở thành một diễn viên. Đã thế lại là một diễn viên “gần như vĩ đại”. Viết đến đây, tôi biết lập tức có người vặn lại: “Vậy theo anh, ai bây giờ là diễn viên vĩ đại”. Thú thực tôi không biết. Chỉ chắc chắn một điều, nếu có một đạo diễn vĩ đại, dứt khoát không phải là tôi.
Đại Nghĩa là một nghệ sĩ mà giao cho cái gì ta cũng yên tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết “ Người anh hùng là người làm công việc bình thường mà hoàn thành một cách xuất sắc“. Đại Nghĩa chưa khi nào được giao một công việc xuất sắc mà hoàn thành một cách bình thường.
Tôi có thể mạnh mẽ tuyên bố trước dư luận thế giới và nhân loại tiến bộ yêu hòa bình rằng Đại Nghĩa là một diễn viên chưa có cơ hội, chẳng có vẻ thiết tha với cơ hội nhưng thực sự rất tài năng.
Về cơ bản, Đại Nghĩa là một chàng trai vô cùng điềm tĩnh. Anh không hốt hoảng đi làm giám khảo như Lê Hoàng, không vội vã đá bóng như Công Vinh, cũng không phóng xe đuổi bắt cướp trên đường. Nếu bạn bị trượt chân ngã xuống sông, bạn kêu cứu và Lê Hoàng hùng hổ nhảy xuống thì hậu quả rất có khả năng là cả hai cùng chết đuối, nhưng nếu Đại Nghĩa ở trên bờ, anh sẽ nói khẽ với bạn “từ từ nào, chưa chết mà”. Anh sẽ đi tìm một cây sào (chắc chắn sẽ tìm ra) rồi anh chìa sào cứu bạn lên, trong khi toàn thân anh vẫn trắng tinh không dính một giọt nước và một hạt bùn.
Video đang HOT
Đại Nghĩa hết sức mềm mỏng. Anh đã từng lấy “ních nêm” là “Bé Na” mà đáng ra phải viết thêm “Na sắp chín”. Anh không khi nào tranh cướp vai, không khi nào xin việc, chả khi nào nói xấu người khác (Lê Hoàng có nói xấu không chưa biết, nhưng không bao giờ nói đẹp cho ai). Đại Nghĩa đi xe hơi mà chả kẻ nào nhìn thấy xe hơi. Đại Nghĩa ở nhà lầu mà chả ma nào nhìn thấy nhà lầu. Đại Nghĩa là Việt kiều Mỹ nhưng ai cũng tưởng anh ở Bến Tre.
Trên sân khấu và trên màn ảnh, Đại Nghĩa có khả năng đóng đủ thứ vai. Trẻ con? Ok. Ông già? Ok. Bà già? Ok. Lưu manh? Tất nhiên càng ok! Đại Nghĩa là MC? Tuyệt. Đại Nghĩa làm tổng thống? Chưa biết chừng. Nhìn bên ngoài Đại Nghĩa giống hệt như ông đi thu tiền điện. Anh không lòe loẹt, không đến những nơi lòe loẹt và cũng không bá cổ bá vai với những người lòe loẹt. Anh vương giả một cách âm thầm, hưởng thụ một cách kín đáo và nổi tiếng một cách dửng dưng. Anh nhẹ nhàng, dịu dàng và nham hiểm đến ngây thơ.
Tôi đã nhìn thấy cá voi và đã gặp thằn lằn. Nhưng chưa khi nào tôi gặp ai ghét Đại Nghĩa. Nhưng cũng chưa khi nào thấy ai yêu anh, vì anh mà sẵn sàng chết. Đơn giản vì nếu biết ai sắp chết vì mình, Đại Nghĩa sẽ lùi xa. Anh chỉ muốn sống cùng mọi người tận hưởng niềm vui, còn đau khổ thì tốt nhất không đứa nào phải chịu.
Có lẽ do tính khí như vậy, nên Đại Nghĩa hầu như không đóng vai chính diện trên sân khấu và trên màn ảnh. Mà hình như anh cũng không ham. Chả phải Đại Nghĩa không tha thiết, chả phải không yêu, nhưng nếu có ai yêu hơn vậy tức anh nhường.
Rất ít khi tôi gặp Đại Nghĩa trong đời. Nếu gặp cũng không ôm chầm lấy, không lao tới bắt tay và càng không có chuyện nức nở khóc. Hai bên nhìn thấy nhau chỉ nháy mắt một cái, kiểu như hai kẻ gian, hiểu rằng cuộc đời này không phải của mình!
Anh vương giả một cách âm thầm, hưởng thụ một cách kín đáo và nổi tiếng một cách dửng dưng.
Theo Đẹp
LH Sân khấu kịch: Xóa dớp "Trẻ chưa qua, già đã tới"
Bước vào Liên hoan Kịch chuyên nghiệp toàn quốc (khai mạc hôm 14/7 tại Huế), người ta tự hỏi: vì sao sân khấu phía Bắc vẫn có những đạo diễn trẻ tài năng nhưng lại đang lâm vào khủng hoảng? Có thể trả lời luôn: tất cả là lỗi từ cái cơ chế "sân khấu công lập" luôn sợ bóng sợ gió, luôn thờ phụng quy tắc "an toàn để giữ ghế" luôn không tin và không giao việc cho người trẻ...
So sánh, có thể thấy các đạo diễn trẻ cũng gần với số phận của những cầu thủ trẻ trong làng bóng đá hiện nay. Họ được đào tạo bài bản. Họ cháy bỏng khát vọng được làm nghề. Để rồi, một thời gian dài ngồi "ghế dự bị", những đạo diễn - cầu thủ ấy luôn phải chầu rìa trong những trận cầu đinh và nhìn những lão tướng tuổi cao, sức yếu thi đấu suốt 90 phút trên sân.
Mùa hạ cay đắng hứa hẹn là một bất ngờ của đạo diễn Anh Tú tại LH này
Một thời "không tin người trẻ"
Nhìn lại, cũng chính vì căn bệnh không tin người trẻ ấy, Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2004 tại Hải Phòng đã trở thành sân chơi của các "ông lớn" Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng (Đơn cử, riêng năm đó Lê Hùng có tới 6/15 tổng số vở với những Như một huyền thoại, Con thuyền chở linh hồn, Ngọt ngào trong cay đắng, Thông điệp từ Điện Biên...). Và tới khi trao giải, 3 vở Cát bụi, Ngoại phạm, Người cần được bảo vệ của ba ông trùm đó đã át vía 12 vở còn lại của hội diễn và mang về cho diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn Thanh Hóa những cơn mưa huy chương vàng bạc.
Thậm chí, vở diễn đạt giải thưởng cao nhất hội diễn Thông điệp từ Điện Biên cũng rơi vào tay Lê Hùng. Bao người chỉ biết lắc đầu ngao ngán: "Tre" đã quá già mà "măng" chưa chịu mọc. Một nền sân khấu sẽ là già cỗi và hiu hắt khi không có những đạo diễn trẻ tài năng!".
Để rồi, tới Hội diễn Kịch nói năm 2009, dù Lê Hùng vẫn có 3 vở, Trần Ngọc Giàu có 5 vở nhưng báo chí đã không ngần ngại tiên báo: "Đạo diễn trẻ "tấn công" hội diễn sân khấu toàn quốc 2009!" Và lời tiên tri ấy đã trở thành sự thực! Hai đạo diễn đạt giải xuất sắc năm đó là hai người trẻ tuổi mới qua hoặc xấp xỉ ba mươi của sân khấu phía Nam: Đức Thịnh (Nỏ thần) và Hạnh Thúy (Dòng nhớ) đã giành vương miện trên tay hai "ông trùm hội diễn" Xuân Huyền và Lê Hùng.
Trẻ ở phía Nam
Thật may mắn cho các đạo diễn trẻ ở TP.HCM khi các sân khấu IDECAF, Kịch Hồng Vân, Nhà hát Sân khấu nhỏ, Kịch Sài Gòn... đã mở rộng cửa đón từ khi họ đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, thay vì làm vở tốt nghiệp ở sân khấu học đường, những Minh Nhí, Ái Như, Vũ Minh, Quốc Bảo, Minh Béo, Đức Thịnh, Tuấn Khôi, Trung Dân, Chánh Trực, Nguyên Đạt... đã được "phúc khảo" và khai thác doanh thu vở diễn đầu tay của mình trên các sân khấu chuyên nghiệp đó.
Và giờ đây sân khấu xã hội hóa đã tạo ra những đạo diễn trẻ tài năng, thuyết phục được cả các ông bà bầu khó tính như Thành Lộc, Huỳnh Anh Tuấn, Hồng Vân, Phước Sang...và chiếm lĩnh gần như hầu hết các sân khấu thành phố, có thể thay thế những lớp đạo diễn cha anh: Huỳnh Nga, Đoàn Bá, Trần Minh Ngọc, Trần Ngọc Giàu, Hoa Hạ...
"Top 10" thả sức trong liên hoan
Chẳng biết nên vui hay buồn khi LH Sân khấu kịch 2012 này đã vắng tên Lê Hùng và NSND Xuân Huyền thì đã "rửa tay gác kiếm" vì ốm. NSND Phạm Thị Thành thì bận và NSND Doãn Hoàng Giang chỉ tham gia đúng một vở. NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trần Minh Ngọc và NSND Trần Ngọc Giàu, một trong những đạo diễn đắt show nhất miền Nam mỗi người cũng chỉ tham gia 1 vở mà thôi.
Ngược lại, vì nhiều lý do, một số đạo diễn xuất sắc của phía Nam cũng không có vở tham gia liên hoan. Họ là nữ đạo diễn Minh Nguyệt - người từng người mang đến Hội diễn 2009 vở Cánh đồng bất tận. Họ là Đức Thịnh và Hạnh Thúy, hai tân vương đạo diễn của hội diễn năm ấy.
Đã có người nói đùa rằng đây là một giải Grand Slam của tennis vắng Federer, Nadal và Djokovic, tạo điều kiện cho những Tsonga, Murray, Ferrer, Berdych Almagro và những tay vợt ngoài tốp 10 thỏa sức trổ tài.
Bù lại, là một trong những đạo diễn trẻ năng nổ, xuất hiện lần đầu ở Hội diễn 2009 với vở kịch thơ Kiều Loan, năm nay đạo diễn Anh Tú mang tới liên hoan 3 vở. Chí Trung có 1 vở. Tuấn Hải, không tham gia được Hội diễn 2009 vì nhà tài trợ rút lui nên lần này phục dựng một vở và dựng mới một vở. Xuân Bắc và Trung Hiếu mỗi người mang tới liên hoan một vở mới. NSƯT Đỗ Kỷ và NSƯT Đào Quang, NSƯT Trần Nhượng, NSƯT Khương Đức Thuận, NSƯT Hoàng Mai, đạo diễn Minh Nhí, đạo diễn Quốc Bảo và NSND Hồng Vân mỗi người mang một vở tham dự liên hoan.
Hy vọng đây sẽ là một sân chơi đầy hứng khởi của các đạo diễn trẻ vừa bước qua tuổi 50 và cả những người vừa qua hoặc mới xấp xỉ tuổi 30 để tài năng đích thực sẽ được vinh danh và xóa bỏ cái dớp "Trẻ chưa qua, già đã tới" mà vẫn không được làm nghề của đạo diễn trẻ phía Bắc.
Theo TTVH
Khương Ngọc làm... bà đỡ bất đắc dĩ Một phụ nữ mang thai bất ngờ chuyển dạ ngay giữa chợ khiến mọi người hốt hoảng. Không còn đủ thời gian đưa chị đến trạm xá, cũng chẳng ai đủ can đảm giúp chị sinh nở. Trước tình huống nguy cấp, Khương Ngọc đành phải làm bà đỡ. Nhờ sự giúp sức của anh, cặp song sinh một trai một gái đã...