Xe thô sơ vẫn đầy đường
Hơn 120 tỉ đồng ngân sách TPHCM tạm ghi để hỗ trợ chủ phương tiện thay thế xe 3, 4 bánh bị đình chỉ lưu thông, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao
Sau một năm rưỡi thực hiện chương trình hỗ trợ thay thế xe cơ giới, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện cấm lưu thông theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, đến nay dù số lượng phương tiện trên có giảm nhưng ở khắp các ngả đường TPHCM vẫn còn nhiều xe thô sơ tự do hoạt động.
Video đang HOT
Ở TPHCM hiện vẫn còn nhiều xe 3 bánh thô sơ chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường rất dễ gây tai nạn. Ảnh: TẤN THẠNH – THU HỒNG
Nhận tiền hỗ trợ để… mua xe chạy tiếp
Trưa 1-6, trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4-TPHCM), một thanh niên chở hàng hóa cồng kềnh trên chiếc xe ba gác máy cũ kỹ không biển số, vô tư luồn lách, đánh võng. Sau khi tháo dỡ những thanh sắt dài xuống một ngôi nhà đang xây dựng, người thanh niên tỏ ra ngại ngùng khi chúng tôi dò hỏi về nguồn gốc chiếc xe ba gác máy. “Nghe tổ trưởng tổ dân phố thông báo, tôi cũng mang xe lên phường nộp và nhận tiền hỗ trợ 5 triệu đồng. Nhưng do không thể vay mượn đủ tiền mua xe khác nên tôi đành dùng tiền đó mua chiếc này, tân trang lại chạy hơn một năm rồi!”- người thanh niên có tên N.V.H cho biết. Theo quan sát, chiếc xe ba gác máy này đã bể hết đèn, không có kính chiếu hậu… nhưng vẫn được anh H. dùng chở sắt, bất chấp sự mất an toàn cho người đi đường.
Các loại xe 3, 4 bánh cũng lưu thông khá phổ biến ở các tuyến đường tại quận, huyện: Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh… Anh Nguyễn Thanh Tài (ngụ quận Bình Thạnh) thật thà: “Sau khi nộp xe, nhận được tiền hỗ trợ, tôi cũng đi học nghề nhưng được một thời gian thì quyết định mua xe chạy lại vì công việc mới cho thu nhập thấp, không nuôi nổi gia đình”. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ theo diện hộ nghèo, anh Võ Ngọc Phi (ngụ quận 4) đã mua một chiếc xe máy Trung Quốc để chạy xe ôm, nhưng anh lắc đầu: “Thu nhập hằng ngày của tôi khi chạy ba gác máy từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng nhưng khi chạy xe ôm thu nhập giảm đi một nửa!”. Vì thế theo anh Phi, nhiều đồng nghiệp của anh sau khi chuyển sang chạy xe ôm một thời gian, thấy tình hình êm êm, họ lại mua xe ba gác máy chạy tiếp.
Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, chị N.T.B (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) vừa chất thơm lên chiếc ba gác máy vừa nói: “khi đi đường, tụi tôi cũng sợ công an phạt, tịch thu xe, nhưng thật tình nhận 5 triệu đồng tiền hỗ trợ, vợ chồng tôi không biết chuyển nghề gì. Đã làm công việc này quen rồi nên đành phải mua xe chạy lại”. Cùng cảnh ngộ, chị Phượng (ngụ huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết chị cũng về Bình Dương nộp xe nhận 5 triệu đồng tiền hỗ trợ, nhưng sau một thời gian, tiền hết rồi mà chưa biết chuyển nghề gì, chị đành bấm bụng mua lại chiếc xe với giá cao hơn để kiếm sống. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, rất nhiều trường hợp đã nộp xe, nhận tiền hỗ trợ chuyển nghề của Nhà nước, sau đó mua xe hoạt động trở lại.
Người tạm trú vẫn “ôm” xe
Sau nhiều ngày quan sát một số tiệm bán vật liệu xây dựng, kinh doanh sắt thép trên địa bàn quận Gò Vấp, chúng tôi nhận thấy nhiều người vẫn vô tư sử dụng xe ba gác đạp hoặc ba gác máy loại cũ để chở hàng. Anh Hoàng Minh Tân, chở thuê cho một cơ sở làm sắt trên đường Phan Văn Trị (phường 5, quận Gò Vấp), cho biết từ tỉnh lên TP không biết làm nghề gì thì may mắn kiếm được công việc này, nghe lệnh cấm xe cũng thấy lo nhưng cứ chạy liều để mưu sinh. Một năm trước, bị tịch thu xe ba gác đạp và hàng hóa nhưng anh Nguyễn Văn Tuân (tạm trú trên đường Trần Bá Giao, quận Gò Vấp) vẫn quyết định sắm một chiếc mới. “Đối với những người nhập cư không có hộ khẩu như tôi thì việc hỗ trợ tiền để chuyển đổi nghề là điều không thể, còn nếu có tiền hỗ trợ đi nữa thì cũng chẳng biết làm nghề gì?!”- anh Tuân biện bạch.
Tuy nhiều lần bị xử phạt hành chính nhưng anh Lê Văn Quang (ngụ đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp) vẫn sử dụng xe ba gác máy loại cũ để chở hàng. Anh cho biết “phạt xong, mấy chú công an có khuyên nên mua loại xe mới để làm ăn cho an toàn, nhưng tiền ở trọ hằng tháng còn chật vật huống gì kiếm một số tiền lớn để mua xe”. Anh Nguyễn Phương Linh (quê Bến Tre) bán dừa dạo ở khu vực trung tâm TPHCM cũng thật thà: “Nghe chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi và vợ định về quê nộp xe, nhận tiền nhưng thấy nhiều người cùng cảnh ngộ sau khi nhận tiền lại mua xe khác với giá cao hơn, thấy không ổn nên vợ chồng tôi quyết định bám nghề!”.
Hơn 120 tỉ đồng hỗ trợ chủ phương tiện
Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ “Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông” thì các loại xe tự chế 3-4 bánh sẽ bị “khai tử”, song song đó Chính phủ và UBND các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyển nghề, mua sắm phương tiện mới cho những người có xe bị thu hồi.
Tại TPHCM, theo thống kê của Sở Tài chính, đến nay, ngân sách TP đã tạm ghi kinh phí hơn 120 tỉ đồng cho việc hỗ trợ chủ phương tiện thay thế xe 3, 4 bánh bị đình chỉ lưu thông. Đấy là chưa kể số tiền không nhỏ do UBND các quận, huyện vận động mạnh thường quân hỗ trợ các hộ nghèo có xe trong diện này. Chủ trương hỗ trợ của TP là hợp lòng dân, được xã hội hoan nghênh, được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả tốt nếu người dân chấp hành nghiêm. tuy nhiên để được kết quả này, TP e sẽ mất thêm một thời gian dài.
Theo Người Lao Động