“Xẻ thịt” sân Chi Lăng làm 10 sổ đỏ, đem thế chấp ngân hàng
Liên quan tới dự án sân vận động Chi Lăng, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu (ĐB) đề nghị truy tố các cán bộ để thừa hơn 14.500 lô đất tái định cư.
Ngày 11/12, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu (ĐB) đã đều nghị truy tố các cán bộ vì để “thừa” hơn 14.500 lô đất tái định cư, trong khi ngân sách nhà nước tốn hàng chục tỉ đồng để thuê nhà cho người dân vì thiếu đất tái định cư.
Đặc biệt, các ĐB đã chất vấn về việc Đà Nẵng cho phép Tập đoàn Thiên Thanh “xẻ” dự án khu phức hợp thương mại-dịch vụ gần 1 tỉ USD tại sân vận động Chi Lăng làm 10 sổ đỏ, mang thế chấp cho ngân hàng. Các ĐB đang lo lắng sẽ mất sân Chi Lăng…
Sân vận động Chi Lăng theo kế hoạch đã được bàn giao cho Tập đoàn Thiên Thanh trong tháng 8/2014.
Ngân hàng phát mại thì sao?
Về việc Tập đoàn Thiên Thanh “xẻ thịt” sân vận động Chi Lăng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giải trình: Năm 2010, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư và thống nhất chọn Tập đoàn Thiên Thanh làm chủ đầu tư dự án.
Đến năm 2011, Tập đoàn Thiên Thanh có văn bản đề nghị TP Đà Nẵng cho phép họ huy động vốn để đầu tư. Sau khi nhà đầu tư cam kết bằng văn bản, lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất giao quyền sử dụng đất cho 10 đơn vị thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh để họ huy động vốn. Gần đây lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh bị điều tra vì liên quan đến vấn đề tài chính nên người dân đặc biệt quan tâm vì nó liên quan tới tiến độ dự án mang tầm cỡ là điểm nhấn cho trung tâm TP Đà Nẵng…
“TP Đà Nẵng đã họp đề nghị nhà đầu tư làm khu liên hoàn, không được chuyển nhượng dự án dưới bất kỳ hình thức nào, yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ. Nếu nhà đầu tư không thực hiện, TP sẽ thu hồi dự án, kêu gọi đầu tư. Trường hợp không có nhà đầu tư thì dùng nội lực vì đây là dự án có ý nghĩa quan trọng” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Ông Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, “bật lại”: “Nói như anh Tuấn là ta cho tách 10 lô để huy động vốn. Cái này đúng hay sai? Nếu sau này cấp phép cho các dự án khác ta có cho phép tiếp tục làm như vậy hay không?”. ĐB Nguyễn Hoàng Sơn hỏi: “Sau khi ta cấp cho họ 10 lô đất, họ đem cầm trong ngân hàng. Nếu sau này họ không trả được, ngân hàng phát mại các lô đất, chúng ta tính thế nào?”.
ĐB Trần Văn Lĩnh truy tiếp: “Theo luật, ngân hàng đem phát mại, bán đấu giá thu hồi vốn, TP Đà Nẵng có xử lý được không? Có làm được thành khu phức hợp liên hoàn không?”.
Ông Tuấn thông tin: “Trong quá trình công an làm việc, UBND TP Đà Nẵng đã cung cấp các hồ sơ liên quan đến việc dự án của Thiên Thanh. Việc Tập đoàn Thiên Thanh đang bị điều tra không ảnh hưởng việc thực hiện dự án. UBND TP Đà Nẵng yêu cầu cơ quan điều tra ghi nhận hai việc. Đó là không cho phép chuyển nhượng dự án dưới bất kỳ hình thức nào; không được phát mại nếu các ngân hàng đặt vấn đề. Quan điểm của TP là xây khu thương mại tổng hợp liên hoàn chứ không được xây dựng manh mún. Khi có kết luận điều tra, chúng tôi sẽ thông báo vụ việc theo thẩm quyền”.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình “Tôi đề nghị quy các cán bộ “ém” đất vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
“Các anh tự tung tự tác…”
Về đất tái định cư, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, thông tin: Qua rà soát, Đà Nẵng phát hiện có hơn 14.500 lô đất tái định cư thừa. Nguyên nhân là năm 2010-2014, TP Đà Nẵng tiếp tục di dời giải tỏa 10.000 hộ dân, lập ra 17 ban đền bù giải tỏa (ĐBGT) và công ty, dẫn đến việc thống kê, bàn giao số liệu không đầy đủ, quản lý không nổi….
Đại tá Nguyễn Quốc Bình (Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng) chất vấn: “Tôi muốn hỏi đã năm tháng trôi qua, TP đã trả nợ 1.459 lô đất tái định cư cho dân chưa? Vì sao lại không biết việc cán bộ giấu đất? Nếu không sáp nhập các ban sẽ không biết có 14.506 lô đất thừa… Đất không mất nhưng chúng ta phải chi trả tiền thuê nhà cho dân hơn 36 tỉ đồng trong hai năm qua. Nếu cán bộ các ban không giấu đất, không vô cảm, không tự tung tự tác thì chúng ta đâu mất số tiền vô duyên như thế! Tôi đề nghị quy các cán bộ này vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Dân nói rất đúng, các anh tự tung tự tác, tác oai tác quái”.
ĐB Nguyễn Đăng Hải, Phan Thị Thúy Linh, đặt câu hỏi và yêu cầu Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Khương trả lời ngay: “Có lợi ích nhóm trong việc “ém” đất của dân hay không?”.
Ông Võ Duy Khương phân trần: “Như tôi đã trình bày, trong kỳ họp lần này là chưa kịp để đánh giá đầy đủ bởi đây là những việc lớn, chúng ta sẽ tiếp tục xử lý. Trách nhiệm của UBND TP Đà Nẵng thì ủy ban sẽ kiểm điểm làm rõ. Ban nào giấu đất, báo cáo không trung thực thì trưởng ban, cán bộ trực tiếp làm việc này phải chịu trách nhiệm và sẽ xử lý theo quy định”.
Về lợi ích nhóm, ông Khương nói: Nếu nhìn trực quan thì cũng phải có cái gì trong đó chứ chẳng lẽ lại tự nhiên như vậy… ĐB Linh hỏi có dấu hiệu lợi ích nhóm hay không thì tôi cũng bí, phải có bằng chứng cụ thể đã.
“UBND TP sẽ nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, kể cả người đã nghỉ hưu. Ai vi phạm nặng đến mức phải xử lý hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, dứt khoát không bao che gì chỗ này”- ông Khương khẳng định.
Theo Lê Phi
Pháp luật TPHCM
"Tôi đi thực tế mới lộ ra chuyện giấu đất tái định cư"
"Tôi nhận trách nhiệm của mình mặc dù mới nhận việc 2 năm, tôi và anh Chiến cũng thấy lạ vì làm nhiều mà đất năm nào cũng thiếu nên đi kiểm tra và bắt dừng lại ngay. Chúng tôi xin nhận thiếu sót trước nhân dân toàn thành phố".
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn phiên họp ngày thứ 3 kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, ngày 11/12, các đại biểu tiếp tục "truy" lãnh đạo TP Đà Nẵng về đất tái định cư (TĐC) trên địa bàn thừa nhưng mỗi năm TP phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để thuê nhà cho người dân ở trong khi chờ đất.
Theo trình bày của ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng - hiện TP còn 14.500 lô đất thực tế chưa bố trí TĐC, cụ thể có 6.150 lô đất đường 5m, 452 lô biệt thự do các hộ TĐC chưa đủ điều kiện, 182 lô ở ngã ba đường, 1.571 lô 2 mặt tiền giao cho các quạn huyện bố trí, ít có hộ TĐC đủ điều kiện bố trí. Ban đền bù giải tỏa số 2 báo cáo quỹ đất còn lại là 2.906 lô.
Đất TĐC thừa hơn 10.000 lô nhưng hàng năm TP phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để thuê nhà cho người dân trong diện giải tỏa, đền bù
Từ đầu năm 2014 đến nay, các đơn vị tiếp tục thi công hạ tầng khu dân cư và có thêm 5.200 lô đất. Trong những năm trước đây TP giải tỏa 100.000 hộ dân, mỗi năm có 200 dự án, trong 5 năm từ 2009 đến nay ta giải toả thêm 10.000 hộ, áp lực lớn nên TP giao cho 17 đơn vị điều hành dự án giải toả đền bù, bố trí tái định cư để đảm bảo kịp thời gian, tiến độ.
Theo ông Võ Duy Khương, việc giao cho nhiều đơn vị đã có khuyết điểm là TP đã tách ra nhập vào nhiều lần nên số liệu thống kê không đầy đủ, những Ban này trực thuộc UBND TP nhưng trước đây chỉ quản lý hành chính mà nhiệm vụ thì không quản lý được. Do TP việc quá nhiều nên quản lý còn lỏng lẻo khiến số liệu không đầy đủ, không có đơn vị đầu mối để quản lý toàn bộ đất TĐC này.
UBND TP đã đề xuất lãnh đạo thành lập Ban quản lý quỹ đất nhưng không đồng ý, 17 đơn vị không quản lý nổi. Công tác điều hành của các ban quản lý rất lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm, quản lý tuỳ tiện. Nhiều đơn vị báo cáo không trung thực, giấu đất tái định cư, báo cáo không đầy đủ, UBND TP không nắm được.
"Có dự án thì thiếu đất, dự án thừa đất nhưng anh quản lý giấu đất, thành ra TP không nắm được và với những nơi thiếu thì phải bố trí tiền mỗi năm hàng chục tỉ đồng để thuê nhà cho dân. Về xử lý quỹ đất và con người: Năm 2013 chúng ta đã thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất, năm 2014 TP mới quyết định các ban phải bàn giao toàn bộ đất về trung tâm này, từ đầu năm đến thời điểm này đến bây giờ nhiều ban vẫn còn bàn giao chưa đầy đủ, còn 27 % quỹ đất chưa có hồ sơ", ông Võ Duy Khương nói.
TP đã cơ bản bố trí đất TĐC cho dân ở các quận, huyện Cẩm Lệ, Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, 1 phần Sơn Trà. Quỹ đất còn lại thì sẽ sử dụng 1 số trong các lô đất này trong các KDC để làm công trình công cộng, số còn lại phải xin ý kiến trung ương, chuyển quyền cho bộ phận dân chưa có đất, cán bộ công chức khó khăn về nhà ở nhưng lại vướng về luật đấu thầu, TP đã gửi văn bản cho Bộ TN-MT xin ý kiến chính phủ. Về xử lý, cuối năm nay UBND sẽ họp rút kinh nghiệm. Sắp tới sẽ tổ chức giải quyết về con người cho các ban này gọn lại. Về con người sẽ kiểm điểm và có báo cáo cụ thể về phương thức xử lý.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đặt câu hỏi: Sự buông lỏng quản lý của chúng ta đã dẫn đến sự việc như ngày hôm nay, giấu đất ở dưới mà trên không quản lý được. Hằng tuần, hằng tháng lãnh đạo, văn phòng TP đều giao ban với các ban. Vì không bố trí đất thì TP phải bố trí tiền cho dân thuê nhà, nếu không giấu đất thì tại sao phải mất tiền ngân sách vô duyên như vậy, mặc dù không mất đất nhưng phải quy kết là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Phải làm rõ trách nhiệm, vì sao BQL giấu đất mà các cơ quan tham mưu của TP không biết?
Còn đại biểu Nguyễn Đăng Hải đề nghị BQL bồi hoàn lại tiền ngân sách thuê nhà cho dân khi để thừa đất cho thành phố.
Ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng trả lời chất vấn về tình trạng đất TĐC thừa nhưng người dân không được nhận
Theo ông Võ Duy Khương, việc tiêu cực thì ngoài cán bộ còn có dân tiếp tay. Ở dự án đường cao tốc, có một hộ cũng thông đồng với cán bộ nâng khống khối lượng đền bù để rút tiền của nhà nước. Dân không cộng tác với chính quyền khi được hỏi về nhũng nhiễu của các ban quản lý giải tỏa đền bù. Đề nghị dân hợp tác và tố giác những sai phạm của cán bộ.
Liên quan đến đất TĐC, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng khẳng định thành tựu nổi bật trong 10 năm của Đà Nẵng là giải tỏa, đền bù, chỉnh trang đô thị trong đó có hơn 100.000 người dân phải đền bù, xóa đi các điểm nhếch nhác. Việc sử dụng bộ máy đông như vậy có khi cũng phù hợp vì khối lượng công việc đồ sồ.
Ông Trần Thọ cho rằng do tổ chức bộ máy cồng kềnh, đông, nhiều mà lại nhập ra tách vào nhiều lần, không ổn định kể cả các ban quản lý dự án và các công ty của nhà nước. Chức năng nhiệm vụ chồng chéo, ban giải toả đền bù, ban quản lý dự án, các công ty vừa giải tỏa, vừa bố trí tái định cư, vừa đền bù, bố trí, đề xuất bố trí, ban chỉ là cơ quan tham mưu và cơ quan quyết định là UBND TP, về chức năng nhiệm vụ có vấn đề, không tập trung 1 đầu mối là Trung tâm Phát triễn quỹ đất theo quy định của Chính phủ.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - ông Trần Thọ - cho hay ông "lội" xuống tận các dự án mới biết có tình trạng giấu đất TĐC
"Bên cạnh đó, vai trò của Chủ tịch UBND quận trong giải tỏa khá rõ nhưng trong đền bù và bố trí TĐC thì còn bị động, lúng túng thiếu thông tin. Cán bộ ban quản lý dự án, ban giải toả đền bù biết được quỹ đất thiếu trách nhiệm không báo cáo trung thực và kịp thời, có dấu hiệu lợi ích nhóm, tùy tiện xử lý sai quy định, vượt thẩm quyền ở nhiều trường hợp không cần phải chứng minh, đã rõ rồi. Vai trò Sở Xây dựng thẩm định không chặt chẽ, Sở KH-ĐT không sâu sát, ít đi thực tế, thừa vẫn chồng lên thừa. May mà tôi với anh Chiến bắt đầu cho dừng lại", Chủ tịch Trần Thọ phát biểu.
Ngoài ra, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, vai trò của văn phòng UBND TP ở đâu không tham mưu cho lãnh đạo UB. Trách nhiệm lãnh đạo điều hành của lãnh đạo UBND TP, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các ban hội đồng, thường trực hội đồng không sâu sát. Ban kinh tế có nhiệm vụ thẩm định, thấy sai ngăn chặn ngay từ đầu, ban pháp chế cũng xem ai sai, vai trò của Chủ tịch UBND TP và Chủ tịch HĐND.
"Tôi nhận trách nhiệm của mình mặc dù mới nhận việc 2 năm, tôi và anh Chiến (Chủ tịch TP-PV) cũng thấy lạ vì làm nhiều mà đất năm nào cũng thiếu nên đi kiểm tra và bắt dừng lại ngay, chúng tôi xin nhận thiếu sót trước nhân dân toàn thành phố đặc biệt là bà con ở vùng di dời giải tỏa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tròn nhiệm vụ để bà con tin tưởng, đề nghị UBND và các ngành chức năng xử lý trách nhiệm chung, trách nhiệm từng người và báo cáo kết quả cho thường trực HĐND TP", Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng phát biểu.
Chủ tịch HĐND Đà Nẵng ra "tối hậu thư" cho dự án CNTT tập trung Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/12, các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông về dự án khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đã được tập đoàn Rocky Lai & Asscociates, Inc, làm chủ đầu tư khởi công xây dựng từ tháng 4/2013 tại xã Hòa Liên (Hòa Vang) với diện tích trên 340ha và vốn đầu tư trên 80 triệu USD.
Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng - ông Phạm Kim Sơn - trả lời chất vấn về dự án CNTT tập trung bị chậm trễ Ông Phạm Kim Sơn - Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng - cho biết, đây là mô hình khu CNTT tập trung với cơ sở hạ tầng hiện đại mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên của Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện dự án chỉ mới san lấp được 30ha trong tổng số 131 ha (giai đoạn 1), trong đó chỉ có 1 ha hoàn chỉnh. Ngoài ra, hiện chủ đầu tư cũng chưa trả tiền cho nhà thầu nên dự án đang trong giai đoạn bỏ hoang. Bên cạnh đó, chủ đầu tư chỉ mới tạm ứng cho thành phố Đà Nẵng số tiền khoảng 200 ngàn USD; không những thế nhà đầu tư này còn nợ trên 10 tỉ đồng của các đơn vị san lấp mặt bằng và nhà đầu tư đã "lẳng lặng rút lui". Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đã nhiều lần gửi thư mời, liên lạc với chủ đầu tư nhưng do đại diện nhà đầu tư không có mặt ở Việt Nam nên không thể làm việc.
Hiện dự án CNTT tập trung hiện nay đang "đứng bánh"
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc nhà đầu tư có tiếp tục thực hiện dự án này hay không, ông Sơn cho biết cũng không thể đưa ra được nhận định tích cực về dự án này. Tuy nhiên, ông Sơn vẫn hy vọng dự án sẽ được nhà đầu tư tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Chủ tịch HĐND Đà Nẵng - ông Trần Thọ - phê bình việc thẩm định năng lực của nhà đầu tư, kể cả nhờ lãnh sự quán Việt Nam tại TP Boston (Hoa Kỳ) nhưng cuối cùng thì nhà đầu tư này cũng không đủ năng lực để thực hiện dự án. Ông Thọ cho rằng dự án khu CNTT tập trung do có khó khăn về kinh tế nói chung nhưng rõ ràng thẩm định năng lực nhà đầu tư không mạnh như chúng ta nghĩ. Bằng chứng là làm rất ì ạch mà lại tỏ ra bất hợp tác khi chính quyền hết sức hợp tác, TP đã chi 50 tỉ đồng giải tỏa, đền bù. "Một yêu cầu nhà đầu tư thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với TP, yêu cầu nhà đầu tư làm thật, không làm đối phó mà làm đúng tiến độ. Đúng cuối quý 1/2015 nếu nhà đầu tư không triển khai hiện dự án hoặc có triển khai nhưng mang tính đối phó thì yêu cầu thành phố rút giấy phép ngay đối với dự án này và tiếp tục tìm nhà đầu tư khác, đủ năng lực để thực hiện dự án", Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cương quyết.
Công Bính
Theo Dantri
Chủ tịch Đà Nẵng giơ điện thoại đề nghị dân nhắn tin "bày tỏ thái độ" Trước cách trả lời vòng vo của Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng về vấn đề tham nhũng đất đai, Chủ tịch HĐND - ông Trần Thọ - giơ điện thoại trước hội trường, đề nghị người dân xem truyền hình nhắn tin bày tỏ việc không hài lòng với cách trả lời của vị Chánh Thanh tra. Trong phiên chất vấn, ông...