Xe tăng Mỹ tơi tả, Iraq mua trực thăng Nga yểm trợ
Trước thiệt hại nặng nề của tăngthiết giáp, Iraq đang đẩy mạnh mua sắm máy bay trực thăng Nga để chống lại chiến binh cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” IS.
Iraq tăng cường mua sắm trực thăng tấn công Nga
Theo tin đưa hôm 31-8 của Bộ Quốc phòng Iraq, nước này đã mua các máy bay trực thăng tấn công Mi-28 do Nga chế tạo, có khả năng tấn công rất mạnh đối với các loại xe tăng, thiết giáp trên mặt đất, được sử dụng trong các cuộc giao tranh với các chiến binh Hồi giáo,
Tuy Baghdad không nói rõ số lượng máy bay trực thăng đã mua cũng như mức giá của chúng nhưng trong đoạn băng video công bố trên website của Bộ Quốc phòng Iraq cho thấy khu nhà chứa máy bay có khá nhiều chiếc trực thăng đang đỗ ở đó.
Tháng 6 vừa qua, cơ quan quản lý xuất nhập khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport đã thông báo, Moscow sẽ cung cấp cho Baghdad thêm một lô hơn 10 chiếc trực thăng tấn công mang biệt danh “Thợ săn đêm” Mi-28NE, phiên bản xuất khẩu tiên tiến của Mi-28N.
Phi đội trực thăng Nga và dàn xe tăng Mỹ của quân đội Iraq diễu hành trong lễ kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội nước này ngày 6-1-2011
Phó Giám đốc Rosoboronexport – ông Alexander Mikheyev cho các nhà báo biết rằng, việc mua sắm này nằm trong hợp đồng đầu tiên trong gói thỏa thuận 4,3 tỷ đô la đã được ký hồi năm ngoái. Hợp đồng có điều khoản đi kèm là Nga sẽ giúp Iraq đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật, cung cấp vũ khí cho các trực thăng.
Trước đây, Moscow cũng đã cung cấp cho Baghdad 2 lô máy bay trực thăng loại này. Gần đây nhất là vào tháng 1 năm nay, Nga đã bàn giao lô 13 chiếc máy bay trực thăng Mi-28NE “Thợ săn đêm” thứ 2 cho quân đội nước này. Đợt đầu tiên gồm 15 chiếc đã được bàn giao từ tháng 10-2013.
Mi-28 là máy bay trực thăng tấn công thế hệ IV, được NATO đặt cho biệt danh là Havoc. Nó được thiết kế cho hoạt động tìm kiếm và tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và các mục tiêu trên không có vận tốc nhỏ. Phương tiện tấn công mặt đất này có thể hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết.
Trực thăng Mi-28N của Nga có khả năng tấn công mặt đất rất mạnh
Được biết, trực thăng tấn công phiên bản nâng cấp Mi-28N nổi tiếng với biệt danh “Thợ săn đêm”. Chúng được trang bị hệ thống điều khiển kép, nhờ đó các hoa tiêu-điều hành sẽ có thể lái máy bay ngay cả khi phi công bị thương hoặc tử vong.
Đại tá Andrei Popov chỉ huy Trung tâm đào tạo chiến đấu Torzhok số 344 của không quân Nga – đơn vị chuyên bồi dưỡng các phi công quân đội cho biết, trong thành phần không quân Nga máy bay trực thăng nâng cấp được ký hiệu Mi- 28NM.
Ngoài Mi-28NE ra, quân đội Iraq cũng đẩy mạnh mua sắm các loại trực thăng khác của Nga như Ka-52 Alligator và Mi-35 Hind E. Tháng 6-2013, Nga đã ký hợp đồng bán lô trực thăng tấn công Ka-52 đầu tiên ra nước ngoài cho Iraq, sau đó đến tháng 11-2013, Iraq tiếp tục nhận được 4 chiếc Mi-35 đầu tiên, trong thỏa thuận vũ khí 4,3 tỷ USD.
Video đang HOT
“Sát thủ diệt tăng” AH-64 Apache của Mỹ
Ngoài ra, tháng 1 vừa qua, Iraq cũng đặt mua thêm 20 chiếc “sát thủ diệt tăng” AH-64E Apache của Mỹ nhằm đa dạng hóa lực lượng trực thăng tấn công mặt đất của lục quân. Tuy nhiên, có thể nhận định là số lượng máy bay trực thăng Nga sẽ giữ vai trò chủ đạo trong thời gian tới.
Đẩy mạnh mua máy bay trực thăng vì tăng-thiết giáp thiệt hại nặng nề
Theo thông báo, vào cuối tháng 6, các chiến binh từ các nhóm cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tuyên bố thành lập “Caliphate Hồi giáo” trên vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát ở Syria và Iraq, đồng thời liên tục bành trướng thế lực và tuyển mộ thêm quân lính.
Tổ chức mới này công bố sẽ xóa hết đường biên giới trong khu vực từ Địa Trung Hải cho đến Vịnh Ba Tư, cụ thể là giữa Syria và Iraq. Hồi tháng 6, các chiến binh tiến hành chiến dịch tấn công chống lực lượng an ninh Iraq và nắm quyền kiểm soát hàng loạt khu vực của đất nước này.
Máy bay trực thăng tấn công Mi-28N của Nga, AH-64 Apache của Mỹ (trên) và Ka-52, Mi-35 của Nga (dưới)
Trong biên chế quân đội Iraq, các loại trực thăng Nga như Mi-24/35, Mi28… và xe tăng Mỹ, ví dụ như xe tăng M1A1 Abrams, xe bọc thép chở quân M-113, xe thiết giáp chống mìn MRAP… đang “sát cánh” bên nhau, đóng vai trò chủ lực trong lực lượng tiễu phạt quân Hồi giáo cực đoan IS.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, số xe tăng-thiết giáp Mỹ đã liên tục bị quân nổi dậy bắn cháy hoặc thu giữ trong các cuộc đụng độ khiến quân đội Iraq thất bại liên tiếp trên các chiến trường. Các loại xe bọc thép khác phục vụ trong quân đội Iraq có vẻ bị tổn thất nặng nề nhiều hơn so với xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams.
Khi tác chiến trong môi trường chiến đấu mặt đất, các xe tăng, xe chiến đấu bọc thép rất dễ bị hạ sát bởi các loại vũ khí chống tăng vác vai kiểu Liên Xô cũ đầy rẫy trên chiến trường như ATGM 9M133 Kornet, súng phóng lựu chống tăng RPG-7, súng phóng lựu chống tăng M79 Osa….
Tăng-thiết giáp kiểu Mỹ của Iraq bị thiệt hại nặng nề (2 ảnh trên là M1A1 Abrams, 2 ảnh dưới là M113)
Washington đã cung cấp cho quân đội Iraq 140 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams tân trang lại từ năm 2010-2012. Tính đến tháng 6 vừa qua, 28 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams của Iraq đã bị hư hại trong quá trình chiến đấu với lực lượng phiến quân của Nhà nước Hồi giáo IS.
Các phiến quân đã công bố nhiều hình ảnh cho thấy chiếc xe Humvee, xe bọc thép chở quân M113 và xe bọc thép chống mìn MRAP bị phá hủy hoặc bị bắt giữ hàng đoàn. Đây là những thiệt hại rất nặng nề vì các trang, thiết bị của Mỹ đều được coi là tương đối hiện đại hoặc vừa mới nâng cấp mạnh.
Ngoài ta, xe tăng, thiết giáp kiểu Liên Xô của Iraq như xe bọc thép đa năng MT-LB, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và xe tăng T-55 cũng bị đánh thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, các loại trang bị trên của Nga đều là loại già cũ nên thiệt hại nặng cũng là điều dễ hiểu.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của lục quân Iraq
So với tăng-thiết giáp, lực lượng máy bay trực thăng Nga-Mỹ tuy phát huy tác dụng tốt hơn nhưng cũng chịu tổn thất không ít. Chỉ tính từ tháng 1 đến cuối tháng 5 năm nay, 6 trực thăng của quân đội Iraq đã bị bắn hạ và 60 chiếc khác bị hư hại trong chiến. Đây là một tỷ lệ đáng kể trong tài sản của Không quân Iraq.
Một trực thăng khác đã bị bắn hạ bởi súng phòng không hạng nhẹ LAAG ở Al-Saqlawiyah vào ngày 16/06 làm phi hành đoàn 2 người thiệt mạng. Một trực thăng khác cũng bị bắn hạ ngày 27-6 vừa qua trong cuộc đột kích tái chiếm thành phố Tikrit. Hiện vẫn chưa rõ 2 chiếc máy bay này thuộc loại nào.
Tăng-thiết giáp dù mạnh đến cỡ nào cũng dễ làm mồi cho các phương tiện chống tăng, đó là chưa nói phiến quân IS chưa có trực thăng vũ trang chuyên diệt xe tăng. Còn xét về hỏa lực mặt đất và hiệu quả sát thương thì trực thăng tấn công vẫn hiệu quả hơn so với tăng-thiết giáp và rõ ràng là cũng thiệt hại ít hơn.
Có lẽ vì vậy nên quân đội Iraq mới đẩy mạnh mua sắm trực thăng tấn công Nga để dập tắt các ổ hỏa lực hoặc các phương tiện tác chiến chống tăng của IS, khi đó tăng-thiết giáp của lục quân nước này mới phát huy được tác dụng của nó.
Toàn Thắng
Theo_Báo Đất Việt
Iraq thêm vũ khí mới có lấy lại được uy thế?
Iraq vừa được tiếp nhận thêm vũ khí hạng nặng để đối phó với lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) trong cuộc chiến chưa có hồi kết.
Theo thông tin được Trung tâm phân tích mua sắm vũ khí toàn cầu TSAMTO Nga tiết lộ, ngày 28/7/2014, Moscow bất ngờ chuyển đến Baghdad 4 hệ thống pháo phản lực bắn loạt hạng nặng TOS-1A theo một hợp đồng được ký kết trước đó. Tuy nhiên thông tin về hợp đồng chưa hề được công bố.
TOS-1A là một hệ thống pháo phản lực bắn loạt cỡ nòng 220mm được đặt trên khung gầm xe BM-1 sửa đổi từ xe tăng chiến đấu chủ lực T-72.
Mỗi hệ thống được trang bị bệ phóng 24 đạn rocket không điều khiển. Hệ thống có thể phóng đi 24 quả đạn chỉ trong vòng 6-12 giây, nó sử dụng đầu đạn nhiệt áp với khả năng hủy diệt mục tiêu rất ghê gớm.
TOS-1A được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực với máy tính đường đạn, hệ thống định tầm laser 1D14, kính ngắm toàn cảnh TKN-3A cùng hệ thống định vị GPK-59. TOS-1A có tầm bắn hiệu quả từ 6-9km.
Trước khi tiếp nhận lô TOS-1A lần này, ngày 2/7 Tạp chí Jane's Defence Weekly cho biết, Iraq đã nhận bàn giao đợt đầu lô trực thăng tấn công Mi-28NE (Thợ săn đêm) cũng như nhận thêm các máy bay trực thăng Mi-35M từ Nga.
"Lô đầu gồm 3 chiếc Mi-28NE và 4 chiếc Mi-35M đã tới quốc gia này trên máy bay vận tải hạng nặng Antonov An-124", nguồn tin ngoại giao Nga cho biết. Tất cả các trực thăng được chuyển giao trong cấu hình chiến đấu và khả năng tác chiến ban đêm.
Ngoài những chiếc trực thăng tấn công hạng nặng Iraq đã được tiếp nhận từ Nga, hôm 29/6, Quân đội Iraq đã được tiếp nhận lô đầu tiên gồm 5 chiếc cường kích Su-25 từ Nga.
Theo kế hoạch trong tháng 9/2014, Iraq sẽ tiếp nhận thêm từ 5 đến 10 cường kích Su-25 nữa theo hợp đồng mua sắm thiết bị quân sự, được Iraq ký với Nga hồi năm 2013. RIA Novosti dẫn lời đại sứ Nga ở Iraq, Ilya Morgunov, cho biết thông tin trên, đồng thời khẳng định "việc chuyển giao đang được thực hiện theo đúng kế hoạch".
Với những vũ khí vừa tiếp nhận cộng với những trang bị hiện có, Quân đội Iraq tỏ ra áp đảo trước trang bị lực lượng ISIL. Theo thông tin được lực lượng ISIL công bố, ngoài vũ khí tự chế lực lượng này hiện đã có một số lượng nhỏ xe tăng T-55, tăng T-72, xe chiến đấu BMP-1. (Trong ảnh: Tăng chiến đấu chủ lực T-55 của ISIL)
Đặc biệt, ISIL hiện sở hữu một loại tên lửa đạn đạo khá giống Scud, tuy nhiên nó lại đặt trên khung bệ xe đầu kéo dân sự thay vì xe phóng của Scud. Không loại trừ khả năng đây là tên lửa đạn đạo Al Hussein mà Iraq chế tạo (thời chiến tranh Iran-Iraq) dựa trên Scud của Liên Xô, tăng tầm bắn lên hơn 600km.
Bên cạnh các loại trang bị quân sự hạng nặng, ISIL còn có cơ số lớn vũ khí tự chế thường thấy ở vùng Trung Đông. Trong đó có pháo phòng không ZU-23-2 lắp trên khung bệ xe bán tải dân sự.
Xe vận tải hạng trung lắp trên nó một khẩu pháo phòng không 57mm S-60 chạy sau chiếc Humvee thu được từ quân chính phủ.
Ngoài ra, lực lượng ISIL còn sở hữu số lượng lớn súng AK-47, súng phóng rocket M79 Osa, súng phóng lựu RBG-6, súng phóng lựu RPG-7, lựu pháo Type 59-1... (Trong ảnh: Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của ISIL)
Với trang bị này, ISIL tỏ ra thua kém Quân đội Iraq về mọi mặt, tuy nhiên Quân đội Iraq lại đang thể hiện bộ mặt bạc nhược trên chiến trường. (Trong ảnh: Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của ISIL)
Theo_Báo Đất Việt
Vì Nga, Pháp khiến phương Tây chưng hửng Ngay sau khi Liên minh Châu Âu (EU) lên tiếng đe dọa sẽ tung thêm đòn trừng phạt nhằm vào Nga thì Pháp đã qua mặt EU quyết xúc tiến thực hiện hợp đồng bán siêu tàu chiến tối tân cho Nga. Đây rõ ràng là hành động khiến phương Tây cảm thấy bẽ mặt. Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên...