Xe sang nhập khẩu “đối mặt” biến động mạnh
Vài năm trở lại đây, thị trường xe hơi sang trọng Việt Nam trở nên cực kỳ sôi động. Mặc dù thu nhập quốc dân mới bắt đầu được xếp vào nhóm thoát nghèo song với độ chịu chơi của bộ phận không nhỏ người dân, hàng loạt thương hiệu xe hơi sang trọng đã lần lượt gia nhập thị trường, hàng trăm chiếc xe thậm chí thuộc hạng “độc” trên thế giới vẫn nối đuôi nhau về nước.
Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá, sau các chính sách hạn chế nhập khẩu được áp dụng mới đây nhằm góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô, thị trường xe hơi sang trọng Việt Nam hẳn sẽ có những biến động mạnh. Và từ một vài phân tích dưới đây, chúng ta có thể thấy rằng những ý đồ trong mỗi chính sách được ban hành đã bước đầu phát huy.
Mới gặp khó
Từ ngày 26/6, Thông tư 20 do Bộ Công Thương ban hành với các thủ tục bổ sung áp dụng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi loại mới đã bắt đầu có hiệu lực.
Các loại xe hơi sang trọng ngày càng khó về Việt Nam – Ảnh: Doãn Khuê.
Theo đó, để được nhập khẩu mặt hàng trên, doanh nghiệp buộc phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hãng sản xuất, hãng sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu hàng hóa không trực tiếp ủy quyền thì doanh nghiệp cần có giấy ủy quyền của thương nhân nước ngoài có quyền phân phối mặt hàng đó tại Việt Nam. Riêng đối với quy định về nhà xưởng, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, thời hạn hoàn thiện thủ tục được lùi đến ngày 24/7.
Có thể nói Thông tư 20 chính là một hàng rào kỹ thuật được Bộ Công Thương dựng lên nhằm “đóng cửa” đối với các loại ôtô nhập khẩu tự do.
Thực tế, hàng rào kỹ thuật này sẽ chặn lại toàn bộ các loại ôtô nhập khẩu không chính hãng để nhường chỗ cho các loại xe chính hãng với đầy đủ các dịch vụ sau bán hàng tiêu chuẩn, mà theo giải thích của Bộ Công Thương, là góp phần “làm sạch” thị trường ôtô nhập khẩu.
Bài viết này chỉ xin nhắc đến những tác động của chính sách đối với thị trường xe sang.
Video đang HOT
Có thể thấy rằng, hiện thị trường xe hơi hạng sang chính hãng tại Việt Nam đã có sự góp mặt khá đầy đủ các tên tuổi được ưa chuộng trên thế giới như Audi, Mercedes, BMW, Porsche hay Land Rover. Theo đánh giá, đây chính là những thương hiệu có tiềm năng nhất khi thâm nhập thị trường và đương nhiên, đó cũng là lý do để các doanh nghiệp nhanh chân hợp tác phân phối tại Việt Nam chứ không phải các thương hiệu khác.
Và câu chuyện đặt ra ở đây là sau khi Thông tư 20 có hiệu lực với những thủ tục bổ sung bị cho là “chẳng khác nào đánh đố”, các doanh nghiệp còn lại và doanh nghiệp mới đang muốn nhập khẩu ôtô sẽ tham gia thị trường thế nào? Phân phối xe mang các thương hiệu hiện có thì gần như là bất khả thi bởi không có hãng xe (đặc biệt là hạng sang) nào cho phép có đến 2 nhà phân phối chính thức tại cùng một thị trường.
Đến thời điểm này, bản thân các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cũng thừa nhận, việc tham gia thị trường ôtô nhập khẩu nói chung và đặc biệt là thị trường xe sang kể từ nay sẽ vô vàn khó khăn. Tất nhiên, trừ khi hàng rào kỹ thuật tại Thông tư 20 được dỡ bỏ thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Nếu như “hết đường” nhập khẩu các loại xe mà nhà sản xuất đang có đại diện chính thức tại Việt Nam thì các doanh nghiệp buộc phải tìm cách hợp tác để nhập khẩu các loại xe khác. Song vấn đề lại nảy sinh ở chỗ là bắt tay với hãng nào, thương hiệu gì?!
Như đã nhắc đến ở trên, thương hiệu nào được đánh giá là “ngon ăn” hoặc ít nhất có tiềm năng thì đã có doanh nghiệp khác nhanh chân hơn. Còn các thương hiệu siêu xe như Rolls Royce, Maybach, Ferrari, Lamborghini, Lotus, Bentley, Aston Martin hay Maserati… thì sao? Tất nhiên là “còn cửa”, song như một vài doanh nhân chuyên nhập siêu xe cho biết, thì thuyết phục được các hãng xe vốn quá khó tính này về tiềm năng thị trường Việt Nam để có được bản hợp đồng phân phối chính thức cũng chẳng khác nào dời non lấp bể. Bởi thực tế, mỗi dòng xe các hãng này sản xuất đều có số lượng hạn chế, bản thân các đại gia trên thế giới muốn đặt xe theo dạng sở hữu cá nhân cũng đều phải xếp hàng thì hà cớ gì phải lập nhà phân phối kèm theo cả mớ thủ tục. Mà không có thủ tục chính thức thì… miễn “vượt rào” Thông tư 20.
Vẫn còn các thương hiệu xe sang khác thông dụng hơn, tiềm năng hơn để có thể “động” đến như Acura, Lexus, Cadillac, Lincoln… Nhưng trước khi nghĩ đến các thương hiệu này, doanh nghiệp chẳng còn cách nào khác là chờ các tập đoàn mẹ sở hữu những thương hiệu kể trên rút liên doanh hoặc đại diện của mình về nước. Đó chính là Honda (sở hữu Acura), Toyota (Lexus), GM (Cadillac) hay Ford (Lincoln).
Cũ cũng nan giải
Xe mới gặp khó là vậy, tình cảnh đối với xe đã qua sử dụng thậm chí còn bị đánh giá là bi đát hơn.
Ngày 29/6, Thủ tướng đã ký Quyết định số 36/2011/QĐ-TTg điều chỉnh thuế suất và bổ sung cách tính mới đối với thuế nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng. Theo đó, kể từ ngày 15/8/2011, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô cũ sẽ được tính theo 2 cách khác nhau với các mức khác nhau tùy theo số chỗ ngồi (kể cả lái xe) và dung tích xi-lanh.
Điểm đáng chú ý là bên cạnh việc điều chỉnh tăng khá mạnh thuế tuyệt đối, một số loại thuộc nhóm hàng ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu sẽ chịu cách tính thuế mới theo công thức cộng mức thuế suất thuế nhập khẩu của dòng xe mới tương đương với một khoản tiền được chốt sẵn. Cụ thể, ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi đã qua sử dụng có dung tích xi-lanh từ 1.5 lít đến dưới 2.5 lít được áp dụng công thức: Mức thuế nhập khẩu = X 5.000 USD. Xe có dung tích xi-lanh từ 2.5 lít trở lên được áp dụng công thức: Mức thuế nhập khẩu = X 15.000 USD.
Chiếu theo cách tính mới, thuế nhập khẩu đối với các loại xe sang đã qua sử dụng có dung tích xi-lanh trên dưới 5.0 lít sẽ vượt khá xa so với thuế suất thuế nhập khẩu xe mới cùng loại, thậm chí mức thuế đối với nhiều loại xe sẽ vượt mốc 100%.
Sở dĩ đối tượng xe sang được nhấn mạnh là bởi tại Việt Nam, ôtô cũ nhập khẩu chủ yếu mang các thương hiệu hạng sang, siêu xe hoặc những dòng xe thuộc “hạng độc”. Khi mức thuế suất thuế đối với các loại xe “second-hand” này vượt qua và thậm chí cao hơn rất nhiều so với xe mới thì chẳng còn lý do gì để doanh nghiệp nhập khẩu xe cũ. Và khi thuế chồng lên thuế, giá xe đương nhiên bị đẩy lên cao thì không người dân nào dại dột mua xe cũ.
Theo lối tư duy đơn giản, nếu thuế xe cũ cao hơn xe mới thì hẳn nhiên, doanh nghiệp sẽ quay sang nhập khẩu xe mới. Song vấn đề lại nằm ở chỗ nhập khẩu xe mới cũng gần như “hết cửa” khi trước mắt là “hàng rào” Thông tư 20. Giống như câu chuyện hài hước về luật gia đình của cánh đàn ông là “điều 1: Vợ không bao giờ sai. Điều 2: Nếu vợ sai thì xem lại Điều 1″.
Theo PLXH
Thị trường ôtô nhập có thể rơi vào tay các liên doanh
Hầu hết các đơn vị kinh doanh xe mới nguyên chiếc đều nhận định thị trường sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Toyota, Honda hay Nissan Việt Nam sau khi có thông tư 20 của Bộ Công thương.
"Chúng tôi không gặp khó mà là hết đường làm ăn. Nếu thực hiện đúng như thông tư thì cả một mảng xe mới nhập khẩu sẽ rơi vào tay liên doanh trong nước", giám đốc công ty chuyên kinh doanh xe Toyota, Honda và Nissan ở Hà Nội than vãn.
Theo quy định mới có hiệu lực từ 26/6, các đơn vị nhập khẩu phải trình giấy ủy quyền là nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh khi làm thủ tục.
"Lý thuyết là vẫn có khả năng kinh doanh. Nhưng thực tế thì vô cùng khó. Toyota Mỹ, Toyota Đài Loan hay Toyota Oman sẽ không bao giờ cấp ủy quyền cho đối tác khi mà Toyota Việt Nam còn đang hoạt động", ông nói.
Toyota Oman, trung tâm phân phối ở Trung Đông, chỉ có thể bán trực tiếp cho thị trường nào mà Toyota toàn cầu chưa đặt chân tới.
Khách hàng Việt Nam sẽ khó mua Nissan Teana mới, nhập Đài Loan khi thông tư 20 có hiệu lực. Ảnh: Trọng Nghiệp.
Các nhà nhập khẩu khác cũng thống nhất gần như không còn cơ hội để kinh doanh những thương hiệu đã đặt liên doanh ở Việt Nam. Nếu một nhà phân phối nào đó "dám" ký hợp đồng với đại diện Việt Nam thì các liên doanh đó hẳn không để điều đó xảy ra, bởi ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ.
Một vài người đưa ra ý tưởng thành lập đại lý ở nước ngoài, sau đó ký ủy quyền về Việt Nam. Nhưng điều này không khả thi, bởi rất có thể, đại lý đó ngay ngày hôm sau sẽ bị nhà sản xuất cắt hợp đồng.
Khi liên doanh vừa sản xuất vừa có quyền phân phối, xe khó mua hơn do khan hiếm và giá cao hơn. Hiện các đơn vị không chính hãng đang được hưởng giá khai báo thấp và người tiêu dùng được lợi. Chẳng hạn chiếc Honda Accord 3.5 nhập Mỹ bên ngoài bán khoảng 75.000 USD thì Honda Việt Nam phân phối với giá 81.000 USD, dù nhập từ Thái Lan.
Ngoài ra, công nghiệp ôtô còn rơi vào trạng thái tồi tệ. "Khi có trong tay cả hai, liên doanh sẽ lựa chọn hình thức nào ít chi phí, lãi cao. Bài học về Sony trong lĩnh vực điện tử là ví dụ điển hình", ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng Giám đốc V-AutoClub phân tích.
Xu hướng phân phối đang lan khắp VAMA. Toyota đã phân phối Prado, Land Cruiser, dòng bán tải Hilux và mẫu xe hạng nhỏ Yaris. Honda chọn dòng sedan Accord. Vinastar nhập Triton về bán. Mercedes phân phối các dòng S-class, xe thể thao hay SUV cỡ lớn.
Các thành viên VAMA chưa có bình luận nào về quy định mới. "Nhưng giới kinh doanh Việt Nam rất linh hoạt. Chỉ vài tháng họ sẽ tìm ra biện pháp để tiếp tục hoạt động", cựu nhân viên quan hệ chính sách của một liên doanh nhận định.
Khu vực bị ảnh hưởng ít hơn là những thương hiệu như Hyundai, Volkswagen, Chrysler, Audi, BMW, Porsche bởi mới chỉ có nhà nhập khẩu chính thức. Phương pháp đối phó sẽ là một đơn vị đứng lên ký hợp đồng phân phối hoặc nhập khẩu chính hãng rồi bán lại cho các đơn vị nhỏ lẻ.
Nhưng việc thực hiện cũng không dễ dàng với Audi, BMW hay Porsche, do sự khắt khe về chính sách đại lý. Chỉ còn dòng bình dân như Hyundai.
Hãng xe châu Á khá thoáng trong quan điểm bán hàng. "Họ chỉ cần biết bán bao nhiêu ở Việt Nam mỗi năm, không quan tâm lắm đến chính hãng hay không. Nên nếu quy định bắt buộc, Hyundai hoàn toàn có thể chỉ định thêm nhà phân phối nữa, bên cạnh Hyundai Thành Công", một vị giám đốc chuyên kinh doanh xe Hàn Quốc tiết lộ.
Các công ty kinh doanh xe sang chạy cũ không bị ảnh hưởng bởi thông tư 20. Nhưng không đảm bảo họ sẽ "sống" tốt hơn khi mà giá áp thuế có thể sẽ được điều chỉnh lại để thực thi "hạn chế nhập siêu" như ý kiến của Bộ Công thương. Chưa kể đến việc nhiều công ty khác chuyển hướng kinh doanh khi thông tư có hiệu lực.
Theo VNE
Trung Quốc - thị trường xe hơi lớn nhất thế giới 2010 Với doanh số 18,06 triệu xe trong năm 2010, Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí thị trường ôtô lớn nhất thế giới, đồng thời tạo nên một kỷ lục mới về lượng xe tiêu thụ. Đây là dữ liệu thống kê do Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Trung Quốc (CAAM) mới công bố. Theo đó, thị trường xe hơi...