Xe qua phà Cát Lái nhiều nhất từ trước đến nay
Dịp lễ năm nay lượng xe qua phà Cát Lái (nối Đồng Nai và TP HCM) tăng mạnh, riêng ngày 30/4 đạt gần 100.000 lượt – cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 2/5, ông Nguyễn Thanh Tuấn (Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong) cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ có khoảng 350.000 lượt xe qua phà Cát Lái. Đây là con số khá cao so với các năm, mỗi ngày có gần 90.000 lượt xe (tăng 10% so với năm ngoái).
Riêng chiều nay – ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, lượng xe qua phà lại không quá đông vì nhiều người đã tranh thủ trở lại Sài Gòn từ hôm trước.
“Cao điểm nhất là hôm 30/4, có đến gần 100.000 lượt xe qua phà. Chúng tôi phải tăng cường thêm 50% nhân sự, sử dụng tất cả các phà lớn để giải tỏa khách. Có nhiều lúc phải ưu tiên cho xe máy qua trước vì quá đông, lấn cả sang làn đường ngược lại”, ông Tuấn nói.
Lượng xe qua phà Cát Lái dịp lễ tăng khá cao. Ảnh: Hữu Nguyên.
Hiện, phà Cát Lái được đầu tư thêm một cầu phao, lượng xe qua phà rất đông nhưng không còn cảnh xếp hàng dài 2-3 km như trước.
Video đang HOT
“Dù số lượng phà lớn vẫn đảm bảo đủ khai thác nhưng thỉnh thoảng phải đem sửa chữa lại bị thiếu. Thành phố đang xin Bộ Giao thông Vận tải một số phà từ phà Vàm Cống – đã ngưng hoạt động để tăng cường”, ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến giao thông tại khu vực Cát Lái, TP HCM đã được Thủ tướng đồng ý cho xây cầu Cát Lái nối với tỉnh Đồng Nai để thay thế bến phà hiện hữu.
Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km (riêng cầu khoảng 3,4 km), thiết kế là loại dây văng có tĩnh không 55 m, tối thiểu 4 làn xe. Dự án có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư). Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TP HCM) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẽ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ – đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Theo UBND TP HCM, hai bến phà này có lượng phương tiện lưu thông ngày một gia tăng. Việc xây cầu thay thế phà Cát Lái sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội của hai địa phương và một số tỉnh thành lân cận.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Thủ tướng đồng ý cho xây cầu Cát Lái nối TP HCM với Đồng Nai
Cùng với cầu Cát Lái kết nối tỉnh Đồng Nai, người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý cho TP HCM xây cầu nối huyện đảo Cần Giờ với Nhà Bè để thay thế phà Bình Khánh.
Theo văn bản truyền đạt của Văn phòng chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương cho phép bổ sung quy hoạch hai cây cầu thay thế bến phà Cát Lái (nối quận 2 TP HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và bến phà Bình Khánh (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè).
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung 2 dự án này vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.
Cầu Cát Lái sẽ là loại cầu dây văng với tĩnh không 55 m. Ảnh minh họa
Trước đó, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép xây cầu Cát Lái nối với tỉnh Đồng Nai để thay thế bến phà hiện hữu. Theo đề xuất, cầu này có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km (riêng cầu khoảng 3,4 km), thiết kế là loại cầu dây văng có tĩnh không 55 m, tối thiểu 4 làn xe.
Điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TP HCM) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẽ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ - đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Dự án có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư). Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.
Đồng thời, thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép xây cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh hiện hữu với tổng mức vốn dự kiến khoảng 5.300 tỷ đồng (cầu dài 3,4 km với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55 m).
Theo UBND TP HCM, hai bến phà này có lượng phương tiện lưu thông ngày một gia tăng. Việc xây cầu thay thế phà Cát Lái sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của hai địa phương và một số tỉnh thành lân cận.
Còn cầu Cần Giờ sẽ rút ngắn cự ly và thời gian đi từ trung tâm thành phố đến huyện Cần Giờ, thay vì đi bằng phà Bình Khánh hoặc đò An Thới Đông như hiện nay. Đồng thời, cầu sẽ góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện Cần Giờ và dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Hữu Công
Theo VNE
Cầu Cát Lái có ý nghĩa thế nào với TP HCM và Đồng Nai Không chỉ giúp người dân thoát cảnh "qua sông lụy phà", cầu Cát Lái được cho là sẽ kéo giảm ùn tắc, giãn dân và biến Nhơn Trạch (Đồng Nai) thành ngoại ô của TP HCM. Đầu tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị xây cầu Cát Lái của TP HCM, yêu cầu Bộ Giao thông Vận...