‘Xe ôm’ làm chính trị ở Thái Lan
Xe ôm có mặt khắp mọi ngõ ngách tấp nập của Bangkok, nhưng ngoài vai trò là một phương tiện giao thông, họ còn là một lực lượng chính trị tiềm năng.
Ông Chalerm Changthongmadan, chủ tịch Hiệp hội xe ôm Thái Lan, tự hào khoe một bức ảnh chân dung về người anh hùng của ông, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, được in trên chiếc áo đồng phục màu da cam của đội xe ôm.
“Chúng tôi nhớ Thaksin, 100%”, ông Chalerm nói về cựu tỷ phú Thái Lan, bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và là anh trai của tân thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Thaksin được tầng lớp nhân dân lao động Thái Lan yêu mến vì những chính sách dân túy khi ông đang nắm quyền, trong đó có các chương trình tín dụng vi mô và chăm sóc y tế giá rẻ. Tài xế xe ôm cũng nằm trong số những người ngưỡng mộ ông nhất.
Video đang HOT
Theo số liệu, ở Bangkok hiện có hơn 100.000 xe ôm đang hoạt động, nhưng ông Claudio Sopranzetti, một nhà nghiên cứu về nhân học của Đại học Harvard, Mỹ, cho rằng con số này trên thực tế phải gấp đôi.
Đội ngũ xe ôm đông đảo với áo đồng phục màu da cam trên đường phố Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP
Sopranzetti cho biết sau khi Thaksin lên nắm quyền năm 2001, ông đã chính thức đưa xe hai bánh trở thành một phần trong nỗ lực chống các loại tham nhũng và các băng nhóm xã hội đen địa phương. Sopranzetti nói rằng các tài xế xe ôm, với tổng thu nhập 100 triệu baht, tương đương 3,3 triệu USD một ngày, thực ra đang bị điều khiển bởi các nhóm xã hội đen địa phương có cảnh sát hậu thuẫn.
Lực lượng này đã bị xóa sổ khi Thaksin tìm cách đăng ký hợp pháp cho từng tài xế và trang bị cho họ áo khoác đồng phục màu da cam. Tuy nhiên, trong 5 năm kể từ khi ông bị lật đổ, những “người bảo vệ” xe ôm dần trở lại với bản chất trước đây, ép các tài xế cống nạp trung bình 1.000 baht mỗi tháng, trong khi những người lao động này có mức thu nhập từ 300-1000 baht mỗi ngày.
Với khoảng 70% tài xế xe ôm bị thiệt hại một phần thu nhập, nguyện vọng của những người lái xe hai bánh là có thể chấm dứt nạn tham nhũng này. “Chúng tôi chỉ có thể chờ chính phủ mới yêu cầu cảnh sát ngừng hỗ trợ lực lượng xã hội đen để chúng tôi có thể sinh sống”, ông Chalerm nói.
Các tài xế không chỉ chở các hành khách vượt qua những con đường tắc nghẽn ở Bangkok mà con phân phát tài liệu, thực phẩm. “Thành phố sẽ không hoạt động nếu không có họ”, ông Sopranzetti nói.
Ông Sopranzetti cho biết các tài xế xe ôm cũng là một lực lượng chính trị, với khoảng 80-90% tham gia vào các phong trào biểu tình của phe áo đỏ ủng hộ Thaksin. Nhiều người trong họ xuất xứ từ miền nông thôn đông bắc Thái Lan, trung tâm của những người ủng hộ Thaksin.
“Khi xảy ra tình trạng bạo lực trong thành phố, sự thông thạo của họ về các ngõ sau, đường tắt thực sự rất quan trọng”, ông nói về các cuộc biểu tình chống chính phủ của phe áo đỏ sau khi tòa án loại bỏ hai chính quyền liên minh của Thaksin. Suốt thời gian biểu tình, các tài xế đã hoạt động như những binh lính di chuyển nhanh nhạy.
“Khi các lãnh đạo bị cảnh sát bao vây, chúng tôi sẽ đi cùng và giúp đỡ họ”, ông Chalerm nói.
Tài xế Suksomboon Makadee nhớ lại lần ông lái xe dẫn đầu một đoàn áo đỏ với lá cờ quốc kỳ Thái Lan tung bay 2 mét phía trên xe ông ngày 28/4 năm ngoái. “Cờ của tôi ngắn và bị thủng lỗ chỗ”, ông kể.
Nếu Thaksin quay trở về, Suksomboon nói rằng ông sẽ dẫn đầu một đoàn xe hai bánh đến sân bay để chào đón cựu thủ tướng thật rầm rộ. “Chúng tôi yêu quý và tôn trọng Thaksin. Ông ấy không phải là người thân của tôi nhưng tôi yêu quý ông ấy vì đã giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống”, ông Suksomboon nói.
Tân thủ tướng Yingluck đã tuyên bố sẽ khởi động lại nhiều chính sách của anh trai bà và chiến dịch tranh cử của đảng Pheu Thái cũng hứa hẹn sẽ tăng lương tối thiểu, dù các tài xế xe ôm hoạt động theo phương thức tự làm chủ. Bên cạnh đó, người phát ngôn của đảng Prompong Nopparit cho biết, mục tiêu của chính phủ mới sẽ không chỉ tập trung vào vấn đề chi phí đời sống mà còn chú ý đến lực lượng xã hội đen Thái Lan – một mục tiêu quen thuộc trong những năm Thaksin đang nắm quyền và rất nổi tiếng trong giới xe ôm ở Bangkok.
Theo VNExpress