Xe máy uốn lượn vượt “chướng ngại vật” trên vỉa hè
Vỉa hè một số tuyến đường khu vực quận 1 được lắp barie để ngăn xe máy chạy lên, đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Tuy nhiên, nhiều người đi xe máy vẫn bất chấp, cho lạng lách qua “chướng ngại vật”, gây mất an toàn giao thông.
UBND phường Bến Nghé (quận 1, TPHCM), vừa lắp các thanh barie trên vỉa hè các tuyến đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm… để ngăn xe máy chạy lên, gây mất an toàn cho người đi bộ, mất mỹ quan đô thị.
Thanh chắn trên vỉa hè giúp ngăn xe máy chạy chiếm phần đường người đi bộ
Barie là 2-3 thanh inox uốn hình chữ U ngược, được gắn so le chắn ngang chiều rộng vỉa hè, ngăn không cho phương tiện giao thông vượt qua, nhưng người đi bộ vẫn có thể bước qua bình thường. Song các thanh này vẫn có độ hở đủ cho người khuyết tật đi xe lăn qua.
Người đi xe máy vẫn lạng lách qua barie trên vỉa hè đường Lý Tự Trọng
UBND phường Bến Nghé cho biết, vào giờ cao điểm giao thông, nhiều người chạy xe máy lên vỉa hè. Việc gắn barie đã phát huy hiệu quả, trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, trong đó có nhiều học sinh, khách du lịch…
Video đang HOT
Một người đàn ông cố vượt “chướng ngại vật”. Để ngăn xe máy, lực lượng chức năng phải dùng thanh gỗ và đá chắn ở khu vực bồn cỏ
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người dân vẫn bất chấp những barie này. Nhiều lúc ngại vượt qua “chướng ngại vật”, họ lách xe vào khu vực bồn hoa. Tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm một mảng cỏ xanh đã chết sạch vì bị xe chà nát.
Người đàn ông đi xe máy chen lấn với người đi bộ, tìm cách lách qua barie trong sự ngỡ ngàng của du khách nước ngoài.
Mảng cỏ xanh đã không còn vì bị xe máy chà nát.
Quốc Anh
Theo Dantri
Đừng ngụy biện cho phin cà phê
Nhận thấy lập biên bản xử phạt sai đối tượng nên UBND phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM đã không ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa lại kiện ra tòa với yêu cầu phường phải ra quyết định xử phạt đối với mình để đạt mục đích xấu hơn về sau.
Nghịch lý khi yêu cầu phường xử phạt
Theo đơn khởi kiện của ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa, vào ngày 25/9/2015, nhân viên Phin Cà Phê giao hàng trong khuôn viên tòa nhà Kumho Asiana Lê Duẫn thì bị tổ quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) phường Bến Nghé, quận 1 tiến hành lập biên bản vì đã đậu xe gắn máy trên vỉa hè.
Từ việc lập biên bản xử phạt sai của phường, ông chủ của Phin Cà Phê yêu cầu phường phải ra quyết định xử phạt
Lúc này, tổ QLTĐT đã lập biên bản sai phạm. Tuy nhiên, tổ quản lý trật tự độ thị lại không ghi tên người điều khiển phương tiện bán hàng mà lại ghi tên của chủ xe.
Biết biên bản đã sai, tổ QLTTĐT đã ra thông báo và mời ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa lên trả lại giấy tờ.
Tuy nhiên, ông Nghĩa lại dựa vào cái cớ này yêu cầu phường Bến Nghé phải ra quyết định xử lý vi phạm. Đồng thời, ông Nghĩa cũng kiện ra tòa quận 1 với yêu cầu phường phải ra quyết định xử phạt.
"Thấy biên bản xử phạt sai, nên phường đã nhận lỗi và ra thông báo hủy biên bản cũng như đã trả giấy tờ lại cho ông Nghĩa. Thế nhưng, ông Nghĩa nhất định không chịu và yêu cầu phường phải ra quyết định xử phạt. Thật không thể hiểu nổi ông Nghĩa muốn điều gì", một cán bộ phường Bến Nghé nói.
Mưu đồ xấu
Ông Võ Quốc Hưng - Phó Chủ tịch phường Bến Nghé, quận 1 cho biết, ông Nghĩa là chủ của chuỗi bán hàng Phin Cà Phê. Vụ việc ông Nghĩa kiện ra tòa đang được thụ lý và phải chờ kết quả từ phía tòa án.
Ngày lập biên bản vụ việc, ông Nghĩa được nhân viên thông báo nên chạy đến. Ông Nghĩa cho rằng đã lập biên bản sai đối với mình nên đã xuất trình các giấy tờ và liên tục khiếu nại, khiếu kiện ra tòa.
Cũng theo ông Hưng, việc lập biên bản có sai sót khi không ghi người điều khiển phương tiện mà lại ghi chủ phương tiện. Thế nhưng, khi nhận thấy sai sót nên phường đã không ra quyết định xử phạt và trả lại các giấy tờ liên quan.
"Theo quy định, thì trong vòng 7 ngày phải ra quyết định xử phạt. Nhưng phường không ra quyết định bởi vì sai đối tượng", ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm, theo nghị định 171 quy định bán hàng rong trên vỉa hè, lề đường là vi phạm. Tuy nhiên, nghị định và các văn bản không nêu rõ khái niệm bán hàng rong là gì.
Chính vì vậy, ông Nghĩa cho rằng mình chỉ lập web bán hàng trên mạng. Nhân viên chỉ tới giao hàng không thu tiền, có nghĩa là thanh toán qua mạng.
Nhưng theo một số chứng cứ cho thấy nhân viên ông Nghĩa có bán hàng và thu tiền. Ông Nghĩa đang lách luật và cho rằng bán cà phê không phải bán hàng rong, kèm theo đó là khởi kiện với mong muốn tòa ra kết luận là nhân viên của mình giao hàng. Từ đây, nhân viên của Phin Cà Phê sẽ thoải mái bán bất kể lề đường, vỉa hè, khắp các cả quận mà không xử lý được, sẽ tạo nên tiền lệ xấu kéo theo nhiều người khác sẽ làm như vậy.
Theo Dân Trí