Xe máy điện chuẩn bị bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát
Kể từ ngày 1/6 tới đây, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Quy định này được đa số người dân đồng tình nhưng vẫn còn khá nhiều người lo lắng, chưa hiểu thủ tục đăng ký xe.
Theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA (Bộ Công an) từ 1/6, xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Địa điểm đăng ký là Phòng CSGT các tỉnh, công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Điều này có nghĩa là hàng trăm nghìn xe máy điện sẽ phải hoàn tất các thủ tục để được cấp biển kiểm soát, nếu không muốn bị xử phạt khi lưu thông trên đường.
Từ 1/6 tới đây, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát
Thời gian đăng ký dao động từ 2-30 ngày làm việc tùy nguồn gốc phương tiện. Hồ sơ đăng ký xe gồm: giấy khai đăng ký xe; giấy tờ của chủ xe; giấy tờ của xe. Trong đó, giấy tờ quan trọng nhất với xe mới là hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính.
Video đang HOT
Cũng theo Thông tư 15, ôtô, xe máy điện đã sử dụng trước ngày 1/7/2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không bảo đảm theo quy định, nếu chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) thì được giải quyết đăng ký, cấp biển số xe.
Những trường hợp mua sau thời điểm này phải có hồ sơ nhập khẩu hợp lệ, có giấy chứng nhận đạt chuẩn theo tiêu chuẩn đã được công bố. Với xe sản xuất, lắp ráp, phải có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Bộ GTVT…
Mặc dù Thông tư 15/2014/TT-BCA đã được đưa ra nhưng hiện nhiều người vẫn không phân biệt được thế nào là xe đạp điện, thế nào là xe máy điện? Thậm chí, nhiều người đã mua và sử dụng xe được vài năm vẫn điện thoại tới các chủ cửa hàng để hỏi xe của họ là loại xe gì… Tuy nhiên, không ít chủ cửa hàng cũng chưa rõ khái niệm này nên cũng chỉ giải thích một cách rất nôm na.
Theo anh Thái, chủ một cửa hàng xe đạp điện trên phố Huế khi được PV Autonet hỏi về cách phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện đã trả lời một cách rất ngây ngô: ” Theo tôi xe máy điện là loại xe to, yên lớn và không có bàn đạp – còn xe đạp điện là loại nhỏ hơn và có bàn đạp. Thú thật mặc dù là chủ cửa hàng nhưng tôi cũng không biết nhiều lắm về vấn đề này, tôi cũng chỉ mới biết thông tư này vài ngày gần đây”.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong số những xe chạy điện đang được sử dụng có đến 70% là xe máy điện và 30% là xe đạp điện. Căn cứ vào các quy định hiện hành thì xe máy điện phải tuân thủ các quy định như xe máy dưới 50 cm3 là phải có đăng ký, đăng kiểm, quy định về độ tuổi cho người điều khiển, đội mũ bảo hiểm khi vận hành…
Theo tìm hiểu của PV, hiện nhiều người đang sử dụng cũng không phân biệt đâu là xe máy điện, xe đạp điện. Thậm chí, nhiều người đi xe cũng không quan tâm và không cần biết có cần đội mũ bảo hiểm hay không.
Được biết, Theo Điều 17, Nghị định 171/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 300.000 đồng – 400.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định; Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; Sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); Gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong Giấy đăng ký xe; Biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Theo Cục Đăng kiểm VN, việc phân loại xe điện hai bánh được căn cứ trên cơ sở các tiêu chí vận tốc, công suất động cơ, khối lượng bản thân. Xe máy điện là xe điện hai bánh có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h và có công suất động cơ không lớn hơn 4kW.
Xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg.
Theo Tuấn Nguyễn (Autovina)
Xe máy điện cũng phải đăng kí lưu hành
Bộ Công an đã chính thức ban hành văn bản mới quy định về việc mua bán, trao đổi, tặng các phương tiện giao thông như xe máy, ôtô.
Trong Thông tư 15/2014 TT-BCA quy định các điều khoản mới nhất về việc đăng kí, quản lí phương tiện cơ giới đường bộ, cũng như việc sang tên, mua bán, tặng ôtô xe máy. Đáng quan tâm nhất là ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản (theo mẫu số) đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi người được thụ hưởng đến làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, người mua/được tặng phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Ngoài ra Thông tư lần này cũng quy định việc bắt buộc các loại xe máy điện cũng phải có giấy đăng kí mới được lưu hành.
Thông tư cũng quy định thời hạn cấp đăng ký, biển số xe như Cấp ngay lập tức biển số xe ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ, Cấp mới, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe, cấp hồ sơ sang tên... không quá hai ngày làm việc, trường hợp phải chờ sản xuất biển số thì thời gian cấp, đổi lại không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Như Phúc
Theo Dân trí
Bultaco Rapitan xe máy điện hiện đại Với kế hoạch trở lại, hãng xe Tây Ban Nha Bultaco vừa công bố tin tức chiếc xe điện Rapitan mới thực sự tiện lợi và hiện đại có phạm vi hoạt động lên tới 200 km. Một trong những điều thú vị về Rapitan là Bultaco đã thực sự cố gắng tạo ra một chiếc điện mới với thiết kế khỏe khoắn,...