Xe khách trá hình vẫn được cấp phù hiệu
Ngành GTVT liên tục sửa đổi các quy định về kinh doanh vận tải nhưng tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tồn tại dai dẳng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe dẫn đến việc chạy ẩu, mất ATGT, thậm chí một số Sở GTVT biết nhưng vẫn lờ đi.
Buông lỏng, khoán trắng cho lái xe là nguyên nhân khiến TNGT diễn biến phức tạp
Buông lỏng quản lý lái xe
Khoảng 8h15 ngày 3-5, trên QL1 đoạn qua xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe khách BKS: 43B-026.33 (treo biển nhà xe Sơn Lâm chạy tuyến Đà Nẵng – Đức Phổ, Quảng Ngãi, với xe tải chở dăm gỗ BKS: 76C-034.43 và xe chở đất BKS: 43S-4336 làm 4 người chết và 5 người bị thương.
Theo Sở GTVT Đà Nẵng, xe khách BKS: 43B-026.33 thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Huyền ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Xe này đăng ký lưu hành dưới dạng xe không kinh doanh vận tải. Qua kiểm tra, Sở này phát hiện xe chưa đăng ký kinh doanh vận tải và không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Như vậy, xe khách BKS: 43B-026.33 đã hoạt động vận tải khách chui.
Đáng chú ý, những vụ việc tương tự không phải là hiếm ở nhiều địa phương. Báo cáo của Bộ GTVT về kết quả kiểm tra công tác đảm bảo ATGT trong lĩnh vực vận tải tại một số địa phương như Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Thọ… cho thấy, một số đơn vị kinh doanh vận tải còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức đến quản lý vận tải.
Giám sát hoạt động của phương tiện, lái xe tại một số đơn vị còn lỏng lẻo, chưa ký đầy đủ hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe. Tình trạng lái xe vi phạm, vượt quá tốc độ cho phép còn nhiều, trong khi đơn vị vận tải chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, khiến vi phạm liên tục tái diễn. Cụ thể, kiểm tra tại 7 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Phú Thọ cho kết quả, có 2/7 doanh nghiệp có lái xe vi phạm về thời gian lái xe liên tục.
Video đang HOT
Tại Nghệ An, có 4/8 doanh nghiệp có lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chưa được tập huấn, không thực hiện đúng quy trình kiểm tra an toàn trước khi phương tiện tham gia hoạt động vận tải. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Thanh tra Bộ GTVT ghi nhận, 6/11 đơn vị có xe được kiểm tra không niêm yết giá cước, 3/11 đơn vị không niêm yết tên hoặc số điện thoại của đơn vị…
Ký hợp đồng thuê xe để xin cấp phù hiệu
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 28 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, với tổng số 648 phương tiện; 26 đơn vị vận tải khách theo hợp đồng, với tổng số 240 phương tiện; 39 đơn vị vận tải taxi, với tổng số 1.287 phương tiện; 5 đơn vị bus, với tổng số 139 phương tiện… Kết quả thanh tra cho thấy, có tới 9/11 đơn vị có người điều hành vận tải chưa được tập huấn nghiệp vụ theo quy định; 7/11 đơn vị có nhiều xe không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Liên quan đến công tác phương tiện và quản lý phương tiện, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ có tới 7/11 đơn vị không lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; 7/11 đơn vị có một số xe ô tô được kiểm tra tại hiện trường có lắp thiết bị giám sát hành trình ở bên trong (lắp kín), nhưng không đưa cổng đèn báo trạng thái hoạt động của thiết bị ra bên ngoài.
Chưa dừng lại ở các vi phạm trên, cũng chỉ với 11 đơn vị được kiểm tra, thì có tới 6/11 đơn vị có nhiều lái xe chưa được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định. Bộ phận ATGT hoạt động yếu kém, mới chỉ thực hiện một số ít nhiệm vụ theo quy định. Nhiều đơn vị có lập hồ sơ, sổ sách về hoạt động của bộ phận ATGT, nhưng việc lập hồ sơ, sổ sách chỉ là hình thức, không phản ánh đúng hoạt động vận tải của đơn vị.
Kết quả kiểm tra của Bộ GTVT cũng chỉ ra, một số đơn vị có nhiều xe không đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải. Đáng chú ý, các đơn vị vận tải ký hợp đồng thuê xe và sử dụng số hợp đồng này để xin phù hiệu xe. Thực chất, các đơn vị không thuê xe để kinh doanh vận tải theo quy định.
Do đó, các đơn vị vận tải không có quyền sử dụng hợp pháp đối với các xe đi thuê và cũng không cần biết các xe đi thuê có đảm bảo điều kiện theo quy định hay không. Cụ thể như, Công ty TNHH Vân Hà (Nghệ An) không có quyền sử dụng hợp pháp đối với 38 xe đi thuê do thực tế, công ty không thuê xe để kinh doanh vận tải theo quy định, mà việc ký hợp đồng thuê xe chỉ là hình thức với mục đích để xin cấp phù hiệu xe; Công ty không tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện hoặc theo dõi việc sửa chữa, bảo dưỡng đối với các xe đi thuê.
Địa phương giám sát qua loa
Thanh tra hoạt động quản lý tại các Sở GTVT, Bộ GTVT phát hiện ra nhiều tồn tại khi các địa phương chưa thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình. Có địa phương, giám sát theo kiểu hình thức, không xử lý các vi phạm, nhất là các lỗi về chạy quá tốc độ quy định, hành trình chạy xe, thời gian hoạt động của lái xe…
Thậm chí, các Sở GTVT cũng không thẩm định kỹ hồ sơ cấp phù hiệu cho các xe đi thuê dẫn đến xe chưa đảm bảo điều kiện vẫn hoạt động kinh doanh vận tải. Có nơi cấp một số phù hiệu xe tuyến cố định có thời hạn không đúng với thời hạn có hiệu lực của giấy phép kinh doanh vận tải của doanh nghiệp…
Trước thực trạng vi phạm nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu Sở GTVT Quảng Ninh, Phú Thọ, Nghệ An xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt vi phạm liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải; hoạt động khi không có giấy phép kinh doanh vận tải; buông lỏng quản lý hoạt động của phương tiện, người lái và các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông (như xe chạy quá tốc độ, sai hành trình, quá thời gian làm việc của lái xe…).
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị các Sở GTVT thu hồi phù hiệu xe đối với các xe đơn vị vận tải đi thuê trước ngày 1-6-2016. Đặc biệt, Sở GTVT Quảng Ninh phải rà soát, kiểm tra và xác định nguyên nhân của các đơn vị vận tải khách theo hợp đồng không thực hiện thông báo nội dung Hợp đồng vận chuyển cho Sở GTVT, nếu cần thiết thì thu hồi Giấy phép kinh doanh 6 tháng.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tăng cường công tác kiểm tra tại đầu bến đối với các xe chở khách, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; chỉ đạo Thanh tra Sở GTVTtăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các xe vi phạm trong hoạt động vận tải như xe chạy sai hành trình, dừng đỗ đón trả khách sai quy định, “xe dù, bến cóc”, xe núp bóng hợp đồng để chạy tuyến cố định…
Tình trạng doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe đã được đề cập đến từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng nhìn nhận, việc khoán trắng cho lái xe là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách, lái xe liên tục trong một thời gian dài dẫn đến mệt mỏi, dễ gây tai nạn. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa thể có cách xử lý triệt để.
Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng lại Nghị định 86 về kinh doanh vận tải theo hướng siết chặt những quy định được đánh giá là liên quan đến ATGT, đồng thời cũng nới lỏng những quy định rườm rà, gây áp lực cho doanh nghiệp. Đáng nói, quy định trong lĩnh vực kinh doanh vận tải được Bộ GTVT sửa đổi, thay đổi khá nhanh, từ 1-2 năm/lần nhưng vẫn không thể bao quát hết được, vẫn có lỗ hổng hoặc vẫn bỏ ngỏ để các doanh nghiệp vận tải lợi dụng vi phạm.
Theo_An ninh thủ đô
Ôtô tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình trước 1/7
Trước ngày 1/7, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Bộ GTVT.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi đến Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tuyên truyền và triển khai thực hiện các quy định đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn.
Xe ôtô tải 7-10 tấn phải có thiết bị giám sát và gắn phù hiệu. Ảnh: Tuổi trẻ .
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng của địa phương tuyên truyền các quy định mới tại Nghị định số 86 của Chính phủ. Trong đó, tập trung làm rõ các lộ trình ở Nghị định này. Cụ thể, trước ngày 1/7 năm nay, đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn thì đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Cũng cùng thời điểm trước ngày 1/7, các xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình được sử dụng phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông. Đồng thời, các loại xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được gắn phù hiệu "XE TẢI" theo quy định.
Công văn mới của Bộ GTVT cũng nêu rõ, các Sở GTVT địa phương phải tạo điều kiện tối đa và thực hiện cấp phù hiệu nhanh nhất cho các đơn vị kinh doanh vận tải đồng thời triển khai đến các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương có kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn.
Trường hợp các đơn vị vận tải và người điều khiển xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải này không thực hiện các quy định nêu trên sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
Theo_Zing News
595 xe ô-tô bị xử lý thông qua thiết bị giám sát hành trình trong tháng 3-2016 Về tình hình vi phạm tốc độ xe chạy của các địa phương, trong tháng 3-2016, cả nước có tổng số 101.633 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân trên 1.000km là 0,073 lần/1.000km. Tính lũy kế đến 31-3-2016 trên cả nước có tổng số 952.069 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm...