Xe khách trá hình: Lật tẩy những chiêu trò tinh vi
Đón trả khách không đúng vị trí quy định, bán vé nhưng lại là tờ giấy ghi hợp đồng vận chuyển không ghi tên hành khách hay thu tiền trực tiếp trên xe… là một trong những chiêu trò mà PV đã ghi nhận được trong suốt hành trình thực tế trên các chuyến xe khách trá hình của nhà xe Vĩnh Quang.
Lái xe thừa nhận xe chạy “chui”
Để tận mắt chứng kiến những mánh khóe lách luật nhằm qua mắt lực lượng chức năng, PV Dân Việt đã lên thực tế trên nhiều chuyến xe của Công ty Vĩnh Quang xuất phát từ Hà Nội vào Thanh Hóa và ngược lại.
Tài xế H thu tiền của khách ngay trên xe và cũng chính tài xế này tiết lộ những chuyến xe anh đang chạy cho Công ty Vĩnh Quang là chở khách. (Ảnh cắt từ clip)
Theo lịch trình đã được đặt qua điện thoại với công ty, đúng giờ hẹn, PV chờ xe dưới đường vành đai 3, đoạn khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai).
Đúng giờ hẹn, một chiếc ô tô đi tới, phải mất đến vài phút PV mới thực sự thoát khỏi cảm giác ngờ vực khi một chiếc xe liên tục nháy đèn và tài xế ra tín hiệu lên xe.
Chỉ đến khi cánh cửa xe tự động mở ra, PV mới chắc chắn đây chính là chiếc xe của Công ty Vĩnh Quang. Thoáng thấy đã có vài hành khách trên xe.
Chiếc xe này không phải là những chiếc xe limousine như các nhà xe thường sử dụng mà là một xe hiệu Sedona của hãng Kia màu trắng, loại 7 chỗ.
Nhìn từ phía bên ngoài, chiếc xe này không có phù hiệu xe hợp đồng dán phía trước và cũng không có ghi tên của Công ty Vĩnh Quang trên thân xe. Nó nhìn không khác gì một chiếc xe gia đình.
Tờ giấy ghi nội dung Hợp đồng vận chuyển hành khách có kích thước như chiếc vé thông thường mà Công ty Vĩnh Quang đưa cho PV và không có tên tuổi khách hàng.
Trên xe lúc này có 2 hành khách, lái xe nhanh chóng cho xe nhập làn cao tốc Hà Nội – Ninh Bình. Chiếc xe này mang biển số 30E-35825 do tài xế H (SN 1983, Thanh Hóa) điều khiển.
Khi xe đã chạy ổn định trên cao tốc, lái xe H thủng thẳng “em bảo anh lên nhanh không có công an họ bắt” rồi nhìn về PV. Lái xe này cho biết, đoạn đường PV đứng chờ cấm ô tô đón, trả khách.
Xác nhận với PV đây là chiếc xe của Công ty Vĩnh Quang, H tự giới thiệu mình là một lái xe mới của công ty. H “khoe” tháng này chắc anh không còn nhiều lương vì bị phạt quá nhiều lỗi tốc độ.
Theo người đàn ông này, việc chạy xe quá tốc độ thì lái xe sẽ phải bỏ tiền túi ra nộp phạt. Nhưng vì miếng cơm, manh áo, anh vẫn “cố” nhấn ga để đi nhanh, vừa có thời gian nghỉ ngơi giữa các chuyến, lại vừa cố tăng thêm chuyến.
Video đang HOT
“Mỗi ngày xe em chạy được 4 chuyến cả 2 đầu Hà Nội và Thanh Hóa. Giá vé xe limousine là từ 160.000 – 180.000 đồng/khách, xe Sedona là 200.000 đồng/khách” – H nói.
H cho biết, loại xe Sedona 7 chỗ công ty có khoảng 6 chiếc. Công ty Vĩnh Quang có tổng cộng khoảng 14 xe, 6 xe Sedona 7 chỗ, 8 xe limousine được đặt ở cả Hà Nội và Thanh Hóa.
Mặc dù vừa kêu ca với các hành khách trên xe rằng hay bị phạt lỗi quá tốc độ nhưng trên cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, H “phóng” khá nhanh. Chiếc xe đang lao nhanh chốc chốc lại phanh kít lại hoặc đánh lái bất ngờ vì có xe phía trước khiến khách dúi dụi.
Trong chuyến xe, lái xe H thừa nhận một mánh khóe chỉ người trong cuộc mới am tường.
“Lái xe H: Có xe limousine hay bị bắt suốt, bắt giấy hợp đồng. Xe đấy bị “soi” tợn.
PV: Giấy hợp đồng là cái gì?
Lái xe H: Hợp đồng hành khách ấy. Chữ ký hành khách rồi số điện thoại, rồi địa chỉ. Xe đấy bị xe giường nằm kiện này.
PV: Kiện vì sao?
Lái xe H: Ví dụ như nó vớt hết khách của xe giường nằm. Xe giường nằm bây giờ phải mua “lốt”, đóng thuế.
PV: Thế còn xe kia không phải làm à?
Lái xe H: Xe kia dạng chui, giống xe này. Người ta gọi là xe “dù” đấy. Giờ mấy xe giường nằm mất 70% khách.
PV: Thế là cảnh sát cứ gặp xe limousine là lại hỏi giấy hợp đồng à?
Lái xe H: Ờ, lại hỏi giấy hợp đồng.
PV: Còn xe này thì sao?
Lái xe H: Xe này như xe cá nhân bình thường. Mình dặn hành khách hễ mà nó hỏi thì bảo xe gia đình đi chùa chiền này kia”.
Khách tự ghi tên tuổi
Dường như nhận thấy mình đã lỡ lời, H im bặt trong gần suốt chặng đường còn lại, sau khi đeo thêm chiếc kính đen lên mắt.
Khi đến TP.Thanh Hóa, H trực tiếp hỏi tiền 3 hành khách rồi tiến hành truy thu 600.000 đồng/3 người ngay trên xe khi xe vẫn đang di chuyển.
Tiếp sau đó, lái xe này hỏi 2 hành khách trên xe xuống địa điểm nào và tạt vào lề đường, cho 2 khách trên xuống rồi tiếp tục hành trình về văn phòng Công ty Vĩnh Quang tại số 143 Lê Hồng Phong (TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa), bất chấp địa điểm trả khách của lái xe có đúng quy định hay không.
Tài xế dừng xe trả khách giữa đường và thu tiền vé xe của khách. (Ảnh cắt từ clip)
Đến điểm cuối là văn phòng Công ty Vĩnh Quang, khi PV đề nghị nhận vé của chuyến đi, nữ nhân viên trực liền rút ngay một tập vé và xé ra đưa cho PV. Thấy tấm vé trống không ghi gì, PV thắc mắc nữ nhân viên này về việc ghi tên tuổi khách hàng, nữ nhân viên xuề xòa “cái này anh tự ghi đi” rồi tiếp tục chăm chú vào màn hình.
Tuy nhiên, tấm vé mà PV nhận được không phải là một tấm vé thông thường. Trên tờ giấy này ghi rõ: Hợp đồng vận chuyển hành khách (Loại Hợp đồng cá nhân); Liên 2: Giao khách hàng và có các thông tin bên vận tải và bên thuê.
Tất nhiên, các thông tin cần ghi trên vé đều để trống và kích thước của tờ Hợp đồng vận chuyển hành khách này chẳng khác gì một chiếc vé.
Theo tìm hiểu của PV, các chuyến xe từ Hà Nội đến Thanh Hóa của công ty này và ngược lại di chuyển liên tục với tần suất 1 tiếng/chuyến. Tại Hà Nội, giờ xuất phát là 5h30 phút, kết thúc vào 20h30 cùng ngày; tại Thanh Hóa xuất phát lúc 3h30 phút, kết thúc lúc 20h30 cùng ngày.
Khách hàng được chuyển sang một xe trung chuyển khác giữa đường. (Ảnh cắt từ clip)
Theo tính toán, với lịch trình 4 chuyến/xe/ngày, mỗi ngày Công ty Vĩnh Quang xuất bến hơn 50 chuyến xe cả hai đầu Hà Nội và Thanh Hóa. Trong hàng chục chuyến xe này, có rất nhiều chuyến xe chở khách lẻ được công ty sử dụng xe Sedona trá hình để qua mặt cơ quan chức năng.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt trên nhiều chuyến xe khác từ Hà Nội đi Thanh Hóa và ngược lại của nhà xe Vĩnh Quang, nhà xe này liên tục xác nhận đặt chỗ, bán tờ giấy giống vé; thu tiền của khách lẻ; đón trả khách không đúng điểm dừng.
(Còn nữa)
Theo Danviet
Ông Mai Tiến Dũng: Không 'xử' xe quá tải thì hạ tầng sẽ hỏng hết
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ giao thông đẩy mạnh xử lý xe quá tải, bởi mới đây ông trực tiếp đoàn xe quá tải "chạy nườm nượp trên đường" khi đi công tác ở tỉnh.
Ngày 21/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng) dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Bộ Giao thông vận tải.
Bộ trưởng Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt ý kiến về 9 vấn đề, yêu cầu lãnh đạo Bộ Giao thông giải trình rõ thêm và đưa ra giải pháp xử lý. Trong đó, có tình trạng xe quá tải, quá khổ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Giao thông tại cuộc làm việc., Ảnh: VGP
"Mới đây Thủ tướng đi công tác ở Tuyên Quang đã chứng kiến hàng đoàn xe hổ vồ chạy nườm nượp, nhiều xe chở xi măng đến 180 tấn. Nếu để thế này thì hạ tầng mấy năm nữa hỏng hết", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông, để xử lý xe quá tải, cùng với việc tăng cường lực lượng, phương tiện thì phải xóa toàn bộ tình trạng cơi nới thùng xe.
"Khi đăng kiểm, nhiều chủ xe bê thùng cơi nới cất đi, mượn thùng chuẩn đăng kiểm. Còn khi đi trên đường, nhiều xe chủ xe rất linh hoạt, xe có 10 bánh song chỉ để 4 bánh chạy cho nhanh, nếu gặp lực lượng kiểm tra thì hạ bánh xuống để đúng trọng tải", ông Dũng nói.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe quá tải. Ảnh: Xuân Hoa
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, tình trạng xe quá tải xuất hiện trở lại ở các địa phương nhiều hơn so với trước, do một số tỉnh đã dừng hoạt động các trạm cân xe. Hiện chỉ có cân cơ động để ở các trạm thu phí nhằm ngăn chặn xe quá tải vào các tuyến đường cao tốc, BOT.
"Để xảy ra tình trạng này là do thiếu phối hợp giữa ngành công an và các địa phương. Trong tháng 4 này, Bộ giao thông sẽ triển khai đồng loạt việc kiểm tra xe quá tải", ông Huyện nói.
Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Giao thông khẩn trương sửa đổi nghị định 86 liên quan đến quản lý xe hợp đồng.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải, cho biết thời gian qua xe dù bến cóc xuất hiện do quy định chưa chặt chẽ về điều kiện xe hợp đồng. Xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải thông báo về sở giao thông, nên nhiều doanh nghiệp đã cho xe hợp đồng lách luật chạy như xe khách tuyến cố định. Bộ Giao thông đã đề xuất sửa đổi quy định liên quan theo hướng, xe từ 8 chỗ trở lên khi thực hiện hành trình phải thông báo hợp đồng về sở giao thông như xe trên 10 chỗ.
Ngoài ra, Bộ Giao thông sẽ xây dựng phần mềm quản lý xe hợp đồng. Quy hoạch mạng lưới tuyến cố định, xây dựng bến xe thuận lợi cho người dân đi lại...
Đoàn Loan
Theo VNE
Nhà xe "ngoài luồng" vẫn ngang nhiên đón trả khách trước cổng bến xe Mỹ Đình Dù đã bị lực lượng TTGT quận Nam Từ Liêm bắt quả tang và đã tiến hành lập biên bản xử phạt nhiều lần rất nặng nhưng sau khi được thả, các nhà xe "ngoài luồng" vẫn "tung hoành" ngay trước cửa bến xe Mỹ Đình. Nhận được phản ánh của nhiều bạn đọc, phóng viên Dân trí đã khảo sát thực tế...