Xe khách trá hình: Do “phát sinh nhu cầu” (?)
Cơ quan chức năng khẳng định, những chiếc xe mà Công ty Vĩnh Quang sử dụng vào thời điểm PV ghi nhận hoàn toàn không được đăng ký chạy hợp đồng. Chính đại diện công ty này cũng có câu trả lời bất ngờ khi làm việc với PV.
“Có việc gì thì họ đi”
Sau khi đã có những trải nghiệm thực tế với những chuyến xe khách trá hình, PV đã quyết định làm việc thẳng với đại diện Công ty Vĩnh Quang. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tú – Giám đốc chi nhánh Công ty Vĩnh Quang tại Hà Nội thừa nhận, những chiếc xe Kia Sedona là xe dịch vụ của công ty.
Nhân viên công ty Vĩnh Quang xé tờ giấy được cho là hợp đồng vận chuyển đưa cho PV sau khi nhận tiền đặt chỗ từ PV. (Ảnh cắt từ clip).
“Hiện tại công ty có 5 chiếc xe loại này. Khi mua chúng tôi đăng ký phục vụ cho việc đón trả cán bộ công nhân công ty và đón trả khách trong thành phố, trung chuyển, dịch vụ miễn phí. Xe này không phải là xe hợp đồng” – ông Tú khẳng định.
Tuy nhiên, trước thông tin mà PV ghi nhận được về thực tế những chiếc xe Sedona 7 chỗ của Công ty Vĩnh Quang không chỉ chạy “loanh quanh trong thành phố” như ông Tú nói mà chạy theo tuyến, ông Tú ậm ừ “Có việc gì thì họ đi”.
Cũng trao đổi với PV về việc nhân viên công ty này đã nhiều lần xác nhận đặt chỗ qua điện thoại hoặc trực tiếp tại văn phòng cho khách lẻ, bán vé cho khách, vị giám đốc chi nhánh Công ty Vĩnh Quang nói sẽ cho kiểm tra lại.
Về việc công ty này đã sử dụng xe Sedona làm xe khách trá hình, vận chuyển khách liên tục trong ngày từ Hà Nội đến Thanh Hóa và ngược lại mà không phải đoàn khách hợp đồng, vị giám đốc chi nhánh biện minh: Đôi khi mình vẫn có những phát sinh, theo đoàn người ta phát sinh lên. Nhu cầu của người ta đi thì mình đàm phán lại giá để cho người ta đi thôi.
“Bây giờ mà cứ căn theo quy định của các cơ quan chức năng đưa ra, chuẩn đét 100% danh sách, 100% điểm đón trả thì rất khó. Mình chở một đoàn khách về Sầm Sơn, xong về đến đền Sòng người ta nói không đi đền Sòng cho người ta xuống. Xuống xong công an bắt bảo không phải điểm này, làm sao mình theo kịp”, ông Tú giãi bày.
Cũng theo thông tin từ ông Tú, ông khẳng định các xe Sedona của công ty hầu hết chở khách theo đoàn.
Tờ danh sách khách hợp đồng không có giá trị pháp lý trên chiếc xe Sedona 7 chỗ (không phải xe hợp đồng) ghi thông tin của khách, tình trạng thanh toán và điểm đi, đích đến.
Khi PV thắc mắc, việc dùng xe loại 7 chỗ để chở khách đi từ Hà Nội đến Thanh Hóa như vậy có đúng quy định, Giám đốc chi nhánh Công ty Vĩnh Quang tại Hà Nội nói: “Xe dịch vụ chạy phục vụ công ty, nhưng khi người ta có nhu cầu thì mình phục vụ người ta chứ. Từ trước đến giờ vẫn như vậy mà chẳng vấn đề gì cả”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, các xe Sedona 7 chỗ được Công ty Vĩnh Quang sử dụng đã chạy tuyến liên tục và cố định từ Hà Nội – Thanh Hóa và ngược lại với tần suất nhiều lần trong ngày.
Trên các chuyến xe được ghi nhận, chỉ có khoảng 3 đến 4 khách lẻ, hoàn toàn không phải khách hợp đồng.
Chiếc xe 7 chỗ mà công ty này sử dụng không hề được đăng ký chạy hợp đồng nhưng lái xe vẫn có một “Danh sách khách hợp đồng” không có giá trị pháp lý ghi tên tuổi từng hành khách và ghi chú đã thanh toán hay chưa.
“Như vậy là vi phạm!”
Cũng liên quan đến phản ánh này, trao đổi với Dân Việt, ông Đào Việt Long – Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội) cho biết, qua những thông tin, bằng chứng do PV Dân Việt phản ánh và cung cấp, ông có thể khẳng định công ty này đã vi phạm nhiều quy định về hoạt động kinh doanh vận tải.
Video đang HOT
Theo ông Long, về tờ giấy Hợp đồng vận chuyển nhân viên Công ty Vĩnh Quang đưa cho PV khi được yêu cầu trả vé xe, ông khẳng định đây không phải là hợp đồng vận chuyển.
“Một hợp đồng người ta phải có giấy tờ, ký thỏa thuận giữa hai bên. Đây là một hình thức biến tấu như kiểu dạng vé, bên đơn vị này người ta lách luật theo kiểu hợp đồng vận chuyển hành khách, thực hiện chạy theo xe tuyến. Trong quy định của Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 của Bộ Giao thông vận tải thì người ta có quy định rõ nghiêm cấm tất cả các hình thức như kiểu bán vé. Cái này họ đã vi phạm rồi” – ông Long nói.
Vị Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội) cũng khẳng định, nếu là xe hợp đồng thì không thể có lịch trình cố định được.
Trước phản ánh việc lái xe của công ty thu tiền hành khách trên xe hoặc tại các điểm trả khách, ông Long phân tích: “Khi lái xe thu tiền trên xe, vậy anh căn cứ vào đâu để thu tiền, căn cứ vào hợp đồng này à? Nếu mà là xe hợp đồng thì anh thu tiền thế này đã vi phạm về kinh doanh vận tải xe hợp đồng. Nghĩa là phải có hợp đồng với hành khách, không được bán vé dưới mọi hình thức”.
Sau khi được PV cung cấp biển số các chiếc xe Sedona 7 chỗ mà công ty Vĩnh Quang dùng để chở khách, vị Trưởng phòng Quản lý vận tải này cho biết, hai chiếc xe PV nêu không được cấp phù hiệu xe hợp đồng tại Hà Nội.
“Nếu đã quản lý ở Thanh Hóa thì đây là biển xe ở Hà Nội, bao giờ cũng phải có xác nhận, phải được đầu Hà Nội xác nhận là chưa cấp phù hiệu xe hợp đồng thì phía Thanh Hóa mới bắt đầu cấp, tránh tình trạng hai đầu đều cấp. Theo dữ liệu của Sở GTVT Hà Nội thì 2 xe này chưa được cấp mà người ta đang sử dụng xe cá nhân để kinh doanh” – ông Long nói.
Chiếc xe khách “trá hình” của công ty Vĩnh Quang dừng đón khách ở trên cao tốc Hà Nội – Ninh Bình.
Trước tình trạng xe khách trá hình xe tư nhân đang nở rộ dưới nhiều hình thức, Trưởng phòng Đào Việt Long cũng chia sẻ nhiều băn khoăn.
Theo ông, đối với xe hợp đồng, mặc dù biết đây là loại hình rất tiện lợi và nhiều người ủng hộ, tuy nhiên, theo quy định về kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp làm theo cách thức này là đang vi phạm luật. Ngoài ra còn tạo ra sự cạnh tranh không công bằng trong kinh doanh vận tải. Đó là chưa kể Nhà nước cũng thất thu đối với kiểu vận chuyển hành khách trá hình này.Ông Long cũng cho biết thêm, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đang tham mưu cho Chính phủ để sửa đổi Nghị định 86 của Chính phủ trước những bất cập đang xảy ra với hình thức xe hợp đồng.
Tăng nặng, quy định thêm hình thức xử phạt Trao đổi về những bất cập của xe hợp đồng, ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ GTVT cho biết, Bộ này đã ban hành Thông tư số 10 quy định hình thức xử lý các xe vi phạm, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị thu hồi phù hiệu, thu hồi giấy phép kinh doanh. Đặc biệt, ông Ngọc cũng cho biết, cơ quan này cũng đã báo cáo Thủ tướng ban hành Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Trong đó có những hình thức xử phạt hoàn toàn mới. Các loại xe hoạt động trá hình hay vi phạm những lỗi nào sẽ tăng nặng hình phạt lỗi đó hay quy định thêm hình thức xử phạt. Ông Ngọc cũng cho biết cơ quan đang tiến hành khẩn trương các biện pháp để sớm khắc phục những kẽ hở đối với xe hợp đồng.
Theo Danviet
Xe khách trá hình: Lật tẩy những chiêu trò tinh vi
Đón trả khách không đúng vị trí quy định, bán vé nhưng lại là tờ giấy ghi hợp đồng vận chuyển không ghi tên hành khách hay thu tiền trực tiếp trên xe... là một trong những chiêu trò mà PV đã ghi nhận được trong suốt hành trình thực tế trên các chuyến xe khách trá hình của nhà xe Vĩnh Quang.
Lái xe thừa nhận xe chạy "chui"
Để tận mắt chứng kiến những mánh khóe lách luật nhằm qua mắt lực lượng chức năng, PV Dân Việt đã lên thực tế trên nhiều chuyến xe của Công ty Vĩnh Quang xuất phát từ Hà Nội vào Thanh Hóa và ngược lại.
Tài xế H thu tiền của khách ngay trên xe và cũng chính tài xế này tiết lộ những chuyến xe anh đang chạy cho Công ty Vĩnh Quang là chở khách. (Ảnh cắt từ clip)
Theo lịch trình đã được đặt qua điện thoại với công ty, đúng giờ hẹn, PV chờ xe dưới đường vành đai 3, đoạn khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai).
Đúng giờ hẹn, một chiếc ô tô đi tới, phải mất đến vài phút PV mới thực sự thoát khỏi cảm giác ngờ vực khi một chiếc xe liên tục nháy đèn và tài xế ra tín hiệu lên xe.
Chỉ đến khi cánh cửa xe tự động mở ra, PV mới chắc chắn đây chính là chiếc xe của Công ty Vĩnh Quang. Thoáng thấy đã có vài hành khách trên xe.
Chiếc xe này không phải là những chiếc xe limousine như các nhà xe thường sử dụng mà là một xe hiệu Sedona của hãng Kia màu trắng, loại 7 chỗ.
Nhìn từ phía bên ngoài, chiếc xe này không có phù hiệu xe hợp đồng dán phía trước và cũng không có ghi tên của Công ty Vĩnh Quang trên thân xe. Nó nhìn không khác gì một chiếc xe gia đình.
Tờ giấy ghi nội dung Hợp đồng vận chuyển hành khách có kích thước như chiếc vé thông thường mà Công ty Vĩnh Quang đưa cho PV và không có tên tuổi khách hàng.
Trên xe lúc này có 2 hành khách, lái xe nhanh chóng cho xe nhập làn cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. Chiếc xe này mang biển số 30E-35825 do tài xế H (SN 1983, Thanh Hóa) điều khiển.
Khi xe đã chạy ổn định trên cao tốc, lái xe H thủng thẳng "em bảo anh lên nhanh không có công an họ bắt" rồi nhìn về PV. Lái xe này cho biết, đoạn đường PV đứng chờ cấm ô tô đón, trả khách.
Xác nhận với PV đây là chiếc xe của Công ty Vĩnh Quang, H tự giới thiệu mình là một lái xe mới của công ty. H "khoe" tháng này chắc anh không còn nhiều lương vì bị phạt quá nhiều lỗi tốc độ.
Theo người đàn ông này, việc chạy xe quá tốc độ thì lái xe sẽ phải bỏ tiền túi ra nộp phạt. Nhưng vì miếng cơm, manh áo, anh vẫn "cố" nhấn ga để đi nhanh, vừa có thời gian nghỉ ngơi giữa các chuyến, lại vừa cố tăng thêm chuyến.
"Mỗi ngày xe em chạy được 4 chuyến cả 2 đầu Hà Nội và Thanh Hóa. Giá vé xe limousine là từ 160.000 - 180.000 đồng/khách, xe Sedona là 200.000 đồng/khách" - H nói.
H cho biết, loại xe Sedona 7 chỗ công ty có khoảng 6 chiếc. Công ty Vĩnh Quang có tổng cộng khoảng 14 xe, 6 xe Sedona 7 chỗ, 8 xe limousine được đặt ở cả Hà Nội và Thanh Hóa.
Mặc dù vừa kêu ca với các hành khách trên xe rằng hay bị phạt lỗi quá tốc độ nhưng trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, H "phóng" khá nhanh. Chiếc xe đang lao nhanh chốc chốc lại phanh kít lại hoặc đánh lái bất ngờ vì có xe phía trước khiến khách dúi dụi.
Trong chuyến xe, lái xe H thừa nhận một mánh khóe chỉ người trong cuộc mới am tường.
"Lái xe H: Có xe limousine hay bị bắt suốt, bắt giấy hợp đồng. Xe đấy bị "soi" tợn.
PV: Giấy hợp đồng là cái gì?
Lái xe H: Hợp đồng hành khách ấy. Chữ ký hành khách rồi số điện thoại, rồi địa chỉ. Xe đấy bị xe giường nằm kiện này.
PV: Kiện vì sao?
Lái xe H: Ví dụ như nó vớt hết khách của xe giường nằm. Xe giường nằm bây giờ phải mua "lốt", đóng thuế.
PV: Thế còn xe kia không phải làm à?
Lái xe H: Xe kia dạng chui, giống xe này. Người ta gọi là xe "dù" đấy. Giờ mấy xe giường nằm mất 70% khách.
PV: Thế là cảnh sát cứ gặp xe limousine là lại hỏi giấy hợp đồng à?
Lái xe H: Ờ, lại hỏi giấy hợp đồng.
PV: Còn xe này thì sao?
Lái xe H: Xe này như xe cá nhân bình thường. Mình dặn hành khách hễ mà nó hỏi thì bảo xe gia đình đi chùa chiền này kia".
Khách tự ghi tên tuổi
Dường như nhận thấy mình đã lỡ lời, H im bặt trong gần suốt chặng đường còn lại, sau khi đeo thêm chiếc kính đen lên mắt.
Khi đến TP.Thanh Hóa, H trực tiếp hỏi tiền 3 hành khách rồi tiến hành truy thu 600.000 đồng/3 người ngay trên xe khi xe vẫn đang di chuyển.
Tiếp sau đó, lái xe này hỏi 2 hành khách trên xe xuống địa điểm nào và tạt vào lề đường, cho 2 khách trên xuống rồi tiếp tục hành trình về văn phòng Công ty Vĩnh Quang tại số 143 Lê Hồng Phong (TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa), bất chấp địa điểm trả khách của lái xe có đúng quy định hay không.
Tài xế dừng xe trả khách giữa đường và thu tiền vé xe của khách. (Ảnh cắt từ clip)
Đến điểm cuối là văn phòng Công ty Vĩnh Quang, khi PV đề nghị nhận vé của chuyến đi, nữ nhân viên trực liền rút ngay một tập vé và xé ra đưa cho PV. Thấy tấm vé trống không ghi gì, PV thắc mắc nữ nhân viên này về việc ghi tên tuổi khách hàng, nữ nhân viên xuề xòa "cái này anh tự ghi đi" rồi tiếp tục chăm chú vào màn hình.
Tuy nhiên, tấm vé mà PV nhận được không phải là một tấm vé thông thường. Trên tờ giấy này ghi rõ: Hợp đồng vận chuyển hành khách (Loại Hợp đồng cá nhân); Liên 2: Giao khách hàng và có các thông tin bên vận tải và bên thuê.
Tất nhiên, các thông tin cần ghi trên vé đều để trống và kích thước của tờ Hợp đồng vận chuyển hành khách này chẳng khác gì một chiếc vé.
Theo tìm hiểu của PV, các chuyến xe từ Hà Nội đến Thanh Hóa của công ty này và ngược lại di chuyển liên tục với tần suất 1 tiếng/chuyến. Tại Hà Nội, giờ xuất phát là 5h30 phút, kết thúc vào 20h30 cùng ngày; tại Thanh Hóa xuất phát lúc 3h30 phút, kết thúc lúc 20h30 cùng ngày.
Khách hàng được chuyển sang một xe trung chuyển khác giữa đường. (Ảnh cắt từ clip)
Theo tính toán, với lịch trình 4 chuyến/xe/ngày, mỗi ngày Công ty Vĩnh Quang xuất bến hơn 50 chuyến xe cả hai đầu Hà Nội và Thanh Hóa. Trong hàng chục chuyến xe này, có rất nhiều chuyến xe chở khách lẻ được công ty sử dụng xe Sedona trá hình để qua mặt cơ quan chức năng.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt trên nhiều chuyến xe khác từ Hà Nội đi Thanh Hóa và ngược lại của nhà xe Vĩnh Quang, nhà xe này liên tục xác nhận đặt chỗ, bán tờ giấy giống vé; thu tiền của khách lẻ; đón trả khách không đúng điểm dừng.
(Còn nữa)
Theo Danviet
Ông Mai Tiến Dũng: Không 'xử' xe quá tải thì hạ tầng sẽ hỏng hết Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ giao thông đẩy mạnh xử lý xe quá tải, bởi mới đây ông trực tiếp đoàn xe quá tải "chạy nườm nượp trên đường" khi đi công tác ở tỉnh. Ngày 21/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng)...