Xe khách bị biến thành “xe quảng cáo” lạ, Cục Đăng kiểm nói gì?
Gần đây, xuất hiện một xe ô tô có hình dáng giống xe khách, in kín mít quảng cáo, gây sự chú ý quá mức của người tham gia giao thông .
Xe khách 20B-012.85 in kín mít quảng cáo xung quanh xe (Ảnh chụp ngày 28/6 trên đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội)
Thời gian gần đây, trên một số tuyến đường tại Hà Nội như: Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu… xuất hiện một số xe ô tô hình dáng giống xe khách 45 chỗ ngồi, xung quanh xe có in hình ảnh sản phẩm điều hòa nhiệt độ, logo thương hiệu và dịch vụ của một hãng kinh doanh điện máy. Đơn cử chiếc xe có biển số 20B-012.85thường xuyên di chuyển chậm nhằm mục quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của hãng điện máy.
“Tôi thấy nhiều xe khách, xe buýt cũng dán hình ảnh, thông tin quảng cáo bên ngoài xe, nhưng ít thấy trường hợp nào dán thông tin quảng cáo kín mít như chiếc xe trên. Không rõ chiếc xe có được cấp chứng nhận đăng kiểm để lưu thông không?”, bạn đọc Nguyễn Trung Thưởng (Ngõ 43, đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) phản ánh.
Tương tự, một số bạn đọc khác cũng cho biết, thi thoảng bắt gặp trên đường các xe chở người loại trên dưới 50 chỗ ngồi dán hình ảnh thông tin quảng bá sự kiện có màu sắc sặc sỡ, phủ kín hai bên thân xe, khiến người điều khiển phương tiện giao thông khác bị chú ý quá mức.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/6, ông Đặng Trần Khanh, Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, thực tế việc thông tin quảng cáo trên xe ô tô khá phổ biến. Luật Quảng cáo cho phép quảng cáo trên xe ô tô, với yêu cầu tuân thủ quy định về cách thức quảng cáo trên phương tiện giao thông.
Một số quy định cụ thể như: không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện; sản phẩm không vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt được phép quảng cáo… Ngoài ra, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất ATGT như: che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe.
Xe buýt Hà Nội có dán hình ảnh quảng cáo bên ngoài xe
Video đang HOT
“Khi đăng kiểm định kỳ xe ô tô tham gia giao thông, các trung tâm đăng kiểm sẽ đánh giá về thực tế cách thức thông tin quảng cáo trên phương tiện, nếu đánh giá không đảm bảo an toàn khi phương tiện lưu thông sẽ không cấp chứng nhận kiểm định”, ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, một số mẫu xe buýt tại Hà Nội trước khi triển khai dán quảng cáo trên xe đã được Cục Đăng kiểm VN thử nghiệm về ảnh hưởng, mức độ an toàn về tầm nhìn từ trong xe ra ngoài; khả năng thoát hiểm (đập vỡ kính) trong tình huống cần thoát hiểm và cho thấy kết quả đảm bảo an toàn.
Về trường hợp cụ thể liên quan đến chiếc xe 20B-012.85 dán kín mít quảng cáo trên xe, ông Đặng Trần Khanh cho biết, phương tiện trên không đủ điều kiện để được cấp chứng nhận kiểm định để tham gia giao thông.
“Qua kiểm tra dữ liệu đăng kiểm cho thấy, phương tiện trên là xe khách, sản xuất năm 1999, đăng ký tên cá nhân, có địa chỉ tại xã Nam Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên, được một trung tâm đăng kiểm cấp chứng nhận đăng kiểm ngày 22/6/2019. Hình ảnh lưu trữ thể hiện, tại thời điểm đăng kiểm, chiếc xe trên có màu sơn đỏ và không dán thông tin quảng cáo nào trên thân xe.
Như vậy, sau khi được cấp chứng nhận đăng kiểm, có thể chủ phương tiện đã tự ý dán thông tin quảng cáo lên xe. Phương tiện trên khi vào đăng kiểm định kỳ tiếp theo sẽ không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Ngoài ra, khi lưu thông trên đường sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt do lỗi thay đổi màu sơn hoặc vi phạm quy định về quảng cáo”, ông Khanh cho biết thêm.
Được biết, theo quy định tại Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi tự ý thay đổi màu sơn xe so với màu ghi trong giấy đăng ký xe bị phạt 300.000 – 400.000 đồng (đối với cá nhân), 600.000 – 800.000 đồng (đối với tổ chức).
Theo Baogiaothong
Sát hạch cấp giấy phép lái xe: Nỗi lo 'bao đỗ, chống trượt'
Sự an toàn khi tham gia giao thông sẽ như thế nào, khi những gói thi nhanh, chống trượt, bao đỗ trong đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe ... vẫn đều đặn tuyển sinh hàng ngày?
Số lượng vụ tai nạn giao thông đường bộ hàng năm vẫn rất lớn, 70% do xe máy gây ra. Trong khi đó, kiến thức về lái xe an toàn của người tham gia giao thông rất kém, chỉ có 28% số người được hỏi trả lời đúng 50% số câu hỏi về an toàn giao thông và luật giao thông đường bộ.
Ý thức kém gây tai nạn giao thông
Nghiên cứu của Trường Đại học Việt Đức, năm 2018 cho biết, xe máy hiện là phương tiện đi lại phổ biến nhất tại Việt Nam, với 74% số người sử dụng để đi lại hàng ngày. Xe máy được ưa chuộng bởi có chi phí thấp, linh hoạt và giảm thời gian di chuyển. Đến sau năm 2030, xe máy vẫn đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo, có thị phần lớn tại Việt Nam.
Kiến thức về lái xe an toàn của người tham gia giao thông rất kém.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, kiến thức về lái xe an toàn của người tham gia giao thông rất kém, chỉ có 28% số người được hỏi trả lời đúng 50% số câu hỏi về an toàn giao thông và luật giao thông đường bộ.
Số lượng vụ tai nạn giao thông đường bộ hàng năm vẫn rất lớn, mà 70% do xe máy gây ra. Liên quan đến vấn đề ATGT, nghiên cứu riêng của Trường Đại học Việt Đức tại tp Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tai nạn giao thông do nguyên nhân chủ quan chiếm tới 86% trong tổng số các nguyên nhân.
Trong đó, hành vi lái xe không an toàn (phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá gần, sử dụng điện thoại khi lái xe...) chiếm 42,2%; nhóm nguyên nhân liên quan đến kỹ năng lái xe (phanh gấp...) chiếm 21,2%; liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật ATGT (đi ngược chiều, uống rượu/bia khi lái xe...) là 22,6% và nhóm nguyên nhân khách quan do môi trường xung quanh chỉ chiếm 14%. Đặc biệt, số lượng tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tại TP Hồ Chí Minh tăng đáng báo động ở mức gần 200% trong thời gian qua.
Còn số liệu thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6.804 vụ giao thông đường bộ xảy ra, nguyên nhân do người điều khiển vi phạm làn đường, phần đường chiếm 25,42%; do chuyển hướng không chú ý chiếm 10,37%; do vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 7,73%; do vi phạm quy trình thao tác lái xe chiếm 7,7%; do sử dụng rượu bia chiếm 3,36%...
Trong số 822.090 trường hợp lái xe motor vi phạm, có 432.163 (52,57%) không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội nhưng không cài quai. Năm 2018 toàn quốc xảy ra 18.736 vụ TNGT đường bộ, trong đó có 8.248 trường hợp tử vong, 14.802 người bị thương, trung bình mỗi ngày có 22 người ra khỏi nhà mà không trở về.
Nói chung, trong số các nguyên nhân được nghiên cứu đánh giá, thì yếu tố con người đóng góp tới trên 80% số vụ tai nạn giao thông, chủ yếu là vi phạm các quy tắc an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia...
Ngoài ý thức của người tham gia giao thông, thì chất lượng đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe vẫn đang là câu hỏi lớn. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe ngày càng được nâng cao. Nếu như giai đoạn 1990 số người chết do TNGT trên 100.000 giấy phép lái xe là 500-700 người, thì đến nay còn dưới 20 người. Năm 2018 con số này chưa đến 16 người. Chất lượng đào tạo và sát hạch có nhiều chuyển biến tốt.
Tuy nhiên, so với các quốc gia như Nhật, Anh, Đức... số người chết do TNGT trên 100.000 giấy phép lái xe chỉ từ 2-3 người, thì vẫn còn khoảng cách khá lớn. Bộ GTVT và các địa phương đã điều chỉnh quy định và thực hiện công tác thanh tra giám sát, chặt chẽ, nên các trung tâm đào tạo, sát hạch đã tuân thủ nghiêm. Nhưng vẫn có những trung tâm chưa hiện nghiêm các quy định, có hiện tượng như bao đỗ, dạy mẹo... để vượt qua sát hạch.
Nỗi lo đào tạo lái xe
Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều người tham gia giao thông có giấy phép nhưng ý thức, kiến thức về an toàn giao thông rất kém. Theo phản ánh của báo chí, ngay tại Hà Nội dịch vụ thi bằng lái xe ô-tô, xe máy với gói "chống trượt" đang diễn ra công khai, tràn lan.
Thi lý thuyết trên máy tính chỉ cần ngồi im, sẽ có cán bộ qua xử lý giúp. Trọn gói, "bao luật, đảm bảo đỗ 100%", "có bằng nhanh, tỷ lệ trượt 0%" ... đó là những lời khẳng định của không ít các trung tâm đào tạo lái xe máy ở Hà Nội. Nhiều trung tâm đưa luôn các gói dịch vụ cho khách hàng lựa chọn: hồ sơ bình thường có giá dao động từ 250 nghìn - 300 nghìn đồng và hồ sơ VIP bao chống trượt cả lý thuyết lẫn thực hành có giá từ 500 nghìn - 1,2 triệu đồng.
Sự an toàn khi tham gia giao thông sẽ như thế nào, khi những gói thi nhanh, chống trượt, bao đỗ... vẫn đều dặn tuyển sinh hàng ngày?
Ủy ban ATGT Quốc gia mới đây đã hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tiến hành Dự án nghiên cứu trong năm 2019 về: "Thực trạng công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam và giải pháp cải thiện".
Theo ông Khuất Việt Hùng, dự án hoàn thành, sẽ cho cái nhìn rõ hơn về thực trạng điều khiển giao thông và người tham gia giao thông, hiện trạng của hoạt động đào tạo và cấp phép lái xe tại Việt Nam. Dự án nghiên cứu cũng sẽ làm rõ các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam; đề xuất những cải tiến về chính sách, quy định, với công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, vùa qua Chính phủ đã có chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe để đảm bảo tính minh bạch và nghiêm minh của hoạt động này. Đồng thời cũng yêu cầu Bộ Công an khi phát hiện thông tin gian lận trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, có chuyên án xử lý nghiêm.
Trần Thủy
Theo Vietnamnet
Xe bồn bốc cháy dữ dội sau va chạm trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên Chiếc xe bồn chở xăng bốc cháy dữ dội sau khi va chạm với xe chở mùn cưa trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Cụ thể, khoảng 14h ngày 13.4, tại Km36 trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc địa phận thôn Tảo Địch, xã Tân Phú, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đã xảy ra một vụ va chạm...