Xe dù “quậy” ngày lễ
Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp lễ lớn, tình hình bát nháo tại các bến xe lại tiếp tục tái diễn. Các xe dù vẫn ngang nhiên bắt khách trên các đường quốc lộ, bất chấp sự an nguy tính mạng hàng chục hành khách trên xe.
Mới 7 giờ sáng 30-4, nhưng không khí tại Bến xe miền Đông đã nóng bức, ngột ngạt, với hàng ngàn tiếng ồn ào huyên náo, rất nhiều cò xe chặn khách ngay từ đầu cổng để lôi kéo. Khi chúng tôi hỏi vé từ TPHCM về Đắk Lắk giá bao nhiêu, một cò xe cho biết ngày lễ đông nên giá xe chất lượng cao là 300.000đ. Thấy chúng tôi chê mắc vì vé xe trong bến chỉ có 200.000đ, anh ta phân trần: “Tuy vé xe trong bến rẻ, nhưng các chị phải ngồi chờ xe đủ mới chạy, không những vậy, dù mua vé hàng nào thì cũng bị nhét ở cuối xe, chưa kể sự phân biệt đối xử của nhà xe đối với những khách mua vé”. Thấy chúng tôi còn chần chừ, anh ta bồi thêm: “Hai chị không đi sớm, lát nữa không có xe mà đi đâu, thôi để em sắp xếp chỗ cho lẹ”. Cuối cùng chúng tôi quyết định mua hai chỗ với giá 560.000đ. Trên xe chỉ lác đác vài người, nhìn đồng hồ lúc này đã là 7 giờ 30 sáng, nhưng xe không có dấu hiệu “chạy liền” như lời cò xe quảng cáo. Ngồi trên xe, chúng tôi thấy có khá nhiều người cũng được “áp tải” lên xe theo kiểu mua chỗ. Trời bắt đầu nắng, xe không có máy lạnh lại đông người nên có vài hành khách bắt đầu phản đối khi phải chờ đợi quá lâu. Sau gần hai tiếng chờ đợi, xe mới bắt đầu rời bến. Lúc này chúng tôi mới biết vé của hành khách mua xuất bến là 9 giờ.
Xe vừa rời khỏi bến chưa tới 500 mét thì điệp khúc bắt khách được thực hiện. Những màn lôi kéo, hò hét, cắt đầu xe khác của tài xế khiến nhiều hành khách xanh mặt. Khi xe gần tới ngã tư Bình Phước, đột nhiên lơ xe nhảy xuống kéo vội một phụ nữ lên xe, phía sau là gã đàn ông vừa đuổi theo bằng xe máy vừa chửi rủa. Xe chạy được một quãng người phụ nữ mới dám kể lại sự việc. Chị cho biết mình tên Thảo, quê ở Gia Lai. Nhân dịp nghỉ lễ dài ngày nên tranh thủ ra bến xe mua vé về quê, nhưng vì tới trễ nên vé lúc 9 giờ đã hết, chị đành phải chờ. Đang lúc ngồi chờ thì có mấy gã xe ôm tới “mách nước”, chỉ cần bỏ tiền xe ôm ra ngã tư Bình Phước đón xe bảo đảm rẻ hơn trong bến rất nhiều. Đang lúc cần về quê gấp nên chị đồng ý với điều kiện vé xe không được vượt quá 200.000đ. Không ngờ ra tới nơi tất cả các xe khách đều không chịu giá dưới 200.000đ, như vậy cộng thêm tiền xe ôm chị phải trả 240.000đ, trong túi lúc này lại chỉ có 230.000đ, nên khi chị Thảo đồng ý trả tiền xe khách là 200.000đ và tiền xe ôm là 30.000đ thay vì 40.000đ như lúc đầu, gã xe ôm trở mặt và rượt theo chị chửi bới suốt cả một quãng đường dài.
Sau khi vòng đi vòng lại liên tục năm lần quanh khu vực ngã tư Bình Phước, chiếc xe mới chịu xuất phát thật sự. Trên xe lúc này đã có hơn 40 người chen chúc kẻ đứng người ngồi. Đến khu vực Đồng Xoài, có khách yêu cầu chở thêm hàng chục thùng hàng lớn bé thì nhà xe vẫn đồng ý. Để đủ chỗ, họ thay hết những chiếc ghế nhựa khách đang ngồi thành thùng hàng và bất chấp sự la ó phản đối của hành khách. Các phụ xe vẫn ép khách phải ngồi lên trên vì nếu không ngồi thì cũng không còn chỗ mà đứng. Sau một hồi phản đối, hành khách đành ngán ngẩm chấp nhận. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Tới Bình Phước, đường đang thi công rất bụi, nhưng tài xế vẫn phóng như điên, có lúc xe rơi vào ổ gà rồi chồm lên tưởng chừng như sắp lao vào giải phân cách. Vì không chịu nổi cách chạy như “ăn cướp” nhiều hành khách nôn thốc nôn tháo. Sau những màn biểu diễn rợn người, xe dừng bánh trước quán cơm tại thị trấn Gia Nghĩa. Mặc dù không đói nhưng tôi và cô bạn đồng nghiệp vẫn xuống xe vào quán. Ngồi sát bàn chúng tôi là nhóm tài xế xe khách. Vừa ăn cơm vừa bàn luận, họ “bán” hành khách của xe mình cho xe khác như một món hàng không hơn không kém. Một tài xế vừa đưa tiền cho một đồng nghiệp vừa nói: “Tại công an quần dữ quá, chứ không còn lâu tui mới đưa ông kèo này, mà liệu nhét vừa vừa thôi, cái thắng của xe ông bà Thủy (chủ xe – PV) hình như chưa có thay, coi chừng lại đổ đèo thì bỏ mẹ”. Nghe cuộc trao đổi, mua bán khách của các tài xế mà tôi và cô bạn thấy lạnh gáy.
Cứ đến các mùa lễ, tết xe dù lại hoạt động bát nháo, công khai bất chấp nguy hiểm tính mạng của nhiều hành khách, và dù đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do những “ hung thần” xe khách gây ra nhưng trình trạng trên vẫn không thay đổi.
Theo Công An TP
Video đang HOT
Hà Nội chóng mặt vì xe dù, bến cóc dịp Tết
Mặc dù liên ngành Công an Thành phố Hà Nội và Sở GTVT đã có kế hoạch xử lý nghiêm tình trạng xe khách nhồi nhét, chạy vòng vo, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định.
Nhưng cho đến thời điểm những ngày cận kề Tết, tình trạng xe "dù" bến "cóc" vẫn ngang nhiên hoạt động gần khu vực bến xe phía Nam Hà Nội.
Chóng mặt vì... xe "dù", bến "cóc"
Sáng sớm 26/1, thay vì vào bến Giáp Bát (Hà Nội) bắt xe về quê để đón Tết ông Táo, thì bác Nguyễn Văn Ngọc (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) lại ra "bến cóc" trên phố Kim Đồng để bắt xe về quê.
Bác Ngọc bảo, bác không muốn vào bến Giáp Bát vì trong bến "cò xe" chèo kéo và xe ra khỏi bến rất lâu nên đành phải ra đứng bắt xe ven đường cho nhanh. Thế nhưng, khi đến phố Kim Đồng, thấy có 5 -6 chiếc xe chở khách đi tuyến Hà Nội - Thanh Hoá cứ lượn đi lượn lại trước mặt khiến bác Ngọc hoa hết cả mắt và không biết phải đi xe nào. Suy đi tính lại, bác Ngọc quyết định bắt chiếc xe mang biển kiểm soát 29T -57.. vì thấy xe đã có đông hành khách. Nhưng khi lên xe rồi bác mới thấm thía được nỗi khổ đi "xe dù" là như thế nào. Chiếc xe bác Ngọc đi chạy lòng vòng từ phố Kim Đồng ven theo đường Giải Phóng và vòng ngược lại 4 - 5 vòng khiến cho bác bị say xe và phải năm nỉ tái xế mới cho xuống.
"Biết xe dù hay lượn vòng vo bắt khách, nên khi thấy xe này đông nhất tôi lên với hy vọng sẽ được đi ngay, nhưng ai ngờ... xe chạy 4 - 5 vòng, đảo đi đảo lại khiến đầu óc tôi quay cuồng. Tôi bị huyết áp thấp nên cứ mỗi lần xe lượn vào ven đường bắt khách là tôi lại hoa mắt chóng mặt, người nôn nao hết cả", bác Ngọc than thở.
Những ngày giáp Tết xe dù vẫn ngang nhiên dừng bắt khách mà không thấy bị xử phạt.
Cũng sáng ngày 26/1, vợ chồng anh Lâm ở Hải Hậu, Nam Định cùng con nhỏ sau những ngày tháng làm ăn ở Hà Nội đã quyết định về quê để chuẩn bị sắm Tết. Nhưng khi đưa vợ và con vào bến xe Giáp Bát, anh Hậu không khỏi khó chịu trước tình trạng các lơ xe chèo kéo, lôi ào dào khách lên xe.
Sau khi lên được chiếc xe về Nam Định, đợi hàng giờ đồng hồ mà xe không chịu rời bến, anh Lâm đành đưa vợ và con ra đường Giải Phóng đón xe khách.
Nhiều người ngại vào bến đã đứng ở phố Kim Đồng để đón xe.
Vừa đặt chân ra đến đường Giải Phóng, gia đình anh Lâm bị ngay một cò xe tuyến Nam Định kéo lên. Nhưng sau khi lên xe rồi thì vợ chồng anh mới tá hỏa vì xe cứ chạy vòng đi vòng lại tới 7-8 lần từ đường Kim Đồng đến bến xe Nước Ngầm rồi ngược lại, khiến con anh lại nôn thốc nôn tháo. Cuối cùng, cả nhà anh Lâm lại phải xuống xe.
"Khi lên xe họ cứ nói chạy ngay, nhưng rồi cứ hết lý do chờ lấy hàng rồi đổ xăng... nên xe lượn đi lượn laị đến 7 - 8 vòng vẫn không thấy đi. Tôi có xin xuống xe nhiều lần nhưng họ cứ nói "đi ngay bây giờ, 5 phút nữa...". Chỉ đến khi con gái tôi nôn oẹ, khóc nức nở trên xe và nhờ hành khách trên xe nói mãi, lúc đó lơ xe mới chịu mở cửa cho vợ chồng tôi xuống", anh Lâm cho biết.
Bó tay với "xe dù"?
Được biết, lực lượng chức năng liên ngành Công an TP. Hà Nội và Sở GTVT đã có kế hoạch xử lý nghiêm tình trạng xe khách nhồi nhét, chạy vòng vo, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định để bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn thành phố trong dịp trước, trong và sau Tết Tân Mão.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, sáng và chiều ngày 26/1, dọc phố Kim Đồng có hàng chục xe khách tuyến Hà Nội - Thanh Hoá, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thái Bình... thi nhau lượn lờ bắt khách ven đường Giải Phóng. Điều đáng chú ý là "cò xe" mặc sức dừng xe xuống nài kéo khách lên xe mà rất ít khi có lực lượng đảm bảo trật tự xử lý. Tình trạng này khiến cho nút giao thông Kim Đồng - Giải Phóng thường xuyên bị tắc nghẽn cục bộ.
Dọc đường Kim Đồng lúc nào cũng có 9- 10 xe "dù" thay nhau đậu và lượn bắt khách.
Được biết, trong cuộc họp liên ngành kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ Tết của các bến xe sáng 26/1, ông Nguyễn Văn Thành, Phó phòng CSTT và Quản lý hành chính (Công an TP.Hà Nội) cho biết: Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, lực lượng phản ứng nhanh được lệnh kiểm tra các khu vực trong bến xe và xung quanh bến xe nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tình trạng "xe dù", "bến cóc", chèn ép, bán khách.
Tuy nhiên, với thực trạng xe "dù" bến "cóc" như ở gần khu vực bến xe phía Nam, thì lực lượng an ninh trật tự cần phải mạnh tay hơn nữa để xử lý. Cũng tại cuộc họp liên ngành kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ Tết của các bến xe, một vấn đề "nóng" được đưa ra bàn luận, đó là việc lộn xộn tại cổng ra của bến xe Giáp Bát.
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng: Thời gian qua báo chí đã nêu nhiều về việc lộn xộn tại cổng ra vào, nhưng đến nay hiện tượng tắc nghẽn vẫn xảy ra. Trước tình hình này, ông Thành yêu cầu lực lượng kiểm soát tại cổng bến xe cần phải thực hiện tốt hơn, nghiêm khắc trong việc xử phạt các trường hợp xe vi phạm cố tình không rời khỏi cổng bến.
Theo Vietnamnet
Khách về quê méo mặt vì nhà xe cũng làm "cò" Bến xe quá tải vì khách vẫn không thể kiếm tìm vé về quê, trong khi nhiều người phải tìm đến xe "dù", một số khách phải cậy đến nhân viên nhà xe khi mua vé. Khách vô vọng kiếm vé xe 18h ngày 29/4, hành khách đổ về bến xe miền Đông đông nghịt. Nhiều hành khách dù đã chen chân quyết...