Xe điện và chặng đường lịch sử ít ai ngờ tới
Ít ai ngờ rằng loại hình phương tiện của tương lai là xe điện lại có lịch sử hình thành từ khoảng 1,5 thế kỷ trước.Hiện nay, xe điện đang xu thế phát triển tất yếu đối với giao thông đường bộ khi yêu cầu về cắt giảm khí phát thải trở nên cấp bách với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, loại hình xe điện cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh thương hiệu nội địa VinFast đã chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện, nhiều hãng xe nhập khẩu khác cũng tiết lộ về kế hoạch phát triển xe điện với lộ trình ngắn để thay thế hoàn toàn các loại xe động cơ đốt trong.
Cùng Tạp chí Giao thông tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của loại hình xe điện đang ngày càng được các nhà sản xuất và người tiêu dùng quan tâm.
NHỮNG CHIẾC Ô TÔ ĐIỆN ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI
Cách đây 163 năm, Gaston Planté, nhà vật lý người Pháp đã lần đầu tiên phát minh ra pin sạc và các vật dụng lưu trữ điện năng trên xe. Đến năm 1880, nhà phát minh Gustave Trouvé đã tiến hành cải tiến một động cơ điện nhỏ và được hãng công nghệ Siemens phát triển cùng với pin sạc để gắn vào chiếc xe 3 bánh của James Starley, một nhà sáng chế người Anh. Như vậy, có thể coi chiếc xe 3 bánh này chính là phương tiện giao thông chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới.
Mặc dù vậy, khái niệm xe điện chỉ thực sự hình thành vào năm 1884 khi nhà phát minh Thomas Parker chế tạo chế tạo chiếc ô tô điện hoàn chỉnh đầu tiên. Chiếc xe được khai sinh ở Wolverhampton (Anh) ngay lập tức đã được giới quý tộc châu Âu ủng hộ. Trong đó, Pháp và Anh là hai quốc gia ủng hộ đưa xe điện trở thành phương tiện giao thông thường xuyên.
Tại Mỹ, khoảng năm 1890 – 1891, nhà phát minh William Morrison đã chế tạo một mẫu ô tô điện 6 chỗ ngồi. Chiếc xe này có thể đạt tốc độ 23 km/h. Nhưng phải chừng 5 năm sau đó, người Mỹ mới bắt đầu quan tâm đến xe điện khi nhà thiết kế A.L. Ryker giới thiệu chiếc xe điện 3 bánh của mình.
Một điểm rất đáng chú ý là dù ở ngay giai đoạn sơ khai, những chiếc ô tô điện đã liên tiếp lập được kỷ lục về tốc độ. Chiếc xe đạt được tốc độ cao nhất là Jamais Contente khi đạt vận tốc 105,88 km/h. Kỷ lục tốc độ này được thực hiện bởi tay đua Camille Jenatzy vào ngày 29/4/1899.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xe điện đã tạo nên một trào lưu mới trong giao thông bởi những lợi thế của mình. Khi ấy, các loại phương tiện chạy bằng hơi nước và xăng thường ồn ào và tốc độ cũng chưa cao. Trong khi đó, xe điện lại êm ái hơn, không rung lắc, không thải khói và mùi xăng. Chưa kể, người dùng xe điện cũng không phải mất công “quay tay” để khởi động động cơ.
Chính vì vậy, vào thập niên 1900, xe điện đã trở thành một trào lưu tại Mỹ. Theo thống kê thì giai đoạn này, tính riêng tại Mỹ có khoảng 40% ô tô chạy bằng hơi nước, 22% xe chạy xăng và có đến 38% là xe chạy điện. Dù đi sau châu Âu nhưng Mỹ đã trở thành quốc gia phổ biến nhiều xe điện nhất thế giới khi có đến gần 34.000 chiếc xe điện được đăng ký lưu hành.
Tuy nhiên, xe điện cũng đã sớm đi vào thoái trào bởi sức ép từ các loại xe chạy xăng và dầu (diesel).
Bước ngoặt diễn ra vào năm 1908 khi tập đoàn ô tô Ford tiến hành sản xuất hàng loạt mẫu xe Model T và đồng thời, nhà phát minh Charles Kettering giới thiệu bộ khởi động mới trên xe ô tô giúp loại bỏ động tác “quay tay” cho việc khởi động máy.
Mẫu xe điện Ford Model T 1908.
Giá thành là một điểm yếu của xe điện. Theo tính toán thì vào khoảng năm 1910, giá bình quân của một chiếc xe điện rơi vào khoảng 1.750 USD trong khi xe chạy xăng chỉ có giá bình quân 650 USD.
Trên thực tế, ở giai đoạn bùng nổ đầu tiên của xe điện, loại phương tiện này cũng chỉ được tiêu thụ và sử dụng bởi giới quý tốc và nhà giàu.
Từ năm 1920, khi hạ tầng giao thông được cải thiện, ngành công nghiệp khai thác dầu phát triển đã giúp cho giá nhiên liệu rẻ hơn rất nhiều. Chính vì vậy, xe chạy xăng và dầu ngày càng được ưa chuộng bởi nó phù hợp với đa số dân chúng, kể cả ở các vùng nông thông, các trang trại.
Đến năm 1930, xe điện đã gần như hoàn toàn biến mất. Trong khi đó, xe sử dụng động cơ đốt trong lại bắt đầu bùng nổ.
XE ĐIỆN HỒI SINH
Giữa thế kỷ thứ 19, sau khi thế chiến 2 kết thúc, sự tàn phá của chiến tranh đã khiến cho đa số nhiều quốc gia bị cạn kiệt và gặp khó khăn về nhiên liệu.
Năm 1970, giá xăng tăng cao kỷ lục đã khiến Mỹ phải quay trở lại với nhu cầu phát triển xe điện. Các tập đoàn ô tô được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển để đưa xe điện trở lại với giá thành thấp hơn, góp phần giải quyết bài toán năng lượng.
Đến năm 1982, tập đoàn General Motors (GM) chiếc tạo chiếc xe hybrid đầu tiên sử dụng cùng lúc cả xăng và điện.
Năm 1996, GM chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt mẫu xe điện EV1. Mẫu xe này có thể di chuyển quãng đường lên đến 129 km cho một lần sạc pin.
Một năm sau đó, Toyota đã tạo nên một bước ngoặt khi lần đầu tiên giới thiệu mẫu xe hybrid Prius. Cho đến nay, Toyota Prius vẫn là một cái tên đình đám của ngành công nghiệp ô tô thế giới trong loại hình xe lai này. Theo thống kê, đến nay đã có trên 37 triệu chiếc Toyota Prius được bán ra thị trường kể từ lần đầu tiên ra mắt vào năm 1997.
Cùng thời gian Toyota Prius ra mắt, nhiều hãng xe khác cũng bắt đầu sản xuất những mẫu xe điện đầu tiên của mình. Có thể kể đến như Honda với mẫu xe EV Plus, Nissan với Altra EV hay Chevrolet (GM) với S-10 EV…
Dù xe điện và hybrid đã được quan tâm trở lại từ định hướng của chính phủ nhiều nước cho đến bản thân các tập đoàn ô tô lớn song nó vẫn bị gián đoạn vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000.
Video đang HOT
Năm 2003, Tesla Motors chính thức được thành lập tại bang California (Mỹ) với chiến lược nghiên cứu và phát triển xe điện. Sự ra đời của Tesla khiến nhiều người nghi ngờ bởi khi ấy, xe điện vẫn đang gặp vô vàn trở ngại, trong đó đáng kể nhất vẫn là giá thành.
Bên cạnh đó, một vấn đề gây tranh cãi toàn cầu là xe điện có thực sự bảo vệ môi trường hay không khi mà các giải pháp xử lý pin thải của xe điện chưa hoàn toàn thuyết phục.
Trên thực tế là ngay cùng thời điểm Tesla Motors ra đời, tập đoàn GM (Mỹ) cũng đã rút toàn bộ những chiếc xe điện EV1 ra khỏi thị trường và tiến hành phá hủy chúng.
Sau khi thành lập, Tesla Motors cũng dường như bị rơi vào quên lãng, khái niệm xe điện cũng gần như không được nhắc tới.
Tesla Roadster và Nissan Lead – Hai mẫu xe điện góp phần tạo nên một bước ngoặt của ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Cho đến năm 2006, Tesla Motors tung ra mẫu xe điện đầu tiên của mình mang tên Roadster. Đây chính là mẫu xe thuần điện đầu tiên trên thế giới có khả năng vận hành trên đường cao tốc. Tuy nhiên, Roadster nói riêng và xe điện nói chung vẫn chưa được người tiêu dùng quan tâm.
Đến năm 2009, Bộ Năng lượng Mỹ đã tiến hành trao khoản vay trị giá 8 tỷ USD cho một số hãng xe như Ford, Nissan và cả Tesla. Cũng nhờ khoản vay này, Tesla đã tránh được bờ vực phá sản để một thập niên sau đó trở thành cái tên đình đám trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Đến năm 2010, hai hãng xe Nhật Bản là Nissan và Mitsubishi tung ra mẫu xe điện đầu tiên của mình. Với Nissan là mẫu xe Leaf còn với Mitsubishi là i-MiEV. Bản thân người viết cũng đã may mắn là một trong những người đầu tiên được cầm lái chiếc xe điện Lead ngay trong đường thử tại nhà máy của Nissan (Nhật Bản) vào năm 2009 trước khi mẫu xe này bán ra thị trường.
Năm 2011, Mitsubishi i-MiEV trở thành mẫu xe điện đầu tiên trên thế giới cán mốc sản lượng bán hàng 10.000 chiếc. Đến năm 2014, mẫu xe này chính thức phá ngưỡng sản lượng bán hàng 100.000 chiếc.
XU THẾ TẤT YẾU
Cần phải thừa nhận một thực tế là không phải GM, Ford, Nissan, Toyota hay Mitsubishi mà chính Tesla mới là hãng xe kích hoạt và khẳng định xu thế tất yếu của xe điện.
Một trong những bước ngoặt do Tesla thực hiện là việc xây dựng mạng lưới trạm sạc ở Bắc Mý. Với hệ thống trạm sạc này, người tiêu dùng sử dụng xe điện của Tesla có thể sạc hoàn toàn miễn phí.
Khi hệ thống hạ tầng phục vụ cho xe điện bắt đầu được giải quyết, xe điện đã có cơ sở để thúc đẩy phát triển. Đến năm 2015, loại hình xe thuần điện đã chính thức cán ngưỡng sản lượng bán hàng 500.000 chiếc trên toàn thế giới.
Một trong những bước ngoặt quan trọng nhất giúp xe điện bùng nổ và khiến cả thế giới quan tâm diễn ra vào năm 2016 khi Tesla tung ra thị trường Model 3. Mẫu xe điện này chỉ có giá bán lẻ 35.000 USD, môt mức giá cực kỳ hợp lý trong bối cảnh giá thành xe điện nói chung vẫn còn đắt đỏ.
Người tiêu dùng cũng đặc biệt quan tâm khi Tesla Model 3 có khả năng tăng tốc lên 96 km/h chỉ trong 2,5 giây, nhanh thứ 3 trong thế giới ô tô.
Sự ra đời của Tesla Model 3 đã kích thích một cuộc chạy đua nghiên cứu và phát triển xe điện trên toàn cầu. Tesla đã thuyết phục được cả các nhà quản lý lẫn người tiêu dùng về những thế mạnh và lợi ích của xe điện trong xu hướng phát triển giao thông hiện đại và văn minh bên cạnh vấn để muôn thủa của loại người là môi trường.
Và cũng chính sự ra đời của Model 3 đã góp phần giúp Elon Musk, nhà sáng lập hãng xe điện Tesla, đã trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới dù đã từng suýt phá sản vào năm 2009.
Mẫu xe ô tô điện thông minh toàn cầu thương hiệu Việt VinFast VF 8.
Giới chuyên gia đánh giá xe điện chính là một xu thế tất yếu của công nghệ di chuyển toàn cầu. Dự báo đến khoảng năm 2040, xe điện sẽ chiếm khoảng 35% tổng lượng ô tô bán ra trên toàn cầu.
Ngay tại Việt Nam, hãng xe VinFast cũng đã chính thức dừng sản xuất xe động cơ đốt trong để chuyển sang sản xuất hoàn toàn xe điện. Hai mẫu xe đầu tiên là VF e34 và VF 8 hiện đã lăn bánh trên khắp các cung đường. Đáng chú ý là không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, các dòng xe điện thương hiệu Việt cũng sẽ được xuất khẩu sang các thị trường ô tô lớn trên thế giới như Mỹ và châu Âu.
Cuộc chiến EV - Tesla phát triển thế nào sau 19 năm?
Bắt đầu phát triển xe điện từ khi thành lập, trải qua nhiều thăng trầm, hãng xe Mỹ lại trở thành người tiên phong trong cuộc chiến xe điện.
Tesla là hãng xe điện và năng lượng sạch của Mỹ, với trụ sở đặt tại TP Austin, bang Texas. Các sản phẩm chính của Tesla bao gồm xe điện, hệ thống pin cho nhà ở, tấm pin mặt trời và các sản phẩm, dịch vụ liên quan.
Hiện nay, Tesla là nhà sản xuất ôtô giá trị nhất thế giới với giá trị vốn hóa thị trường hơn 600 tỷ USD. Giám đốc Điều hành Tesla cũng đang là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng lên đến 220 tỷ USD theo thống kê của Forbes.
Tranh chấp quyền lực và sự thống trị của Elon Musk
Vào ngày 1/7/2003, Hãng xe Mỹ chính thức được thành lập với tên ban đầu là Tesla Motors, Inc. bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning, nắm giữ lần lượt chức vụ Giám đốc Điều hành và Giám đốc Tài chính. Martin Eberhard khi đó cho biết ông muốn xây dựng một nhà sản xuất ôtô đồng thời là một công ty công nghệ, với các công nghệ cốt lõi bao gồm hệ thống pin, phần mềm máy tính và động cơ độc quyền.
Ian Wright là nhân viên thứ 3 của Tesla, gia nhập vài tháng sau đó. Vào tháng 2/2004, Tesla đã huy động được 7,5 triệu USD ở vòng gọi vốn đầu tiên, bao gồm 6,5 triệu USD từ Elon Musk. Với số tiền đầu tư lớn, Elon Musk trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị và là cổ đông lớn nhất của Tesla. Vào tháng 5/2004, JB Straubel gia nhập Tesla với tư cách là Giám đốc Kỹ thuật.
Vào tháng 2/2006, Elon Musk dẫn đầu vòng gọi vốn thứ hai của Tesla với trị giá 13 triệu USD. Ở vòng gọi vốn thứ 3 vào tháng 5/2006, Elon Musk tiếp tục đồng dẫn đầu với sự đầu tư từ các doanh nhân nổi tiếng bao gồm hai người đồng sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page, cùng cựu Chủ tịch eBay Jeff Skoll.
Vào tháng 8/2007, Martin Eberhard được Hội đồng Quản trị, do Elon Musk dẫn đầu, yêu cầu từ chức Giám đốc Điều hành. Martin Eberhard sau đó đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Công nghệ trước khi rời công ty vào tháng 1/2008. Đồng sáng lập Marc Tarpenning, người từng là Phó Giám đốc Kỹ thuật Điện của hãng cũng rời công ty vào tháng 1/2008.
Vào tháng 8/2007, Michael Marks được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành tạm thời. Đến tháng 12/2007, Ze'ev Drori đảm nhiệm vị trí này. Tháng 10/2008, Elon Musk kế nhiệm Ze'ev Drori, nắm giữ vị trí Giám đốc Điều hành cho đến nay.
Sự rối loạn trong hệ thống nhân sự đã khiến vụ kiện giữa Martin Eberhard và Tesla bùng nổ vào tháng 9/2009. Martin Eberhard đã đệ đơn kiện Elon Musk vì cáo buộc đã tìm mọi cách đẩy ông ra khỏi Tesla. Sau đó tòa án ra phán quyết công nhận cả 5 người, bao gồm Martin Eberhard, Marc Tarpenning, Ian Wright, Elon Musk và JB Straubel đều là những người đồng sáng lập.
Sau giai đoạn tranh chấp quyền lực, Elon Musk trở thành "nhà độc tài" đối với Tesla, và cũng là người ảnh hưởng nhiều nhất tới Tesla cho đến nay.
Tesla Roadster - sản phẩm xe điện đầu tiên
Elon Musk đóng vai trò tích cực trong Tesla và giám sát việc thiết kế mẫu xe Roadster, nhưng không tham gia sâu vào các hoạt động kinh doanh của hãng.
Chiến lược của hãng xe Mỹ là bắt đầu với một mẫu xe thể thao cao cấp, nhắm đến những người dùng hạng sang, sau đó chuyển sang các loại xe phổ thông hơn, bao gồm cả sedan và xe điện cỡ nhỏ với giá cả phải chăng.
Vào ngày 11/7/2005, Tesla và nhà sản xuất ôtô thể thao Anh quốc Lotus đã ký một thỏa thuận về các sản phẩm và dịch vụ phát triển Roadster dựa trên nền tảng khung gầm của mẫu xe Lotus Elise. Chính vì thế Tesla Roadster có khoảng 6% bộ phận tương đồng với Lotus Elise, chiều dài cơ sở dài hơn 5 cm và khung gầm cứng hơn một chút.
Nguyên mẫu đầu tiên của Tesla Roadster đã chính thức được tiết lộ trước công chúng vào ngày 19/7/2006 trong một sự kiện riêng tư với 350 người tham dự tại TP Santa Monica, bang California, Mỹ.
Sau đó xe được ra mắt rộng rãi trước công chúng tại Triển lãm San Francisco International Auto Show 2006. Tháng 12/2006, tạp chí Time trao giải thưởng "Những phát minh tốt nhất năm 2006", hạng mục giao thông vận tải cho Tesla Roadster.
Thời điểm mới ra mắt, Tesla mở bán phiên bản đặc biệt Roadster Signature One với vỏn vẹn 200 chiếc và chính thức hết hàng vào tháng 10/2007. Sau đó, quá trình sản xuất Roadster phiên bản thương mại bắt đầu vào năm 2008.
Đến tháng 6/2009, Tesla Roadster đạt doanh số sản xuất 500 chiếc. Hãng xe Mỹ tiếp tục trình làng phiên bản facelift 2010 và phiên bản thể thao Sport. Tháng 9/2010, Roadster phiên bản facelift được trưng bày tại Triển lãm Geneva Motor Show.
Roadster được trang bị động cơ điện cảm ứng 3 pha, 4 cực, sản sinh công suất tối đa 248 mã lực và mô-men xoắn cực đại 270 Nm ở mọi dải vòng tua 0-6.000 vòng/phút. Nhờ đó xe có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 3,9 giây, tốc độ được giới hạn điện tử ở mức 201 km/h. Động cơ được làm mát bằng không khí và không cần hệ thống làm mát bằng chất lỏng.
Mẫu Sport được giới thiệu tại Triển lãm North American International Auto Show vào tháng 1/2009 sở hữu động cơ mạnh hơn, sản sinh công suất tối đa 288 mã lực. Thời gian tăng tốc cũng nhỉnh hơn phiên bản tiêu chuẩn khi chỉ mất 3,7 giây để đạt vận tốc 100 km/h từ trạng thái tĩnh. Cả hai phiên bản Tesla Roadster có khả năng đạt phạm vi hoạt động lên đến 393 km trong một lần sạc.
Tesla tiếp tục sản xuất Roadster cho đến tháng 1/2012, khi hợp đồng của hãng với Lotus Cars cho 2.500 khung gầm của Roadster hết hạn vào cuối năm 2011. Tesla ngừng nhận đơn đặt hàng đối với Roadster tại thị trường Mỹ vào tháng 8/2011.
"Lớn nhanh như thổi" từ IPO thành công
Vào tháng 5/2010, Tesla đã mua lại khoảng đất mà sau này trở thành nhà máy của hãng tại TP Fremont, bang California từ Toyota với giá 42 triệu USD. Tháng 10/2010, hãng bắt đầu việc xây dựng và sản xuất mẫu Model S.
Vào ngày 29/6/2010, Tesla chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), biến đây trở thành hãng xe thứ 2 tại Mỹ IPO sau Ford vào năm 1956. Công ty đã phát hành 13,3 triệu cổ phiếu phổ thông với giá 17 USD/cổ phiếu, huy động được 226 triệu USD.
Vào tháng 6/2012, Tesla ra mắt mẫu sedan hạng sang Model S. Nhanh chóng sau đó, mẫu xe này giành được một số giải thưởng ôtô trong năm 2012 và 2013, đồng thời trở thành mẫu xe điện đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng doanh số hàng tháng của một quốc gia. Cụ thể, Tesla Model S trở thành mẫu xe có doanh số cao nhất vào tháng 9/2013 tại Na Uy. Đây cũng là mẫu xe điện bán chạy nhất trên toàn thế giới trong các năm 2015 và 2016.
Chiếc Tesla Model S đầu tiên rời nhà máy tại TP Fremont, bang California vào tháng 6/2012.
Hệ thống tự lái Tesla Autopilot được ra mắt vào năm 2014. Kể từ tháng 9/2014, tất cả các xe Tesla xuất xưởng đều được trang bị các cảm biến và phần mềm để hỗ trợ tính năng này.
Sau Model S, Tesla nhanh chóng ra mắt mẫu xe thứ 3, mẫu SUV hạng sang Tesla Model X vào tháng 9/2015. Khi đó hãng đã có 25.000 đơn đặt hàng trước.
Tesla Model X.
Vào tháng 11/2016, Tesla đã mua lại SolarCity trong một thương vụ trị giá 2,6 tỷ USD toàn bộ bằng cổ phiếu và tham gia vào thị trường điện mặt trời. Mảng kinh doanh lắp đặt năng lượng mặt trời đã được hợp nhất với bộ phận sản phẩm lưu trữ năng lượng pin hiện có của Tesla để tạo thành công ty con Tesla Energy. Thỏa thuận này đã gây tranh cãi vì vào thời điểm mua lại, SolarCity đang đối mặt với các vấn đề thanh khoản mà các cổ đông của Tesla không được thông báo.
Vào tháng 2/2017, Tesla Motors đổi tên thành Tesla, Inc., nhằm thể hiện rõ hơn phạm vi kinh doanh mở rộng của hãng, bao gồm xe điện, hệ thống lưu trữ năng lượng pin và sản xuất năng lượng mặt trời.
Tesla ra mắt mẫu xe thứ 4, Model 3 vào tháng 7/2017. Model 3 là một mẫu xe rẻ hơn so với các mẫu xe Tesla trước đó và được dành cho thị trường phổ thông. Đến tháng 8/2017, đã có 455.000 đơn đặt hàng trước cho Model 3. Nhanh chóng sau đó, Model 3 trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới vào năm 2018.
Tesla Model 3.
Năm 2019, Tesla chính thức xây dựng nhà máy đầu tiên bên ngoài nước Mỹ, cụ thể là tại TP Thượng Hải, Trung Quốc. Đây cũng là nhà máy ôtô đầu tiên ở Trung Quốc thuộc sở hữu hoàn toàn của một hãng nước ngoài và được xây dựng trong vòng chưa đầy 6 tháng. Một năm sau, Tesla bắt đầu xây dựng thêm hai nhà máy tại Thủ đô Berlin, Đức và bang Texas, Mỹ. Vào tháng 3/2020, Tesla bắt đầu bàn giao mẫu xe thứ 5 của mình, mẫu crossover Model Y.
Tesla Model Y.
Trong năm 2015-2020, Tesla đã mua lại một số công ty như Riviera Tool, Grohmann Engineering, Perbix, Compass Automation, Hibar Systems, German ATW Automation, Maxwell Technologies và SilLion để nâng cao chuyên môn của Tesla trong lĩnh vực tự động hóa và công nghệ pin.
Grohmann Engineering sau đó được đổi tên thành Tesla Grohmann Automation, cùng với Maxwell Technologies hoạt động như công ty con của hãng xe Mỹ, trong khi các công ty còn lại được sáp nhập vào Tesla. Vào tháng 7/2021, Elon Musk cho biết rằng Tesla đã bán Maxwell Technologies cho cựu Phó Giám đốc Kinh doanh của công ty này.
Vào tháng 10/2020, trong một cuộc phỏng vấn với Electrek, Tesla cho biết hãng đã giải thể bộ phận quan hệ công chúng (PR) (ngoại trừ một số Giám đốc PR đại diện cho thị trường châu Âu và châu Á của Tesla), trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên làm điều này.
Tương lai của Tesla
Vào ngày 10/1/2020, Tesla đạt giá trị vốn hóa thị trường 86 tỷ USD, phá kỷ lục về mức định giá cao nhất cho một nhà sản xuất ôtô tại Mỹ. Vào ngày 10/6/2020, giá trị vốn hóa thị trường của Tesla đã vượt qua BMW, Daimler và Volkswagen cộng lại. Tháng tiếp theo, Tesla đạt mức định giá 206 tỷ USD, vượt qua mức 202 tỷ USD của Toyota để trở thành nhà sản xuất ôtô giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường.
Từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, Tesla lần đầu tiên báo cáo 4 quý có lãi liên tiếp. Trong suốt năm 2020, giá cổ phiếu của Tesla đã tăng 740%. Ngày 26/1/2021, vốn hóa thị trường của hãng đạt 848 tỷ USD, khiến Tesla trở thành công ty có giá trị thứ 5 tại Mỹ.
Năm 2020, Tesla đã đạt được mục tiêu sản xuất 500.000 chiếc xe điện. Doanh số đạt 19 tỷ USD, cao hơn gấp 3 lần so với con số 6,3 tỷ USD vào cuối năm 2019.
Đến tháng 10/2021, giá trị vốn hóa thị trường của Tesla đạt 1 nghìn tỷ USD, trở thành công ty thứ 6 làm được điều này trong lịch sử nước Mỹ.
Vào ngày 22/3/2022, Tesla đã khai trương nhà máy sản xuất tại Thủ đô Berlin. Đây được xem là nhà máy sản xuất xe điện lớn nhất tại châu Âu. Vào ngày 7/4/2022, Tesla tổ chức lễ khai trương nhà máy thứ hai tại bang Texas với sự tham dự của khoảng 15.000 khách mời.
Không dừng lại ở đó, hãng xe Mỹ đã bắt đầu xây dựng nhà máy thứ hai tại Trung Quốc. Dự kiến nhà máy thứ hai sẽ được xây dựng gần nhà máy hiện tại ở Lingang, Khu mới Phố Đông, Thượng Hải. Một khi nhà máy mới đi vào hoạt động, Tesla sẽ có khả năng sản xuất hai triệu xe/năm tại Trung Quốc. Con số này vượt qua sản lượng nội địa của nhiều nhà sản xuất ôtô khác, bao gồm Toyota với 1,6 triệu xe vào năm 2021 và General Motors với 1,4 triệu xe.
Sở dĩ Tesla mạnh tay đầu tư vào Trung Quốc vì những ưu đãi hào phóng từ chính phủ, đồng thời hãng xe Mỹ cũng là nhà sản xuất ôtô nước ngoài đầu tiên không bắt buộc phải liên doanh với các đối tác Trung Quốc.
Nhà máy tại Thượng Hải đã trở thành viên ngọc quý của Tesla và cũng là trung tâm sản xuất chính của hãng. Khoảng một nửa trong số 936.000 xe được bàn giao trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tesla đã sử dụng nhà máy tại đây để triển khai các công nghệ mới nhất trước khi triển khai sang các cơ sở sản xuất khác tại Mỹ.
Có thể nói 19 năm qua là giai đoạn thành công của Tesla, không có nhiều thách thức của các đối thủ, vốn vẫn đang tập trung vào ôtô sử dụng động cơ đốt trong. Thời điểm này trở đi, Tesla sẽ cần chứng tỏ nhiều hơn về sản phẩm cũng như năng lực sản xuất, bởi hầu hết các hãng xe đã tham gia vào cuộc chiến EV.
Lộ diện mẫu xe điện có khả năng di chuyển liên tục 1.000 km Ngày càng có nhiều nhà sản xuất ô tô điện tung ra các mẫu xe có tầm hoạt động xa, đơn cử như Lucid Air, Tesla Roadster và một tên tuổi mới đến từ Na Uy là Fresco XL. Theo thông tin từ nhà sản xuất, xe có thiết kế khí động học, cho khả năng di chuyển liên tục gần 1.000 kilomet...