Xe điện, tiện nhưng chưa “Hà Nội”
Đưa xích lô du lịch vào quản lý, dần dần xóa bỏ loại hình phương tiện này, là chủ trương được lãnh đạo thành phố Hà Nội xem xét và đưa ra trong buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL vào tháng 8 vừa qua. Vấn đề này đang được dư luận quan tâm khi mới đây, quận Hoàn Kiếm đề xuất phương án thay thế xích lô bằng phương tiện đang chứng tỏ nhiều ưu thế vượt trội – xe điện.
Xe điện là xu hướng tất yếu nhưng Hà Nội sẽ tiếc nuối nếu mất đi văn hóa du lịch xích lô
Xe điện “hơn” xích lô những gì?
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Quốc Hoa – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã đề xuất thành phố xem xét lộ trình thay xích lô du lịch bằng xe điện. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm 2014 sẽ giảm 50% số lượng xích lô hoạt động và đến hết năm 2014 sẽ loại bỏ hoàn toàn phương tiện này. Cũng theo ông Hoa, có khoảng 700-800 xích lô đang hoạt động trên các tuyến phố, vượt trội so với số lượng đăng ký là 300. Trong thời gian qua, việc quản lý hoạt động xích lô gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do xích lô gây ách tắc, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, lái xe “ăn gian” tiền, chạy sai tuyến, đi vào khu vực cấm… Việc xử lý vi phạm đối với xích lô cũng không đơn giản khi đây là phương tiện thô sơ, phần lớn lại chuyên chở du khách nước ngoài. Mặc dù vẫn đang duy trì và đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách du lịch trong nội thành nhưng cần có phương án thay thế dần loại phương tiện này để phù hợp tốc độ phát triển của thành phố. Trong khi đó, việc thí điểm mô hình xe điện “Du lịch xanh” đã đạt được những kết quả tốt và có khả năng thế chỗ cho xích lô.
Xe điện có ưu điểm là tốc độ vừa phải (chỉ cho phép chạy không quá 25km/h), khả năng vận tải lớn (mỗi lượt chuyên chở 7 hành khách), và thân thiện với môi trường. Qua 3 năm triển khai, xe điện đang trở thành sản phẩm du lịch mới đầy tiềm năng của Thủ đô Hà Nội, chiếm được lòng tin của du khách trong và ngoài nước. Theo ông Đỗ Xuân Thủy – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, đơn vị thực hiện dự án thí điểm xe điện phục vụ khách du lịch, trên toàn quận đang có 30 xe được đưa vào hoạt động, phục vụ xấp xỉ 1.000 khách mỗi ngày. Hiện có 3 tuyến du lịch đang được triển khai, trong đó tuyến du lịch phố cổ được nhiều du khách lựa chọn. Bên cạnh việc tham quan, chiêm ngưỡng những con phố, khách du lịch được nghe thuyết minh lịch sử văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Luyến tiếc một biểu tượng
Mặc dù đang trở nên yếu thế hơn so với xe điện, nhưng hình ảnh những chiếc xích lô chầm chậm đi trên các con phố đã trở thành nét văn hóa đẹp của Thủ đô Hà Nội. Với số lượng lớn xích lô đang hoạt động trên các đường phố, chỉ nên giảm hay xóa bỏ hoàn toàn là vấn đề cần cân nhắc kỹ. Có ý kiến cho rằng cần có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của xích lô, trong đó nên quy hoạch các tuyến phố dành riêng cho phương tiện này hoạt động, thay vì cấm lưu hành trên đường phố. Nhưng dù là phương án nào, chắc chắn, cần phải có kế hoạch chuẩn bị và lộ trình thực hiện phù hợp.
Trước hết, không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch, xích lô cũng là phương tiện phổ biến trong đời sống xã hội, đặc biệt trong các đám cưới hỏi. Việc rước dâu, ăn hỏi… bằng xe xích lô đã gần như là một nếp sống không thể thiếu đối với người dân Hà Nội. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hoa cho biết, trước nhu cầu người dân sử dụng xích lô trong các đám cưới, quận cũng đã tính toán phương án sử dụng xe điện thay xích lô. Tuy nhiên do đặc thù chạy theo tuyến định sẵn, nên chưa thể triển khai rộng rãi. Đó là chưa kể đến bài toán giải quyết việc làm cho lực lượng lái xe xích lô dư thừa. Phần lớn những người lái xích lô đều chưa đáp ứng yêu cầu sức khỏe cũng như trình độ chuyên môn để điều khiển một chiếc xe điện.
Rõ ràng, với một thành phố có bề dày lịch sử lên tới 1000 năm như Thủ đô Hà Nội, việc xóa bỏ một biểu tượng, khắc sâu trong tiềm thức của biết bao thế hệ gia đình chắc hẳn sẽ để lại nhiều nuối tiếc, dẫu biết sự thay thế là tất yếu của phát triển. Đứng về góc độ văn hóa, xe điện rất tiện, nhưng chưa “Hà Nội” lắm. Chắc chắn, trong tương lai, loại hình này sẽ thay thế xích lô, nhưng bằng mọi cách, xe điện cần phải được “trao” thêm nhiều tính năng, cũng như chuyên nghiệp hóa hơn nữa để xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô Hà Nội đang ngày một vươn lên.
MAI ANH
Theo ANTD
Hà Nội mở rộng "du lịch xanh"
Với những thành công sau hơn 2 năm thí điểm, UBND quận Hoàn Kiếm vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép mở rộng phạm vi hoạt động phục vụ khách du lịch tham quan bằng phương tiện giao thông sạch (xe ôtô điện) nhiều tuyến phố khác trên địa bàn.
Du lịch bằng phương tiện giao thông sạch sẽ chiếm ưu thế
Mở rộng phạm vi, giá vé giữ nguyên
Hơn 2 năm qua, người dân phố cổ đã quen thuộc với những chiếc xe điện mang thương hiệu "Du lịch xanh" chở du khách lướt đi trên các tuyến phố tấp nập của Thủ đô. Không chỉ khách du lịch quốc tế, du khách Việt Nam cũng rất thích thú với loại hình du lịch bằng xe điện tại phố cổ Hà Nội. Bác Lê Văn Thanh, người Đà Nẵng nói: "Giá cả rất phải chăng. Xe đi nhẹ nhàng, lịch sự, an toàn, không khói, không ô nhiễm môi trường. Đi tới địa chỉ nào, phố nào đều có giới thiệu khá kỹ về không gian, nhân vật văn hóa để du khách nắm bắt được. Các thông tin rất bổ ích...".
Từ những hiệu quả kinh tế - xã hội rõ ràng qua giai đoạn thí điểm, Công ty CP Đồng Xuân đã đề xuất mở rộng phạm vi hoạt động du lịch bằng xe ô tô điện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân nói: "20 chiếc của giai đoạn I giờ không thể đáp ứng hết nhu cầu của du khách và các công ty du lịch. Do đó, chúng tôi đề xuất việc mở rộng phạm vi hoạt động và tăng thêm xe."
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm sẽ mở rộng thêm 2 tuyến tham quan, dài 6-7 km. 2 tuyến mới đi qua nhiều phố thuộc khu "phố Pháp", gắn liền với nhiều công trình văn hóa, kiến trúc, các địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Chùa Quán Sứ, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà Hát lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị... Phương tiện sử dụng vẫn là xe ôtô điện, từ 8-11 chỗ ngồi, phù hợp không gian kiến trúc và hệ thống giao thông trong khu phố cổ, phố cũ. Giá vé đề xuất cũng giữ nguyên như giai đoạn I (20.000 đồng/khách/lượt 35-40 phút).
Đặc biệt, khác với giai đoạn I, một số xe điện giai đoạn II sẽ được trang bị pin năng lượng mặt trời để tăng thời gian sử dụng. "Ý nghĩa kinh tế không lớn vì chi phí mua pin mặt trời rất đắt đỏ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đề xuất để nâng cao ý nghĩa về du lịch xanh, du lịch sạch" - ông Đỗ Xuân Thủy nói.
Thống nhất mở rộng
Liên quan tới đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoa cho biết, liên ngành TP đã họp và thống nhất để UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND TP cho phép dự án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe ôtô điện) mở rộng phạm vi hoạt động đưa khách du lịch tham quan trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Số lượng phương tiện xe điện đầu tư thêm là 20 xe. Thời gian hoạt động từ 7h đến 23h (giảm dần tần xuất hoạt động của phương tiện vào các giờ cao điểm sáng từ 7h00 đến 8h30 chiều từ 17h00 đến 19h00). Sở GTVT, CATP và UBND quận Hoàn Kiếm sẽ duyệt luồng tuyến hoạt động và cắm biển báo các điểm dừng, đỗ theo quy định trước khi triển khai mở rộng trên thực tế.
Đại diện Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cũng ủng hộ chủ trương đầu tư thêm phương tiện xe chạy điện và mở rộng phạm vi hoạt động như đề xuất của Công ty CP Đồng Xuân. Bộ GTVT chỉ lưu ý TP Hà Nội quy định cụ thể phạm vi mở rộng và các vị trí được phép dừng, đón trả khách, lộ trình hoạt động... Đồng thời chỉ đạo hướng dẫn tổ chức giao thông và kiểm soát việc thực hiện theo lộ trình được phép hoạt động.
Theo ông Đỗ Xuân Thủy, nếu được UBND TP phê duyệt trong tháng 9-2012, các tuyến tham quan mới bằng xe điện sẽ có thể hoạt động vào tháng 12-2012.
Theo ANTD
Bọ xít hút máu người lại xuất hiện ở Hà Nội Bọ xít hút máu đang có xu thế sống gần con nguời, hoạt động về đêm. Người bị đốt xuất hiện nốt đỏ, có thể bị phù, nề, sưng to, nặng hơn là bị sốt. Bọ xít hút máu người xuất hiện tại nhà chị Trang đang sinh sống ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội Trong 2 ngày, 17 và 18/9, chị...