Xe điện tại Đức bị ghẻ lạnh vì quá đắt
Mục tiêu đạt 1 triệu ô tô điện được sử dụng vào năm 2020 tại Đức sẽ khó có thể đạt được, do vấn đề giá thành.
Năm 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đặt ra mục tiêu táo bạo là tăng số lượng ô tô điện trong nước lên một triệu chiếc vào năm 2020. Tuy nhiên, mới đây, bà đã thừa nhận mục tiêu này khó có thể đạt được.
Những chiếc xe điện gọn gàng, phù hợp với đường phố đã được đưa vào kế hoạch của chính phủ Đức từ nhiều năm trước để hiện thực mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có 4.600 người Đức lái ô tô điện, chiếm tỉ lệ 0,01% xe đăng kí mới trên toàn quốc.
Viện trợ ‘khủng’ từ chính phủ
Không khó để hiểu được vì sao người Đức không thích ô tô điện. Một phần vì hầu hết những chiếc xe này không thể đi xa hơn 100 km sau khi nạp điện. Giá cũng không hề rẻ, trung bình vào khoảng 13.000 USD, cao hơn một chiếc ô tô thông thường với động cơ đốt trong truyền thống.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi ra mắt ô tô điện của hãng Daimler.
Đầu tháng 10/2012, Thủ tướng Đức đã tổ chức một cuộc họp với người đứng đầu các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức là BMW, VW, Porsche và Daimler để nói về ô tô điện. Bà thừa nhận rằng, sẽ không dễ dàng thực hiện được mục tiêu Chính phủ đề ra. Mức 600.000 xe điện vào năm 2020 mới là hợp lý và khả thi. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, những tiến bộ về công nghệ và kĩ thuật sẽ tạo ra các thay đổi một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tính tới nay, Đức đã “bơm” 650 triệu USD để thúc đẩy phát triển động cơ điện như là một phần của các biện pháp kích thích tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đến năm 2013, Berlin dự kiến sẽ cung cấp thêm 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức lại khẳng định, sẽ không có bất cứ ưu tiên nào cho người sử dụng xe điện trong nhiệm kỳ của chính phủ hiện nay. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Philipp Rosler và Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Peter Ramsauer cũng từ chối khởi động lại các chương trình khuyến khích người mua. Họ cho rằng, sửa chữa đường bộ và xây dựng là những lĩnh vực được ưu tiên hơn.
Ngành công nghiệp ô tô thiếu nhiệt tình
Trong số những giám đốc điều hành gặp Thủ tướng Đức, duy nhất có Giám đốc điều hành hãng Daimler – Dieter Zetsche đến bằng xe điện. Điều đó cũng phần nào thể hiện sự thiếu nhiệt tình của các nhà sản xuất ô tô Đức đối với ô tô điện. Ông Zetsche phát biểu trên Đài Truyền hình Đức ZDF rằng, Chính phủ nên hài lòng nếu có 500.000 đến 600.000 xe ô tô điện trên đường phố Đức vào cuối thập kỷ này.
Video đang HOT
Ô tô điện chỉ chiếm tỉ lệ 0,01% xe đăng kí mới tại Đức.
Ông cũng kêu gọi Chính phủ hỗ trợ mua ưu đãi giống như chính sách của Pháp và Mỹ đang thực hiện. Các thành viên của Đảng Xanh trong Quốc hội đã tranh luận rằng, trợ cấp mua ô tô điện hoàn toàn có thể thực hiện được. Người phát ngôn của Đảng này khẳng định: “Nếu chúng ta không tạo ra động lực thì sẽ nhận thất bại”.
Trên các trang báo ra sau cuộc họp của Thủ tướng với các nhà sản xuất ô tô hầu hết đều nhận định rằng, việc thúc đẩy xe ô tô sạch chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tờ Suddeutsche Zeitung viết: “Xe điện là một ý tưởng tốt nhưng ngành Công nghiệp ô tô lại không nghĩ như vậy. Lãnh đạo ngành Công nghiệp ô tô phàn nàn rằng, kỹ thuật xe điện phức tạp, giá thì quá đắt nên khách hàng không muốn mua. Chúng ta không nên đặt nhiều kỳ vọng vì sẽ mất thời gian do sự thiếu nhiệt tình của các hãng xe trong các dự án ô tô điện. Bằng chứng mới nhất là Toyota đã thông báo ngừng phát triển ô tô điện. Ngành Công nghiệp ô tô hiện tại hiểu về động cơ bốn thì nhiều hơn công nghệ xe điện và họ cũng lo lắng trong việc thu lại tiền tỷ đang được đầu tư vào đây. Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy xe điện trong tương lai”.
Theo Giao Thông Vận Tải
Cuộc đua xe điện của các hãng xe hơi Đức
Trước đây, các nhà sản xuất xe hơi Đức như Daimler, BMW và Volkswagen chỉ tập trung vào việc phát triển động cơ xăng và diesel, để cho Toyota dẫn đầu về công nghệ hybrid.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, những ông lớn này cũng đã bắt đầu dành thời gian phát triển các dòng xe điện để tung ra thị trường vào năm tới.
"Các nhà sản xuất xe hơi Đức từng bỏ qua xu hướng hybrid, làm hỏng hình ảnh của họ như những hãng dẫn đầu về công nghệ", Peter de Haan, một chuyên gia phân tích thị trường ô tô nói. "Mặc dù vậy, xe điện cho họ cơ hội để phục hồi".
Mercedes-Benz B-Class chạy điện.
Daimler sẽ khởi động trong một vài tuần tới, khi trình làng phiên bản chạy điện của mẫu Smart City Car. Tại triển lãm Paris đang diễn ra, thương hiệu Mercedes-Benz của tập đoàn này đã ra mắt SLS AMG E-Cell, siêu xe được bán trên thị trường năm tới.
Hãng xe lớn nhất châu Âu Volkswagen (VW) lên kế hoạch giới thiệu bản chạy điện của mẫu Up City Car và Golf compact năm 2013. Ngoài ra, Audi mở màn bằng R8 e-tron cuối năm nay, còn Porsche vén màn 918 Spyder, siêu xe plug-in hybrid trong năm tới.
Trong khi đó, BMW có ý định xuất xưởng i3 năm 2013, mẫu xe thể thao với cấu trúc thân bằng sợi carbon và là sản phẩm đầu tiên của thương hiệu điện "i". Nhà sản xuất xứ Bavaria cũng lên kế hoạch tung ra i8 plug-in hybrid năm 2014.
Tuy nhiên, việc tiếp cận khách hàng đối với Daimler, BMW và VW sẽ không hề đơn giản, bởi họ chưa có thâm niên trong lĩnh vực này.
Nhà sản xuất Pháp Renault và đối tác Nissan sẽ không từ bỏ lợi thế mà họ có được sau khi đầu tư 5,2 tỷ USD vào xe điện. Tại triển lãm ôtô Paris, Renault giới thiệu Zoe, mẫu xe điện thứ 4 của hãng sau Fluence sedan, Kangoo van và Twinzy.
Theo Harald Geisbauer, kỹ sư 52 tuổi đến từ đông nam nước Đức, thì sự thâm nhập thị trường muộn của các nhà sản xuất xe hơi nước này không đủ thuyết phục ông mua xe điện.
"BMW, VW và Mercedes còn rất mơ hồ về những sản phẩm xe điện, hybrid của họ trong tương lai", ông Geisbauer phát biểu sau khi thử nghiệm chiếc Mitsubishi i-MiEV gần Berlin hồi đầu tháng.
Nhân 3 nhu cầu
Theo dự đoán của HIS Automotive, với những mẫu xe mới từ Đức và các nhà sản xuất khác, thị trường xe điện du lịch sẽ tăng gấp 3 doanh số, từ 102.000 xe năm nay lên 384.000 xe vào năm 2014.
Thị phần dẫn đầu của Renault-Nissan sẽ giảm từ 48% xuống 40%. Liên minh này đặt mục tiêu phân phối 1,5 triệu xe điện vào năm 2016. Hiện họ bán được khoảng 77.000 xe.
Việc thâm nhập vào thị trường Đức có thể giúp Renault-Nissan hoàn thành mục tiêu đó bằng cách tăng cường hình ảnh của phân khúc này sau khi doanh số ban đầu gây thất vọng.
Công nghệ mới
"Có những lợi thế nhất định dành cho Renault và Nissan, khi là những nhà tiên phong", Sarwant Singh, đối tác tại công ty tư vấn Frost & Sullivan nói.
Đối với Daimler, giới thiệu công nghệ mới là một phần quan trọng trong chiến lược của công ty để giành lại vị trí dẫn đầu trong phân khúc xe sang vào cuối thập kỷ, sau khi tụt xuống sau BMW và Audi năm ngoái.
Mercedes-Benz SLS E-Cell.
Bên cạnh SLS, nhà sản xuất này sẽ giới thiệu phiên bản chạy điện của mẫu B-Class và có kế hoạch phân phối vào năm 2014. Còn thương hiệu Smart ra mắt bản tính năng vận hành cao của Fortwo điện cùng mẫu concept chạy bằng pin ở Paris.
Những ưu ái của người Pháp
"Tôi tự tin chúng tôi sẽ có bước nhảy vọt với e-Smart", CEO Dieter Zetsche nói trong một sự kiện tuần trước. Daimler lên kế hoạch bán ít nhất 10.000 xe Smart điện/năm.
Với giá bán 18.910 Euro cho chiếc xe và 65 Euro/tháng để thuê pin, mẫu xe 2 chỗ này vượt trội so với các đối thủ, bao gồm Renault Zoe giá 20.600 Euro (chưa bao gồm pin). Tuy nhiên, chính phủ Pháp sở hữu 15% cổ phần Renault lại đưa ra chính sách ưu đãi lên tới 7.000 Euro dành cho người tiêu dùng mua dòng xe điện.
Không có những chương trình tương tự, các nhà sản xuất Đức có thể bất lợi trong cuộc chiến giành thị phần.
GIA MINH
Theo Infonet
Daimler, Renault-Nissan phát triển động cơ tăng áp Daimler và Renault-Nissan sẽ hợp tác phát triển một động cơ tăng áp bơm xăng trực tiếp và sẽ chia sẻ công nghệ hộp số trong bối cảnh hai bên đang mở rộng hợp tác song phương. Giám đốc điều hành Renault-Nissan Carlos Ghosn và người đồng cấp Daimler Dieter Zetsche hôm 28/9 đã xác nhận những dự án mới này tại một...