Xe địa hình lục quân Mỹ bị chê quá chật
Lầu Năm Góc đánh giá xe địa hình lục quân ISV quá chật chội để binh sĩ chiến đấu hiệu quả, dù di chuyển tốt trên mọi địa hình.
Xe Phân đội Bộ binh (ISV) mới phát triển cho lục quân Mỹ được quảng cáo là “phương tiện chở quân hạng nhẹ tốc độ cao trên mọi địa hình”, được thiết kế để hỗ trợ 9 binh sĩ cùng trang bị thực hiện chiến dịch kéo dài 72 giờ.
Tuy nhiên, bộ phận kiểm tra và đánh giá tác chiến (OT&E) của Lầu Năm Góc trong báo cáo công bố hôm 27/1 cho biết ISV không chứng minh được năng lực tác chiến trên thực địa do không gian quá chật chội.
“ISV không chở được các thiết bị cần thiết phục vụ nhiệm vụ cùng vật tư tiếp tế và nước uống cho một đơn vị hoạt động trong phạm vi gần 500 km trong 72 tiếng”, báo cáo của OT&E cho biết.
“ Xe thiếu không gian để chở binh sĩ đeo ba lô và thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, có thể gây ra gánh nặng hậu cần và tác chiến”, báo cáo có đoạn.
Xe địa hình ISV trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: GM .
Báo cáo của OT&E nhận định không gian chật hẹp của ISV không chỉ gây trở ngại về hậu cần mà còn ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của các binh sĩ thực hiện nhiệm vụ.
“Trong quá trình thử nghiệm, các binh sĩ không thể sắp xếp, tiếp cận và lấy thiết bị khi cần, làm giảm chất lượng và tốc độ thực thi nhiệm vụ”, báo cáo cho biết. “Các binh sĩ ngồi trên ISV không thể lấy trang bị từ ba lô trong lúc xe đang chạy, họ phải dừng lại để dỡ ba lô khỏi xe”.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết ISV đủ sức cung cấp “khả năng cơ động địa hình cao và cho phép các đơn vị bộ binh di chuyển theo hướng khó đoán hơn để hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ đường không và tấn công, phản công, các nhiệm vụ can thiệp, phối hợp an ninh và răn đe”.
Giới chuyên gia nhận định việc không gian chật chội của ISV khiến binh sĩ trên xe khó tiếp cận thiết bị quan trọng có thể khiến họ “bó tay chịu trận” nếu rơi vào ổ phục kích và không thể bắn trả hay rút chạy, trong khi ISV chỉ có khung thân và không có vỏ bảo vệ bên ngoài.
Báo cáo của OT&E cho biết mẫu xe không có khả năng bảo vệ cả bên dưới lẫn bên trên cho binh sĩ. Lính bộ binh không thể chui vào bên trong hoặc ẩn nấp phía sau ISV khi bị phục kích, do xe không có giáp bảo vệ bên ngoài. “Các binh sĩ phải dựa vào tốc độ và khả năng cơ động của ISV để thoát khỏi rắc rối và tránh xa nguy hiểm”.
Xe quân sự ISV thực hiện các bài kiểm tra trong một cuộc thử nghiệm. Video: GM .
Tuy nhiên, lục quân Mỹ dường như không quan tâm đến vấn đề này. Steve Herrick, trưởng nhóm phụ trách phương tiện mặt đất của lục quân Mỹ, cho biết ISV “đáp ứng các yêu cầu chính”.
“Chúng tôi đang tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ bằng cách cấp cho họ phương tiện phù hợp cho chiến dịch, có thể vận chuyển các đơn vị chiến thuật nhỏ tới điểm đổ quân nhanh hơn”, Herrick nói.
ISV được chế tạo trên cơ sở xe bán tải Chevrolet Colorado ZR2, với trọng lượng khoảng 2,2 tấn và đủ nhẹ để vận chuyển bằng trực thăng UH-60, đồng thời đủ nhỏ để đặt bên trong trực thăng CH-47. Lục quân Mỹ đặt hàng 649 chiếc ISV hồi tháng 6/2020 trong hợp đồng trị giá 214,3 triệu USD. 2.065 chiếc ISV dự kiến được xuất xưởng cung cấp cho lục quân Mỹ.
Cựu đặc nhiệm Mỹ thừa nhận làm gián điệp cho Nga
Cựu đặc nhiệm Debbins thừa nhận cung cấp các bí mật quốc phòng của Mỹ cho các đặc vụ Nga trong nhiều năm.
Các công tố liên bang tại Alexandria, Virginia, ngày 17/11 cho biết cựu đại úy đặc nhiệm lục quân Mỹ Peter Rafael Dzibinski Debbin cung cấp thông tin quốc phòng cho một cơ quan tình báo chưa xác định của Nga trong 14 năm. Debbin sẽ bị tuyên án vào ngày 26/2/2021, sổ ghi án của tòa cho biết.
Debbin, 45 tuổi, tại ngũ năm 1998-2005, ban đầu phục vụ trong các đơn vị phòng hóa rồi trở thành đặc nhiệm lục quân Mỹ. Đặc vụ tình báo Nga khuyến khích Debbin tham gia và tiếp tục làm đặc nhiệm lục quân, các công tố viên cho biết.
Nga, luật sư của Debbin chưa bình luận về thông tin.
Cựu đặc nhiệm Mỹ Peter Rafael Dzibinski Debbins. Ảnh: AP .
Các công tố viên và luật sư bào chữa cho biết Debbins phát triển mối quan tâm đến Nga do ảnh hưởng từ mẹ của mình, mội phụ nữ gốc Nga. Debbins lần đầu tới thăm Nga năm 16 tuổi. Trong chuyến thăm thành phố Chelyabinsk đầu tiên, Debbins gặp vợ của mình, con gái của sĩ quan quân đội Nga.
Debbins gặp các đặc vụ tình báo Nga khi tới nước này năm 1996, khi đang tham gia chương trình Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị (ROTC) tại trường đại học ở Mỹ. Debbins lấy bí danh là Ikar Lesnikov, sau đó gia nhập quân đội Mỹ.
Các công tố viên cho biết Debbins cung cấp cho đặc vụ Nga thông tin về đơn vị phòng hóa và lực lượng đặc nhiệm nơi cựu đại úy này công tác. Sau khi giải ngũ năm 2008, Debbins cung cấp cho phía Nga thông tin mật về các hoạt động tại lực lượng đặc nhiệm và các đồng đội cũ. Bộ Tư pháp Mỹ hôm 21/8 thông báo Debbins đã bị bắt.
Theo hồ sơ trên trang LinkedId, Debbins bắt đầu làm việc cho nhiều nhà thầu quốc phòng và tình báo ở khu vực Washington vào năm 2011, đồng thời theo học tại Viện Chính trị Thế giới, trường cao học chuyên về lĩnh vực an ninh quốc gia và tình báo.
Trang web của Viện Chính trị Thế giới cho biết Debbins là giảng viên bộ môn tình báo mạng tại trường, sau đó là giảng viên bộ môn chiến tranh hỗn hợp cho Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ và NATO. Trang LinkedId của Debbins cho biết cựu đặc nhiệm làm giáo sư tại Đại học Quốc tế Wisconsin tại Ukraine từ hồi tháng 2.
UAV mang tên lửa Mỹ đáp khẩn cấp xuống ruộng Máy bay MQ-1C của Mỹ hạ cánh xuống một cánh đồng ở Agadez vì sự cố kỹ thuật, trên phi cơ vẫn còn tên lửa AGM-114 chưa khai hỏa. "Máy bay không người lái thuộc Bộ tư lệnh châu Phi (AFRICOM) đã hạ cánh khẩn cấp ở khu vực gần thành phố Agadez, phía bắc Niger, hôm 23/1. Phi cơ gặp trục trặc...